Thứ hai, 6/5/2024
Chủ nhật, 15/5/2022, 11:23 (GMT+7)

Cuối tuần nặn tò he tại phố đi bộ

Hà NộiChi 20.000 đồng cho một khay bột, bạn có thể tự mình nặn những mô hình tò he theo ý muốn.

Vào mỗi cuối tuần tại phố đi bộ hồ Gươm, bạn và gia đình có thể tham gia vào một trò chơi dân gian nổi tiếng, đó là nặn tò he. Hơn 10 sạp tò hè được dựng đối diện đền Ngọc Sơn, rực rỡ đủ màu sắc gây chú ý với mọi người lướt qua. Mỗi sạp có 3-4 chiếu ngồi để khách trải nghiệm.

Mỗi khay bột nặn có giá 20.000 đồng, đủ các màu cơ bản như hồng, đỏ, vàng, xanh lá, xanh nước biển, trắng, đen. Bạn cần cho tay vào sáp ong trước khi nặn để tay không bị dính.

Du khách có thể nặn theo mẫu được bày sẵn tại các gian hàng. Dễ nhất là nặn bông hoa còn cầu kỳ hơn là các nhân vật hoạt hình.

Minh và Quỳnh Anh từ quận Hai Bà Trưng đến phố đi bộ để nặn tò he vào thứ 7. Hai bạn trẻ cho biết, đây là hoạt động ngoài trời thú vị, vừa tìm hiểu văn hoá dân gian, vừa xả stress.

"Vừa ngồi nặn tò he vừa tận hưởng không khí phố đi bộ là trải nghiệm rất vui. Mình cũng rất thích trẻ con nên cũng muốn ngồi thư giãn tại một không gian có nhiều trẻ em. Chỉ cần bỏ ra 20.000 đồng một khay thôi mà nặn được nhiều lắm", Quỳnh Anh nói.

Chị Duyên từ huyện Đông Anh cuối tuần đưa con trải nghiệm phố đi bộ. Vô tình thấy trải nghiệm nặn tò he rất thú vị mà giá lại rẻ, chị dẫn con vào. Do con thích người Nhện, chị đang cố làm theo mẫu, "làm xong bằng được mới về". "Ngồi giữa trung tâm thành phố, tận hưởng không khí ngày cuối tuần thế này rất dễ chịu. Đây cũng là hoạt động giúp mình về lại tuổi thơ", chị Duyên chia sẻ.

Một bạn trẻ lên phố đi bộ để nặn tò he nhân vật siêu anh hùng mình yêu thích sau khi xem bom tấn mới nhất của Marvel - Phù Thuỷ Tối Thượng trong Đa vũ trụ hỗn loạn.

Nghệ nhân Đặng Văn Tiên có kinh nghiệm nặn tò he hơn 20 năm. Anh là một trong 65 gương mặt trẻ được Trung ương Đoàn tuyên dương "Người thợ trẻ giỏi" toàn quốc năm 2018. Anh cho biết, cứ cuối tuần là 21 hộ dân ở làng nghề tò he tại Phú Xuyên, Hà Nội lại lên phố đi bộ để bán sản phẩm và tạo không gian vui chơi, tìm hiểu văn hoá tò he cho khách.

"Dù di chuyển 30 km, có hôm còn không bán được con tò he nào nhưng chỉ cần nhìn những miếng bột nặn đầy màu sắc và mọi người vui vẻ ngồi nặn thì tôi cũng vui theo, yêu nghề và muốn quảng bá văn hoá này đến nhiều người", anh cho biết.

Năm nay, để hưởng ứng không khí SEA Games 31, anh và các nghệ nhân khác giới thiệu sản phẩm tò he sao la, mascot của đại hội thể thao khu vực. Anh Tiên mất khoảng 3 phút để nặn xong một con, dù cầu kỳ và khá nhiều chi tiết khó.

Giá tò he sao la vẫn giữ nguyên 20.000 đồng giống các loại khác. Du khách có thể yêu cầu nặn kiếm hoặc bóng đá, tuỳ theo bộ môn thể thao bạn yêu thích.

Tò he là đồ chơi dân gian của người Việt, được nặn từ bột gạo có trộn nếp. Trước đây, người ta sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật như hoa hoè, củ nghệ, quả gấc, cây nhọ nồi... nên có thể ăn được. Hiện tại, để tiện lợi, người ta chuyển sang sử dụng màu thực phẩm công nghiệp.

Ban đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò... Để phù hợp với công chúng ngày nay, các nghệ nhân đã thay đổi từ các nhân vật như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới... sang nữ hoàng băng giá Elsa, người Nhện, các siêu anh hùng...

Trung Nghĩa

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net