50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Vấn đề chủ quyền lãnh thổ không của riêng ai'

Các nhà hoạt động hô vang khẩu hiệu chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình ở Hà Nội vào ngày 14 tháng 3 năm 2016

Nguồn hình ảnh, GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh, Các nhà hoạt động hô vang khẩu hiệu chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình ở Hà Nội vào ngày 14 tháng 3 năm 2016
  • Tác giả, Bùi Thư
  • Vai trò, BBC News Tiếng Việt

Kỷ niệm 50 Hải chiến Hoàng Sa, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc chia sẻ với BBC News Tiếng Việt quan điểm cũng như những trải nghiệm của ông gắn với sự kiện lịch sử này.

Ngày 13/1/1974, Trung Quốc cho tàu đến quần đảo Hoàng Sa. Lúc bấy giờ, cụm đảo phía tây của quần đảo đang nằm dưới quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa, trong khi Trung Quốc đã chiếm cụm phía đông từ nhiều năm trước, bất chấp việc VNCH tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ quần đảo.

Cuộc chiến ngắn ngủi vào ngày 19/1 kết thúc với việc VNCH thua trận và Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc.

Nửa thế kỷ đã đi qua nhưng đối với người Việt Nam nói chung, không phân định VNCH - một chế độ đã chấm dứt, hay Việt Nam xã hội chủ nghĩa - thể chế hiện tại - đều đeo mang nỗi mất mát chung - một phần biển đảo mà họ luôn coi là của mình đã bị Trung Quốc chiếm đóng.

Cuộc biểu tình 1974

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc năm nay đã 65 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những ngày cận Tết Nguyên Đán năm 1974. Ông đang học phổ thông vào thời điểm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình nổ ra khắp miền Nam.

Tài liệu do chính phủ VNCH công bố cho thấy nhiều hội đoàn, trường học, tôn giáo, hội sinh viên đã tổ chức các cuộc mít tinh, tuần hành và đưa ra tuyên bố nhằm lên án Trung Quốc và ủng hộ chính quyền VNCH.

Tài liệu Hoàng Sa - Lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa do chính quyền Sài Gòn phát hành vào tháng 3/1974 ghi lại rằng, sinh viên Đại học Văn khoa và Minh Đức đã tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong sự kiện mà họ gọi là “biến cố Hoàng Sa".

Thời điểm đó, chính quyền VNCH cũng đưa ra những phản ứng mạnh mẽ với những bản tuyên bố, tố cáo hành động của Trung Quốc và những văn bản, những chiếu vua để chứng minh rằng Hoàng Sa là thuộc về Việt Nam và là chủ quyền mà chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ không bao giờ từ bỏ.

“Sau khi ăn tết xong, cả học sinh miền Nam xuống đường để biểu tình và tôi là người tham gia. Sự kiện đó nó đi với tôi suốt đời,” nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc rưng rức khi nhớ lại không khí năm ấy.

Dòng người biểu tình chống Trung Quốc tập trung trước Nhà hát Lớn Hồ Chí Minh ngày 11/05/2014 để thể hiện lòng yêu nước và phẫn nộ trước việc Trung Quốc cho dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Dòng người biểu tình chống Trung Quốc tập trung trước Nhà hát Lớn Hồ Chí Minh ngày 11/05/2014 để thể hiện lòng yêu nước và phẫn nộ trước việc Trung Quốc cho dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam

Ông còn nhớ cảm giác tự hào của cậu bé 15 tuổi được hòa chung vào dòng người biểu tình để bảo vệ chủ quyền quê hương, cùng nhau hô vang khẩu hiệu của trường ông ở Vĩnh Long - “Thủ Khoa Huân ta nhắn về phương Bắc/ Đừng ngông cuồng mưu nhổ vẩy rồng Nam.”

Sự kiện Hải chiến Hoàng Sa 1974 từ đó phần nào định hình con đường của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc về Biển Đông và hải đảo Việt Nam.

“Phải nói rằng cả cuộc đời tôi là Biển Đông. Tôi chẳng sợ việc gì hết. Bảo vệ Tổ quốc không có tội. Chỉ có lợi dụng các sự kiện lịch sử, lợi dụng cái hoàn cảnh này nọ để gây rối, để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc thì mới đáng bị lên án.

“Dù chế độ ở đất nước này nó thay đổi thế nào, theo tiến trình lịch sử hiện đại mà chúng ta chưa biết, nhưng dứt khoát chúng ta phải khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Và chúng ta phải làm mọi giá, kể cả hy sinh xương máu, để đòi lại đất mẹ Việt Nam,” nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc bày tỏ với BBC.

Chụp lại video, 50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Một lịch sử đầy xung đột

50 năm mất Hoàng Sa

BBC

Quan sát những động thái và yêu sách của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, ông Đinh Kim Phúc mô tả chúng như “những vệt dầu loang”. Trong đó, cuộc Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 là một điểm mốc đánh dấu tham vọng tiến về phương Nam của Trung Quốc, một tham vọng không bao giờ dừng lại, mà sau này đúc kết thành đường lưỡi bò chín đoạn.

Ông Phúc nhắc lại từ thời Mãn Thanh (năm 1909), Trung Quốc đã cho khảo sát Hoàng Sa và tuyên bố chủ quyền ở vùng đất này và gọi là Tây Sa. Đến năm 1925, yêu sách chủ quyền đó “bò xuống tận đảo Tri Tôn” - thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đầu thập niên 1930, Trung Quốc bắt đầu tranh chấp đến quần đảo Trường Sa mà Việt Nam và một loạt nước khác cũng tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ hoặc một phần.

Leo thang trong tranh chấp chủ quyền với Việt Nam đã bùng nổ thành bạo lực trong Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, sự kiện đánh dấu việc Trung Quốc chiếm hoàn toàn quần đảo này từ VNCH, theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc.

Nói đến đây, không thể bỏ qua sự kiện ngày 21/2/1972, khi Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đến Trung Quốc nhằm chấm dứt 20 năm băng giá trong quan hệ Mỹ-Trung. Đây được coi là cột mốc đánh dấu mang tính thay đổi cục diện thế giới, biến "cái bắt tay lịch sử giữa lãnh đạo hai nước hai bên Thái Bình Dương" thành hiện thực.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng “cái bắt tay giữa Trung Quốc và Mỹ đã bán đứng các đồng minh, cả Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa”.

“Chính cái bắt tay đó dẫn đến cuộc hải chiến Hoàng Sa, là Mỹ đã làm ngơ cho Trung Quốc đánh chiếm một phần lãnh thổ của Việt Nam.

“Còn mối quan hệ giữa hai miền nam bắc thì chúng ta biết rằng nhiệm vụ cao nhất lúc bấy giờ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Họ tin rằng những người anh em, người đồng chí Trung Quốc, sau này hòa bình rồi sẽ giải quyết một cách êm ấm. Chính sự cả tin vào tinh thần quốc tế vô sản, vào người anh em cộng sản mà chúng ta phải trả giá cho đến ngày hôm nay,” ông Phúc nhận định.

Chụp lại video, 50 Hải chiến Hoàng Sa: Con gái tử sĩ VNCH nói gì

Sự nóng lạnh giữa Hà Nội và Bắc Kinh

Việt Nam Cộng Hòa đã chấm dứt tồn tại vào ngày 30/4/1975, nhưng di sản của chính thể này để lại, đặc biệt là vấn đề bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông là một điều quan trọng đối với chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, khi xét về mặt công pháp quốc tế.

Điều quan trọng là trong tiến trình này, vấn đề chủ quyền phải được duy trì liên tục, không gián đoạn hay cắt khúc giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay.

Lúc sinh thời, nhà ngoại giao Dương Danh Dy - cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc - đánh giá Hội nghị Thành đô năm 1990 đã gây “hậu quả tai hại".

Viết cho BBC hồi năm 2014, ông Dương Danh Dy nêu rằng phía Việt Nam đã “hoàn toàn cho qua vấn đề” sau khi nghe Giang Trạch Dân nói trong diễn văn rằng quan hệ hai nước từ nay “hãy gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

Thực tế, Hà Nội trung thành với cam kết của mình, giữ quan hệ hòa hoãn với Bắc Kinh. Đơn cử, ngày 18/1/1950 đánh dấu việc Trung Quốc trở thành nước đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao và công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Mao Trạch Đông gặp các "đồng chí" Lê Đức Thọ và Nguyễn Duy Trinh vào năm 1973, một năm sau thì Trung Quốc đánh Hoàng Sa

Nguồn hình ảnh, GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh, Mao Trạch Đông gặp các "đồng chí" Lê Đức Thọ và Nguyễn Duy Trinh vào năm 1973, một năm sau thì Trung Quốc đánh Hoàng Sa

Một số nhà báo nói với BBC rằng, ngày 18/1 là dịp kỷ niệm quan hệ ngoại giao hai nước nên Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Ngoại giao thường có chỉ đạo các tòa soạn tránh các nội dung có thể ảnh hưởng quan hệ hai nước. Vì vậy, việc đưa tin về chủ quyền biển đảo, nhắc đến Trung Quốc như kẻ thù, đặc biệt là kỷ niệm về Hải chiến Hoàng Sa thường bị hạn chế.

Nhưng ngược lại, theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, Trung Quốc luôn khẳng định “chủ quyền thuộc ngã”: Tây Sa, Nam Sa là của họ và phải dựa trên nguyên tắc đó để giải quyết những vấn đề chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Phúc nói thêm rằng, đến nay, tuy Việt Nam có hơn 200 đầu sách chuyên về chủ quyền lịch sử của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhiều tư liệu quý giá khác nhưng sự tuyên truyền về chúng lại “phụ thuộc vào quan hệ nóng lạnh giữa Hà Nội và Bắc Kinh”.

“Do đó, chúng ta thấy rằng ngày kỷ niệm 19/1, rồi đến 17/2, rồi 14/3, hiếm khi chính thức nêu lên tên Trung Quốc, hay gọi là các cuộc chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng ý chí độc lập, ý chí ngoan cường của người Việt Nam không hề bị nguội lạnh.

“Trong bối cảnh của chính trị Việt Nam hiện nay, phải nói thật là nhà cầm quyền rất kỵ khi nhắc đến bốn từ Việt Nam Cộng Hòa, rất kỵ khi xuất hiện lá cờ vàng ba sọc đỏ vì nó là một thể chế chính trị của quá khứ. Nhưng không có nghĩa rằng chúng ta quên đi những đóng góp to lớn của những người thuộc lực lượng quân đội của Việt Nam Cộng Hòa,” ông Phúc khẳng định.

Mời quý độc giả theo dõi loạt bài Chuyên đề 50 năm Hải chiến Hoàng Sa trên trang của BBC tại đây.