• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

50 năm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Suy nghĩ và dự cảm

29/01/2017 10:07

(Cinet) - Mỹ thuật là nghệ thuật của cái đẹp/về cái đẹp trong thế giới khách quan ngoài con người, bao gồm: cái đẹp tự nhiên được con người phát hiện ra, gọi tên và thổi hồn văn hóa cho nó.

(Cinet) - Mỹ thuật là nghệ thuật của cái đẹp/về cái đẹp trong thế giới khách quan ngoài con người, bao gồm: cái đẹp tự nhiên được con người phát hiện ra, gọi tên và thổi hồn văn hóa cho nó.

Một góc trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Anh Vũ)



Trong di sản văn hóa ta thấy có khái niệm danh thắng mà có người chưa chấp nhận như một di tích vì nó thuần túy là sản phẩm của thiên nhiên. Tuy vậy, sản phẩm thiên nhiên đó lại do con người phát hiện ra, duy danh, tôn vinh và sử dụng phục vụ nhu cầu thưởng thức cái đẹp của mình. Và vì thế trong chừng mực nào đó, một đối tượng thiên nhiên khi trở thành/ được ghi nhận để trở thành một thắng cảnh đã có hàm chứa “chất văn hóa” trong đó. Ngòai ra, trong thế giới thực tại khách quan còn có cái đẹp nhân tạo, do con người sáng tạo ra và gửi gắm vào đó những suy nghĩ, ý tưởng và thông điệp văn hóa mang tính nhân văn cao đẹp. Có thể hiểu, mỹ thuật là bộ môn nghệ thuật gắn với cái đẹp trong thiên nhiên và xã hội.



Mỹ thuật là loại hình nghệ thuật phản ánh thế giới thực tại bằng các hình thượng nghệ thuật qua nhiều loại chất liệu khác nhau theo cách riêng của từng tác giả. Định hướng chung của mỹ thuật là đem cái đẹp đến cho con người, phục vụ những nhu cầu thiết thực của con người. Đồng thời mỹ thuật còn tôn vinh cái đẹp bằng các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của các nghệ sĩ dân gian và chuyên nghiệp bậc thầy mà các sản phẩm của họ đã được chọn lọc và có sức ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội và trở thành một bộ phận di sản văn hóa/di sản mỹ thuật – đối với nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày và phát huy trong các bảo tàng mỹ thuật.



Đặc trưng của mỹ thuật là đánh thức cảm xúc thẩm mỹ sâu lắng trong tâm hồn con người qua con đường cảm thụ thị giác/trực giác hay còn gọi là trực quan sinh động. Và do đó, người ta phải thừa nhận Bảng tàng Mỹ thuật như là môi trường đặc biệt cho sự thưởng thức và trải nghiệm cái d dẹp của đông đảo công chúng trong toàn xã hội, đặc biệt  phải được tổ chức , sắp xếp như một điểm đến/”điểm hẹn nghệ thuật” của giới mỹ thuật. Ta cũng biết, đặc trưng của bảo tàng được thể hiện qua các bộ sưu tập hiện vật gốc lưu giữ trong kho bảo quản và tổ chức theo các chủ đề trưng bày nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học và giáo dục, phổ biến tri thức bổ ích cho con người.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: VOV)



Từ đó ta thấy bảo tàng mỹ thuật có thế mạnh đặc biệt mà các loại hình bảo tàng khác không thể làm chủ được là: các bộ sưu tập hiện vật gốc, lưu giữ trong kho bảo quản và tổ hợp trong các phòng trưng bày của một bảo tàng mỹ thuật  bao giờ cũng là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đỉnh của các nghệ sĩ bậc thầy (dân gian và chuyên nghiệp) ở các lĩnh vực hội họa, điêu khắc và đồ họa. Và do đó, chúng ta không thể và không nên định ra một “khuôn khổ đông cứng” trói buộc các lĩnh vực hoạt động của bảo tàng Mỹ thuật VIệt Nam. Có thể dẫn ra ở đây một số định nghĩa bảo tàng ở trong nước và quốc tế để hiểu sâu sắc hơn về khái niệm bảo tàng mỹ thuật.

Trong luật di sản văn hóa, bảo tàng được xác định “là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng”.



Hiệp hội Bảo tàng Mỹ lại đưa ra một định nghĩa chi tiết hơn về khái niệm bảo tàng “là một thiết chế được thành lập hoạt động lâu dài, phi vụ lợi không chỉ tồn tại vì mục tiêu trưng bày nhất thời, được miễn thuế thu nhập quốc gia, mở cửa phục vụ công chúng và hoạt động theo hướng quan tâm của công chúng, vì mục đích bảo quản và giữ gìn nghiên cứu, thu thập, trưng bày và giới thiệu tới công chúng nhằm tuyên truyền và thưởng thức các hiện vật, mẫu vật có giá trị văn hóa và giáo dục, kể cả những hiện vật về nghệ thuật và khoa học (cả những hiện vật sống và vô tri), tư liệu lịch sử và kỹ thuật. Do vậy, các bảo tàng còn bao gồm cả các vườn thực vật, các vườn thú, bể cá, đài thiên văn, cung điện, di tích lịch sử và các di chỉ mà đáp ứng nhu cầu nêu ra ở trên.



Năm 1995, ICOM – tổ chức quốc tế về bảo tàng cũng xác định “Bảo tàng là một thiết chế phi vụ lợi, họat động lâu dài phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, mở cửa cho công chúng đến xem, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền và trưng bày các bằng chứng vật chất  về môi trường và môi trường sống của con người vì mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức”.



Trước hết ta thấy, hai loại hình đối tượng luôn được dẫn ra trong các định nghĩa bảo tàng là hiện vật và công chúng (người sử dụng, khai thác và tiêu thụ các sản phẩm của bảo tàng). Đối với Bảo tàng Mỹ thuật, hai đối tượng đó sẽ luôn là các hiện vật, tác phẩm mỹ thuật và khách tham quan (trong nước và quốc tế) mà đặc biệt là giới nghệ sĩ sáng tác và nghiên cứu, phê bình mỹ thuật.



Tác phẩm "Hai thiếu nữ và em bé" (sơn dầu) của danh họa Tô Ngọc Vân đang lưu giữ

tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được công nhận "Bảo vật quốc gia". (Ảnh: designs.vn)



Thứ hai, các hoạt động của bảo tàng hướng tới việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các bằng chứng vật chất và thông tin về các bằng chứng vật chất đó cho công chúng. Và theo đó, Bảo tàng Mỹ thuật lại phải định hướng vào các bằng chứng vật chất liên quan tới khía cạnh mỹ thuật tạo hình (bản gốc, có niên đại chính xác, có giá trị thẩm mỹ cao của từng giai đoạn lịch sử mỹ thuật, với các phong cách nghệ thuật đa dạng của từng tác giả/nghệ sĩ cụ thể và cung cấp các thông tin khoa học, kiến thức cơ bản về mỹ thuật hướng dẫn công chúng cảm thụ cái đẹp hàm chứa trong các tác phẩm nghệ thuật.



Thứ ba, bảo tàng là thiết chế văn hóa đặc thù và phi vụ lợi, nghĩa là phải lấy mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng là chính, dù rằng các bảo tàng vẫn cung cấp các dịch vụ phù hợp với tính chất và chức năng  của bảo tàng mà khách tham quan có nhu cầu sẽ mua bằng tiền (và khoản kinh phí thu được từ các loại hình dịch vụ không hề nhỏ). Tôi có cảm tưởng rằng, các bạn ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn ngần ngại hoặc thiếu sự sang tạo trong việc nghiên cứu và tổ chức các loại dịch vụ tương thích nhằm thu hút đông đảo công chúng tới  Bảo tàng để có nguồn thu chính đáng đầu tư cho các hoạt động nghiệp vụ và cải thiện đời sống cho đội ngũ công chức, viên chức của  Bảo tàng.

Tác phẩm Em Thúy (sơn dầu) của danh họa Trần Văn Cẩn đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được công nhận "Bảo vật quốc gia". (Ảnh: VTV)



Cuối cùng ta thấy, khái niệm bảo tàng được mở rộng đến vô cùng đa dạng về nội dung cũng như hình thức hoạt động. Không gian của một bảo tàng có thể được mở rộng, thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu của con người và mục đích phục vụ con người mà không ảnh hưởng tới việc bảo tồn và phát huy giá trị của bộ phận di sản văn hóa đang lưu giữ trong kho bảo quản và giới thiệu trong phần trưng bày của bảo tàng. Cho nên, ngoài cấu trúc “không gian mang tính kinh điển” như: không gian xử lý và bảo quản các tác phẩm nghệ thuật, không gian trưng bày cố định hoặc chuyên đề trong nhà và ngoài trời, không gian dành cho các thiết bị kỹ thuật, không gian quản lý hành chính, dành cho hoạt động của các cán bộ bảo tàng, người ta đã liên tục tạo ra những không gian hoạt động mới trong bảo tàng. Đặc biệt là không gian dành cho các hoạt động dịch vụ của bảo tàng, cho các dạng hoạt động tự thân, trải nghiệm hoặc giao tiếp mang tính cộng đồng, trình diễn – tự thể hiện của công chúng tham quan bảo tàng. Và, chỉ bằng phương thức đó bảo tàng mới giúp cho công chúng có cảm giác được trực tiếp tham gia “các sự kiện bảo tàng”, người ta đến bảo tàng không chỉ với tư cách là khách thể thụ hưởng sản phẩm của bảo tàng mà còn với tư cách là các chủ thể sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Nhờ thế bảo tàng mới được thừa nhận là “môi trường học tập suốt đời”, điểm đến nghệ thuật của các nghệ sĩ và giới nghiên cứu, phê bình mỹ thuật và bảo tàng sẽ tự khẳng định được ý nghĩa, vị trí của mình trong đời sống xã hội.

Tác phẩm mỹ thuật dân gian lưu trữ tại Bẩo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: vnfam.vn)



Có thể nêu ở đây một dẫn chứng tương đối điển hình về một dạng hoạt động sang tạo của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được tổ chức ngày 02/10/2011 tại Hà Nội. Đây là một sự kiện Bảo tàng đã thực hiện nhân dịp “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam và Văn phòng đại diện Unesco tại Hà Nội phối hợp tổ chức với nội dung “Học tập suốt đời – Chìa khóa của thành công” mà hoạt động chính xoay quanh triển lãm “Niềm vui học tập”  với 19 tác phẩm hội họa, 5 tác phẩm đồ họa, 1 tranh áp phích và 2 tác phẩm điêu khắc chọn lọc của các họa sĩ nổi tiếng như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn,… Triển lãm phản ánh tinh thần hiếu học của nhân dân Việt Nam từ năm 1954 đến 1975.



Thông qua triển lãm và hoạt động mang tính chất khám phá của Bảo tàng, chúng ta đã đạt được mục đích nhân văn cao cả như: tạo cơ hội tìm hiểu và khám phá các tác phẩm hội họa và điêu khắc trong Bảo tàng để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, tạo hứng khởi cho học sinh với cơ hội trải nghiệm niềm vui học tập thông qua ngôn ngữ nghệ thuật. Đồng thời tạo cơ hội cho khách tham quan ở mọi lứa tuổi có kiến thức nền tảng về mỹ thuật thông qua các bộ sưu tập các hiện vật, tác phẩm mỹ thuật đỉnh cao trong Bảo tàng để thu nhận, tích lũy thêm kiến thức làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho bản thân. Và đặc biệt là chúng ta góp phần giáo dục ý thức dân tộc, tự hào về những giá trị di sản văn hóa mà cha ông chúng ta đã sáng tạo và trao truyền lại cho các thế hệ con cháu hôm nay.



Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai loại ngôn ngữ nghệ thuật và ngôn ngữ trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhằm phục vụ cho con người và phát triển xã hội là một hướng đi mới cần được ủng hộ và tích cực triển khai trong tương lai.



Tính chuyên nghiệp của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thể hiện rõ qua kho bảo quản hiện vật và cấu trúc phần trưng bày cố định của Bảo tàng. Sau 50 năm hoạt động không ngừng nghỉ, với sự nỗ lực của nhiều thế thệ lãnh đạo và cán bộ của Bảo tàng, hiện tại chúng ta đã có trong tay gần 20.000 hiện vật phản ánh tương đối toàn diện tiến trình lịch sử phát triển mỹ thuật Việt Nam với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau qua các tác phẩm điển hình của các nghệ sĩ tiêu biểu trong nền mỹ thuật dân tộc. Hơn nữa, các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu đó lại được hệ thống hóa thành các bộ sưu tập điển hình và được bảo quản trong các kho riêng với trang bị kỹ thuật tương đối phù hợp. Tôi cho rằng đây là một bước tiến vượt bậc so với những gì chúng ta đã có ở buổi đầu khánh thành Bảo tàng năm 1966. Có thể kể đến một số bộ sưu tập khá hoàn chỉnh như sau: Sưu tập hội họa (trên 7000 tác phẩm hiện vật), sưu tập điêu khắc (trên 1.000 hiện vật), sưu tập mỹ thuật truyền thống (trên 2.000 hiện vật), sưu tập gốm (trên 6.000 hiện vật).



Chúng ta thử so sánh cấu trúc nội dung trưng bày cố định của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở thời điển năm 1996 (30 năm) và năm 2016 (50 năm) để thấy được những bước tiến mới trong việc vận dụng các nguyên tắc bảo tàng học vào hoạt động thực tiễn của Bảo tàng.



20 năm trước, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có những chủ đề trưng bày như sau: Mỹ thuật các dân tộc ít người; Mỹ thuật thời tiền sử và sơ sử; Mỹ thuật thời phong kiến từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19; Điêu khắc cổ Việt Nam từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18; Mỹ thuật dân gian và Mỹ thuật thủ công; Tranh tượng trước năm 1945; Tranh tượng giai đoạn 1946 – 1954; Tranh tượng hiện đại.



Thời điểm hiện tại (2016 – 50 năm) nội dung trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã được cấu trúc hợp lý, lo-gic hơn theo tiến trình lịch sử và các chuyên đề phù hợp với loại hình bảo tàng lịch sử mỹ thuật như sau: Mỹ thuật thời tiền sử, sơ sử; Mỹ thuât từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19; Mỹ thuật từ thế kỷ 20 đến nay; Mỹ thuật ứng dụng truyền thống; Mỹ thuật dân gian; Gốm Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 20.



Trong những năm 90 của thế kỷ 20, giới nghiên cứu mỹ thuật vào tàng tàng học Việt Nam vẫn tồn tại những ý kiến băn khoăn về các loại hình mỹ thuật dân gian và mỹ thuật ứng dụng. Một số người cho rằng hiện vật mỹ thuật dân gian và mỹ thuật ứng dụng không  nên có chỗ đứng trong bảo tàng mỹ thuật (tôi cũng từng là người ủng hộ quan điển này). Họ quan niệm rằng, bảo tàng mỹ thuật chỉ nên dừng lại ở khuôn khổ nghệ thuật tạo hình với 3 loại cơ bản là điêu khắc, hội họa và đồ họa. Tuy nhiên, ngày nay với nhiều quan điểm bảo tàng học hiện đại, người ta có thể tiếp cận hoàn toàn mới về tính đa dạng và và tính hữu ích cho con người trong các họat động của Bảo tàng. Theo đó, tất cả các dạng tác phẩm/tác phẩm mỹ thuật phản ánh thực tại khách quan dưới dạng các hình tượng nghệ thuật  điển hình, có khả năng mang lại thẩm mỹ thông qua trải nghiệm cái đẹp và hướng con người tới các mục tiêu chân thiện mỹ đều phải có được chỗ đứng thật xứng đáng trong bảo tàng mỹ thuật hiện đại. Và do đó, tôi cũng buộc phải thay đổi quan điểm cứng nahức chưa phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội của chính mình và hết lòng ủng hộ sự đổi mới nhận thức của các bạn đồng nghiệp tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.



Mỹ thuật dân gian (tiêu biểu nhất là điêu khắc đình làng và tranh dân gian với các loại tranh thờ và tranh Tết) có nguồn gốc từ xa xưa, được bảo tồn và phát triển qua các gia đoạn lịch sử của đất nước. Chính loại hình mỹ thuật này đã góp phần làm nên  một nét độc đáo trong văn hóa làng xã và cơ bản thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc.



Còn mỹ thuật ứng dụng truyền thống nếu được thể hiện duy nhất một lần trên một sản phẩm (tính độc bản) thì mặc nhiên đã trở thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao về mặt mỹ thuật. Ngoài công năng sử dụng, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng đó hoàn toàn có khả năng thỏa mãn nhu cầu thưởng ngoạn, thức tỉnh cảm xúc sáng tạo nghệ thuật cho người xem. Đó là một trong những tiêu chí quan trọng nhất mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần đặt ra khi sưu tầm và lựa chọn hiện vật đưa ra trưng bày phục vụ công chúng.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập. (Ảnh: Anh Vũ)





Năm mươi năm là khoảng thời gian chưa dài những các hoạt động nghiệp vụ mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đạt được là một thành tựu không nhỏ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bộ phận di sản mỹ thuật quan trọng của đất nước. Hy vọng các bạn đồng nghiệp ở Bảo tàng sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo nhiều hình thức hoạt động đa dạng và thiết thực hơn nhằm khẳng định vị thế của hệ thống bảo tàng Việt Nam trong đởi sống xã hội.



PGS.TS Đặng Văn Bài (50 năm Bảo tàng Mỹ thuật VIệt Nam)
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ