Nhà văn Trần Đức Tiến - Thả hy vọng trên đôi cánh chuồn chuồn

Giữa lúc dư luận đang lo lắng về sự thiếu vắng những trang sách dành cho trẻ thơ, mới đây nhà văn Trần Đức Tiến (ảnh) đã trình làng tập truyện Trên đôi cánh chuồn chuồn (NXB Kim Đồng) viết cho thiếu nhi. Tập truyện ra mắt chỉ vài tháng sau tập đoản văn và tùy bút Thả hy vọng (NXB Trẻ) cũng khá ấn tượng của ông dành cho người lớn được ấn hành.
Nhà văn Trần Đức Tiến - Thả hy vọng trên đôi cánh chuồn chuồn

Giữa lúc dư luận đang lo lắng về sự thiếu vắng những trang sách dành cho trẻ thơ, mới đây nhà văn Trần Đức Tiến (ảnh) đã trình làng tập truyện Trên đôi cánh chuồn chuồn (NXB Kim Đồng) viết cho thiếu nhi. Tập truyện ra mắt chỉ vài tháng sau tập đoản văn và tùy bút Thả hy vọng (NXB Trẻ) cũng khá ấn tượng của ông dành cho người lớn được ấn hành.

Hai tác phẩm trình làng cùng năm 2015, cách nhau vài tháng, cho thấy sức nghĩ, sức viết khá mạnh mẽ của Trần Đức Tiến, nhà văn tuổi lục tuần sinh trưởng ở Hà Nam, xuất thân từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nhưng lại dấn thân vào nghiệp văn chương và gắn bó với Vũng Tàu hơn 30 năm qua.

Giấc mơ gửi theo đôi cánh chuồn chuồn

Vừa sáng tác truyện cho người lớn, Trần Đức Tiến vừa dành tình yêu và thời gian viết cho thiếu nhi. Cùng với Nguyễn Thái Hải, Nguyễn Thu Trân, Trần Hoàng Vy…, Trần Đức Tiến là một trong những nhà văn tiêu biểu trưởng thành sau năm 1975 ở miền Đông Nam bộ đã dành nhiều tâm huyết cho những trang văn gợi mở trí tưởng tượng giấc mơ tuổi thơ. Mạch văn gọn nhẹ, trong trẻo, hàm súc của ông với nội dung gần gũi đời sống văn hóa nông thôn người Việt đủ sức quyến rũ bất cứ bạn đọc nhỏ tuổi nào tìm đến trang sách. Mạch văn ấy, giấc mơ ấy bây giờ lại được ông tiếp tục khơi mở Trên đôi cánh chuồn chuồn.

Khi con người càng lớn tuổi thì ký ức ấu thơ như những đoạn phim khi mờ khi tỏ cứ ùa về. Đối với nhà văn Trần Đức Tiến, ký ức ấy trở thành chất liệu quý để ông làm điểm tựa tái dựng thời gian và không gian văn học giàu sắc thái riêng mình và có sức lan tỏa đến những tâm hồn đồng điệu. Mang tính tự truyện, Trên đôi cánh chuồn chuồn khởi đi từ câu chuyện cậu bé ba tuổi một mình ngơ ngác bò “Tìm mẹ trong vò” giữa bóng tối do người mẹ mê sang hàng xóm xem tuồng. Rồi chuyện bỏ bú sữa mẹ từ kinh nghiệm dân gian độc đáo “Gà đẻ gầm giường”, đến hình ảnh cảm động người cha đi làm xa mỗi lần về râu mọc dài hơn trong sự chờ đợi mỏi mòn của vợ con, người thầy vỡ lòng đầu tiên là ông đồ nho gầy guộc cô đơn. Nhà văn Trần Đức Tiến dần đưa bạn đọc tới những kỷ niệm thú vị khác, lúc ngô nghê oan ức, lúc nghịch ngợm hối hận, lúc hóm hỉnh buồn cười, lúc ngạc nhiên cảm động,… để cuối cùng gửi giấc mơ bay theo lá thư trên đôi cánh chuồn chuồn mỏng manh đến những chân trời cao rộng: “Gọi là thư, nhưng thực ra trên đó chỉ có vẻn vẹn vài dòng họ tên tôi và địa chỉ. Tôi nắn nót buộc mảnh giấy vào đuôi con chuồn chuồn rồi thả bay lên trời. Nghe nói loài chuồn chuồn có thể bay rất xa. Đã từng có những bầy chuồn chuồn vượt đại dương hàng ngàn cây số…”.

Hai tác phẩm mới của Trần Đức Tiến là Thả hy vọng và Trên đôi cánh chuồn chuồn

Một sự tự phát hiện mới

Có người rời nông thôn vào thành thị sống đã nhanh chóng đánh mất chất quê. Nhưng với Trần Đức Tiến thì hoàn toàn khác. Dường như sự ầm ào của phố và biển Vũng Tàu cũng như chức vị của một “quan văn” không bao giờ lấn át được con người lẫn trang văn ông luôn đậm chất văn hóa dân dã thâm trầm và ánh lên những vẻ đẹp bí ẩn kết tinh từ ruộng vườn, sông nước quê hương.

Dù thi thoảng chúng tôi đã được đọc những bài lẻ nhưng khi nhà văn Trần Đức Tiến tập hợp và xuất bản thành tập đoản văn - tùy bút Thả hy vọng thì mang lại cho tôi một không gian cảm xúc thẩm mỹ khác có hệ thống. Từng thành công với nhiều tiểu thuyết, tập truyện ngắn, nhưng với sự xuất hiện của Thả hy vọng, rõ ràng nhà văn Trần Đức Tiến đã tự phát hiện mình ở một thế mạnh mới là đoản văn và tùy bút. Ông quan niệm mọi thể loại văn chương đều bình đẳng. Không có chuyện tiểu thuyết cao cấp hơn đoản văn. Viết tiểu thuyết mà dở, chẳng ai thèm ghé mắt tới thì thua một đoản văn làm lay động nhân tâm.

Cái duyên đoản văn “viết như không” và làm người đọc phải giật mình hay mỉm cười suy ngẫm cùng tác giả, cho thấy sự tinh tế và hiện đại trong ngòi bút của ông. Thực ra đoản văn Trần Đức Tiến không khác mấy những truyện cực ngắn đang xuất hiện ngày càng nhiều trên báo chí. Tuy nhiên, cái khác ở đoản văn của ông là chất liệu đời sống thực giàu hơn sự tưởng tượng. Và sự tưởng tượng trong đoản văn Trần Đức Tiến, nếu có, chỉ là chất keo liên kết các chi tiết và giúp cho chất liệu rất thực từ đời sống thêm thăng hoa, nhất là những đoạn kết bất ngờ mang tính triết lý. Cùng là mơ ước đầu năm nhưng ước mơ của người đàn bà bán hàng rong khác với những người thành đạt giàu có. Cùng leo lên núi thiêng Yên Tử nhưng cách đi và đích đến của mỗi người “ngộ” mỗi khác.

Sự tinh tế, óc quan sát và chiêm nghiệm cũng giúp nhà văn Trần Đức Tiến thành công ở thể loại tùy bút vốn dễ viết nhưng thường trôi tuồn tuột, khó neo lại lòng người. Tùy bút Đồng hành với mất ngủ, tác giả dẫn dắt chúng ta từ cách chữa trị này đến cách khác về căn bệnh hiện đại phổ biến, với bao hỉ nộ ái ố của giới thầy thuốc và nỗi lo âu của người mất ngủ, để cuối cùng phát hiện khá nhiều điều hay.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng nhận xét: “Với nhà văn Trần Đức Tiến, ông đã tìm được con đường để trở về với tuổi thơ, ông đã tìm được vị trí của mình trong thế giới tuổi thơ ấy giữa những đứa trẻ. Vì thế, trong thế giới này, nhà văn Trần Đức Tiến đã được những đứa trẻ chào đón và giữ ông ở lại với chúng”.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục