Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] “Tồn Tại Và Thời Gian”: Đi Tìm Mục Đích Của Tồn Tại

“Để lý giải vấn đề tồn tại một cách hoàn toàn rõ ràng thì đầu tiên cần phải giải thích rõ phương thức thâm nhập vào tồn tại, phương thức thấu hiểu và nắm bắt mục đích của nó bằng khái niệm, cũng như cần phải giải thích rõ khả năng của một hiện hữu xác định với tư cách khuôn mẫu và khả năng chỉ ra con đường tiếp cận thật sự với nó”. (Tồn tại Và Thời gian – Martin Heidegger).

Tồn tại là một trong những chủ đề được nghiên cứu nhiều nhất trong triết học. Theo Heidegger, tồn tại là cái không thấy được và thường bị xem nhẹ. Vì vậy, Heidegger đã nêu lên tư tưởng và cố gắng đi tìm bản chất thật sự của nó trong Tồn Tại Và Thời Gian. Cuốn sách bắt đầu với một phần giới thiệu dài, có hệ thống, tiếp theo là hai phần, mỗi phần gồm sáu chương.

         

Tồn Tại Và Thời Gian là tác phẩm có độ dài đáng kể (khoảng 437 trang trong bản gốc) và được đánh giá là một cuốn sách khá khó đọc. Điều này có lẽ xuất phát từ việc Heidegger không sử dụng các thuật ngữ phổ biến trong triết học đối với hầu hết các vấn đề trọng tâm của cuốn sách như nhận thức luận, tính chủ thể, tính đại diện, tri thức khách quan…Dường như triết gia muốn phá vỡ những quan niệm của triết học truyền thống và người đọc có thể thấy được điều đó qua các hàm ý của ông xuyên suốt tác phẩm. Chẳng hạn, ông cho rằng tất cả những quan niệm về con người, chủ thể, ý thức đều là đức tin của tư duy truyền thống và chưa được suy nghĩ một cách thấu đáo. Với quan điểm đó, Heidegger đã sáng tạo ra những từ vựng triết học mới bằng cách cố gắng đào sâu vào gốc rễ của kinh nghiệm sống của chúng ta về thế giới. Heidegger đặt tên cho con người là “Dasein”, một thuật ngữ có thể được dịch theo nhiều cách khác nhau nhưng thường được hiểu là “hiện hữu” (being-there). Ở đây, con người trước hết không phải là một chủ thể biệt lập, bị tách biệt với những đối tượng mà nó muốn biết. Con người đúng hơn là những sinh vật luôn ở trong thế giới, là một phần của thế giới, không phân biệt chính mình. Điều này khiến cho người đọc Tồn Tại Và Thời Gian mất rất nhiều thời gian với những khái niệm mới và lạ lẫm nhưng đó có thể chính là dụng ý của tác giả để chúng ta có thể tư duy và suy ngẫm lâu hơn về các vấn đề triết học.

Có thể thấy, ý tưởng cơ bản của Tồn Tại Và Thời Gian rất đơn giản: tồn tại chính là thời gian. Ý nghĩa của đời người là tồn tại tạm thời trong khoảng thời gian giữa sinh và tử. Tồn tại là thời gian và thời gian là tồn tại, nó đến cùng với cái chết của chúng ta. Do đó, nếu chúng ta muốn hiểu ý nghĩa của việc trở thành một con người đích thực thì điều cần thiết là chúng ta phải không ngừng phóng chiếu cuộc sống của mình vào thế giới, cái mà Heidegger gọi là “hiện sinh”. Một cách thực tế, đối với những nhà tư tưởng như St. Paul, St. Augustine, Luther hay Kierkegaard, chính nhờ mối quan hệ với Chúa mà cái tôi tự tìm thấy chính mình. Còn đối với Heidegger, câu hỏi về sự tồn tại hay không của Thượng Đế không có liên quan gì đến triết học. Cái tôi chỉ có thể trở thành cái tôi thực sự thông qua việc tạo ra ý nghĩa từ sự hữu hạn của đời người. Nếu bản thể của chúng ta là hữu hạn thì ý nghĩa của việc trở thành con người bao gồm việc nắm bắt được sự hữu hạn này.


Một trong những khái niệm đáng chú ý trong Tồn Tại Và Thời Gian mà Heidegger đề cập đến đó là “lương tâm”. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường hiểu lương tâm là một cái gì đó thuộc về con người. Trong học thuật, lương tâm có nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo cách tiếp cận. Đối với Heidegger, tiếng gọi lương tâm là tiếng gọi làm im lặng những ồn ào của thế giới và đưa cái tôi trở về với chính mình. Heidegger cho rằng chính trải nghiệm kỳ lạ về một thứ gì đó giống như có một giọng nói trong đầu được gọi là lương tâm. Nó khiến chúng ta không ngừng liên hệ bản thân với thế giới. Vậy điều gì được nói theo tiếng gọi của lương tâm? Thực tế là theo Heidegger, chẳng có gì được nói ở đây cả. Tiếng gọi của lương tâm là sự im lặng. Nó không chứa hướng dẫn hoặc lời khuyên. Tiếng nói của lương tâm có thể được rút gọn thành một từ: tội lỗi. Theo hàm ý của Heidegger, sự tồn tại của con người là sự thiếu thốn, một món nợ mà Dasein (hiện hữu) cố gắng bù đắp hoặc trả lại. Như Heidegger đã viết, “Cuộc sống là một công việc kinh doanh cho dù nó có đủ chi phí hay không”. Nợ là một cách tồn tại, do đó tôi mắc nợ. Heidegger chỉ ra rằng mắc nợ là cơ sở cho những cách hiểu truyền thống về tội lỗi. Ông cho rằng tội lỗi là nguồn gốc tiền đạo đức cho bất kỳ đạo đức nào. Như vậy, nó nằm ngoài thiện và ác. Cảm giác tội lỗi có xấu không? Không, nhưng không phải là tốt. Nó chỉ đơn giản là con người. Điều quan trọng ở đây là con người thay đổi khi hiểu được tiếng gọi của lương tâm và chấp nhận nó.


Mặc dù còn rất nhiều tranh luận về tư tưởng của Heidegger nhưng không thể phủ nhận Tồn Tại Và Thời Gian đã nêu lên một quan điểm rất độc đáo của ông đó là nắm bắt đúng mục đích của tồn tại và từ đó ảnh hưởng đến những quyết định của con người.

Martin Heidegger (1889-1976), triết gia Đức có ảnh hưởng bậc nhất thế kỷ XX, người đặt nền tảng cho triết học hiện sinh. Ông từng giảng dạy tại đại học Freiburg, đại học Marburg cho đến khi những hoạt động hàn lâm của ông bị hạn chế vào năm 1945 và về hưu vào năm 1959. Các tác phẩm tiêu biểu của M.Heidegger bao gồm: Tồn Tại Và Thời gian (1927), Những Vấn Đề Căn Bản Của Hiện Tượng Luận (1927), Siêu Hình Học Là Gì (1929), Về Bản Chất Của Chân Lý (1930)…

Review chi tiết bởi: Quỳnh Ly 

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

725 lượt xem