Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 14-3-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 14-3

Sự kiện trong nước

leftcenterrightdel
Tàu HQ-505, con tàu duy nhất không bị chìm đã “ủi bãi” thành công lên đảo Cô Lin sau khi bị tàu địch bắn cháy, trở thành cột mốc chủ quyền sống của Việt Nam. Đảo Cô Lin vì thế được giữ vững đến hôm nay. Với chiến công oanh liệt, tàu HQ-505 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh tư liệu/TTXVN 

- Ngày 14-3-1988: 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mỗi khi nhắc lại sự kiện này, bên cạnh sự căm phẫn trước hành động ngang ngược, tàn bạo của kẻ thù, trong lòng mỗi người lại dâng lên niềm xót thương và sự cảm phục trước tinh thần của những người lính hải quân - những người con đất Việt anh hùng đã làm nên “vòng tròn bất tử Gạc Ma”.

- Ngày 14-3-1900: Ngày sinh của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ. Tú Mỡ tên thật là Hồ Trọng Hiếu, sinh tại phố Hàng Hòm, Hà Nội. Ông là một nhà thơ trào phúng xuất sắc, một “ngòi bút chiến đấu”, góp thêm tiếng cười lạc quan vào cuộc sống và chiến đấu của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược. Với gần nửa thế kỷ lao động văn học bền bỉ, nhà thơ Tú Mỡ đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của thơ ca trào phúng dân tộc. Trong đó phải kể đến các tác phẩm: “Dòng nước ngược”, “Nụ cười kháng chiến”, “Địch vận diễn ca”, “Anh hùng vô tận”, “Trung du cười chiến thắng”... Tú Mỡ mất năm 1976. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Sự kiện quốc tế

leftcenterrightdel
Karl Marx: Ảnh tư liệu

- 14-3-1883: Karl Marx, là một nhà triết học, nhà kinh tế học, người sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học, qua đời tại Luân Đôn trong cảnh nghèo khó.

- 14-3-1879: Ngày sinh Anbe Anhxtanh. Ông là nhà bác học vĩ đại bậc nhất của thế kỷ XIX, nhà vật lý lý thuyết người Đức, một trong người sáng lập vật lý học hiện đại.

- 14-3-1945: Quả bom Grand Slam nặng 10 tấn do không quân Hoàng gia Anh thả xuống phát nổ tại Đức. Đây là quả bom nặng nhất được sử dụng trong thế chiến thứ II.

Theo dấu chân Người

- Ngày 14-3-1948, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ gửi thư cho một bạn cũ người Italia tham gia Đảng Xã hội Pháp tên là Misen Decchini (Michele Zecchini) đã từng giúp đỡ Bác thời gian mới từ Anh trở lại Pháp hoạt động. Trong thư, Bác viết về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, thể hiện quyết tâm giành độc lập của dân tộc ta và về bệnh phổi cùng những khó khăn khi phải chống chọi với khí hậu ẩm ướt trên rừng núi chiến khu.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm gia đình công nhân Trường Cán bộ Công đoàn, năm 1961. Ảnh tư liệu

- Ngày 14-3-1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị cán bộ Công đoàn. Phát biểu trước đội ngũ cán bộ công đoàn, Người nêu rõ những nhiệm vụ của giai cấp công nhân, của công đoàn hiện nay và những biện pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó. Người đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng con người toàn diện: “Có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải có tinh thần làm chủ đất nước, chống tư tưởng làm thuê, làm mướn ngày trước, vì bây giờ mình làm cho gia đình mình, cho con cháu mình. Phải đặt lợi ích của giai cấp và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, chống thói kèn cựa, suy bì, ích kỷ”.

- Ngày 14-3-1960: Bác viết bài “Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng” đăng trên Báo Nhân Dân phân tích: “Chúng ta là những người lao động làm chủ nước nhà. Muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ. Chúng ta học tập chính là để có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới… Bởi vậy, ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động, mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình”. Cho nên, phải “học, học nữa, học mãi” như Lê-nin đã dạy.

- Ngày 14-3-1962: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Làm thế nào cho lạc thêm vui”, với bút danh T.L., đăng Báo Nhân dân, số 2912. Bài báo phê bình hiện tượng nhân dân Nghệ An dùng lạc phung phí trong khi đang cần tiết kiệm lạc để xuất khẩu đổi lấy máy móc và nguyên liệu. Theo tác giả, nếu các cán bộ phụ trách hiểu rõ lợi ích của việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp để giải thích cho đồng bào, nếu các cán bộ thu mua biết tổ chức khéo, làm đúng chính sách, đi đúng đường lối quần chúng thì chắc chắn đồng bào sẽ vui lòng tiết kiệm các nông sản để bán cho Nhà nước xuất khẩu. Tác giả kết luận bằng 2 câu thơ: “Làm thế nào cho “lạc” thêm vui? Đổi lấy máy móc, thì bầy tui quyết làm!”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”.

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ”. Lời kêu gọi được đăng trên Báo Quân đội nhân dân, xuất bản tại mặt trận, số 131, ngày 14 tháng 3 năm 1954, vào thời điểm chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vừa mở màn (ngày 13 tháng 3).

leftcenterrightdel
Chiều 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu thời khắc của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ảnh tư liệu

Ngay trong trận mở màn, quân ta đã giành được thắng lợi quan trọng, với đòn tiến công tiêu diệt cứ điểm phòng thủ vòng ngoài Him Lam, đồng thời phát triển sâu vào trung tâm đề kháng của quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Lời kêu gọi có tác động mạnh mẽ, động viên kịp thời tinh thần của các cán bộ, chiến sĩ để họ khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tiến lên phá vỡ hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hoàn thành mục tiêu độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Hiện nay, đất nước ta đã hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, cả nước vững bước đi lên hội nhập sâu rộng với nền kinh tế, chính trị thế giới, thì ý nghĩa lời kêu gọi của Bác vẫn còn nguyên giá trị, nhắc nhở mọi cán bộ, chiến sĩ dù trên bất kì cương vị nào, công việc gì phải luôn quán triệt tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”, không ngừng phát huy thành công, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, góp công, góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong giai đoạn mới, tình hình thế giới, khu vực tác động đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đặt ra yêu cầu phải tập trung xây dựng Quân đội nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, có bản lính chính trị vững vàng, tổ chức biên chế hợp lý, có trang bị từng bước hiện đại, đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc XHCN. Duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển và hải đảo; tăng cường hơn nữa công tác quản lý biên giới; quan tâm nâng cao phẩm chất cách mạng, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân trong điều kiện mới.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 554 ngày 14-3-1959 đã đăng bài “Chính phủ và nhân dân Indonesia đón tiếp Hồ Chủ Tịch như một vị khách quý và một người thân”.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 554 ngày 14-3-1959. Ảnh: Qdnd.vn 

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1175 ngày 14-3-1963 đã đăng bài “Hôm qua Vua Lào và các vị cùng đi đã kết thúc cuộc đi thăm nước ta”.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1175 ngày 14-3-1963. Ảnh: Qdnd.vn 
leftcenterrightdel
 

TRẦN HUYỀN (Tổng hợp)