• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc tiếp tục đề cao Mao Chủ tịch

Thế giới 30/12/2013 06:35

(Toquoc)-Sau gần 30 năm từ ngày Mao Chủ tịch qua đời,di sản của nhà lập quốc này lại được đề cao,tiếp thu một cách chọn lọc.

(Toquoc)-Sau gần 30 năm từ ngày Mao Chủ tịch qua đời, di sản của nhà lập quốc này lại được đề cao, tiếp thu một cách chọn lọc.

Ngày 26/12 vừa rồi, Trung Quốc kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Mặc dù theo truyền thống Trung Quốc, chu kỳ 12 thập niên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thế nhưng lễ sinh nhật của các lãnh đạo Trung Quốc từ thời Mao Chủ tịch còn sống đã diễn ra khá kín đáo. Ông Tập Cận Bình đã yêu cầu lễ tưởng niệm cố lãnh tụ Mao Trạch Đông phải “trang trọng, đơn giản và thực tế”. Nhưng tại thị trấn Thiếu Sơn, sinh quán của Mao Trạch Đông, trong dịp này đã thu hút hàng nghìn “khách hành hương” từ khắp Trung Quốc, gồm những người tôn sùng Mao và những người hoài niệm thời Mao. Các hoạt động lễ hội đã tiêu tốn 2,5 tỷ NDT. Hàng nghìn người từ khắp nơi Trung Quốc đã đến quỳ lạy trước bức tượng được tạc bằng vàng ròng, nặng 50kg của cố chủ tịch Trung Quốc.Tại Thâm Quyến, một tượng Mao Trạch Đông dát vàng chi phí 16,5 triệu USD đã được cắt băng khánh thành.

Không có gì đáng ngạc nhiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện tại đã tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Mao Chủ tịch một cách trọng thể như vậy. Dưới thời Đặng Tiểu Bình diễn ra cuộc bình công luận tội Mao Trạch Đông, với đánh giá là công lớn hơn tội theo tỷ lệ 70/30. Thời báo Hoàn cầu mới đây đã đăng tải kết quả một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy có hơn 85% người dân Trung Quốc xem cố lãnh tụ họ Mao có công nhiều hơn tội. Điều này cho thấy một thực tế là Mao Trạch Đông vẫn được nhiều người tôn sùng tại Trung Quốc. Trong những năm gần đây, trước tình trạng cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn và nạn tham nhũng tràn lan, cố lãnh tụ họ Mao dần dần trở thành biểu tượng cho công bằng xã hội.



Người dân Trung Quốc quỳ lạy tôn vinh Mao Chủ tịch trước bức tượng dát vàng đặt tại khu tưởng niệm ở Thâm Quyến

Ngày nay, khi nền kinh tế đất nước đã phát triển, lãnh đạo Trung Quốc thấy cần phải bảo vệ di sản của Mao, cũng chính là di sản của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc đề cao lịch sử huy hoàng ấy là một giá trị đáng tôn vinh nhất mà Mao Chủ tịch để lại. Giữa tháng 7/2013, một số người mang theo ảnh Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình bơi qua sông Dũng Giang ở tỉnh Chiết Giang. Sự việc này diễn ra sau khi Truyền hình trung ương Trung Quốc phát đi trong hơn 40 phút hình ảnh chuyến bơi vượt sông Trường Giang của Mao Trạch Đông ngày 6/7/1966.

Tuy các sách lịch sử không được viết cụ thể, nhưng trong các đóng góp của Mao Trach Đông có việc tạo ra nạn đói trong những năm 1958-1961 do chính sách Đại nhảy vọt về công nghiệp hóa gây ra. Theo nhà báo Yang Jisheng và nhà sử học Frank Dikötter, ước tính số người chết từ 36-45 triệu người. Đến 1966, Mao Trach Đông phát động cuộc Cách mạng văn hóa, với sự hợp sức của nhóm lãnh đạo được biết đến là Bè lũ 4 tên, tạo ra một thập kỷ hỗn loạn mà di chứng vẫn còn tồn tại trong xã hội cho đến tận ngày nay.

Nhưng chân dung Mao Trạch Đông vẫn hiện hữu tại Cổng Thiên An Môn. Vì những tư tưởng và chủ trương của Mao là nhằm tạo ra những biến đổi chính trị và công bằng xã hội. Mặc dù các nhà lãnh đạo đương thời không có ý định làm theo mô hình kinh tế của Mao mà thực hiện nền kinh tế chủ yếu do các lực lượng thị trường điều tiết. Nhưng một số biện pháp chính trị của Mao đang được vận dụng, trong đó có chiến dịch làm trong sạch hàng ngũ lãnh đạo thông qua việc chống tham nhũng hoặc “tự phê bình”. Từ đầu năm nay, một chiến dịch quy mô đã được phát động để bài trừ tham nhũng, không chỉ nhắm vào những quan chức cấp thấp ở địa phương mà ngay cả các quan chức cấp cao ở trung ương cũng bị nghiêm trị. Ngày 25/12, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành Kế hoạch 5 năm (2013-2017) về chống tham nhũng. Kế hoạch trên nhằm xây dựng một hệ thống trừng phạt và phòng chống tham nhũng, trong đó nhấn mạnh phải điều tra tất cả các trường hợp và trừng phạt nghiêm khắc để răn đe người khác. Văn bản kể ra các hình thức tham nhũng như các thỏa thuận đổi tiền lấy quyền lực, tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp, các vi phạm lớn về nguyên tắc chính trị, các sự cố và tai nạn xảy ra vì các quan chức tham nhũng, các kiểu hối lộ trong thương mại và tham nhũng trong việc lựa chọn quan chức... Đã có hơn 10 cán bộ từ cấp thứ trưởng trở lên ở Trung Quốc bị điều tra.

Tư tưởng Mao Trạch Đông đã được gắn với hai nội dung: Giấc mộng Trung Hoa và sự cần thiết phải cải cách kinh tế. Giấc mộng Trung Hoa xuất phát từ Mao và giờ đây được đánh giá đang đơm hoa kết trái. Đồng thời Mao Trạch Đông còn được xem là người khởi xướng “cải cách và mở cửa” kinh tế. Nhân dân Nhật báo đưa ra khuyến nghị rằng tiếp tục cải cách kinh tế là “hoạt động tưởng niệm tốt nhất” Mao Trạch Đông, đồng thời sự liên tục trong vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc là điều cần thiết để Trung Quốc đạt được các mục tiêu lịch sử của nước này.

Nhân dịp lễ kỷ niệm ngày sinh Mao Trạch Đông, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng các nhà lãnh đạo khác đã viếng lăng Mao Trạch Đông ở Bắc Kinh cũng như dự hội thảo về Mao Trạch Đông tại Đại Lễ đường Nhân dân. Trong cuộc hội thảo, ông Tập Cận Bình cam kết “mãi mãi” nêu cao ngọn cờ Tư tưởng Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, ông cũng nhắc nhở rằng Mao Trạch Đông, giống như “các nhà lãnh đạo cách mạng” khác, “không phải thần thánh, mà là con người”. Trung Quốc “không thể tôn thờ họ như thần thánh hay cấm người khác chỉ ra và chỉnh sửa sai lầm của họ chỉ bởi họ là những vĩ nhân”.

Ông Tập Cận Bình lưu ý rằng “điều kiện hiện nay cũng như mức độ phát triển và hiểu biết” là khác biệt so với điều kiện thời Mao. Ông Tập Cận Bình nói: “Dưới những hoàn cảnh mới, các đảng viên cần tuân thủ và sử dụng tốt ‘tinh thần sống’ trong tư tưởng của Mao Trạch Đông”. Tinh thần này được thực hiện thông qua các nỗ lực xây dựng đất nước hiện hành, chính là sự mở rộng của tư tưởng Mao Trạch Đông.

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình thời gian qua đã kêu gọi đảng Cộng sản Trung Quốc khoan dung hơn đối với “các văn hóa truyền thống” hoặc các tôn giáo của Trung Quốc. Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất cho thấy xu hướng hỗ trợ chiến dịch tái tạo giá trị xã hội truyền thống thông qua việc phát triển những giá trị của đạo Khổng cũng như đạo Phật và đạo Lão.

Nỗ lực này là nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái đạo đức và lấp đầy khoảng trống tinh thần được tạo ra bởi chủ nghĩa vật chất do thị trường chi phối. Ông Tập Cận Bình đã đi thăm những nơi thờ Mao Trạch Đông, thực hiện những hoạt động phỏng theo các chiến dịch “chỉnh đốn” đảng và “mặt trận quần chúng” của Mao Trạch Đông.

Hoạt động tưởng niệm Mao Trạch Đông tại Trung Quốc là một dịp để đánh giá lại lịch sử, gắn kết ý tưởng của Mao Trạch Đông với những nỗ lực của thế hệ lãnh đạo hiện nay giải quyết những nhiệm vụ đang được đặt ra trước các dân tộc Trung Hoa. Mặt khác, đề cao những giá trị được chọn lọc từ di sản Mao Trạch Đông là nhằm đoàn kết người Trung Quốc dưới ngọn cờ chấn hưng Trung Hoa và thực hiện Giấc mơ Trung Hoa./.

Lưu Việt

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ