Danh mục Thứ Ba, 07/05/2024
Ghé thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam -0

Nằm trong hệ thống các bảo tàng quốc gia, được mở cửa từ năm 1966, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có vị trí quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa - nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một điểm đến thú vị cho những tâm hồn yêu văn hóa, đam mê với nghệ thuật nước nhà. 

 

Nguyên là công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc vào những năm 30 của thế kỷ XX, với chức năng ban đầu là nơi lưu trú dành cho con gái của các quan chức người Pháp trên toàn Đông Dương về học tập tại Hà Nội. 

Từ năm 1962, tòa nhà được chuyển đổi thành nơi sưu tầm, trưng bày và lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam từ thời tiền sử đến nay. Chính vì vậy, tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã được cải tạo thành một thiết kế kiến trúc ấn tượng bởi sự kết hợp hài hòa giữa thiết kế Pháp cổ kết hợp với đường nét kiến trúc dân gian Việt Nam nhằm phù hợp với chức năng mới.

Năm 1966, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức mở cửa đón du khách tới tham quan và thưởng thức nghệ thuật. Vì thế, nơi đây trở thành nơi có vị trí quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa - nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

  

Với kiến trúc đẹp, độc đáo và thơ mộng của biệt thự Pháp cổ kính, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam xưa và nay. Tại đây, có hơn 2.000 hiện vật trong số hơn 20.000 hiện vật thuộc sưu tập của bảo tàng được giới thiệu trên hệ thống trưng bày thường xuyên. Đó là những minh chứng sinh động cho dòng chảy của mỹ thuật Việt Nam từ thời Tiền - Sơ sử đến ngày nay.

1. Mỹ thuật thời Tiền sử - Sơ sử

Phòng trưng bày thứ nhất giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của mỹ thuật Tiền - Sơ sử Việt Nam từ buổi bình minh đến khoảng thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Đây là nền nghệ thuật của cư dân nông nghiệp lúa nước: giàu bản sắc, độc đáo và đa dạng. Hiện vật trưng bày tại đây chủ yếu tập trung ở các di sản văn hóa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo các nhóm: công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, trang sức và hình tượng nghệ thuật.

 
 

2. Mỹ thuật từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX

Từ phòng số 2 đến phòng số 7 là nơi trưng bày mỹ thuật của các triều đại lịch sử khác nhau: mỹ thuật thời Lý - thời Trần, mỹ thuật thời kỳ Lê Sơ - Mạc - Lê Trung Hưng, mỹ thuật thời Tây Sơn - thời Nguyễn. Mỗi tác phẩm nghệ thuật của từng thời kỳ đều mang những nét tinh hoa và đặc trưng khác nhau của từng thời kỳ lịch sử.

3. Mỹ thuật đương đại thế kỷ XX

Từ phòng số 8 đến phòng 24 là nơi trưng bày tranh tượng mỹ thuật thế kỷ XX bao gồm: mỹ thuật sáng tác trước Cách mạng (1925-1945), tranh tượng sáng tác trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945-1954), tranh sơn mài và điêu khắc hiện đại, tranh lụa, tranh giấy, tranh sơn dầu. Đây là một quá trình dài với những biến động sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội. Ở giai đoạn này, mỹ thuật nước nhà cũng đánh dấu sự đổi mới phát triển cả về chất liệu, hình thức thể hiện, chủ đề và cảm hứng sáng tác. Đặc biệt là bộ sưu tập của các thế hệ họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương có một chỗ đứng quan trọng, đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ của nền Mỹ thuật Việt Nam.

4. Mỹ thuật ứng dụng truyền thống 

Chúng ta bắt gặp ở phòng trưng bày mỹ thuật ứng dụng tất cả các kỹ thuật thủ công được thể hiện trên mọi chất liệu đất nước ta với trình độ hoàn mỹ đáng tự hào. Sự phong phú tuyệt vời trong cách sử dụng các chất liệu như: tre, đồ vải dệt, đồ chạm khảm ốc, xà cừ, chạm trổ kim loại... đã cho ta thấy tính thực dụng của các loại hiện vật được sưu tầm và trưng bày tại đây.

5. Mỹ thuật dân gian

Mỹ thuật dân gian là một thành phần thiết yếu trong nền văn hoá, nghệ thuật dân tộc. Sưu tập chuyên đề mỹ thuật dân gian của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tập trung giới thiệu hai loại hình nổi bật là tranh dân gian và tượng dân gian.

 

6. Sưu tập gốm (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX)

Phòng trưng bày “Nghệ thuật gốm Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX” là nơi giới thiệu những đặc trưng rõ nét nhất về nghệ thuật gốm của các giai đoạn lịch sử của từng thời kỳ: Gốm men ngọc và men rạn của gốm thời Lý (thế kỷ XI - XII), gốm hoa nâu của thời Trần (thế kỷ XII - XIV), gốm men trắng hoa lam chiếm ưu thế trong suốt năm thế kỷ: Lê Sơ, nhà Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, nhà Nguyễn và gốm hiện đại ở đầu thế kỷ XX.

  
  
  

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn là sân chơi bổ ích, tạo cơ hội cho các em nhỏ tiếp cận và tìm hiểu nguồn di sản nghệ thuật quý giá của dân tộc, từ đó giúp các em phát triển tư duy sáng tạo nghệ thuật từ nhỏ. Tại đây các em sẽ được các họa sĩ, nhà điêu khắc và cán bộ giáo dục bảo tàng hướng dẫn tìm hiểu, khám phá mỹ thuật dân gian và đương đại, mỹ thuật trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các em nhỏ cũng sẽ được tham gia các hoạt động khám phá trải nghiệm và sáng tạo nghệ thuật như: tô tranh theo mẫu, tô tượng, vẽ tự do, ghép hình, nặn tượng, in tranh dân gian, ghép tranh khuyết, tranh xé dán...

 

Không chỉ có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các tài liệu hiện vật về lịch sử mỹ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn là địa điểm thường xuyên diễn ra các sự kiện triển lãm, là nơi gặp gỡ, dừng chân của những tâm hồn yêu nghệ thuật. Chú Lâm - một người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật chia sẻ cảm xúc của mình khi đến với triển lãm “Phụ nữ vẽ và yêu”: “Bạn của chú là Hoạ sĩ Đỗ Duyên có tranh trưng bày trong buổi triển lãm này nên chú qua đây xem. Đây là triển lãm tranh lụa của các nữ hoạ sĩ. Trong hội hoạ thì tranh lụa đã có lịch sử từ rất lâu rồi. Ở triển lãm “Phụ nữ và yêu” này thì đề tài sáng tác tranh của các hoạ sĩ tương đối phong phú, đa dạng, với nhiều cách thể hiện. Điều đặc biệt thu hút chú nhất thì là tranh của cô Duyên Thái - một nghệ sĩ điêu khắc, mang phong cách cực kì ấn tượng mà rất khác biệt so với tranh lụa truyền thống của mình. Bên cạnh đó thì là hoạ sĩ Đỗ Duyên, trong tranh lụa để mà thể hiện được gam màu nóng thì rất là khó, thường là gam màu trung tính hoặc gam màu lạnh nhưng đây tranh của cô Đỗ Duyên làm rất tốt điều đó”.

 

Không gian yên tĩnh và đầy hoài niệm ở đây cũng là nơi lý thú cho những ai muốn bỏ lại những chán chường, mệt mỏi đằng sau để đắm chìm vào nghệ thuật. Thanh Lan, cô sinh viên năm hai ngành Y mang trong mình tình yêu nghệ thuật nước nhà đã có những chia sẻ khi đặt chân tới đây: “Trong tình hình dịch bệnh như thế này thì tâm lý bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là học Y căng thẳng như vậy, thế nên mình quyết định đến đây để tham quan thư giãn. Sau khi tham quan xong được ngắm nghía các bức tranh, các bức tượng,... tinh thần thoải mái hơn rất nhiều, được thấy gần như toàn bộ quá trình phát triển của Mỹ thuật Việt Nam mình cảm thấy vô cùng phấn khích và tự hào. Đến đây vừa có thể thưởng thức nghệ thuật vừa có thể chụp ảnh check in, mình rất thích”.

 

Mỹ thuật chính là một trong những phương thức truyền tải dễ hiểu và gần gũi nhất, giúp tái hiện một cách đơn giản, chân thực mọi vẻ đẹp và dấu ấn của thời gian. Mỗi căn phòng trưng bày ở đây như một thế giới thu nhỏ. Dưới ánh đèn vàng dịu, mỗi hiện vật chính là một miền ký ức không phai, khiến cho du khách và những người yêu nghệ thuật phải đắm chìm vào sức hút lạ lùng của những mảng màu. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nhịp cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, cũng chính là nơi gợi mở hướng đi cho tương lai của nền mỹ thuật nước nhà.