Đường dẫn truy cập

TQ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Mao Trạch Đông trong thầm lặng


Trung Quốc làm lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Mao Trạch Đông tại Thiều Sơn, quê hương của ông
Trung Quốc làm lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Mao Trạch Đông tại Thiều Sơn, quê hương của ông
Ngày hôm nay Trung Quốc kỷ niệm sinh nhật thứ 120 của Mao Trạch Đông với việc các nhà lãnh đạo hàng đầu đi thăm lăng Mao Trạch Đông và ca ngợi những thành tựu của nhà sáng lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Trong khi việc kỷ niệm này có vẻ thầm lặng trong năm nay, việc bày tỏ sự tôn kính này là điển hình đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, là tổ chức lâu nay vẫn thường dùng vị cố chủ tịch này để củng cố cho tính chính danh của mình. Mao Trạch Đông vẫn là một biểu tượng mạnh mẽ tại Trung Quốc dù các nhà phân tích nói công chúng đã trở nên mơ hồ nhiều hơn về di sản của ông.

Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định tổ chức những buổi lễ ít tốn kém để kỷ niệm sinh nhật Mao Trạch Đông, phù hợp với việc ông đẩy mạnh việc hạn chế những buổi lễ tưng bừng và phí phạm công quỹ. Truyền thông Trung Quốc loan báo việc cắt giảm chi phí và những sự kiện để mừng ngày kỷ niệm sinh nhật của chủ tịch họ Mao.

Nhà khoa học chính trị David Zweig nói kỷ niệm thầm lặng không có nghĩa là giới lãnh đạo đang xa dần Mao Trạch Đông. Ông nói:

“Họ rất muốn có được sức bật từ việc này. Họ muốn giữ ông Mao Trạch Đông như là một lá bài quan trọng mà họ nắm trong tay.”

Ngày hôm nay, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản, tờ Nhân dân Nhật báo, tán dương công trạng của Mao Trạch Đông là giải phóng Trung Quốc khỏi “xã hội bán đế quốc, bán phong kiến”. Báo này cũng khẳng định rằng giới lãnh đạo mới là kế thừa sự nghiệp của Mao Trạch Đông.

Bài bình luận này viết “Nhiệm vụ của những thế hệ Cộng sản vẫn luôn luôn như cũ: cách mạng, xây dựng và cải cách liên kết chặt chẽ với nhau trong lịch sử. Một diễn tiến được hoàn thành trên căn bản của những diễn tiến trước đó.”

Về những sai lầm của Mao Trạch Đông, các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu vẫn theo đuổi quan điểm là có những bước sai lầm trên đường đi đến một xã hội cộng sản. Vào những năm 1980, cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình có nhận xét là chủ tịch Mao có 7 phần đúng, chỉ có 3 phần sai mà thôi. Đánh giá này vẫn còn được nhiều sử gia Trung Quốc cũng như công chúng công nhận.

Trong bài diễn văn ngày hôm nay, chủ tịch Tập Cận Bình có vẻ như đề cập đến quan điểm này khi ông nói rằng khi đánh giá lịch sử của một nước, mọi người cần xem xét điều kiện xã hội vào thời điểm đó.

Tân Hoa Xã trích lời ông Tập Cận Bình nói:

“Chúng ta không thể phán xét những người đi trước chúng ta dựa trên các điều kiện hiện nay và mức độ hiểu biết và sự phát triển mà chúng ta có hiện nay. Chúng ta cũng không thể trông mong họ có được những thành tựu mà chỉ có những thế hệ sau này mới đạt được.”

Những người chỉ trích nói rằng việc đánh giá như vậy không để ý đến những ảnh hưởng tiêu cực nhất của một số chiến dịch của Mao Trạch Đông, hầu hết bị những nhà viết sử Trung Quốc bỏ quên.

Trong số những chính sách gây tranh cãi là nỗ lực công nghiệp hóa vùng quê Trung Quốc trong phong trào Đại Nhảy Vọt, gây nên đói kém trầm trọng và làm hàng chục triệu người thiệt mạng.

10 năm sau đó, cuộc cách mạng văn hoá đưa Trung Quốc vào một cơn sốt cộng sản và gây nên một làn sóng bạo động chính trị.

Về việc này giáo sư Zweig nói:

“Những người thuộc cánh tả và một số người trong giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại là nếu bỏ quá nhiều thì giờ chỉ trích Mao Trạch Đông về cuộc cách mạng văn hoá và nạn đói thì sẽ không còn bao năm để vinh danh ông, và do đó di sản của ông sẽ trở nên yếu hơn nhiều.”

Sử gia Từ Hữu Ngư nói về sự mơ hồ trong thái độ hiện tại đối với Mao Trạch Đông.

“Trong giới trí thức, nhiều chuyện tiêu cực của Mao Trạch Đông đã được nói đến, vì có nhiều tin tức được tiết lộ về một vài phần của lịch sử. Ví dụ như việc ông Mao để cho hơn 30 triệu người chết đói trong thời Đại nhảy vọt ngày nay đã được nhiều người công nhận hơn.”

Tuy nhiên ông Từ nói cùng một lúc, thời gian qua đi đã làm giảm bớt trí nhớ của những người chịu đau khổ dưới sự cai trị của ông Mao, và đối với những người tìm quyền lực chính trị, kỷ niệm sinh nhật Mao Trạch Đông vẫn là lợi điểm cho những mục tiêu của họ.

“Họ muốn nói nhiều về những đóng góp của Mao Trạch Đông vì những thống khổ đang càng ngày càng xa với, nhưng những cơ hội về quyền lực càng ngày càng nhiều.”

Chủ tịch Tập Cận Bình nằm trong số những người tán dương công lao của ông Mao Trạch Đông, bất chấp sự phức tạp trong liên hệ giữa gia đình họ với Chủ tịch Mao trong quá khứ.

Ông Tập Trọng Huân, thân phụ ông Tập Cận Bình, bị thanh trừng và bị bách hại trong cuộc cách mạnh văn hoá.

Mặc dù vậy, ông Tập Cận Bình đã nổi tiếng với việc đặt ra những khẩu hiệu tương tự như thời Mao Trạch Đông và phát động chiến dịch học tập tư tưởng không khác gì mấy so với những chiến dịch mà Mao Trạch Đông từng thực hiện trước đây

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG