Dịch giả Dương Ngọc Dũng nói về 'Một lược sử về vạn vật' của triết gia Ken Wilber

Tuấn Duy
Tuấn Duy
22/07/2023 20:09 GMT+7

Sáng 22.7, Công ty sách Phanbook và Trường đại học Hoa Sen tổ chức tọa đàm Vòng tay ôm trọn hoàn vũ tại Đường sách TP.HCM, xoay quanh dịch phẩm Một lược sử về vạn vật vừa ra mắt.

Tại buổi giao lưu, độc giả đã được lắng nghe, đối thoại và đồng hành với dịch giả, TS Dương Ngọc Dũng – người đã giới thiệu và chuyển ngữ tác phẩm Một lược sử về vạn vật của Ken Wilber. Ông hiện là Phó trưởng khoa, khoa Khoa học Xã hội – Luật, Trường đại học Hoa Sen.

Dịch giả Dương Ngọc Dũng nói về 'Một lược sử về vạn vật' của triết gia Ken Wilber - Ảnh 1.

Chương trình tọa đàm, gặp gỡ dịch giả - TS Dương Ngọc Dũng nhân dịp ra mắt cuốn sách Một lược sử về vạn vật của triết gia người Mỹ Ken Wilber

P.B

Đây là tác phẩm tiêu biểu của Ken Wilber, được tờ Publishers Weekly đánh giá là “sự tổng hợp đầy ấn tượng từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau […], từ đó độc giả sẽ có cái nhìn mới hơn về những gì mình đã biết, hay nghĩ rằng mình đã biết, dù là ở bất kỳ lĩnh vực nào đi nữa”.

Riêng về tác giả, tờ San Francisco Chronicle cũng ca ngợi “giống như Hegel ở phương Tây và Aurobindo ở phương Đông, Wilber là nhà tư tưởng quan tâm đến toàn bộ quá trình tiến hóa […] hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa quy giản đang ngày càng phổ biến hơn".

Dịch giả Dương Ngọc Dũng nói về 'Một lược sử về vạn vật' của triết gia Ken Wilber - Ảnh 2.

Độc giả tham gia đặt câu hỏi

P.B

Trong Một lược sử về vạn vật, triết gia Ken Wilber đã có góc nhìn mang tính tích hợp, từ truyền thống Đông phương cũng như Tây phương; từ tiền hiện đại, hiện đại đến hậu hiện đại, từ khoa học thực nghiệm đến khoa học tâm linh… Từ đó đưa độc giả vào trong hành trình khám phá bản thân một cách sâu sắc và nguyên thủy nhất.

Trong buổi trao đổi, dịch giả Dương Ngọc Dũng khẳng định rằng sự xuất hiện của Ken Wilber là một tín hiệu đáng mừng cho giới yêu thích triết học nói riêng và độc giả Việt Nam nói chung, bởi đây là một trong những triết gia quan trọng bậc nhất thời đại chúng ta, với lý thuyết "triết học dung nạp".

Nói về Wilber, ông Dũng cho rằng nhà triết học này đã thoát ra khỏi định kiến cố hữu về một “chuyên gia theo nghĩa xấu”, nghĩa là một người chỉ nhìn sự vật, hiện tượng… trong thế giới quan thuộc chuyên ngành của mình. Không phân biệt khoa học thực nghiệm, khoa học tự nhiên hay triết học, Wilber đã nhìn toàn thể vạn vật trong một cách nhìn mang tính tích hợp.

Dịch giả Dương Ngọc Dũng nói về 'Một lược sử về vạn vật' của triết gia Ken Wilber - Ảnh 3.

TS Dương Ngọc Dũng ký tặng bạn đọc

P.B

Ông Dũng giải thích, có lẽ bắt nguồn từ nền tảng học thuật và những trải nghiệm cá nhân mà Wilber đã tìm ra cách giải thích cho những vấn đề mang tính thời đại. Theo đó, Wilber đã có bằng tiến sĩ hóa - sinh khi mới 23 tuổi, sau đó do thấy khoa học không thể giải thích được mọi vấn đề một cách triệt để, Wilber đã đi theo con đường thiền tập, giác ngộ và hướng mình theo nghiên cứu khoa học.

Do đó tác phẩm của Wilber có tính tổng hợp, tích hợp mà không tản mác hay quá sa đà vào các khía cạnh riêng biệt một cách tủn mủn. Ông Dũng chia sẻ, dù tên sách là Một lược sử về vạn vật – một bản rút gọn lịch sử, thế nhưng chắc chắn qua cuốn sách này, độc giả sẽ tìm cho mình một cách giải thích mang tính đa diện về mọi vấn đề trong cuộc sống.

Một trong những sáng tạo quan trọng nhất của Ken Wilber là khái niệm về tứ nghiệm đồ (the four quadrants). Trong đó, vạn vật trong thế giới này đều có cả bốn phương diện: chủ ý, hành vi, văn hóa và xã hội. Chúng là 4 góc của tứ nghiệm đồ và được hòa trộn vào nhau một cách phức tạp. Và vì tinh-thần-trong-quá-trình-diễn-hóa trình hiện bản thân trên cả 4 góc của tứ nghiệm đồ, nên một diễn giải đầy đủ phải tính đến cả 4 góc này.

Theo TS Dũng, Wilber là một triết gia được đánh giá cao khi nhận định rằng hết thảy vạn vật trong cuộc sống này phải được suy ngẫm, kết hợp, đan cài vào nhau, mà không được nghiêng về khía cạnh nào. Trong đó đời sống tinh thần bên trong và nghiên cứu hành vi từ góc độ bên ngoài phải được tìm hiểu một cách đồng thời, để tránh tinh thần phiến diện và các góc nhìn mang tính cá nhân.

Điều đó được thể hiện ở việc Wilber khảo sát đối tượng trong một bối cảnh lớn hơn, là Hoàn vũ (Kosmos). Trong cuốn sách này, ông đã nói rằng những triết gia Hy Lạp theo trường phái Pythagore đã đưa ra thuật ngữ "kosmos" mà chúng ta quen dịch là “vũ trụ” (cosmos) nhưng thực ra "kosmos" có nghĩa là một quá trình có tính mô hình về mọi cảnh giới tồn tại, từ vật chất cho đến tinh thần, cho đến Thiên chúa, chứ không phải chỉ có mỗi vũ trụ vật chất.

Vì thế Wilber đã giới thiệu lại một thuật ngữ mới là hoàn vũ (kosmos), bao gồm cả vũ trụ (hiểu theo nghĩa là “vũ trụ vật chất”, gọi là vật quyển), sinh quyển (sự sống), trí quyển (tinh thần) và cả thần quyển (theosphere, cảnh vực thần linh).

Wilber cũng không chỉ trích những lý thuyết cũ, mà thay vào đó, ông đã chỉ ra hạn chế và bổ khuyết vào những khoảng trống này khái niệm tích hợp của bản thân mình. Vì vậy trong Một lược sử về vạn vật, ta không chỉ thấy một Ken Wilber mà còn đồng thời là sự phản tư cũng như kết hợp với Freud, Jung, Plotinus, Thích Ca Mâu Ni, John Watson, John Locke, Max Weber, Karl Marx, Gerhard Lenski… và còn nhiều nữa.

Rất nhiều ví dụ về giới, chủ nghĩa nữ quyền, hôn nhân, xã hội, cách nhìn thế giới cũng như việc hiểu triết học… cũng được độc giả quan tâm thảo luận và đặt câu hỏi. Kết thúc tọa đàm, dịch giả Dương Ngọc Dũng cũng chia sẻ rằng triết học ở Việt Nam đang ngày càng được thế hệ trẻ hơn, mới hơn, hiện đại hơn… quan tâm chú ý, và đó là một hiện thực rất đáng khích lệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.