Việt Phủ Thành Chương trên New York Times

(VOV5)- Trong bài viết tựa đề “Lịch sử dân gian của Việt Nam được phản ánh trong các tòa nhà”, đăng trên chuyên mục du lịch tờ  The New York Times, phóng viên Mike Ives bày tỏ sự ấn tượng của mình trước một công trình kiến trúc hoành tráng ở Việt Nam, đó là Việt phủ Thành Chương. Việt Phủ Thành Chương là sự bổ sung khác  biệt làm đầy đủ thêm các điểm văn hóa nổi bật ở Hà Nội.

 Việt Phủ Thành Chương trên New York Times - ảnh 1
Kiến trúc độc đáo là điểm nhấn của Việt Phủ - Ảnh: qdnd.vn

“Người ta thường nói, biến giấc mơ thành hiện thực. Nhưng với công trình này của họa sỹ Thành Chương lại biến hiện thực thành giấc mơ!”. Đó là lưu bút của Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Raymod Burghard khi đến thăm Việt Phủ Thành Chương. Quả vậy, họa sĩ Thành Chương đã biến khu đất sỏi đá trên diện tích 1ha trở thành một quần thể kiến trúc gồm những ngôi nhà mang đậm chất lịch sử nằm ở xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một người am hiểu văn hóa dân gian Việt Nam, cho biết: "Đây là một công trình khổng lồ. Trước hết thành chương là người mê đắm với đồ cổ. Ông đã sưu tập, vẽ lại, cất giữ đến một ngày ông muốn làm một điều gì đó để dựng lên một không gian Việt. Ông một mình bê gạch ngói, kiến trúc, kẻ vẽ cùng với người thợ. Nếu cho mình từng đó tiền cũng không làm được. Cho những thứ này Thành Chương bền bỉ trong nhiều năm sưu tập mang đến đây, trau chuốt nâng niu để hôm nay chúng ta được hưởng thụ."

 Việt Phủ Thành Chương trên New York Times - ảnh 2

Ban đầu nơi đây chỉ là một triền đồi trọc đầy sỏi đá, Họa sĩ Thành Chương đã bỏ ra nhiều công sức và tiền của để gây dựng nên công trình này. Để có tiền mua những ngôi nhà cùng nhiều đồ cổ khác, họa sĩ Thành Chương đã phải đi nhiều nơi và bán đi những tác phẩm nghệ thuật của mình để sưu tầm, mua lại những ngôi nhà gỗ, những món đồ cổ. Nhờ đó mà trong thời đại của đô thị hóa này, biết bao di sản vô giá của văn hóa, nghệ thuật và tinh thần sống của người Việt có nguy cơ bị phá hủy thì Việt Phủ Thành Chương đã trở thành một chốn thanh bình cho những di sản đó. Chị Ngô Hương, vợ họa sĩ Thành Chương chia sẻ: "Khi khách đến đây đều cảm nhận được bằng 5 giác quan. Một điều đọng lại là chúng tôi đem đến cho khách tham quan một cảm xúc đẹp, một hình ảnh đẹp về truyền thống Việt Nam thông qua đó là niềm tự hào dân tộc. Sự cảm nhận của mình nó chân thành mà mình không ngờ tới. Mọi người nói rằng cảm ơn anh Thành Chương đã cho chúng tôi thấy một Việt Nam đẹp như thế này. Chúng tôi cảm thấy yêu nước, yêu Việt Nam quá. Cái đó là vô giá. Chúng tôi tự hào là mình đã làm được một điều như thế."

 Việt Phủ Thành Chương trên New York Times - ảnh 3
Một góc quê trong Việt phủ - Ảnh:vietnamnet

Với tài năng cùng sự tâm huyết của mình cộng với tình yêu văn hóa Việt Nam, họa sĩ Thành Chương đã tạo ra một tác phẩm sắp đặt lớn. Mọi thứ ở đây dường như được tính toán, cẩn trọng đến từng mét vuông. Từ những khối tượng nhỏ đặt dưới những gốc cây cảnh, những vật dụng trong những ngôi nhà cổ đều tôn nhau, hài hòa trong một tổng thể, thống nhất dưới một bàn tay tài hoa. Bạn có thể gặp ở đây ngôi nhà tranh vách đất của nhiều vùng nông thôn Việt Nam, ngôi nhà sàn của người Mường ở Hòa Bình đã có trên 100 năm tuổi, ngôi nhà Thanh Tĩnh bằng gỗ lim có gần 200 năm tuổi vùng Nam Định, nhà Thủy đình thưởng trà, ngắm sen và nhà Đại Khoa gỗ xoan đặc trưng của đất Kinh Bắc. Ông Nguyễn Văn Hợi bảo đã nghe nhiều về Việt Phủ Thành Chương nhưng hôm nay mới có dịp để tận mắt chiêm ngưỡng công trình mang đậm chất Việt này: ''Đây là chỗ đưa lại cho con người trở về không gian xưa. Trước nhà tôi cũng ở trong một ngôi nhà như ở đây. GIờ đi lại đây để nhớ lại khoảng thời gian xưa. Nhìn thấy những cái cối giã gạo, khung cửi, những ao, chum....của người nông dân rất hay. Điều này có ích cho con cháu, chúng đến đây để biết cha ông chúng sống như thế nào"

Một ngày ở Việt Phủ Thành Chương, khách tham quan có thể được sống trong hiện thực và tinh thần của những sinh hoạt văn hóa ngàn đời nay của người Việt. Hơn 10 năm nay, Việt Phủ Thành Chương trở thành một điểm đến chính thức, hấp dẫn trong hành trình tham quan du lịch Thủ đô Hà Nội. Em Nguyễn Khôi Nguyên đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Cháu ấn tượng được kiến trúc của những căn nhà ở thôn quê mà ba mẹ cháu đã sống ở nhỏ, ấn tượng về bức tượng, ấm chén đã được họa sĩ sưu tầm từ những triều đại thời trước.

 Việt Phủ Thành Chương trên New York Times - ảnh 4
Năm 2009, họa sĩ Thành Chương dẫn đoàn lãnh đạo Hà Nội đi khảo sát Việt Phủ làm điểm du lịch của 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Ảnh: phapluattp.vn

Có thể thấy, nhiều công trình mang dáng dấp hoài cổ tại Việt phủ Thành Chương được làm từ các vật liệu cổ điển như gỗ và tre nứa. Rải rác khắp khu vực là những cây đa và bồ đề lớn. Bạn sẽ bị hút hồn bởi cánh cổng tam quan bằng đá, lấy cảm hứng từ một cây cầu đá 500 tuổi, hay một nhà hát nhỏ được thiết kế để biểu diễn múa rối nước, nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của Việt Nam. Họa sĩ Thành Chương chia sẻ: "Bằng sự hiểu biết, tình yêu, vốn liếng là mình đã sưu tập từ bao năm cộng với sự sáng tạo của mình thì mình tạo ra một không gian. Ở đây không lưu giữ những giá trị hiện vật cụ thể mà lưu giữ tinh thần của nó. Bằng hiểu biết về chiếc cổng làng, tôi tạo ra một cái cổng, trước tiên phải là cái cổng của Việt Nam. Mục đích cuối cùng là bảo tồn giá trị văn hóa tinh thần và nghệ thuật của người Việt Nam"

Trong không gian Việt Phủ, ta cảm nhận hơi thở văn hóa Việt, hồn cốt Việt và vẻ đẹp xa xưa mang tên nước Việt. Mỗi chi tiết ở Việt Phủ Thành Chương đều là những biểu tượng văn hóa và đó cũng là thông điệp đáng trân trọng của ông về sự giữ gìn bản sắc dân tộc trong một đời sống hiện đại./.

Phản hồi

Các tin/bài khác