Lược sử Giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam

06/01/2020

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ CHÍNH TÒA PHỦ CAM

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ chính tòa Phủ Cam, Giáo hạt Thành Phố, nằm trên địa bàn phường Phước Vĩnh (khu vực từ đường Phan Chu Trinh lên đến đường Ngự Bình, bao gồm đường Hàm Nghi lẫn đường Trần Phú) và phường Trường An (khu vực dọc theo đường Điện Biên Phủ, từ cầu Nam Giao lên đến đàn Nam Giao), thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Một số giáo dân còn ở rải rác các vùng phụ cận như phường An Cựu, phường An Tây, phường Phường Đúc, phía bắc phường Thủy Dương, phía đông phường Thủy Xuân. Nhà thờ chính tòa Phủ Cam tọa lạc ở số 1 đường Đoàn Hữu Trưng, cách tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 357m theo đường chim bay về phía nam đông nam[1].

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Năm 1615, các linh mục Francesco Buzomi và Diego Carvallo (Dòng Tên) cập bến Hội An, khai mở công cuộc truyền giáo lần ra phía bắc Đàng Trong (lãnh địa của các chúa Nguyễn), tới miền Thuận Hóa (Huế) và Dinh Cát (Quảng Trị). Năm mươi năm sau, các linh mục hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP) đến tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng.

A- HỌ ĐẠO KHAI SINH

  1. Vị quản xứ tiên khởi: cha Pierre Langlois (1682-1700)

Năm 1659, Đức Thánh cha Alexandre VII ra sắc lệnh cử Đức cha Lambert de la Motte (1624-1658-1679[2]) làm Đại diện Tông tòa ở (giáo phận) Đàng Trong. Nhiều nhà truyền giáo thuộc hội Thừa sai Paris trong đó có linh mục Pierre Langlois (1640-1700) được gởi sang vùng này và đến Huế vào năm 1680 dưới lốt một thương gia.

Nhờ có thư giới thiệu của thừa sai Bénigne Vachet (MEP, 1641-1720), cha P. Langlois yết kiến con thứ hai của Hiền vương là Nguyễn Phúc Thái tức chúa Ngãi sau này (1650-1687-1691) để trao thư và quà của cha Vachet cho ông phò mã và ông Nghè Bộ trấn thủ Hội An. Nhờ cha Vachet giới thiệu như thế, cha P. Langlois được phép mặc áo dòng và được ông hoàng này cấp đất gần phủ chúa để làm nhà thờ, nhà ở và bệnh xá, vì ngài biết nghề thuốc.

Năm 1682, cha P. Langlois nhờ một ông hoàng có đạo là Tôma Nguyễn Phúc Lễ mua đất ở Đồi Đá là nơi dành cho các ông hoàng lập phủ. Ngài qui giáo dân nghèo Thuận Hóa về ở đây, chia đất cho họ làm nhà và bày cách làm nón lá để họ có phương tiện sinh sống. Như vậy, giáo xứ Phủ Cam ra đời trước hết ở mé đồi hoang vu này trong một khu đất rộng mang cùng tên. Cha P. Langlois xây một nhà nguyện nhỏ bằng đá, có thể xem như nhà thờ đầu tiên của họ đạo mà ngài là mục tử tiên khởi.

Vào tháng 12 năm 1682, Đức cha Louis Laneau (1637-1674-1696) Giám quản Đàng Trong (1679-1682) từ Xiêm qua Việt Nam, đến Huế và thăm một số họ đạo. Ngài có tới giáo xứ Phủ Cam ở Đồi Đá và ban phép Thêm sức cho một số giáo dân trong đó có ông hoàng Tôma Lễ. Trong năm này, cha Langlois đã rửa tội cho gần 2.000 người.[3]

Năm 1687, cha P. Langlois xây nhà thờ đá kiểu cổ và to lớn do tài chánh xin ở quê nhà và giáo dân đóng góp. Nhà thờ xây trong 3 năm mới xong và dâng kính Đức Mẹ Xuống Tuyết. Nhà thờ cũ dùng làm bệnh viện. Ngài còn cho xây 4 nhà nguyện tại các vị trí khác nhau vì có nhiều người trở lại đạo nhờ công tác y tế miễn phí và nhất là nhờ lòng thương yêu chăm sóc bệnh nhân của ngài.[4]

Trong thời gian này, ở phó cho cha Langlois có cha Phanxicô Nho (Vân, một trong những linh mục Việt Nam tiên khởi được huấn luyện và phong chức tại Xiêm, trở về nước) từ 1688-1690, cha JB de Cappony từ 1689-1700. Cũng ở phó là cha Chiêu (#1694). Còn chết tại nhà cha Langlois ở Phủ Cam là linh mục Tađêô Nghiêm, bạn học với cha Phanxicô Nho và từng làm mục vụ ở Quảng Bình. Cha mất năm 1692. (Xem A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine I, tr. 378.626).

2- Tòa Giám mục đầu tiên trên đất Huế (1691)

Năm 1691, Đức cha Louis Laneau phong cha Francisco Pérez làm Giám mục Đàng Trong. Đức cha Fr. Pérez (1643-1687-1728) đến Huế, đặt tòa Giám mục ở Phủ Cam và chọn cha P. Langlois làm Tổng Đại diện. Tòa Giám mục này tồn tại khoảng 8 năm (1691-1698) thì bị san bằng cùng với nhà thờ, dưới thời Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1691-1725).

Số là vào năm 1694, nhân lễ bổn mạng thánh Phêrô, cha P. Langlois mở tiệc mừng, có quan lại, lính phủ chúa và lương dân tham dự đông đảo. Vụ việc đến tai chúa, một Phật tử đã quy y và chẳng ưa gì đạo. Trước đó, ngày 1-3-1693, chúa có dịp đi ngang giáo xứ Phủ Cam, thấy cơ sở đồ sộ và giáo dân đông đúc nên đã có ý định sẽ hủy diệt.

B. LỚN LÊN TRONG THỬ THÁCH (1698-1866)

1- Mục tử và giáo dân cùng làm chứng đức tin

a- Cha Langlois chết rũ tù

Năm 1698, gần dịp lễ Phục sinh, thấy giáo dân tấp nập dự các nghi thức Tuần thánh, các sư sãi liền vu cáo cho giáo dân Phủ Cam tội phá hoại, đập phá chùa chiền và tượng Phật, lấy cắp đồ cúng. Chúa cho điều tra và được báo cáo vụ việc hoàn toàn chỉ là vu vạ, nhưng chúa vẫn nổi giận và ra lệnh triệt hạ thánh đường để giáo dân chẳng còn nơi lui tới đọc kinh dâng lễ. Chúa truyền quan “Hữu Cam” và “Tả Kang[5] dẫn lính san bằng nhà thờ của ông Clément de la Croix ở Thợ Đúc và nhà thờ của cha Langlois ở Đồi Đá, còn bản thân cha thì bị khủng bố dữ dội.[6]

Tả Kang dẫn 14 suất đội, gồm 700 lính bao vây làng Phủ Cam; một số đột nhập nhà xứ, bắt trói cha Langlois, xé nát áo ngài và dẫn ra bờ sông nghe quan đọc lệnh. Người theo xem khá đông, nhiều giáo dân và lương dân thấy tình cảnh của cha đã khóc. Số lính khác thì lục soát nhà thờ, nhà xứ, cướp những gì có thể, đốt phá sách kinh, tượng ảnh. Quan cho hay ông được lệnh triệt hạ giáo đường và cấm cha Langlois giảng đạo, nhưng cha cho biết đó là bổn phận của mình và sẵn sàng hiến mạng vì đạo.

Bộ giàn trò bằng gỗ của nhà thờ Tả Kang đem về làm của riêng, còn nhà thờ đá thì bị hủy. Cá nhân cha Langlois, ông bắt nộp phạt 20 ngàn quan để được tự do. Ngài phải nhờ một số bè bạn quyên số tiền tương đương để nộp. Nhưng về đến nhà thì Tả Kang cũng ngã bệnh.

Sau đó, ngày 2-11-1698 xảy ra một cơn bão lớn làm tốc mái cung điện, đổ sập nhiều chùa chiền và gia cư, nhận chìm nhiều thuyền bè đánh cá… Minh vương sợ, coi là Trời phạt, nên cho phép dựng lại các nhà thờ.

Ngày 17-3-1700, chúa Minh lại ra sắc chỉ nghiêm ngặt hơn: phá nhà thờ, giam các đạo trưởng Gia-tô (linh mục). Theo lệnh này, ở kinh đô có 4 vị Thừa sai bị bắt là các cha Langlois, Pietro Belmonte (Dòng Tên người Ý ?-1700), Giuseppe Candone (Dòng Tên người Ý 1637-1701) và Jean-Baptiste de Cappony (Hội Thừa sai người Pháp 1652-1707). Tất cả bị mang gông và tống vào nhà ngục Phú Xuân.

Cha Belmonte bị giam gần 3 tháng, mắc chứng xuất huyết và từ trần. Cha de Cappony bị lên án tù chung thân về tội rao giảng Tin Mừng, nhưng sau đó được trả tự do năm 1704 (mất năm 1707). Cha sở Phủ Cam Langlois thì ngày 30-7-1700 chết rũ tù, cổ còn đeo gông và chân bị xiềng lại. Thừa sai Juan Antonio Arnédo (Dòng Tên, người Tây Ban Nha, 1660-1720) làm giáo sư dạy toán cho chúa nên được tự do, liền xin chúa cho nhận xác cha Langlois.

Được tin cha P. Langlois qua đời, chúa Minh cấp hai mươi ngàn quan tiền để chôn cất, lại sai lính đi hầu quan tài và cho phép các linh mục tham dự lễ tống táng. Nhiều giáo dân cũng có mặt. Ngài được chôn cất dưới chân bàn thờ của nhà thờ Xóm Đá. Như vậy, cha P. Langlois được an giấc ngàn thu nơi vườn cũ họ đạo của ngài[7] (nay là khu vực La Vang).

Trong thư gởi thừa sai Jean Basset (MEP, truyền giáo tại Trung Quốc), giáo sĩ de Cappony gọi cha Langlois là một kho báu sau 21 năm phục vụ, vì ngài gồm đủ các đức tính của một nhà truyền giáo thật sự. Với tính tình hòa đồng, tế nhị và vui vẻ, sống đời giản dị thanh bạch, yêu tha nhân, làm việc không biết mệt mỏi, cha Langlois đã lôi cuốn và chinh phục được nhiều người. Bên cạnh đó, ngoài thần học, cha còn thông thạo La ngữ và các khoa học nhân văn, toán học. Cha học ngoại ngữ cách dễ dàng, nói được tiếng Thái, tiếng Việt và tiếng Bồ.[8]

b- Thầy giảng Tađêô Vân với án hãm cốc (1700)

Trong lần cấm đạo nói trên (17-3-1700), 38 giáo dân kinh đô bị bắt. Một số lớn chối đạo, chỉ còn 6 người trung thành với đức tin. Trong đó, bốn vị lãnh phúc tử đạo, còn 2 người kia được tha về. Thừa sai de Cappony, cũng trong thư gởi cha Jean Basset ngày 22-08-1700, khi nói về 4 giáo dân can đảm này, đã ví họ như những vì sao sáng trên trời, và cho biết một người là thầy giảng của cha P. Langlois.

Họ bị giam trong một cũi gai nhỏ ở cồn Dã Viên, lính canh gác ngày đêm bên ngoài, không cho ăn uống (án hãm cốc), lại còn tìm đủ mọi cách cám dỗ như bày cơm, mời nước để họ ngã lòng:[9]Chúng tôi sẽ cho các ông tất cả nước sông để uống; các ông sẽ được tự do nếu bỏ đạo. Tại sao lại tự giam mình đến chết?” Vị thầy giảng dũng cảm mà Thiên Chúa dành cho chết sau cùng để động viên các người khác, đã trả lời: “Chúng tôi vui vẻ chấp nhận đề nghị của các ông, nhưng không phải với điều kiện các ông yêu cầu”.

Trong thời gian mấy vị bị giam, hầu như ngày nào các thừa sai cũng gửi người đến để khích lệ và nghe ngóng tin tức. Từ sáng đến tối, cồn Dã Viên chật ních kẻ đến xem hiện tượng chịu khổ hình vì đạo cách lạ lùng như vậy. Những ai đã xuất giáo cũng tới. Từ thành thị tới nông thôn, mọi người đều đề cập đến các tù nhân đức tin này và hết sức thán phục.

Mô tả cực hình này, thừa sai de Cappony viết: “Nếu họ đau đớn vì đói bốn mức độ thì vì khát đến tám mức độ theo như họ cho biết: mắt họ không còn long lanh, trở nên khô, và lún sâu vào đầu; thân thể họ chỉ còn da bọc xương. Họ kiệt sức dần dần và chẳng còn đứng lên ngồi xuống được; họng và phổi thì nóng ran đến nỗi hầu như không còn nói được; họ cảm thấy một ngọn lửa cực kỳ lớn khắp thân thể, tưởng như ở trong một hỏa lò, khiến họ phải lấy cát mà phủ lên mình.”[10].

Sau nhiều ngày bị dằn vặt và khổ hình, bốn giáo dân trên bắt đầu sụt giảm sức khỏe và mất cả phán đoán, đến độ một trong những người trước đây ở với cha de Cappony đã xin được tha tù. Lính tâu lên với chúa, nhưng khi được yêu cầu đạp lên Thánh giá thì vị này đã phản cung và cho biết mình muốn chết hơn là xúc phạm đến Thiên Chúa của mình.

Theo thừa sai de Cappony, ông này qua đời sau 15 ngày; một vị khác sau 16 ngày; vị khác nữa sau 17 ngày, và thầy giảng giúp cha Langlois qua đời cuối cùng, sau 18 ngày. Sau lúc qua đời, xác các ngài bị cắt thành từng mảnh vụn và đem ném ngoài biển. Trong thư thừa sai Charles Gouge gởi cho giáo sĩ Gabriel Braud (truyền giáo ở Trung Quốc) thì danh tánh bốn vị tử đạo là : Ông Tađêô Vân (thầy giảng), ông Antôn Kim, ông Vinhsơn Công và ông Phaolô Sô.[11]

Vậy ông Tađêô Vân, người mà cha Gouge gặp ở nhà cha Langlois và được ngài trước đây có ý định chọn làm linh mục, phải chăng là người quê quán họ Xóm Đá – Phủ Cam? Nếu đúng, thì ông là giáo dân Phủ Cam đầu tiên được hồng ân nhận triều thiên tử đạo.

c- Câu họ Cai Lý với án thảo tượng (1714)

Từ năm 1700-1715, họ đạo Xóm Đá – Phủ Cam chẳng còn nhà thờ vì đã bị đập phá như nói ở trên. Trước đây, Xóm Đá tấp nập bao nhiêu, nhờ có thánh đường, có bệnh xá, người lui kẻ tới, thì nay vườn không nhà trống, tiêu điều vắng vẻ bấy nhiêu.

Theo thư cha Langlois, mỗi năm ngài rửa tội từ 500-600 người. Như vậy trong 18 năm (1682-1700), giáo xứ Xóm Đá – Phủ Cam có ít ra 4000-6000 tín hữu, vậy mà đến thời này chẳng còn bao nhiêu. Trong hoàn cảnh ấy, ông Cai Lý đứng ra qui tụ giáo dân lại, nhường nhà mình làm nơi đọc kinh hôm sớm. Ông xứng đáng được xem là câu họ đầu tiên của giáo xứ Phủ Cam. Có thể vì thế mà ông bị án thảo tượng (bứt cỏ nuôi voi của chúa) vào tháng 5-1714. Về sau ông được tha.[12]

Theo án này, có từ đời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu, “phạm nhân” bị khắc Thánh giá trên trán bằng mũi kiếm và mang xiềng ba tao: tròng vào cổ xuống rốn rồi chia làm hai, tròng vào 2 cổ chân[13]. Án kéo dài đến chúa Định Nguyễn Phúc Thuần (1754-1765-1777), tổng cọng 186 người phải lãnh, trong đó có 3 sĩ quan, 3 chủng sinh, và 3 người bị chết khi thọ án. Ông câu họ đầu tiên Cai Lý đã chia sẻ số phận các tù nhân thảo tượng nói trên.

Năm 1716, tại Thuận Hóa có 22 người bị án thảo tượng. Vào ngày thứ năm Tuần thánh năm đó, cha Pierre Heutte, quản xứ Phủ Cam, đã rửa chân cho 12 vị thuộc số này.[14] Rất có thể trong đó có ông Cai Lý, câu họ Phủ Cam, bị bắt cách đấy hai năm (5-1714).

2- Vắng chủ chăn lâu dài – Thiếu đoàn kết nội bộ (1700-1719).

Từ năm 1700 đến năm 1715, giáo xứ Phủ Cam không còn chủ chăn. Lúc đó, có cha P. de Sennemand (1646-1730), người Pháp, MEP, từng truyền giáo 10 năm ở Canada trước khi sang Viễn Đông năm 1693. Năm 1700, cha bị chúa Minh bắt giam, bị tra hỏi và mang gông xiềng. Năm 1704, cha được trả tự do.

Lúc mới ra khỏi nhà giam, cha de Sennemand định lên ở khu đất của cố linh mục P. Langlois tại Xóm Đá – Phủ Cam. Theo mô tả của Đức Giám mục phó Charles-Marin Labbé (1648-1697-1723) năm 1706, thì đó là mảnh vườn rất rộng, có hói nhỏ và hàng rào bao bọc, ở giữa kinh đô, khá kín đáo và các giáo dân khắp kinh thành đều biết. Nhưng rồi cha de Sennemand bỏ ý định vì lời ra tiếng vào của hai cha de Cappony và Arnédo mà lên ở Thợ Đúc.

a- Thời cha quản xứ Pierre Heutte (1715-1719)

Tháng 10-1714, một trận bão nổi lên, làm đắm ba chiếc tàu Hòa Lan đi từ Nhật, 17 người chết, 87 người sống sót và trôi dạt vào quần đảo Hoàng Sa. Sau đó họ làm lại được một chiếc và ghé vào Nha Trang. Lúc bấy giờ, cha Pierre Heutte, người Pháp (không rõ năm sinh) đang ở tại đây, được nhà chức trách Việt mời đến làm thông ngôn. Nhờ trong đoàn bị nạn có người nói được tiếng Pháp, tiếng Latinh, nên hai bên hiểu nhau, và cha Heutte dẫn họ ra Huế vào ngày 1-6-1715. Có khoảng 6-7 người chết lúc đi đường vì mệt nhọc đói khát. Lúc đến đây, cha P. Heutte gặp được người giúp việc của cha de Sennemand ở giáo xứ Thợ Đúc. Ông này giới thiệu nhà trọ giúp cha và đoàn. Ngài và đoàn ra Bác Vọng vào phủ yết kiến chúa. Sau khi điều tra, chúa cung cấp cho người Hòa Lan tiền (50 quan) và lương thực (10 bị gạo, 20 hũ mắm) để vào Hội An mà về nước[15].

Riêng cha Heutte được cha de Sennemand khuyến khích ở lại Huế, nhiều giáo dân cũng đến thăm và bày tỏ nguyện vọng mời ngài lưu lại. Đáp ứng lòng ao ước thiết tha của tín hữu Phủ Cam, cha Heutte viết thư xin Đức cha chính Pérez cho phép. Sau khi được chấp nhận, ngài làm một nhà nhỏ trên phần đất cha Langlois ở trước đó tại Xóm Đá – Phủ Cam, và coi sóc giáo xứ này.

Trong thư gởi Đức cha Labbé năm 1716, cha Heutte cho biết ngài thường lui tới nhà ông Cai Lý vào các dịp lễ trọng và muốn giữ ngôi nhà này như nơi quy tụ cho những cuộc rao giảng mà ngài cố gắng thực hiện để truyền giáo. Cũng theo thư ấy, một người tên là Ông Phó (Ou Pho) có cho dựng một bệnh xá cách Xóm Đá không bao xa và nhiều người đến xin chữa bệnh. Ông đã dâng bệnh xá này cho ngài[16]. Như vậy, giáo xứ Phủ Cam trong thời gian vắng linh mục, vẫn duy trì hoạt động bác ái theo gương cha sở tiên khởi.

22 người bị án thảo tượng như nói trên có chiếc ghe dùng đi dọc sông để bứt cỏ. Cha P. Heutte nhờ các vị này chở đi thăm các họ đạo, ra tới tận Dinh Cát, Quảng Bình.         

Lúc này đạo còn bị cấm nhưng không căng thẳng. Năm 1718, cha P. Heutte dịch cuốn giáo lý giáo phận Nantes (Pháp) và các hình vẽ Kinh thánh ra chữ Nôm (quốc ngữ thời bấy giờ) để giúp giáo dân đào sâu đức tin.

Ngày 29-9-1719, cha P. Heutte qua đời sau 4 năm coi sóc giáo đoàn Huế, đặc biệt giáo xứ Phủ Cam. Theo tường trình của Đức cha Charles-Marin Labbé cho bề trên các chủng viện MEP năm 1720 thì lúc bấy giờ Huế vào mùa mưa và cha P. Heutte gặp mưa sau khi đi truyền giáo về. Ngài lên cơn sốt nặng và qua đời 4 hôm sau đó. Cha de Sennemand đang ở giáo xứ Thợ Đúc về ban phép xức dầu. Cha P. Heutte qua đời trong niềm thương tiếc của mọi giáo hữu. Cha có thân hình nhỏ bé, yếu ớt nhưng siêng năng ngồi tòa giải tội. Cha thích đọc sách và viết lách. Ngài là con người rất thánh thiện.[17]

b- Thời cha quản xứ Pierre de Sennemand (1719-1730)

Lúc cha P. Heutte qua đời, cha de Sennemand từ Thợ Đúc đã về Phủ Cam thay thế. Nhưng vì thấy nhà nguyện của vị tiền nhiệm quá nhỏ, ngài đã mua một khu vườn gần mồ mả gọi là Cồn Mồ và xây nhà thờ tại đây. Ngài làm nhiều việc bác ái, xã hội, thích hoạt động và ít khi ở không.

Vào thời của ngài, có thể do địa bàn thuận lợi dễ trốn tránh, vì vừa gần phủ chúa vừa sát núi rừng, và theo lời mời của Đức cha F. Pérez, nhiều hội dòng đã tập trung tại Phủ Cam để truyền giáo. Trong khoảng thời gian 1715-1730, có 3 nhóm Thừa sai hoạt động độc lập nơi đây với 4 nhà thờ:

  1. Dòng Phanxicô với hai cha José de la Conceptión và cha Jéronimo de la Trinidad người Tây Ban Nha (1718)[18].
  2. Dòng Bácnabit với hai cha Filippo Cesati và Alessandro di Alexandris người Ý (1722). Đây là những thừa sai được bộ Truyền bá Đức tin gởi đi.
  3. Hội Thừa sai Paris với hai cha Pierre de Sennemand và Charles de Flory người Pháp ở Cồn Mồ, qui tụ một số giáo dân về ở đây. Hội Đức Bà và hội Tobia ra đời vào lúc ấy (1719).

Sự kiện trên cho thấy vào năm 1719, giáo xứ Phủ Cam phát triển đáng kể, số giáo dân tương đối đông, và mở rộng địa bàn về hướng Cồn Mồ. Tiếc là các cơ sở như nhà thờ mà cha de Sennemand xây dựng nay đều mai một không còn để lại một dấu tích nào, dù rất nhỏ.

Năm 1728, Đức cha chính Francisco Pérez mất, Đức cha phó Alessandro di Alexandris (1691-1725-1738) đã ở Phủ Cam từ 1722, lên thay thế và muốn các Thừa sai Paris nhường sở Phủ Cam của các vị cho ngài[19]. Nhưng giáo dân không chấp thuận. Đức cha bèn dùng quyền đóng cửa nhà thờ của các cha MEP nơi đây (1729).

Cha de Sennemand qua đời tại Phủ Cam ngày 25-1-1730, hưởng thọ 80 tuổi, và được rước lên an táng trong nhà thờ tu viện Mến Thánh Giá ở Thợ Đúc[20].

Được biết lúc ấy có cha Charles de Flory (?-1733), người Pháp, cũng thuộc hội Thừa sai Paris, đến truyền giáo vùng Qui Nhơn năm 1715-1717, sau ra Huế. Ngài có ở tại Cồn Mồ cùng với cha de Sennemand (không rõ từ khi nào) và mất tại Phủ Cam ngày 3-1-1733[21].

Vì có tranh chấp với hội Thừa sai Paris và nhiều dòng tu khác, nên năm 1736, Đức cha Alexandris chán nản xin từ chức. Năm sau, Tòa thánh phải cử Đức cha Elzéar-François des Achards de la Baume (1679-1730-1741) làm Khâm sai sang Việt Nam dàn xếp. Ngài đến Đàng Trong ngày 1-5-1739, sau ra Huế, lưu trú tại tòa Giám mục ở Phủ cam. Ngài hoạt động ở Thuận Hóa, Dinh Cát và Quảng Bình. Ngày 2-4-1741, Đức Khâm sai từ trần tại Phủ Cam và được an táng tại Thợ Đúc.

Suốt thời gian Đức Khâm sai đến giáo phận, có cha Jean-Antoine de la Court (1706-#1736-1746) đại diện các Thừa sai Paris (MEP) để cùng ngài làm việc. Sau khi Đức Khâm sai mất, giáo phận trống tòa, cha de La Court được đặt làm cha Chính. Ngài coi sóc Phủ Cam và Thợ Đúc (2 giáo xứ lớn nhất, PC 3000 giáo dân, TĐ 800) cùng nhiều giáo xứ nhỏ như An Truyền, Đá Hàn, Cầu Hai, Nước Ngọt vv…[22] Ngài cũng làm giám đốc chủng viện thánh Carôlô ở Thợ Đúc (đầu tiên của Giáo phận) mà Đức Khâm sai đã lập tháng 9-1940. Tại Phủ Cam, ngài cũng tái lập bệnh xá do cha Heutte đã gầy dựng mấy năm trước.

Cha de la Court đã qua đời ngày mồng 10-12-1746 tại Phủ Cam, thọ 40 tuổi.

Cũng nên lưu ý là tòa Giám mục ở giáo xứ Phủ Cam tồn tại đến năm 1744, khi Đức cha Armand Lefèbvre (MEP, 1709-1741-1760), Giám mục Đại diện Tông tòa thứ 5 đến Huế và quyết định dời tòa lên giáo xứ Thợ Đúc.

3- Bách hại dưới thời vua chúa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn (1750-1862)

a. Các thừa sai bị trục xuất (1750-1764)

Từ năm 1725-1738, thời cai trị của chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú (1697-1725-1738), người có nhiều thiện cảm với đạo Công giáo, Giáo hội được bình yên. Tiếp đó, chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1714-1738-1765) kế nghiệp. Ban đầu ông cũng tỏ ra hiền lành, thậm chí từ năm 1741, đã lần lượt chọn cha Johann Siebert rồi cha Johann Koeffler (dòng Tên người Đức) làm ‘thày toán học’ trong triều. Nhưng tới năm 1750, ông ra sắc lệnh cấm đạo và trục xuất các thừa sai, chủ yếu là vì các thương gia ngoại quốc có những hành động xấc ngược, chọc giận triều đình. Như ông Pierre Poivre, một đại diện của công ty Đông-Ấn Pháp, vì không hài lòng trong việc điều đình, đã bắt  Micae Cường (thông dịch viên và thuộc hạ của chúa) làm con tin.

Võ Vương ra lệnh tập trung mọi thừa sai, kể cả Đức Giám mục Armand Lefèbvre, đưa vào Hội An (27-8-1750) rồi trục xuất về Macao. Từ đó, giáo xứ Phủ Cam bước vào những năm tháng sống đạo không có linh mục, phải hội họp tại tư gia để đọc kinh cầu nguyện.

Cuộc bách hại chưa nguôi ngoai, giáo dân còn lo sợ, phải giữ đạo cách thầm lặng thì cuộc nội chiến giữa Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn (1771-1801) xảy ra, khiến giáo đoàn Thuận Hóa và giáo xứ Phủ Cam tiếp tục lâm vào cảnh gian khổ.

b- Các mục tử lưu động, chùng lén.

Trong giai đoạn này, năm 1764, Đức cha Guillaume Piguel (1722-1762-1771) cử cha Marinô Phiên (1731-1763-1884) coi sóc vùng Thuận Hóa nhưng ngài thường ngụ tại Phủ Cam[23]. Theo một lá thư của thừa sai Jean Labartette (Giám mục tương lai) viết năm 1779 thì cha Marinô còn ở tại Thuận Hóa cho đến thời điểm này, cùng với cha Pierre Halbout[24].

Năm 1776, cha Pierre Halbout (#1733-#1763-1788) được Đức Giám mục Pigneau de Béhaine (1741-1771-1799) cử đến Thuận Hóa. Ngài ở Thợ Đúc kiêm Phủ Cam. Theo cha Jean Labartette (thư ngày 01-08-1776), đây là giai đoạn mà chiến tranh và nạn đói làm chết một nửa dân, và người ta bày bán thịt người ở chợ. Không còn ai nghĩ đến việc bắt người có đạo[25]. Trong bối cảnh đó, cha Halbout vẫn cố gắng xây dựng các nhà thờ và phục hồi sinh hoạt giáo xứ Phủ Cam. Ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội năm 1780, ngài đã làm phép nhà thờ Thợ Đúc trùng tu. Đầu năm 1781, ngài cũng làm phép luôn nhà thờ Phủ Cam. (Xem Launay, Sách đã dẫn, T. III trang 113). Đến năm 1786 thì ngài bại liệt.

Năm 1786, Cha GB. Nhơn (#1745-#1786-#1819) coi sóc giáo đoàn Thuận Hóa và thường trú ở Phủ Cam. Đây là giai đoạn Quang Trung xưng đế (1788-1792), việc đạo chưa có gay cấn gì. Sau đó, Nguyễn Quang Toản lên ngôi (1792-1801), bắt gặp thư Nguyễn Ánh gởi Đức cha Labartette kêu gọi người Công giáo làm nội ứng, thì mới ra lệnh bắt đạo gắt gao kể từ tháng 8 năm 1978. Theo tương truyền, Đức Mẹ hiện ra tại La Vang vào năm này. Nhiều giáo dân Phủ Cam và kinh đô phải tản mác lên miền núi.[26] Cha Nhơn mất tại Phú Xuân khoảng năm 1819 vì bệnh dịch.

Năm 1802, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi, xưng hiệu Gia Long (1802-1820). Đạo tương đối yên bình. Trong hoàn cảnh đó, giáo dân Phủ Cam trở về họ đạo. Nhưng năm 1804, vua ra sắc lệnh không được sửa chữa và xây dựng nhà thờ mới. Dù vậy, năm 1805, linh mục quản xứ Nguyễn Phước Kim[27] vẫn mua thêm đất và liều mình dựng nhà thờ kiểu Việt Nam.

Kế nhiệm cha Kim là cha Phêrô Lê Văn Thật, người Cổ Vưu (Trí Bưu) được Đức cha Jean Labartette phong chức năm 1814 và sai về Phủ Cam. Tiếc là cha Thật hồi tục năm 1821, làm thông ngôn cho vua Minh Mạng với chức “đội”.

Đầu tháng 2 năm 1820, vua Gia Long băng hà, Minh Mạng lên kế vị. Ông ra 7 sắc dụ bắt đạo liên tiếp: 1825, 1826, 1830, 1833, 1834, 1836 và 1838. Năm 1825, vua chỉ thị giữ cửa biển không cho Tây dương đạo trưởng vào Việt Nam và lệnh tập trung các giáo sĩ ngoại quốc về kinh đô Huế năm 1828, bắt ở tại Cung Quán gần Mang Cá, gọi là để dịch sách. Cha thánh François Jaccard (Phan) đang ở Di Loan phải vào. Ngài thường qua về Phủ Cam. Lúc đó Phủ Cam đang được cha Anrê Nguyễn Hòa An (chịu chức khoảng năm 1803) coi sóc, có lẽ từ 1821. Ngài trợ lực cha Jaccard nhiều việc cũng như giúp đỡ nhiều vị thừa sai bị tù. Ngày 17-10-1833 cha thánh Isidore Gagelin (Kính) bị xử giảo ở Bãi Dâu. Một số giáo dân Phủ Cam xin xác ngài và dùng đò chở về Phủ Cam, cha An tẩm liệm và chôn tại vườn nhà thờ. Cũng năm 1833, vua Minh Mạng ban dụ cấm đạo và lệnh phá bình địa các thánh đường. Nhà thờ Phủ Cam và nhà xứ bị triệt hạ. Một giáo dân Phủ Cam lên bảng vàng tử đạo đầu tiên là thánh Phaolô Tống Viết Bường. Ngài bị xử trảm ngày 23-10-1833. Một giáo dân tử đạo khác gốc Kim Long nhưng được an táng tại Phủ Cam là thánh Anrê Trần Văn Trông, bị xử trảm ngày 28-11-1835. (xem dưới)

Năm 1834, Đức Giám mục Giáo phận Jean-Louis Taberd (Từ, 1794-1827-1840) phải lưu vong ra nước ngoài, vị phó của ngài là Đức cha Étienne Cuénot (Thể, 1804-1835-1861) kế nhiệm, nhưng cũng phải sống đời chui nhủi cho tới khi bị bắt. Trong cơn bách hại này, ngày 04-08-1839, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XVI gửi thư an ủi Giáo hội Việt Nam.[28]

Ngày 20-1-1841, vua Minh Mạng băng hà, Thiệu Trị lên ngôi (1840-1847). Ông này chỉ ra một sắc lệnh năm 1847, nội dung nhắc lại các lệnh cũ của vua Minh Mạng. Không nghiêm khắc dữ dội như nhiều người tưởng, tuy nhiên nó vẫn gây lo âu, xáo trộn trong các cộng đoàn Kitô hữu, khơi dậy lòng tham ‘làm tiền’ của quan lại, cũng như khơi thêm sự giận dữ của lương dân. Các linh mục giai đoạn này tiếp tục làm mục vụ lưu động.

Cha thánh Gioan Đoạn Trinh Hoan được phái đến coi sóc giáo đoàn Thừa Thiên, trong đó có Phủ Cam (1843-1845).

Từ 1845-1846 có cha GB. Bùi Văn Ngôn lưu động vùng Thừa Thiên cũng thường ghé Phủ Cam để làm mục vụ.

Tự Đức lên ngôi năm 1847 và năm sau bắt đầu cấm đạo. Năm 1848, làng Phước Quả, nơi có giáo xứ Phủ Cam, được thành lập bởi cụ Phạm Văn Chung. Cùng năm này, Đức cha phó François Pellerin (Phan) nhờ thánh Micae Hồ Đình Hy hướng dẫn đi thăm lén lút các họ đạo trong đó có Phủ Cam. Tháng 3-1849, Đức cha suýt bị bắt ở làng Dương Sơn.

Ngày 27-8-1850, Đức Thánh cha Piô IX ban Sắc chỉ Postulat Apostolici, thành lập giáo phận Bắc Đàng Trong gồm ba tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị và Quảng Bình. Đức cha Pellerin được chọn làm Giám mục Đại diện Tông tòa. Cha Joseph Hyacinthe Sohier (Bình, MEP) được chọn làm Giám mục phó, nhưng rồi phải đi trốn tại Kẻ Sen, Kẻ Bàng (Quảng Bình) nhiều năm trời.

Cha Phêrô Trần Văn Mân làm mục vụ khắp vùng Thừa Thiên (1851-1853), thỉnh thoảng đến Phủ Cam dâng lễ và ban bí tích giải tội.

Cha Phaolô Trần Hữu Ninh. Thụ phong linh mục cách bí mật do tay Đức cha Sohier ngày 17-12-1853 tại nhà ông Thường họ An Vân. Xong đi làm việc tông đồ ở vùng Thừa Thiên. Thỉnh thoảng ngài ở Phủ Cam, nhiều nhất ở An Vân trong các nhà có đạo. Phục vụ tới gần cuối năm 1856 thì phải đổi tên thành Oai, trốn ra Quảng Bình vì bị triều đình truy nã.

Cha Anrê Nguyễn Ngọc Thoại. Chịu chức linh mục xong (1853), ngài nhận lãnh công tác mục vụ các vùng xung quanh Huế. Ngày 6-10-1858, cha ban phép giải tội cho Thánh Phanxicô Nguyễn Văn Trung, trước khi ngài chịu xử tử tại An Hòa. Trong tháng 10-1860, cha lại ngài đến Khám Đường (ngục giam tử tội) để ban phép giải tội cho Thánh Giuse Lê Đăng Thị.

Cha Máctinô Nguyễn Văn Thanh từ Qui Nhơn được thuyên chuyển về Huế. Trong những năm cấm đạo, ngài thường lui tới Phủ Cam (1858-1862).

c- Các giáo dân tử đạo, tù đày.

Đầu tiên lên bảng vàng các vị tuẫn giáo là thánh Phaolô Tống Viết Bường, sinh năm 1773 tại Phủ Cam. Vì thuộc dòng dõi quan lại, nên khi trưởng thành được chọn làm Thị vệ thăng đến chức Đội và tuyển vào hoàng cung. Về thánh nhân, cha A. Launay viết: “Ngài được vua Minh Mạng đích thân biết đến và đánh giá cao. Nhà vua có nói về ngài rằng: “Ông ấy chu toàn nhiệm vụ với nhiệt tình và năng động”. Chức vụ này không làm ngài quên trách nhiệm của mình là Kitô hữu. Ngài năng xưng tội và rước lễ, đồng thời rất chăm lo công việc họ đạo của mình[29].

Năm 1831, ông được sai đi đánh giặc Đá Vách[30] ở Quảng Nam. Lúc về được vua hỏi có vào chùa Non Nước lễ bái tạ Phật không, ông cho biết mình là người Công giáo nên không vào. Vua giận định chém, sau nghe can gián, truyền đánh 80 roi và giáng làm lính. Năm sau (1832), vụ Dương Sơn-Cổ Lão tranh chấp ruộng đất xảy ra, vua bắt lại ông và 11 binh sĩ Công giáo được ông dạy đạo. Năm người sợ nên đã xuất giáo. Ông và 6 người còn lại bị tống vào ngục Trấn Phủ, cổ đeo gông, chân mang xiềng. Ông bị đánh đòn nhiều lần, rách da thịt nhưng vẫn không bỏ đạo. Sau cùng, vua phê án trảm, đầu bêu ba ngày làm gương.

Chiều ngày 23-10-1833, lính dẫn ông lên pháp trường thôn Thượng Bốn, Thợ Đúc. Thừa sai Gilles Delamotte kể: “Sau một hồi đi bộ mệt nhọc, trong hơn nửa tiếng đồng hồ, vị chứng nhân kiên cường tới nơi hành hình và xin đi lên vài bước nữa, tới nơi chính là chỗ nhà thờ (Thợ Đúc). Ông xin cầu nguyện một lúc. Người ta đồng ý. Quỳ gối và cúi mặt sát đất, ông ở trong tư thế đó một lúc, đoạn ngước lên và nói với lý hình rằng: “Việc tôi đã rồi”. Người ta bảo ông đứng thẳng, nhưng ông không đủ sức. Người ta đỡ ông dậy và lúc đó chỉ một nhát gươm đầu ông rơi xuống.[31] Thủ cấp ông bị bêu ba ngày ở nhà thờ Thợ Đúc, thi hài được an táng tại Phủ Cam.[32]

Đến ngày 28-11-1835, một vị tử đạo khác là thánh Anrê Trần Văn Trông (1814-1835) có cha người Kim Long, mẹ người Thợ Đúc, đã đổ máu làm chứng Tin Mừng. Cha mất sớm, ngài phải bỏ dở việc học và qua Thợ Đúc làm thợ dệt năm mới 15 tuổi. Năm 20 tuổi, ngài nhập ngũ. Tháng 11-1834, có lệnh binh sĩ Công giáo phải trình diện. Anrê Trông và 12 bạn đồng đội ra mắt quan. Họ bị buộc đạp Thánh giá, bị tra tấn bỏ đạo. Lần lượt các bạn đều bỏ đạo, chỉ còn Anrê Trông. Ngày 28-11-1835, ngài được phúc tử đạo tại Bắc trường đình (gần Đốc Sơ). Thủ cấp của ngài được mẹ đem về chôn ở Thợ Đúc, xác thì được mai táng tại Phủ Cam (nay còn mộ, nằm trên đường Trần Phú, xem dưới), nhưng sau đó hài cốt được đem qua Rôma.

Năm 1857, thánh Micae Hồ Đình Hy (gốc Nhu Lâm) bị xử trảm tại chợ An Hòa, nhưng xác được rước về an táng trong vườn nhà thờ Phủ Cam.

Cả ba vị được Đức Giáo hoàng Lêô XIII phong Chân phước ngày 27-5-1900, và Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II phong Hiển thánh ngày 19-6-1988.

Năm 1859, có sắc dụ bắt các chức việc họ. Tất cả là 98 người trong đó có nhiều vị thuộc giáo xứ Phủ Cam. Cha Máctinô Thanh nhờ các bà Phủ Cam bới cơm nước.

Tiếp đó là sắc dụ bắt các quan quân Công giáo. Một trong những nạn nhân đầu tiên là Chưởng vệ Giuse Lê Đăng Thị, gốc Kẻ Văn. Ngài bị xử thắt cổ tại chợ An Hòa ngày 24-10-1860 và thi hài được đem về Phủ Cam an táng. Nay kính tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế.

Tháng 1-1860, vua Tự Đức ra dụ Phân Sáp và đã áp dụng nó triệt để vào tháng 8‑1861. Trước đây việc cấm đạo chỉ nhằm vào các linh mục và chức việc họ, nay liên can đến toàn thể giáo dân. Lệnh Phân Sáp buộc giáo dân 15 tuổi trở lên bị khắc tự và giam vào các trại của huyện. Trại giam giáo dân Phủ Cam ở Cồn Cát (Lương Văn, Hương Thủy)[33].

Theo bà Nguyễn Thị Hợi, người Phường Đúc, vợ ông Nguyễn Văn Tài, một trong những nạn nhân Phân Sáp, thì trại giam làm bằng tranh, bên trong đặt từng hàng gông cùm. Đàn ông, đàn bà đều bị xâu lại, xung quanh nhà giam có hào lớn để lùa người có đạo xuống và chất rơm mà đốt khi có đạo trưởng xuất hiện trong khu vực. Trước lúc vào nhà giam, tín hữu bị khắc bên má này 2 chữ “Tả Đạo”, bên má kia tên huyện, nơi họ bị giam giữ. Đàn ông thường bị đánh, đàn bà ít hơn.

Cha Théodore Bernard (cố Thới 1834-1859-1862, phụ tá của Đức cha Joseph Sohier), trong tập sách “Những người tuyên xưng đức tin từ 1848-1862 của Bắc Đàng Trong” có nêu tên tuổi và trường hợp tử đạo của 27 vị thuộc giáo xứ Phủ Cam[34]. Ngoài ra còn có những vị bị khắc tự như: ông Nguyễn Văn Tài, ông Trần Văn Xưa, ông bà nội của ông Huỳnh Đình Lễ, mẹ của cha Giacôbê Nguyễn Văn Ngọc (Buồng Tằm), mẹ của cha Phaolô Trương Văn Vân…

Năm 1862, hòa ước Nhâm Tuất ký giữa triều đình Tự Đức và Pháp có khoản tự do tín ngưỡng. Luật Phân Sáp chấm dứt.[35] Giáo dân Phủ Cam được tha về. Từ năm 1862-1864, chỉ có 30 gia đình hồi cư. Mọi sự bắt đầu lại từ tang thương đổ nát. Số giáo dân từ 1.200 người vào năm 1850 nay xuống còn một nửa. Có một số người chết ở Lương Văn được ông Nguyễn Văn Nghi (Hội Nghi) cải táng năm 1950 và cho xây lăng tử đạo nay thuộc khu vực Tử Đạo của giáo xứ.

C- CỦNG CỐ VÀ XÂY DỰNG (1866-1974)

Ngày 15-9-1866, cha Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tuyên được Đức cha Joseph Sohier (Bình) trao bài sai làm quản xứ Phủ Cam. Đồng thời theo lệnh vua Tự Đức, ngài còn làm giáo sư dạy trường thông ngôn ở Thương Bạc. Sau cùng, nhà nước Nam triều phái ngài ra ở Hải Phòng với tư cách “Tham biện”. Ngài mua lại vườn ông Nguyễn Thuận (trên đó sau nầy, năm 1925-1926, cha Antoine Stoeffler sẽ xây nhà cha sở). Năm 1880, ngài đi làm quản xứ Trường An[36].

Ngày 08-08-1867, trong một thông cáo, Đức Cha Sohier cho biết tại Thừa Thiên có hai phước viện (nhà dòng Mến Thánh Giá), một ở Phủ Cam và một ở Dương Sơn. Bắt nguồn từ phước viện Thợ Đúc mà thừa sai Pierre de Sennemand lập năm 1719 (nhưng chắc lúc đó không còn), phước viện Phủ Cam sẽ phát triển thành 3 nhà lớn tại giáo xứ (mà một trong ba là nhà mẹ).

Trong giai đoạn từ 1881 đến 1884, giáo xứ Phủ Cam tạm thời trực tiếp thuộc quyền vị quản xứ Trường An (đổi từ tên Thợ Đúc năm 1850) là cha Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tuyên cho đến năm 1882, rồi cha Phanxicô Xavie Trương Văn Thường (1883-1884).

Năm 1885, Đức cha Antoine Caspar (Lộc) đặt cha Eugène-Marie Allys (cố Lý) làm quản xứ Phủ Cam kiêm quản hạt Bên Thủy (cho đến 1908) (Hạt Bên Thủy là vùng từ bờ nam Sông Hương đến chân đèo Hải Vân). Trước đó, khi ngài còn làm quản xứ Dương Sơn (1881-1885), thì ngày 6-12-1883 dân Công giáo vùng Nước Ngọt, Cầu Hai và Truồi đã bị phò mã Cát chỉ huy Văn Thân đánh phá, 35 tín hữu vùng Truồi (trong đó 27 giáo dân Phủ Cam, có lẽ tản cư về thời Phân Sáp) đã phải vong mạng. Hôm sau (7‑12‑1883) đến lượt Cầu Hai và Nước Ngọt. Cha sở Nước Ngọt là Giuse Tống Văn Vĩnh (1879-1883) bị chém chết tại chỗ. 27 giáo dân tử đạo nói trên đã được cải táng vào lễ Giáng sinh 1914 và đem về Phủ Cam, bia và mộ nay ở khu vực Tử Đạo. (hình dưới đây)

Phủ Cam lúc đó có gần 500 giáo dân và giáo hạt Bên Thủy được hình thành từ một ít giáo xứ nghèo mà nhiều xứ đã mất đi một phần mười trong cuộc bách hại.

Cha Allys can đảm bắt tay vào việc để dựng lại những đổ nát chất đống do cuộc bách hại; ngài đã làm việc rất tốt đến nỗi vào năm 1910, khi ngài rời nhiệm sở này, giáo xứ Phủ Cam có gần 2.400 giáo dân sống đạo và cả giáo hạt có hơn 11.000 người.

Các cuộc trở lại này được thực hiện nhất là trong tầng lớp nghèo khổ. Nhưng không phải chỉ có những ngưởi nghèo mới trở lại; cũng có các cuộc trở lại trong hàng ngũ cao hơn của xã hội Việt Nam bấy giờ, và ngay cả trong những phần tử của hoàng gia. Một cháu gái của vua Minh Mạng là người đầu tiên đến xin trở lại đạo.

Năm Mậu Tuất (1898), cha Allys mua thêm đất và xây dựng lại nhà thờ Phủ Cam. Đây là nhà thờ thứ 9 kể từ cái đầu tiên bằng tranh tre ở Xóm Đá. Nhà thờ được xây trên móng đá ngay nơi hiện là thánh đường chính tòa. Kinh phí do cha Allys xin từ song thân ngài ở Paimpoint và giáo phận Rennes (Pháp). Giáo dân tham gia công phụ. Nhà thờ xây trong 4 năm (1898-1902), dâng Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.  Đến năm 1960, nhà thờ nầy được triệt hạ để nhường chỗ cho một nhà thờ mới.

Đặc biệt dưới thời cha chánh xứ Allys có phong trào truyền giáo với các phó Trần Bá Lữ (1885-1890, biệt cư Cầu Hai, Nước Ngọt, Hà Úc, Diêm Tụ), Đôminicô Lê Xuân Biện (1890-1892, biệt cư Vĩnh Lại), Lê Văn Phẩm (1891-1900, biệt cư Tiên Nộn), Giuse Nguyễn Văn Linh (1897-1900, biệt cư Nam Phổ), Đặng Văn Dõng (1900-1906) và Phaolô Nguyễn Văn Huồn (1906-1910). Nhờ đó, đạo được mở rộng đến Dương Nỗ, Lương Văn, Hòa Đa, Nam Phổ, Sư Lỗ, Tô Đà, Dưỡng Mong, An Nhơn, Mậu Tài, Tiên Nộn, Lại Ân, Qui Lai, Kim Bòng, Cầu Hai…   

Từ năm 1892, sổ Rửa tội của Phủ Cam có ghi tên những người gốc các làng trên. Ngoài các linh mục, nhiều giáo dân cũng đóng góp đáng kể vào việc truyền giáo này, như cụ Thượng thư Ngô Đình Khả vốn dùng uy tín và tiền bạc của mình, như ông Phạm Văn Tuấn, con ông Phạm Văn Hoằng và ông trùm Cơ, con ông trùm Thới từng cơm đùm gạo bị, ngược xuôi khắp vùng Thừa Thiên ra tới tận Quảng Bình để dạy chầu nhưng (dự tòng) và truyền giáo.[37]

Kế nhiệm là cha Antoine Stoeffler (cố Thể) (1908-1936). Cha Phaolô Nguyễn Văn Huồn tiếp tục ở phó Phủ Cam, giúp cho ngài (1908-1910) cùng với cha phó mới là Mátthêô Nguyễn Thanh Bạch (1908-1910), cha Batôlômêô Phạm Hữu Hội từ năm 1911, cha Phaolô Lê Quang Tuyến từa năm 1912, cha Phêrô Trần Văn Lượng từ năm 1915, cha GB Huỳnh Viết Chưởng từ năm 1916, cha Batôlômêô Nguyễn Văn Khâm và cha Anrê Lê Văn Kiệm từ năm 1918, cha Đôminicô Trần Văn Phú từ năm 1920, cha Đôminicô Nguyễn Văn Trân từ năm 1922, cha Phêrô Nguyễn Văn Lành từ năm 1927, cha Giuse Đỗ Bá Ấn từ năm 1932, cha Đôminicô Nguyễn Thanh Chước từ năm 1933, cha Anrê Nguyễn Văn Cần từ năm 1934. Phủ Cam lúc này đông đúc, nên việc mục vụ bề bộn, lại cũng rất hỗn hợp, gồm những người mới theo đạo và những tín hữu lâu đời, những dân thường và những công chức cũng như những vị quan thuộc mọi cấp bậc.

Nhà thờ và giáo xứ Phủ Cam bấy giờ (1908) trở nên chính tòa do quyết định của Đức Cha Allys, vốn đã di chuyển tòa Giám mục từ Kim Long về gần Phủ Cam (địa điểm hiện thời) ngay khi nhậm chức. Cha Stoeffler do đó coi việc làm đẹp nhà thờ là một trong những mối quan tâm liên tục. Ngài mở rộng cung thánh với những ghế gỗ bao quanh, dựng một bàn thờ lớn, làm một ghế dựa chạm trổ, một tòa giảng, đặt một bàn quỳ rước lễ nghệ thuật. Ngài có được niềm vui thấy Đức cha Paul-Marie Chabanon (Giáo) thánh hiến ngày 15-11-1931. Sau đó ngài khởi công xây nhà xứ, cao và rộng được hoàn tất vào giữa năm 1936. Ngài sắp vào ở thì bị đau nặng, phải rời công việc mục vụ, đồng thời từ chức hạt trưởng Bên Thuỷ và Bên Bộ rồi lui về tòa Giám mục.

Trong thời cha Antoine, ngày 20-05-1925, Đức Giáo hoàng Piô XI (1922-1939) ra Tông thư “Ex Officio supremo” công bố thiết lập chức Khâm sứ Tòa thánh (tức đại diện cho Giáo hoàng bên cạnh các Giáo hội địa phương) tại Đông Dương và Thái Lan, văn phòng đặt tại Việt Nam. Tòa Khâm sứ (hay còn gọi là tòa Khâm mạng) được đặt tại Huế, kinh đô nước Việt bấy giờ, ngay tại Phủ Cam là giáo xứ chính tòa Giáo phận. Để dâng Tòa Thánh một ngôi nhà xứng đáng, Quận công Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài nhân dịp này đã dâng cúng sở đất ngọn đồi gần nhà thờ rồi vận động quyên góp tiền bạc xây cơ sở. Ngày 1-5-1928, Đức Khâm sứ Constantino Ayuti (người Ý 1876-1925-1928) và các Giám mục đến Huế làm lễ khánh thành. Đến năm 1951, thời Đức Khâm sứ John Dooley, tòa Khâm sứ chuyển ra Hà Nội. Cơ sở tại Huế được giao cho dòng Mến Thánh Giá.

Cha André Chapuis (cố Châu) lên làm quản xứ (1936-1949). Ở phó cho ngài có cha Anrê Nguyễn Văn Cần và cha GB Trần Hữu Quý từ năm 1936, cha P.X. Trương Văn Lương từ năm 1938, cha GB Hồ Đắc Liên từ năm 1940, cha Giuse Trần Văn Tường từ năm 1941, cha GB Lê Xuân Mừng từ năm 1943, cha Tađêô Trần Văn Tri từ 1945. Họ đạo Phủ Cam đi vào đời sống thiêng liêng sâu xa. Hình thành các hội tông đồ. Tổ chức chầu giờ thánh. Mỗi ngày chúa nhật, bài giảng của cha xứ là một bài giáo lý thực sự. Ngài bước dài theo lối giữa lòng nhà thờ, đặt câu hỏi, nghe câu trả lời rồi chỉnh sửa cách tế nhị, đôi khi kèm thêm một chút hóm hỉnh.

Lòng nhiệt thành với Lời Chúa đó cũng biến cha Chapuis thành tù nhân tự ý của tòa cáo giải. Hầu như ngài luôn sẵn sàng ngồi tòa cho con chiên: rất sớm vào ban sáng lúc đọc kinh Truyền tin, giữa trưa và thường trong buổi chiều tối. Ngài lợi dụng điều đó để đào luyện các tâm hồn sống đạo đức, nâng dậy các lương tâm mù mờ, mang an bình đến cho những người chịu thử thách.

Cha GB Nguyễn Văn Hân, người Nhu Lý, làm quản xứ lần 1 từ năm 1944-1946 kiêm quản hạt Bên Thủy. Ở phó cho ngài có cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền (em ruột, giám mục tương lai) từ năm 1944, cha Giuse Ngô Văn Trọng từ năm 1946. Phủ Cam lúc này chia làm 4 giáp (xóm): Đông, Trung, Nam và Tây. Đây là một giai đoạn khó khăn cho ngài và nhất là khó khăn cho Đức Giám mục Giáo phận François Arsène Lemasle (Lễ). Ngày 09-03-1945, Nhật đảo chính Pháp, xóa bỏ chế độ thuộc địa. Đến tháng 8, lại xảy ra cuộc Cách mạng do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo. Mọi thừa sai và kiều dân Pháp đều lo sợ. Đức Cha qua đời ngày 29-06-1946.

Cha Phêrô Đỗ Khắc Tuế, gốc Trường An, coi sóc giáo xứ từ 1946-1948, kiêm quản hạt Bên Thủy. Cha Giuse Ngô Văn Trọng và cha Mátthia Nguyễn Văn Triêm làm phó cho ngài từ năm 1946, cha Antôn Nguyễn Văn Thọ từ năm 1948. Giáo dân Phủ Cam số đi kháng chiến, số đi tỵ nạn rồi hồi cư… nhiều biến động xảy ra.

Từ năm 1949-1958, cha GB Nguyễn Văn Hân từ Dương Sơn (nơi ngài vừa làm quản xứ vừa làm quản hạt Bên Bộ) trở về Phủ Cam làm quản xứ lần 2, và tiếp tục làm quản hạt Bên Thủy. Ở phó cho ngài là cha Antôn Nguyễn Văn Thọ từ 1949, cha Đôminicô Nguyễn Văn Nghĩa và cha Anrê Nguyễn Văn Trúc từ năm 1951, cha Gioakim Nguyễn Tư từ 1952, cha Mátthêo Trần Thanh Minh và cha Batôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ từ năm 1953, cha Tôma Lê Văn Cầu và cha Phêrô Đoàn Quang Hàm từ năm 1955, cha Giuse Nguyễn Văn Giáo từ năm 1957.

Cha Phaolô Lê Văn Đẩu, gốc An Vân, kế nhiệm từ 1958 đến 1967. Ở phó cho ngài có cha GB Bửu Đồng từ năm 1958, cha Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang từ năm 1959, cha Giacôbê Bùi Chung từ năm 1962, cha Antôn Trần Văn Đức và cha Phaolô Nguyễn Khắc Hiền từ năm 1963, cha PX Lê Văn Cao từ năm 1964, cha Đôminicô Phạm Hữu Thành và cha Phêrô Hoàng Thái Ân từ năm 1965. Trong thời cha sở Phaolô, ngày 24-11-1960, y như các Giáo phận Đại diện Tông tòa khác ở Việt Nam, Huế trở thành Giáo phận chính tòa và là Tổng giáo phận, đứng đầu Giáo tỉnh Huế. Hàng giáo phẩm VN từ nay hoàn toàn gồm các chủ chăn người Việt. Đức Giám mục Jean-Baptiste Urrutia từ chức, nhường ngai cho tân Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục. Năm 1962, theo lệnh Bản quyền Giáo phận mới, cha Phaolô triệt hạ ngôi thánh đường cũ do cha Allys xây để khởi sự dựng nhà thờ mới. Nhưng khi ngài rời nhiệm sở thì nhà thờ mới xong phần cung thánh. Số giáo dân năm 1964 là 7.658 người.

Cha Batôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ, gốc Mỹ Duyệt (Quảng Bình) làm quản xứ từ 1967 đến 1972. Ở phó cho ngài có cha Antôn Vũ Hùng Tôn và cha Gioan Hồ Hán Thanh từ năm 1967, cha Phêrô Nguyễn Đình Chế và cha Đôminicô Nguyễn Thanh Lịch từ năm 1968. Số giáo dân giai đoạn này lên cao, khoảng 10.000 người. Giáo xứ chia thành 6 khu vực. Tuy nhiên, khi chiến cuộc Tết Mậu Thân nổ ra (1968), giáo xứ Phủ Cam trở thành trận địa. Nhiều giáo dân đã phải chạy đến nhà thờ tránh đạn bom. Từ nơi ấy, đêm mồng 6 Tết, hơn 300 tráng niên và thanh niên từ 15 đến 50 tuổi đều bị lôi đứng dậy và dẫn đi, dù là học sinh, thường dân hay công chức…. Một năm sau, hài cốt của họ được tìm thấy tại khe Đá Mài, nằm trong rừng Đình Môn Kim Ngọc thuộc quận Nam Hòa (nay là xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy). Tất cả được đem về quy tập một chỗ tại nghĩa trang Ba Tầng, trên đường Ngự Bình, nằm phía Nam thành phố Huế, Từ đó mỗi năm, ngày Tết là ngày tưởng niệm của rất nhiều gia đình ở PC.

Cha Phaolô Nguyễn Kim Bính, chánh quán Đại Lộc, trông coi giáo xứ từ năm 1972 đến năm 1996. Ở phó cho ngài có cha Gioakim Nguyễn Văn Hùng và cha Phêrô Trần Văn Quý từ năm 1973, cha Giuse Cái Hồng Phượng từ năm 1974, cha Giuse Đặng Thanh Minh từ năm 1975 đến 1986, cha Antôn Trần Văn Đức từ năm 1975 đến 1994, cha Phaolô Nguyễn Trọng từ 1990, cha Bênađô Trần Lương từ 1994. Do biến cố Mùa hè Đỏ lửa 1972, dân chúng vùng Quảng Trị di cư về phía nam. Rất nhiều tín hữu ngoài đó cũng vào Huế trú ngụ, khiến năm 1974, số giáo dân Phủ Cam lên tới 12.000 người.

D- TÁI  XÂY DỰNG TRONG THỜI HÒA BÌNH (1975…

Sau năm 1975, một số giáo dân Phủ Cam đi kinh tế mới Bình Điền, Nam Đông, A Sao, A Lưới hay vào nam, một số trở về quê cũ ở Quảng Trị hay ra hải ngoại. Số tín hữu tụt xuống thê thảm, chỉ còn hơn 2000 vào năm 1976. Không nản lòng, cha quản xứ Phaolô tiếp tục việc mục vụ trong hoàn cảnh mới. Ngài chia giáo xứ thành 12 khu vực, tổ chức đủ cấp giáo lý (từ thiếu nhi đến trưởng thành), huấn luyện giáo lý viên có quy củ. Ngài cũng lập nhóm gia trưởng, nhóm hiền mẫu, các nhóm suy niệm Tin Mừng. Ngài đặt ra chương trình hũ gạo tình thương, ban chung sự hiếu đạo (điểm son cho đến bây giờ). Ngoài ra, ngài tiếp tục thi công xây dựng nhà thờ (xong phần thân), tổ chức lễ kỷ niệm 300 năm thành lập Giáo xứ (1682-1982). Năm 1994, ngài được chọn làm Tổng đại diện, kiêm giáo xứ Phanxicô Xavie. Qua đời tại giáo xứ này 18-11-1996.

Năm 1996, cha phó Phaolô Nguyễn Trọng, gốc Diên Sanh, lên làm quản xứ (đến năm 2005). Ở phó cho ngài có cha Đôminicô Nguyễn Tưởng từ năm 1996, cha Phaolô Trần Thắng Thế từ năm 1999, cha Antôn Nguyễn Văn Thăng và cha Đôminicô Phan Văn Anh từ năm 2001, cha GB Phạm Quốc Huy từ năm 2003, cha Đôminicô Lê Văn Quốc Huy và cha Phaolô Hoàng Nhật từ năm 2004. Cha sở Phaolô cải tổ cơ cấu Hội đồng Giáo xứ; xây dựng các đài khu vực: Lộ Đức, Thánh Mẫu, Camêlô; tổ chức các phiên chầu Thánh Thể; hoàn thành xây dựng hai tháp chuông và các công trình bên trong nhà thờ. Ngày 29-6-2000, nhà thờ Phủ Cam được ĐTGM Têphanô Nguyễn Như Thể cung hiến dịp mừng kỷ niệm 150 thành lập Giáo phận (1850-2000).

Cha Tanítlaô Nguyễn Đức Vệ, chánh quán Mỹ Đức (QB), nguyên Tổng đại diện (1997-2005) coi sóc Phủ Cam từ 2005 đến 2008. Ở phó cho ngài có cha Đôminicô Lê Văn Quốc Huy và cha Phaolô Hoàng Nhật từ năm 2005, cha Bácnaba Trần Đình Phục từ năm 2007, cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thương từ năm 2008. Ngài tổ chức lễ giỗ lần thứ 70 của Đức Cha Allys, nguyên quản xứ Phủ Cam, xây dựng tượng đài của vị Giám mục năm 2006. Tổ chức lớp Chuẩn bị Hôn nhân cho giáo hạt Thành Phố trong cùng năm. Trùng tu nhà xứ năm 2007. Mở Năm thánh nhân dịp kỷ niệm 100 năm giáo xứ Phủ Cam được nâng lên chính tòa, với sự cho phép và chúc lành của ĐTC Bênêđictô XVI.

Cha Antôn Dương Quỳnh (2008-2015). Tổng đại diện TGP Huế năm 2012. Ở phó cho ngài có cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thương và cha Benêđíctô Ngô Văn Hài từ năm 2008, cha Giuse Lê Văn Hồng từ năm 2010, cha Antôn Nguyễn Như Hùng Dũng và cha Giuse Hồ Sĩ Hiếu Trung từ năm 2012. Cha sở Antôn xây dựng nhà Mục vụ Giáo xứ to lớn, khang trang và xinh đẹp (Ngày 27-6-2010, ĐTGM Têphanô Nguyễn Như Thể đặt viên đá đầu tiên; ngày 7-10-2014 ĐTGM Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng khánh thành). Tổ chức phụng vụ đi vào nề nếp.

Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến, gốc Hà Úc, làm quản xứ từ 2015 kiêm quản hạt Thành Phố. Ở phó cho ngài có cha Đôminicô Nguyễn Hữu Khôi từ năm 2015, cha GB Phan Ngọc từ năm 2017, cha Đôminicô Phạm Linh Quyền và cha PX Nguyễn Ngọc Triều từ năm 2018, cha Simon Trương Duy Lam từ năm 2019. Cha sở Antôn xây dựng và khánh thành hang đá Đức Mẹ tháng 6-2016; khánh thành tượng đài thánh Giuse; đúc bê-tông hai thánh giá trên 2 tháp nhà thờ. Ngài cũng tổ chức lễ nhậm chức TGM Tổng Giáo phận Huế của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh ngày 12-1-2017 tại nhà thờ chính tòa. Cũng tại đây, ngày 01-01-2020, ngài tổ chức lễ khai mạc Năm thánh mừng kỷ niệm 170 năm thành lập Giáo phận (1850-2020) dưới quyền chủ tọa của Đức Tổng Giám mục Giuse.

E. TỔNG LƯỢC CÁC VỊ QUẢN XỨ VÀ KIÊM NHIỆM

1) Pierre Langlois (1682-1700)

2) Pierre Heutte (1715-1719)

3) Pierre de Sennemand (1719-1730)

4) Charles de Flory (1730-1733)

5) Jean-Antoine de la Court (1739-1746)

6) Marinô Phiên (1764-1776). Kiêm nhiệm.

7) Pierre Halbout (1776-1786). Kiêm nhiệm.

8) GB Nhơn (1786-1800). Kiêm nhiệm.

9) …. Nguyễn Phước Kim (1805- ?)

10) Phêrô Lê Văn Thật (1814-1817)

11) Anrê Nguyễn Hòa An (1818- ?). Kiêm nhiệm.

12) Gioan Đoạn Trinh Hoan (1843-1845). Kiêm nhiệm.

13) GB Bùi Văn Ngôn (1845-1846). Kiêm nhiệm.

14) Phêrô Trần Văn Mân (1851-1853). Kiêm nhiệm.

15) Phaolô Trần Hữu Ninh (1853-1856). Kiêm nhiệm.

16) Anrê Nguyễn Ngọc Thoại (1853-1860). Kiêm nhiệm.

17) Martinô Nguyễn Văn Thanh (1850-1862). Kiêm nhiệm.

18) Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tuyên (1866-1880).

19) Eugène Marie Allys (cố Lý) (1885-1908).

20) Antoine Stoeffler (cố Thể) (1908-1936).

21) André Chapuis (cố Châu) (1936-1949).

22) GB Nguyễn Văn Hân (1944-1946) lần I.

23) Phêrô Đỗ Khắc Tuế (1946-1948).

24) GB Nguyễn Văn Hân (1949-1958) lần II.

25) Phaolô Lê Văn Đẩu (1958-1967).

26) Batôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ (1967-1972).

27) Phaolô Nguyễn Kim Bính (1972-1996).

28) Phaolô Nguyễn Trọng (1996-2005).

29) Tanítlaô Nguyễn Đức Vệ (2005-2008).

30) Antôn Dương Quỳnh (2008-2015).

31) Antôn Nguyễn Văn Tuyến (2015…):

III- HOA QUẢ ĐỨC TIN

1- Hồng y, Giám mục và Linh mục chánh quán và trú quán Phủ Cam

 

Stt

Tên thánh Họ và tên Năm sinh – Thụ phong- Qua đời Bị chú
1 Giuse Hồ Văn Hương ……-1813-…… Kẻ Sen, qua đời: Mỹ Hương

 Hương

2 P.X. Nguyễn Văn Đạt 1818-1849-1889  
3 Đôminicô Nguyễn Văn Thân 1823-1850-1853  
4 Gioan Nguyễn Hòa Hưởng 1823-1853-1861  
5 Têphanô Phạm Văn Cẩm (Kim) 1826-1854-1861  
6 Phaolô Lê Viết Luận 1832-1872-1925  
7 G.B. Tống Viết Cơ 1839-1871-1886 Cháu Th. Tống Viết Bường
8 Micae Huỳnh Đình Thông 1839-1875-1883  
9 Phaolô Trương Văn Vân 1847-1884-1930  
10 Phaolô Phạm Ngọc Chiếu 1876-1906-1958  
11 Giuse Trần Văn Trang 1882-1910-1945  
12 Matthêô Nguyễn Linh Giáo 1882-1912-1950  
13 Phaolô Bùi Thông Tuần 1887-1918-1936  
14 Giacôbê Nguyễn Linh Kinh 1893-1922-1955  
15 G.B. Trương Đình Thắng 1894-1924-1975 Anh Đan phụ Tr. Đình Vang
16 Phêrô (TGM) Ngô Đình Thục 1897-1925-1985  
17 Tanitlaô (Viện phụ) Trương Đình Vang 1906-1936-1972  
18 Phêrô Huỳnh Đình Kinh 1908-1938-1977  
19 Lôrensô Trần Văn Đàng 1909-1963-1976 Dòng Thánh Tâm
20 G.B. Bửu Đồng 1912-1941-1969 Anh cha Hiệp
   
   
21 Raphaen Bửu Hiệp 1914-1945-1988  
22 Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp 1919-1950-2011 Anh cha Tiên
23 Phanxicô Xavie Trần Văn Cần 1919-1951-1993  
24 Alêxi (Giám mục) Phạm Văn Lộc 1919-1951-2011 Giáo phận Kontum
25 Giacôbê (Đức Ông) Phan Văn Đài 1920-1948-1992  
26 Giêrađô Phạm Anh Thái 1922-1948-2002 Dòng Phanxicô
27 Phaolô Nguyễn Thanh Tiên 1925-1951-2006  
28 Gioan Hoan Nguyễn Hữu Vịnh 1925-1970-2018 Dòng Thánh Tâm
29 Ph. Xavie (Hồng y) Nguyễn Văn Thuận 1928-1953-2002  
30 Guillaume Phạm Trung Tá 1928-1956-……. D. Thiên An. Hồi tục (1975)
31 Đanien Nguyễn Thăng Cao 1927-1957-2004 Dòng Phanxicô
32 Giacôbê Nguyễn Văn Mỹ 1932-1959-……. Hồi tục (1972)
33 Phêrô Võ Vinh Phước 1936-1967-…….. Dòng Chúa Cứu Thế
34 Phaolô Trần Văn Quang 1945-1976-……… Dòng Chúa Cứu Thế

2- Linh mục đang phục vụ tại các Giáo phận

a. Tại Giáo phận Huế

Stt Tên thánh / Họ và tên Sinh ngày LM. ngày Quê quán
1.                    Giuse Trần Văn Lộc 01.01.1936 28.04.1962 Phủ Cam (hưu)
2.                    Louis Nguyễn Văn Bính 28.09.1937 21.12.1963 Phủ Cam (hưu)
3.                    Anrê Nguyễn Văn Phúc 16.10.1943 21.12.1972 Phủ Cam (hưu)
4.                    Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ 23.09.1948 04.04.1975 Phủ Cam
5.                    Giuse Trần Văn Quý 19.08.1946 20.08.1997 Phủ Cam
6.                    Giuse Nguyễn Văn Chánh 08.01.1949 29.04.1975 Phủ Cam
7.                    G.B. Phạm Ngọc Hiệp 20.03.1949 29.04.1975 Phủ Cam (hưu)
8.                    Phêrô Phan Văn Lợi 09.03.1951 21.05.1981 Ngọc Hồ
9.                    P.X. Nguyễn Văn Cần 30.08.1953 01.09.1994 Phủ Cam
10.                Micae Hy Lê Ngọc Bửu 25.01.1957 20.08.1997 Phủ Cam
11.                Phêrô Phạm Ngọc Hoa 01.08.1957 07.09.2000 Tam Toà, QB
12.                Vinhsơn Lê Phú Ngọc Trãn 24.01.1964 29.06.2001 Phủ Cam
13.                Giócgiô Nguyễn Thành Phương 02.06.1966 30.10.2003 Lệ Thuỷ, QB
14.                Micae Phạm Ngọc Hải 01.12.1969 29.06.2001 Tam Toà, QB
15.                Matthêô Trần Nguyên 10.09.1975 04.06.2009 Phường Tây
16.                Đôminicô Lê Duy Khánh 24.08.1978 04.09.2012 Tân Sơn
17.                G.B. Trần Sơn Lâm 15.08.1978 04.09.2012 Phủ Cam
18.                Gioan Bosco Trần Anh Thao 29.08.1984 08.09.2016 Phường Tây
19.                Phaolô Đào Ngọc Duy 14.11.1985 28.08.2019 Phủ Cam
20.                Mátthêô Trần Bảo Minh 12.09.1986 22.05.2018 Phủ Cam

b. Tại các giáo phận và dòng tu trong nước

Stt Tên thánh, họ và tên Năm sinh LM Hiện thuộc

Giáo phận – Dòng tu

1.                    Phaolô Bùi Thông Giao 1937 1965 Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn
2.                    Irênê Ng. Thanh Minh 1945 1971 Dòng Phanxicô Sài Gòn
3.                    Camilô Trần Văn Phúc 1945 1971 Dòng Phanxicô Nha Trang
4.                    Phaolô Ng. Đình Ngọc 1946 1974 Dòng Phanxicô Nha Trang
5.                    G.B. Trần Quang Hào 1948 1994 Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn
6.                    Louis M. Nguyễn Ngọc Thanh 1950 1976 Giáo phận Đà Lạt
7.                    Aug. Nguyễn Văn Huệ 1957 2001 Dòng Xitô Phước Sơn, Bà Rịa-VT
8.                    P.X. Trần Văn Hân 1958 1997 Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn
9.                    Matthêô Ng. Quang Tuấn 1959 1998 Giáo phận Mê Thuột
10.                G.Baotixita Bùi Bá Tam Quang 1972 2003 Giáo phận Sài Gòn

c. Ở hải ngoại

Stt Tên thánh, họ và tên Năm sinh LM Hiện ở
1.                    Anrê Nguyễn Văn Lành (Samran) 1940 1971 Thái Lan
2.                    Alêxi Trần Đức Hải, Phanxicô 1948 1975 Đài Loan
3.                    Giuse Trần Anh Dũng 1950 1983 Pháp
4.                    Anrê Nguyễn Văn Chiến 1953 1997 Hoa Kỳ
5.                    P.X. Cao Minh Dung, Đức ông 1955 1983 Italia
6.                    Gioakim Nguyễn Văn Diệu 1955 1990 Hoa Kỳ
7.                    Micae Trần Xuân 1955 1993 Hoa Kỳ
8.                    P.X. Trần Văn Hân, DCCT 1958 1997 Hoa Kỳ
9.                    Phaolô Nguyễn Văn Chửng 1959 2000 Hoa Kỳ
10.                Tađêô Bùi Công Hiển Linh 1961 2003 Hoa Kỳ
11.                Batôlômêô Nguyễn Xuân Hoà 1962 1998 Hoa Kỳ
12.                Giuse Nguyễn Ngọc Sơn 1962 1993 Úc châu
13.                Phêrô Nguyễn Xuân Linh 1969 1997 Hoa Kỳ
14.                Phêrô Bùi Công Minh 1970 2001 Hoa Kỳ
15.                Giuse Nguyễn Hữu Tâm 1982 2015 Hoa Kỳ

3- Nữ tu chánh quán / sinh quán Phủ Cam

* Dòng Mến Thánh Giá Huế

Tên thánh, họ và tên Năm sinh Khấn dòng Qua đời Bị chú
1. Bà Chương     1885 Văn Thân giết
2. Bà Nữ     1885  
3. Chị Hiệp     1885  
4. Chị Khương     1885  
5. Chị Trước     1885  
6. Chị Tân     1885  
7. Chị Thu     1885  
8. Chị Nẫm     1885  
9. Isave Công Nữ Ấu Ấu 25-11-1869 19-03-1897 07-04-1948  
10. Anna Nguyễn Thị Giả 25-12-1894 03-12-1924 18-03-1968  
11. Maria Trương Thị Nhẫn 15-08-1895 21-11-1916 29-06-1970  
12. Anna Đỗ Thị Xuân 16-12-1906 18-03-1978 26-06-2006  
13. Anna Hoàng Thị Liễu 15-05-1916 22-07-1970 1972 MTG Di Loan
14. Maria Nguyễn Thị Thừa 23-07-1916 03-06-1972 28-03-1998  
15. Anna Bùi Thị Liễu 13-05-1922 14-01-1967 30-01-2002 MTG Trí Bưu
16. Luxia Bùi Thị Sa 02-01-1925 08-12-1987 2002 MTG Trí Bưu
17. Isave Nguyễn Thị Sâm 06-08-1927 14-07-1976 04-07-1980  
18. Anna Trần Thị Nhơn 16-09-1930 26-07-1950 07-02-2010  
19. Matta Lê Thị Mầu 07-03-1934 26-06-1977 21-10-2010 MTGDươngSơn
20. Mađalêna Trương Thị Ái Liên 24-09-1981 18-06-2010 30-05-2019  

 

Tên thánh, họ và tên Năm sinh Tiên khấn tuyên hứa Canh tân-Vĩnh khấn Bị chú
1. Uxula Phạm Thị Mai 22-10-1924 14-09-1945 31-07-1968  
2. Mad. Trương Thị Lý 12-04-1925 14-09-1945 07-06-1965 hưu
3. Luxia Huỳnh Thị Đào 22-03-1932 20-02-1949 30-06-1971 MTG Bà Rịa
4. Maria Bùi Thị Lành 20-06-1933 24-02-1953 22-07-1970  
5. Anna Bùi Thị Mai Anh 10-03-1949 15-07-1972 12-09-1981  
6. Maria Nguyễn Thị Tiệp 12-04-1950   02-02-1986 MTG Ph.Thiết
7. Anê Lê Thị Diệp 26-07-1950 15-07-1972 13-09-1982  
8. Matta Võ Thị Mai 13-10-1957 13-09-1982 12-09-1990  
9. Anê Phan Thị Phú 09-08-1959 13-09-1984 12-09-1992  
10. Maria Lê Thị Ánh Tuyết 09-12-1960 26-07-1986 09-12-1992  
11. Mad. Nguyễn Thị Thanh Thúy 13-11-1963 13-09-1982 12-09-1992  
12. Isave Huỳnh Thị Diệp 07-08-1963 31-08-1989 19-03-1997  
13. Maria Goretti Ng. Thị Ngọc Lan 26-03-1965 14-09-1993 14-09-2000  
14. Maria Phan Thị Thu Hồng 03-03-1970 14-09-1996 14-09-2005  
15. Luxia Trần Thị Linh Ái 25-10-1984 19-06-2009 15-06-2015  
16. Maria Nguyễn Thị Thanh Linh 26-10-1985 14-06-2009 15-06-2015  

 

* Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng

Tên thánh, họ và tên Năm sinh Tiên khấn Vĩnh khấn Bị chú
1- Agnès Nguyễn Thị Điều

 

10-10-1909 21-11-1938 21-11-1944 K.khánh: 31-5-1988. Mất: 28-09-1991
2- Madalena Phan Thị Phước

 

11-12-1910 02-02-1943 02-02-1949 Kim khánh: 1993

Mất: 24-03-2002

3- Anna Lê Thị Nhẫn

 

21-11-1912 21-11-1938 21-11-1944 K.khánh: 31-5-1988. Mất: 25-06-1988
4- Anna Nguyễn Thị Phương 11-01-1920 02-02-1941 02-02-1947 Mất: 04-12-1968
5- Maria (Albert) Tống Thị Lành 24-09-1922 02-02-1944 02-02-1950 Kim cương: 26-02-14.
6- Elisabeth Công Tằng Tôn Nữ Tuyệt Diệu (Raphael) 05-12-1925 02-02-1947 02-02-1953 Ngọc khánh: 22-8-2007. Mất: 2014
7- Anna Lê Thị Thanh Mai 12-12-1945 02-07-1966 02-07-1972 Mất: 22-06-1990
8- Lucia Nguyễn Thị Vân 15-04-1955 04-06-1978 31-05-1987 Ngân khánh: 21-8-03
9- Têrêxa Trương Thị An 01-01-1955 03-06-1979 30-05-1987 Ngân khánh: 21-8-04
10- Matta Nguyễn Thị Ngọc 16-4-1957 01-06-1980 21-11-1989 Ngân khánh: 22-8-05
11- Maria Nguyễn Thị Minh Phúc 10-02-1964 25-03-1988 21-08-2003  
12- Anna Ng. Thị Thiên Trang 11-06-1970 22-08-1997 21-08-2003  
13- Anna Trương Thị Kim Anh 08-12-1971 22-08-1996 22-08-2002  
14- Rosalima Ng. Thị Vân Anh 06-02-1985 20-07-2011    
15- Ma. Trương Trần Diễm Châu 15-10-1987 19-07-2014    

           

* Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

Họ và Tên Năm sinh Tiên khấn Vĩnh khấn Bị chú
1- Valentine Isave Hồ Thị Thú 28-01-1898 08-12-1926 08-12-1932 Mất: 20-03-1983
2- Denise Anna Diệm 13-02-1909 15-08-1934   Mất: 29-02-1840
3- Candide Maria Phạm Thị Thiên 26-10-1909 15-08-1931 05-08-1937 Mất: 25-04-1981
4- Claudia Maria CTTN Thị Luyến 12-09-1913 15-08-1934 05-08-1940 Mất: 16-08-1994
5- Uxula CT Tôn Nữ Thị Trước 04-09-1914 08-12-1937 08-12-1943 Mất: 23-01-1999
6- M.Eugène Têrêxa Phạm Thị Chiểu 04-08-1922 05-08-1943 05-08-1949 Mất: 02-12-2008
7- Toussaint CT Tôn Nữ Thị Diễn 14-04-1920 1941 05-08-1947 Mất: 14-04-2015
8- Blandine Nguyễn Thị Miên 06-04-1929 1950 05-08-1956 Mất: 11-08-2019
9- Nathanael Đoàn Thị Hậu 1934 1955 1960 Hưu
10- Agnès Nguyễn Thị Quý 1936 1957 1962 Hưu-Nk: 8-2017
11- Vincent Phạm Thị Ngọc Hiệp 1935 1957 1962 Hưu-Nk: 8-2017
12- Pazzi Trần Thị Thơ 1937 1957 1962 Hưu-Nk: 8-2017
13- Anna Trần Thị Phú (Thanh tuyển) 1943     Mất: 17-06-1958
14- Beatrice Trần Thị Hưởng 1943 1963 1968  
15- Maria Nguyễn Thị Hà 1950 1973 1986  
16- Anna Tống Thị Hường 1954 1981 1990  
17- Madalena Nguyễn Thị Xuân Hà 1961 1987 1994  
18- Matta Võ Thị Hương 1963 1990 1999  
19- Matta Lê Thị Thuận 1978 2004 2012  
20- Lucia Phạm Thị Hoàng Yến 1982 2008 2014  
21- Têrêxa Nguyễn Thị Hoàng Oanh 1982 2008 2014  

           

* Dòng Thánh Phaolô

Tên thánh, họ và tên Năm sinh Khấn dòng Qua đời Bị chú
1. Amanda Phạm Thị Tùng 12-03-1908 01-03-1939 23-11-1977  
2. Paulina Đinh Thị Ba 08-01-1909 01-03-1939 06-02-2002  
3. Marie de Saint Paul Hóa 1915 08-08-1947 05-07-1996  
4. Joseph Anna Dương Thị Năm 30-01-1917 08-09-1949 19-02-2007  
5. Clément Agnès Nguyễn Thị Sen 13-08-1918 08-09-1949    
6. Gisette Anna Trần Thị Mai 30-11-1919 08-08-1948 08-07-1998  
7. Marie Modeste Lê Thị Vi 26-02-1937 1967    
8. Elisabeth Nguyễn Thị Xuân 07-01-1950 07-12-1986    

 

* Dòng Kín Cát-Minh

Tên thánh, họ và tên Năm sinh Khấn dòng Qua đời Bị chú
1. Jeanne Louis Trương Thị Sinh 1911 1926 1930  
2. Marie Aimée Nguyễn Hữu Thị Tài 30-09-1907 15-08-1931 11-04-1995  
3. Thérèse Nguyễn Thị Thu Hương 1932 1954    
4. Elisabeth Lê Thị Vui 18-01-1940 17-12-1967    
5. Marie Jacinta Nguyễn Thị Hường 1948 1976    
6. Marie Thérèse Ng. Thị Minh Tâm 07-08-1961 02-02-2002    
7. Marie Nguyễn Thị Diệu 28-07-1963 28-05-2003    

 

* Tu hội đời Thánh Tâm Chúa Giêsu

Tên thánh, họ và tên Năm sinh Khấn dòng Qua đời Bị chú
1. Anna Đặng Thị Hiệp 21-02-1957 08-11-1984    
2. Clara Lê Ngọc La Bạch 13-08-1958 02-07-1986    

 

4- Tu sĩ nam

Tên thánh, họ và tên Năm sinh Khấn dòng Qua đời Dòng
1. Phêrô Ngô Thế Phủ 1916 1939 1939 Thánh Tâm
2. G.B. Lê Văn Gioang 1920 1938 2003 Thánh Tâm
3. Tađêô Nguyễn Văn Quờn 1920 1938 1999 Thánh Tâm
4. Phaolô Nguyễn Hữu An Quỳnh 1934 1954 24-06-2012 Thánh Tâm
5. Phaolô Lê Văn Thậm 13-12-1905 09-12-1930 04-04-1951 Chúa Cứu Thế
6. Didace Nguyễn Văn Thay 31-03-1918 1943 22-11-1993 Phanxicô
7. Tađêô Phạm Văn Hiến 11-03-1963 28-09-1977   Phanxicô

           

5- Giáo dân:

– Năm 2010:    5.568 người

– Năm 2015:    5.652 người

– Năm 2020:    5.667 người

—————————————————————————

[1] Theo địa bạ cũ, Phủ Cam có tên là thôn Phước Quả thuộc làng Dương Xuân Hạ. Dương Xuân gồm vùng đất từ lăng Tự Đức xuống tận chợ An Cựu. “Vào thế kỷ 17, dưới thời các chúa Nguyễn, “Phủ Cam” ( ) vốn là một phủ, là chỗ ở của các hoàng tử”, dành để trồng cam và các cây ăn trái. Sau đó, những người có đạo ở Thuận Hoá quy tụ về sinh sống, lập ấp, khai sinh ra làng nón Phủ Cam ngày nay, và tên gọi Phủ Cam cũng do đó mà có. (X. Từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế, mục từ Phủ Cam (phủ), NXB Thuận Hóa, 2000, tr 379).

[2] Khi sau tên các Giám mục có 3 niên đại, thì số đầu chỉ năm sinh, số giữa năm chịu chức Gm và số cuối năm qua đời. Sau tên các chúa Nguyễn cũng vậy (số giữa chỉ năm lên ngôi).

[3] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques I: 1658-1728. Paris, Téqui, 1923, tr. 242.

[4] Adrien Launay, Sđd, tr. 241-243.341. Bệnh viện của cha chứa được 300 bệnh nhân. (BAVH 1921, tr. 190)

[5] Do hoàn cảnh lịch sử phải lo chống nhau với các chúa Trịnh ở miền Bắc nên việc binh chế võ bị cũng được các chúa Nguyễn chăm chút. Quân lính được chia làm 5 cơ: Trung, Tả, Hữu, Hậu và Tiền. Quân số Đàng Trong vào khoảng 30.000 người theo khảo cứu của các sử gia Pháp.

[6]A. Launay, sđd T I, tr. 437.

[7] A. Launay, sđd, T I, tr. 629.

[8] A. Launay, sđd T I, tr. 436.

[9] A. Launay, sđd T I, tr. 448. Trong thư gởi một người bạn, thừa sai Jean-Baptiste Ausiès cho biết một số lớn giáo dân đã tự nguyện mang gông và xiềng sắt, sẵn sàng chết để bảo vệ đức tin. Chính chúa Minh ngại không dám giết nhiều người như vậy, tuy vẫn muốn tiêu diệt Công giáo. Các quan cố vấn khuyên chúa đừng dùng án trảm (chém đầu) để buộc giáo dân bỏ đạo, vì khổ hình này nhẹ nhàng. Nên giam đói để đưa đến cái chết dần mòn nếu họ không chịu đạp các ảnh thánh (A. Launay, sđd T I, tr 480)

[10] A. Launay, sđd T I, tr. 449.

[11] Annales des Missions Étrangères(A.M.E), tập 728, tr. 234.

[12] Theo linh mục Phaolô Nguyễn Kim Bính, khế ước mua đất nhà thờ năm 1805 cho biết đất phía đông gần vườn ông Cai Bạ Tín Trung Hầu. Vậy phải chăng ông Cai Lý trên và ông Cai Bạ là một?

[13] x. A. Launay, sđd T I, tr. 571.576

[14] A.M.E. tập 724, tr. 291.

[15] A. Launay, sđd T 1, tr. 553-555.

[16] A. Launay, sđd T 1, tr. 557.

[17] A. Launay, sđd T I, tr. 638-641.

[18] Bùi Đức Sinh, Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, 1998. Tập I, tr. 311

[19] Xin thêm một giải thích nhỏ ở đây: Nhà thờ Phủ Cam được các cha hội Thừa sai Paris chăm sóc từ lâu. Lúc nầy cha de Flory, đang coi sóc nhà thờ Phủ Cam, là người thuộc hội. Nhưng khi cha Alessandris lên làm Giám mục phó thì vì là Thừa sai dòng Barnabite, ngài muốn các cha Thừa sai Paris nhường quyền chăm sóc nhà thờ Phủ Cam cho mình. Sự việc xem ra nhỏ, nhưng liên hệ đến hai “dòng” khác nhau là hội Thừa sai Paris và dòng Bácnabit, nên vấn đề trở nên khó giải quyết.

[20] Năm 1719, linh mục thừa sai Pierre de Sennemand trong thời gian sống ở Thợ Đúc (1710-1719) đã lập một phước viện Mến Thánh Giá. Đây là dòng nữ đầu tiên ở Giáo phận Huế. Cha P.de Sennemand đã hướng dẫn phước viện suốt 11 năm. (trích Lịch sử Hội dòng MTG Huế). Dòng này vừa kỷ niệm 300 năm thành lập.

[21] A. Launay, sđd, T. I, tr. 387.

[22] A. Launay, sđd, T. II, tr. 99-100

[23] A. Launay, sđd, T. II, tr. 403.

[24] A. Launay, sđd, T. III, tr. 111.

[25] A. Launay, sđd, T. III, tr. 107-108.

[26] St. Nguyễn Văn Ngọc và Giuse Nguyễn Văn Hội, Lịch sử Giáo phận Huế qua các triều đại vua chúa. 1994, tr. 161.

[27] Trong lá thư đề ngày 14 tháng 5 năm 1805, Đức cha Jean Labartette cho biết: …“Còn về linh mục bản xứ, đó là cha Marinô nay không còn nữa, cha Hiền, cha Nhơn, cha Tín, cha Tuân, cha Hiền cũng vừa mới qua đời, cha An, cha Lũy, cha Yên, cha Phước và cha Kim vừa mới thụ phong…” (A. Launay sđd T. III, trang 413-414). Cha Marinô là Marinô Phiên, cha Nhơn là là GB Nhơn, cha An là Nguyễn Hòa An và cha Kim là Nguyễn Phước Kim. 4 vị đều từng ở PC.

[28]Lm Phaolô Nguyễn Kim Bính, Lịch sử Giáo xứ Phủ Cam. Xem L.-E. Louvet, La Cochinchine Religieuse, Paris, Ernest Leroux, 1885. T. II, tr 117.

[29] Trích dẫn theo Trấn Biên gia phả, tr. 40 và 41.

[30] Phong trào Đá Vách là tên gọi một loạt nổi dậy của người dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi Việt Nam. Phong trào kéo dài từ đầu triều Gia Long đến suốt hơn nửa thế kỷ.

[31] Trấn Biên gia phả, tr. 40-41

[32] Lm Hồng Phúc. Điển Ngữ Các Thánh. tr.34.

[33] Theo Lược sử Giáo xứ Lương Văn, trại giam Cồn Cát trước đây hiện là sở đất các chị dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng tại giáo xứ nầy.

[34] Xem https://archives.mepasie.org/fr/annales/confesseurs-de-la-foi-de-1848-a-1862-2-suite

[35] St. Nguyễn Văn Ngọc và Giuse Nguyễn Văn Hội, sđd, tr. 264-269. 

[36] Sau khi làm quản xứ Trường An, cha Tuyên đổi về An Truyền rồi Dương Lộc (Quảng Trị). Ngài chết vì đạo ngày 8-9-1885 tại Dương Lộc do Văn Thân tấn công trong vụ tàn sát các làng Công giáo ở tỉnh Quảng Trị. Xác ngài được mai táng ở Lăng tử đạo Dương Lộc với trên 2500 giáo dân trong vụ tàn sát đó. Thọ 56 tuổi, 21 năm linh mục.

[37] Linh mục Phaolô Nguyễn Kim Bính, Lịch sử giáo xứ Phủ Cam, bản đánh máy chữ, 1982, tr. 49-50.

———————————————————————-

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.