13/10/2014 00:10 GMT+7

​Đất ở một số khu công nghiệp Đồng Nai nhiễm kim loại nặng

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Cần biết - Đất một số khu công nghiệp và vùng phụ cận các bãi chôn lấp chất thải rắn tỉnh Đồng Nai bị nhiễm kim loại nặng, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường Đồng Nai cho biết, kết quả quan trắc môi trường đất tại một số khu công nghiệp và vùng phụ cận các bãi chôn lấp chất thải rắn trên địa bàn đã phát hiện một số chỉ tiêu về kim loại nặng trong đất vượt ngưỡng cho phép và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, qua quan trắc khu vực đất tại vị trí tiếp nhận nguồn nước thải của khu công nghiệp Biên Hòa 1 cho thấy, các hàm lượng kim loại nặng như kẽm (Zn), chì (Pb) vượt mức cao từ 2,56 đến 3,55 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Tại vị trí này, hàm lượng chì và kẽm cũng đang có dấu hiệu tăng lên so với năm 2013. Kết quả đo được tại vị trí tiếp nhận nước thải của khu công nghiệp Loteco cũng phát hiện hàm lượng kẽm vượt quy chuẩn 1,2 lần; vị trí tiếp nhận nước thải của khu công nghiệp Long Thành chỉ tiêu kẽm cũng vượt 1,2 lần.

4UTKwGCk.jpg

Tại khu vực đất phụ cận khu xử lý chất thải rắn xã Quang Trung, huyện Thống Nhất hàm lượng asen và kim loại nặng cũng vượt tiêu chuẩn. Trong đó, hàm lượng đồng (Cu) vượt tiêu chuẩn Việt Nam cho phép là 4,8 lần; hàm lượng asen cao hơn tiêu chuẩn cho phép 1,4 lần. Các chỉ tiêu kim loại như niken (Ni), crom (Cr) trong đất cũng ở ngưỡng khá cao so với tiêu chuẩn quy định.

Các vùng đất lân cận bãi chôn lấp chất thải rắn phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa), bãi chôn lấp Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), bãi chôn lấp Túc Trưng (huyện Định Quán) cũng phát hiện hàm lượng asen trong đất vượt tiêu chuẩn quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài những khu vực trên thì chất lượng môi trường đất nền, đất canh tác nông nghiệp và đất dân sinh hàm lượng kim loại nặng vẫn ở ngưỡng cho phép. Trung tâm đã khuyến cáo người dân cần có các biện pháp cân đối tỷ lệ dinh dưỡng đối với đất nông nghiệp như bón phân, cải tạo đất và bổ sung các hàm lượng lân, đạm, kali phù hợp với từng loại đất để khai thác có hiệu quả hơn trong thời gian tới.    

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên