Câu chuyện bắt đầu từ ngày 28/5/2012.

Khi đó, ông Ngô Văn Tân (sinh năm 1965, trú tại Xóm Cạn, xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) và vợ là bà Lưu Thị Phương vay tiền của ông Lê Văn Sơn (sinh năm 1963, trú tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), số tiền là 350 triệu đồng (không ghi rõ lãi suất) và hẹn sau 60 ngày sẽ hoàn trả. Khi vay tiền, ông Tân và bà Phương có giao cho ông Sơn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số I275952 đối với thửa đất mà gia đình ông Tân, bà Phương đang ở.

Do vợ chồng ông Tân không trả nợ được, nên ông Sơn đã đâm đơn kiện ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đại Từ.

Ngày 5/1/2018, TAND huyện Đại Từ ban hành Bản án sơ thẩm số 01/2018/DSST, tuyên buộc ông Ngô Văn Tân phải trả số tiền là 1.643.428.125 đồng, buộc bà Phương phải trả số tiền 303.428.125 đồng cho ông Lê Văn Sơn.

Ngày 11/9/2018, TAND tỉnh Thái Nguyên ban hành Bản án dân sự phúc thẩm số 45/DSPT, tuyên buộc ông Tân và bà Phương phải trả cho ông Lê Văn Sơn 350 triệu đồng, buộc ông Tân phải trả cho ông Sơn số tiền 1,340 tỷ đồng.

Sau khi ông Tân và bà Phương trả cho ông Sơn 350 triệu đồng, ông Sơn phải trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số I275952 cho ông Tân và bà Phương. 

Ngày 28/1/2019, ông Sơn đã gửi đơn yêu cầu thi hành án đến Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Đại Từ, đề nghị thi hành bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.

Ngày 1/2/2019, ông Hoàng Nguyên Khang, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Đại Từ đã ban hành Quyết định THADS số 433/QĐ-CCTHADS về việc yêu cầu ông Tân và bà Phương thi hành Bản án số 45/2018/DSPT. Đồng thời phân công bà Lục Thị Quế, chấp hành viên của Chi cục THADS huyện Đại Từ tổ chức THA theo quyết định này. 

Ngày 9/7/2019, ông Tân đã làm đơn tố cáo ông Hoàng Nguyên Khang và bà Lục Thị Quế đến Cơ quan Điều tra, Viện KSND Tối cao với nội dung: Bà Quế nhận 50 triệu đồng và ông Khang nhận 100 triệu đồng của ông Tân để giúp ông lấy lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Sơn đang giữ, nhưng ông Khang, bà Quế đã không thực hiện mà vẫn tổ chức cưỡng chế căn nhà của ông.

Chứng cứ ông Tân đưa ra là 2 tờ giấy do ông viết tay thể hiện nội dung ông đưa 50 triệu đồng cho bà Quế vào ngày 16/4/2019 và 100 triệu đồng cho ông Khang vào ngày 26/4/2019; 1 tờ giấy viết tay hẹn ngày 5/5/2019 trả lại 150 triệu đồng cho ông Tân; 1 bì thư bên ngoài có ghi phần người gửi là Lục Thị Quế, người nhận là Ngô Văn Tân, Xóm Cạn, xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và 1 văn bản đánh máy ghi ngày 29/7/2019 với nội dung đề nghị ông Tân rút đơn tố cáo và sẽ trả lại gấp 3 lần số tiền 150 triệu ông Tân đã đưa hoặc hơn nữa nếu ông chấp nhận rút đơn.

Từ đây, những việc lạ kỳ trong công tác giám định đã liên tiếp xảy ra, để biến ông Tân từ người tố cáo thành kẻ phạm tội vu khống.

Đầu tiên là Kết luận giám định số 294/GĐKTHS-P11 ngày 18/10/2019 của Phòng Giám định Kỹ thuật hình sự, Bộ Quốc phòng thực hiện theo Quyết định trưng cầu giám định số 44/VKSTC-C1 (P3) ngày 16/9/2019 của Cơ quan Điều tra, Viện KSND Tối cao đối với chữ ký, chữ viết tại 5 tài liệu, gồm 2 tờ giấy do ông Tân viết ngày 16/4/2019 (ký hiệu A1) và ngày 26/4/2019 (ký hiệu A2); 1 tờ giấy viết tay hẹn ngày 5/5/2019 trả lại 150 triệu đồng cho ông Tân (ký hiệu A3); 1 bì thư tại mục người gửi có chữ Lục Thị Quế, mục người nhận có cụm chữ: Ngô Văn Tân, Xóm Cạn, xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (ký hiệu A4); 1 văn bản đánh máy ghi ngày 29/7/2019 với nội dung đề nghị ông Tân rút đơn tố cáo và sẽ trả lại gấp 3 lần số tiền 150 triệu ông Tân đã đưa hoặc hơn nữa nếu ông chấp nhận rút đơn (ký hiệu A5).

Kết luận giám định số 294/GĐKTHS-P11 khẳng định: Chữ ký và chữ viết tại các tài liệu cần giám định ký hiệu A1, A3, A5 với chữ ký, chữ viết mẫu so sánh của bà Lục Thị Quế do cùng một người ký, viết ra. Chữ ký trên tài liệu cần giám định ký hiệu A2, A3 và chữ ký đề tên “Hoàng Nguyên Khang” trên tài liệu ký hiệu A5 với chữ ký mẫu so sánh của ông Hoàng Nguyên Khang là do cùng một người ký ra.

Ngày 5/11/2019, Cơ quan Điều tra, Viện KSND Tối cao ban hành Quyết định số 01/VKSTC-C1 (P3) yêu cầu giám định chữ ký, chữ viết gửi Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Đối tượng giám định vẫn là các mẫu tài liệu như trên.

Ngày 7/2/2020, Viện Khoa học hình sự đã ban hành Kết luận giám định số 415/C09-P5, kết luận: Chữ ký trên mẫu cần giám định ký hiệu A1, A3, A5 so với chữ ký của Lục Thị Quế trên các mẫu so sánh là do cùng một người ký ra. Chữ viết trên các mẫu ký hiệu A3, A4 so với chữ viết của Lục Thị Quế là do cùng một người viết ra. Chữ ký trên mẫu ký hiệu A2, A3 (trừ chữ ký đứng tên Lục Thị Quế), A5 so với chữ ký của Hoàng Nguyên Khang trên các mẫu so sánh không phải do cùng một người ký ra.

Do có sự khác nhau trong kết quả giám định, ngày 13/3/2020, Cơ quan Điều tra, Viện KSND Tối cao ban hành Quyết định trưng cầu giám định lại số 01/VKSTC-C1 (P3) yêu cầu giám định tài liệu đối với các tài liệu nói trên.

Ngày 10/6/2020, căn cứ vào Quyết định thành lập Hội đồng Giám định số 2397/QĐ-BCA, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã ban hành kết luận giám định của Hội đồng Giám định số 84/C09-P5, kết luận: Chữ ký trên mẫu A1, chữ ký đứng tên Lục Thị Quế trên các mẫu A3 và A5 so với chữ ký của Lục Thị Quế trên các mẫu so sánh là do cùng một người ký ra. Chữ viết trên các mẫu A3, A4 so với chữ viết của Lục Thị Quế trên các mẫu so sánh là do cùng một người viết ra. Chữ ký trên các mẫu ký hiệu A2, A3 (trừ chữ ký đứng tên Lục Thị Quế); chữ ký đứng tên Hoàng Nguyên Khang trên mẫu A5 so với chữ ký của Hoàng Nguyên Khang trên các mẫu so sánh không phải do cùng một người ký ra…

Như vậy, sau 3 lần giám định, cụm chữ viết và chữ ký tại mẫu A3 có nội dung: “Theo giấy nhận tiền của tôi với anh Khang hôm nay tôi viết giấy hẹn trả lại toàn bộ số tiền cho anh Tân vào ngày 5/5/2019 số tiền là 150.000.000đ” là chữ viết và chữ ký của bà Lục Thị Quế. Và với sự thừa nhận này của bà Quế, rõ ràng việc ông Tân tố cáo bà Quế và ông Khang là hoàn toàn có cơ sở.

leftcenterrightdel
Phòng Giám định Kỹ thuật hình sự, Bộ Quốc phòng và Viện Khoa học hình sự lần lượt ban hành văn bản gửi Cơ quan Điều tra, Viện KSND Tối cao phủ nhận những kết luận giám định trước đó của chính mình. Ảnh: Hoàng Nam

Thế nhưng, như một phép màu nhiệm, trong vòng 33 ngày, 2 cơ quan giám định trên đã ban hành 2 văn bản gửi Cơ quan Điều tra, Viện KSND Tối cao phủ nhận những kết luận giám định trước đó của chính mình.

Ngày 18/9/2020, Phòng Giám định Kỹ thuật hình sự, Bộ Quốc phòng ban hành Văn bản số 197/GĐKTHS-P11 cho rằng đã “phát hiện thấy các chữ ký, chữ viết cần giám định này đều có cùng cơ chế hình thành là viết, ký đồ theo mẫu chữ viết, chữ ký trong nhóm các tài liệu bổ sung ở mức độ rất tinh vi và điêu luyện”. Đơn vị đã nhận trách nhiệm về sai sót nghiêm trọng này và đề nghị Cơ quan Điều tra, Viện KSND Tối cao không sử dụng nội dung phần kết luận giám định chữ ký, chữ viết Lục Thị Quế và Hoàng Nguyên Khang vào việc đánh giá chứng cứ!

Tiếp đó, ngày 20/10/2020, Viện Khoa học hình sự ban hành Văn bản số 2141/C09-P5 về việc đính chính kết luận giám định, theo nội dung văn bản, qua công tác rà soát hồ sơ, đã phát hiện sai sót về văn bản trong kết luận giám định và đính chính lại như sau: Chữ ký trên mẫu ký hiệu A1; chữ ký đứng tên "Lục Thị Quế" trên các mẫu ký hiệu A3 và A5 so với chữ ký của Lục Thị Quế trên các mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đến M5 không phải do cùng một người ký ra. Chữ viết trên các mẫu ký hiệu A3, A4 so với chữ viết của Lục Thị Quế trên các mẫu so sánh ký hiệu M1, M2 không phải do cùng một người viết ra…

Sự thừa nhận sai sót đột ngột của 2 cơ quan giám định chỉ trong vòng 33 ngày là cơ sở để bà Quế và ông Khang lật ngược tình thế, làm đơn tố cáo ông Tân tội vu khống.

Ngày 21/10/2021, TAND huyện Đại Từ xét xử phiên sơ thẩm, tuyên ông Tân phạm tội vu khống và phải chịu hình phạt là 24 tháng tù giam.

Ngày 20/5/2022, TAND tỉnh Thái Nguyên đã xét xử phúc thẩm và giữ nguyên hình phạt tù 24 tháng đối với ông Tân.

Ngày 23/6/2023, sau khi chấp hành xong hình phạt tù, ông Tân cùng người thân đã tập hợp tài liệu, gửi đơn kiện lên TAND huyện Phú Lương để đòi tài sản đối với ông Lê Văn Sơn, đồng thời làm đơn gửi các cơ quan chức năng kêu oan và tố cáo cơ quan giám định đã khiến ông phải đi tù oan.

Hoàng Nam