intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tiềm năng phát triển du lịch văn hoá tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

7
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết dưới đây sẽ làm rõ tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tại huyện Phú Vang qua các nội dung (i) mô tả các di tích, lễ hội và làng nghề truyền thống; (ii) phát huy những tiềm năng của các di tích, lễ hội và làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch văn hóa tại địa phương.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tiềm năng phát triển du lịch văn hoá tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế

  1. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VĂN HOÁ TẠI HUYỆN PHÚ VANG, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ Nguyễn Tất Thắng1, Lê Công Lập2 Tóm tắt: Phú Vang là huyện đồng bằng ven biển và đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh tiềm năng lớn về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, huyện Phú Vang còn có nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng như các di tích, lễ hội và làng nghề truyền thống góp phần phát triển du lịch văn hóa tại địa phương. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tại huyện Phú Vang qua các nội dung (i) mô tả các di tích, lễ hội và làng nghề truyền thống; (ii) phát huy những tiềm năng của các di tích, lễ hội và làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch văn hóa tại địa phương. Từ khoá: Di tích, du lịch văn hoá, làng nghề truyền thống, lễ hội, Phú Vang. 1. Mở đầu Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người”. Do đó, văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng của một dân tộc, là động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, việc khơi dậy và phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội là một yêu cầu cấp thiết được đặt ra, qua đó góp phần gia tăng sức mạnh mềm của văn hóa và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước3. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, du lịch đang được xem là một trong những lĩnh vực trọng tâm nhằm góp phần đưa hình ảnh của quốc gia đến với thế giới và góp phần vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Trong đó, du lịch văn hóa được xem là nguồn lực để phát triển du lịch4. Du lịch văn hóa được hiểu là “hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”5. Du lịch văn hóa không chỉ đem đến lợi ích về kinh tế mà còn góp phần giáo dục tình yêu Tổ quốc, thúc đẩy tích cực sự phát triển xã hội. Chiến lược phát triển du lịch du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã nhấn mạnh quan điểm “Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”6. 1. Phó Giáo sư Tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. 2. Học viên Cao học ngành Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. 3. Nguyễn Văn Hùng (2022). “Khơi dậy và phát huy các nguồn tài nguyên văn hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Cộng Sản. Đăng ngày 02 tháng 08 năm 2022. 4. Hồng Hà (2022). Văn hóa là nguồn lực để phát triển du lịch. https://bvhttdl.gov.vn/van-hoa-la-nguon- luc-phat-trien-du-lich-20220919075340998.htm. Truy cập ngày 25/2/2023. 5. Tổng cục Du lịch (2009), Luật du lịch và các văn bản hướng dẫn thực hiện, Cục xuất bản Hà Nội, tr.9. 6. Chính phủ (2020), Quyết định số 147/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam Nam đến năm 2030. 114
  2. NGUYỄN TẤT THẮNG - LÊ CÔNG LẬP Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, du lịch văn hóa được xác định là 1 trong số 13 ngành phát triển của công nghiệp văn hóa với mục tiêu là phát triển du lịch văn hóa trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát riển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực và tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm…7. Tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc với nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử và lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là địa phương hội tụ các tiềm năng, thế mạnh để trở thành thành phố Festival, trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước và của châu Á. Phú Vang là huyện đồng bằng ven biển và đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế. Phía Bắc giáp biển Đông, phía Tây giáp huyện Hương Trà và thành phố Huế, phía Nam giáp huyện Hương Thủy, phía Đông giáp huyện Phú Lộc. Bên cạnh tiềm năng lớn về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, huyện Phú Vang còn là địa phương có nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng và đặc sắc có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch của địa phương. Trên cơ sở tổng hợp các tài liệu liên quan, bài viết này sẽ tập trung làm rõ tài nguyên văn hóa ở huyện Phú Vang, qua đó phân tích những tiềm năng phát triển du lịch văn hóa ở địa phương này. 2. Tài nguyên văn hóa ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế có nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng gồm các di tích lịch sử, lễ hội và làng nghề truyền thống. 2.1. Di tích Theo Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ Việt Nam, “Di tích là các di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân), di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh”8. Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Vang có 2 di tích gồm Tháp Chàm Phú Diên và Đình Quy Lai. 2.1.1. Tháp Champa Phú Diên Tháp Phú Diên hay còn gọi là tháp Mĩ Khánh là một cụm tháp Champa cổ nằm ở thôn Mĩ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, có niên đại vào thế kỉ thứ 8. Đây được coi là công trình cổ nhất trong số tháp Champa còn tồn tại dọc theo dải đất miền Trung Việt Nam9. Tháp được phát hiện năm 2001 trong lòng cồn cát ven biển. Tháp Champa được vùi sâu dưới lòng cát từ 5 - 7m, thấp hơn mực nước biển, hiện tại là 3 - 4m và chỉ cách mép nước biển 120m. Đây là ngôi tháp nằm gần bờ biển nhất hiện còn tồn tại. 7. Chính phủ (2016), Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 8. Chính phủ (2010), Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Hà Nội. 9. Trang Hiền (10 tháng 3 năm 2011). “Đến Phú Diên, khám phá văn hóa Chămpa”, Báo điện tử Thừa Thiên Huế. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2023. 115
  3. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VĂN HOÁ TẠI HUYỆN PHÚ VANG, ... Tháp có hình đồ kiến trúc hình chữ nhật dài 8,22m, rộng 7,12m. Cấu trúc xây dựng tháp gồm phần móng tháp, đế tháp, chân tháp, thân tháp, diềm mái tháp và lòng tháp. Nghiên cứu bước đầu cho thấy tháp Mĩ Khánh thuộc dạng tháp Lùn trong nghệ thuật kiến trúc tháp Champa. Ðây là nhóm tháp khởi đầu của kiến trúc tôn giáo Chàm khi chuyển sang xây dựng bằng chất liệu bền vững, và là một trong những kiến trúc tháp có niên đại sớm nhất trong lịch sử kiến trúc tháp Champa hiện nay. Đây là ngôi tháp Champa cổ còn khá nguyên vẹn so với những công trình kiến trúc Champa khác được tìm thấy ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Cách 5m phía trước cửa chính của tháp có một bệ thờ được xây hình khối vuông bằng chất liệu gạch với kĩ thuật mài xếp liền khít cao 1,4m, cạnh dài 1,38m, chính giữa bệ còn một lỗ tròn đường kính 0,19m mà các nhà nghiên cứu nghi rằng trước kia đây là nơi đặt tượng thờ. Cuối tháng 6 năm 2022, Tháp Champa Phú Diên được Tổ chức Kỉ lục Việt Nam và Liên minh Kỉ lục Thế giới đồng thời xác lập hai kỉ lục bao gồm tháp Champa cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật, bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam và thế giới10. 2.1.2. Đình Quy Lai Đình Quy Lai thuộc làng Phú Thanh, Phú Vang. Làng Quy Lai vốn là một trong 60 ngôi làng cổ thuộc huyện Kim Trà11. Lần theo mốc thời gian khai canh khai khẩn của các họ trên đất làng Quy Lai, có thể khẳng định rằng đình làng Quy Lai đã được dựng từ buổi đầu lập làng khoảng cuối thế kỉ XVI hoặc đầu thế kỉ XVII. Tuy nhiên, kiến trúc hoàn chỉnh nhất hiện tại của đình là vào thế kỉ XIX. Trải qua các đợt trùng tu nhỏ và lớn, đình làng Quy Lai ngày nay mang dáng dấp chủ đạo của kiến trúc đình làng thời Nguyễn với hệ kết cấu gỗ thượng trến - hạ xuyên. Trong đó, nhà tiền đình có năm gian không chái và nhà chính đình là ba gian hai chái kép. Tiếp nối giữa nhà tiền đình và nhà chính đình là trần thừa lưu, ở trên là máng xối bằng tôn và được che lại bởi hệ thống trần bằng gỗ. Theo Quyết định số 43/2005/QĐ-BVHTT ngày 22 tháng 08 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin về việc xếp hạng di tích quốc gia12, Đình Quy Lai được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. 2.2. Lễ hội Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước, mỗi lễ hội đều mang sắc thái, đặc điểm khác nhau. Theo điều 4, Luật Di sản văn hóa thì lễ hội được xem là di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay, có nhiều quan niệm khác nhau về lễ hội 10. Nguyễn Trọng (27 tháng 6 năm 2022). “Tháp Chăm cổ ở Huế lập kỷ lục thế giới”, Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2023. 11. Dương Văn An (2001), Ô Châu cận lục. Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc dịch chú và hiệu đính, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 58. 12. Phạm Đăng Nhật Thái, Trần Thành Nhân (2020), “Nhận diện kiến trúc đình làng vùng Phú Xuân thời chúa Nguyễn”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Khoa học Xã hội và Nhân văn; tập số 129, số 6A; tr.97. 116
  4. NGUYỄN TẤT THẮNG - LÊ CÔNG LẬP (Đoàn Văn Chúc, 199813; Ngô Đức Thịnh, 200114, Vũ Ngọc Khánh, 200715), tuy nhiên, khái niệm lễ hội trong bài viết này được hiểu là lễ hội truyền thống được sáng tạo và lưu truyền theo phương thức dân gian, có từ lâu đời, tồn tại cho đến ngày nay hoặc được phục dựng lại, được hình thành trong hình thái văn hóa lịch sử riêng biệt, được truyền lại trong các cộng đồng dân cư với tư cách là phong tục, tập quán. Căn cứ vào khái niệm trên, hiện nay huyện Phú Vang đang lưu giữ một số lễ hội truyền thống như Lễ hội cầu ngư Làng An Bằng, Lễ hội cầu ngư Thuận An và Hội vật truyền thống Làng Sình. 2.2.1. Lễ hội cầu ngư làng An Bằng An Bằng là một làng biển hình thành và phát triển cách đây gần 500 năm. Lễ hội cầu ngư đua thuyền truyền thống của làng lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1645 và tính đến nay đã tổ chức được hơn 120 lần lễ. Xuất phát từ truyền thống đánh bắt hải sản và vận tải biển, người dân An Bằng tổ chức lễ hội Cầu Ngư với những nghi thức, lễ hội truyền thống của cư dân làm nghề biển. Điểm đặc biệt là lễ hội Cầu ngư ở An Bằng gắn liền với lệ đua thuyền trên biển. Dù không có tài liệu văn bản nào lưu lại, nhưng câu chuyện về sự hình thành và tồn tại của lễ đua thuyền trên biển vẫn được dân làng lưu truyền lại cho đến nay: “Vào một năm nhuận hai tháng 5, biển lặng yên lâu ngày làm cho nước trong nên cá thấy rõ lưới mành, dây câu, do vậy mà khó bắt được cá. Không đánh bắt được cá, kinh tế trở nên khó khăn, người dân làng nảy ra ý nghĩ tổ chức một cuộc đua thuyền để hầu Ngài16 với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa”17. Vào 02 ngày 11 và 12 tháng 5 (âm lịch) hàng năm, lễ hội Cầu ngư làng An Bằng được diễn ra trên bãi biển ngay trước mặt lăng Ông Ngư. Mặc dù có nhiều sự khác biệt xuất phát từ yếu tố địa phương, vùng miền, tuy nhiên, các nghi lễ trong lễ hội Cầu ngư ở An Bằng vẫn thể hiện những nét tương đồng. Quy trình của lễ hội gồm các nghi lễ như sau: - Lễ Thỉnh Ngài (Nghinh Ông) - Hò đưa linh (Hò Chèo cạn) - Lễ hạ thủy - Lễ chánh tế - Phần hội đua Nếu như ở vùng Nam Trung bộ, lễ xây chầu Bả trạo thường không thể thiếu trong lễ hội Cầu ngư, thì ở các làng biển vùng Bắc Trung bộ, người ta lại tổ chức diễn xướng 13. Đoàn Văn Chúc (1998), Xã hội học văn hóa, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr. 132. 14. Ngô Đức Thịnh (2001), “Những giá trị của lễ hội cổ truyền trong đời sống xã hội hiện nay”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, (số 3), tr.7. 15. Vũ Ngọc Khánh (2007), Văn hóa dân gian người Việt (Lễ hội và trò chơi dân gian), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.79. 16. “Ngài” mà người dân An Bằng gọi ở đây là Ngài Ngư, là cá Ông/Ông Nam Hải (cá voi). Theo quan niệm của ngư dân miền Trung và Nam Bộ, cá Voi là vị phúc thần, luôn phù trợ và ra tay cứu giúp ngư dân gặp nạn trên biển, được họ thành kính phụng thờ.  17. Văn Đình Xuân (2002), Làng xưa tích cũ, Tài liệu lưu hành nội bộ; tr. 85. 117
  5. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VĂN HOÁ TẠI HUYỆN PHÚ VANG, ... Hò đưa linh hay còn gọi Hò chèo cạn. Ở An Bằng cũng vậy, đêm trước ngày đua, làng tổ chức diễn xướng chèo cạn đưa linh ngoài bãi biển, phía trước lăng Ông Ngư. Tuy nhiên, do làng An Bằng không có đội chèo thường trực nên làng thường mời đội chèo ở Thị trấn Thuận An hoặc làng Mĩ Á (xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc) về trình diễn. Xưa, làng An Bằng có 3 phường, mỗi phường có 1 vạn đua và mỗi vạn có 2 ghe tham dự. Tuy nhiên, trải qua thời gian, dân làng ngày một đông đúc, một bộ phận dân cư tách rời thành lập nên vạn An Mĩ, vì vậy, ngày nay An Bằng có 4 Vạn đua là Bắc Thượng, Trung Hải, Định Hải và An Mĩ, nhưng vẫn tuân theo lệ truyền thống với 6 ghe đua. Vạn Bắc Thượng (còn gọi là An Thượng) và An Mĩ có dân số đông nên được tham gia 2 ghe trên mỗi vạn, còn lại Trung Hải (An Hải) và Định Hải (An Định) mỗi vạn 1 ghe18. Một tháng trước ngày đua, các tay chèo của mỗi vạn đều hăng say luyện tập đều đặn 2 lượt mỗi ngày, vào sáng sớm và đầu giờ chiều cho đến tận ngày đua. Trong thời gian luyện tập, hễ tay chèo nào vi phạm các quy định như uống rượu, ra biển đánh cá… đều chịu hình phạt của vạn và bị loại khỏi đội hình. Bên cạnh đó, để gìn giữ sự linh thiêng của nghi lễ, các bô lão trong Ban Hương lễ phải trai tịnh và túc trực cả ngày lẫn đêm ở lăng Ông Nam Hải trong suốt một tuần, mọi hoạt động khác như cơm nước đều do người thân mang tới19. Bên cạnh đó, xuất phát từ truyền thống lâu đời, sự may mắn và niềm hãnh diện của mỗi vạn khi giành được giải thưởng nên tất cả thành viên đều tuân thủ các quy định một cách nghiêm ngặt, điều đó còn được thể hiện cả trong những sự kiêng cữ liên quan đến nghi lễ, lễ hội. Trong thời gian luyện tập, các vạn thường không để cho người lạ ra vào khu vực chuẩn bị ghe, luyện tập với quan niệm người lạ mặt sẽ mang lại nhiều điều không may mắn. Ngoài ra còn là cách thức bảo vệ, giữ kín bí quyết trong chiến thuật đua cũng như những điều chỉnh về mặt kĩ thuật tạo nên chiếc ghe đua. Lễ hội cầu ngư là nét đẹp văn hóa truyền thống từ ngàn xưa của ngư dân vùng biển An Bằng, thể hiện tinh thần rèn luyện thể dục, thể thao; Gặp gỡ, thăm hỏi nhau trong tình làng nghĩa xóm sau những năm xa cách; Tăng thêm tinh thần đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp và tôn vinh nghề đánh bắt hải sản của ngư dân địa phương. Ngoài ý nghĩa tôn vinh nét đẹp văn hóa và nghề nghiệp, lễ hội cầu ngư còn thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm vươn khơi bám biển, bảo vệ ngư trường và chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc20. 18. Nguyễn Thăng Long, Biến đổi văn hóa phi vật thể làng biển Thừa Thiên Huế: Nhìn từ lễ hội truyền thống làng An Bằng (Xã Vinh An, Huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), annghehue.vn/tin-tuc/p0/c162/ n4117/bien-doi-van-hoa-phi-vat-the-lang-bien-thua-thien-hue-nhin-tu-le-hoi-truyen-thong-lang-an- bang-xa-vinh-an-huyen-phu-vang-thua-thien-hue.html. Truy cập ngày 22/2/2023. 19. Trải qua thời gian dài, cho dù những định lệ truyền thống đã dần trở nên đơn giản hơn, nhưng, yếu tố thiêng trong các hoạt động thực hành nghi lễ ở lễ hội Cầu ngư làng An Bằng vẫn không hề mai một. 20. Lễ hội cầu ngư ở làng An Bằng, https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/Thong-tin-hue-xua-va-nay/tid/ Le-hoi-cau-Ngu-o-lang-An-Bang/newsid/D958F3F0-D3B6-47B0-A5F8-522B1151331C/cid/11. Truy cập ngày 12/3/2023. 118
  6. NGUYỄN TẤT THẮNG - LÊ CÔNG LẬP 2.2.2. Lễ hội cầu ngư Thị trấn Thuận An Thuận An là tên do vua Gia Long ban cho cửa biển cắt ngang lưỡi cát chạy dọc phía Đông phá Tam Giang vào năm 1814. Cái cửa cắt ngang lưng lưỡi cát nên trước kia nó có tên là cửa Eo (lưng) hay cửa Nhuyễn. Cửa biển này không ngớt bị gió bão, chiến tranh đe dọa. Đến đời Nguyễn, vua Gia Long ước mơ “từ đây mưa sẽ thuận và gió sẽ yên (an)”. Vì thế nhà vua mới ban cái tên Thuận An. Ở đây có đình Thai Dương21 đồ sộ với tường thành và cột trụ đều được khảm sành sứ giống như lăng Khải Định. Các lễ hội cầu ngư đều tổ chức giữa sân đình này. Lễ hội cầu ngư ở Thuận An diễn ra vào hai ngày 11 và 12 tháng Giêng âm lịch. Chương trình thường có hai phần chính: phần lễ và phần hội (có phụ diễn văn nghệ truyền thống như ca Huế, hát Bội, múa lục cúng hoa đăng, đốt pháo hoa và đua thuyền trên phá Tam Giang). Đúng 7 giờ tối ngày 11, năm trăm bô lão khăn đen áo dài tề tựu ở đình Thai Dương làm lễ trúc yết với thần linh theo nghi lễ cổ truyền. Vị tế đọc văn điếu nói lên ý thức “uống nước nhớ nguồn” của dân làng và cầu mưa thuận gió hòa. Văn tế chấm dứt, nhân dân trong đó có hàng trăm người đi làm ăn xa xứ mới về lần lượt vào đền dâng lễ phẩm và lễ bái22. Phần lễ chính (chánh tế) diễn ra vào lúc 2 giờ sáng ngày 12, trong bầu không khí sực nức mùi trầm hương, thanh tịnh. Khói hương và sương đêm quyện vào nhau, nối sự thành kính và trang nghiêm của dân làng với mênh mông trời biển. Hoa quả, xôi vò, thịt heo được hào soạn chỉnh tề. Chuông trống bát nhã nổi lên. Khi chuông trống vừa dứt, vị chủ lễ mặc áo rộng xanh đọc bài văn tế thứ hai để tỏ lòng biết ơn tất cả những Hình 1. Chiếc thuyền tượng trưng xuất hành ra khơi vị tiền bối xưa nay đã bỏ công đầu năm khai phá, xây dựng và bảo vệ Thuận An, biết ơn những vị khóa bảng đã dày công vun xới cho làng quê thêm phần văn vật. Hàng trăm em nhỏ từ sáu đến tám tuổi mặc áo quần và đội mũ vẽ hình cá, tôm, mực ùa ra thi nhau nhặt tiền (tượng trưng cho một đàn cá giành nhau đớp môi). Các ngư dân mặc áo dài đen, đầu chít khăn đỏ (dấu hiệu may mắn) tung 21. Đây là đình Thai Dương Hạ thuộc địa phận thị trấn Thuận An. Làng Thai Dương cũ có 3 đình: Thai Dương Thượng, Thia Dương Hạ thượng giáp (thuộc xã – nay là phường Hải Dương) và Thai Dương Hạ hạ giáp (nay thuộc thị trấn Thuận An). 22. Độc đáo lễ hội cầu ngư Thuận An https://danviet.vn/doc-dao-le-hoi-cau-ngu-thuan-an-7777662066. htm. Truy cập ngày 2/3/2023. 119
  7. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VĂN HOÁ TẠI HUYỆN PHÚ VANG, ... các loại “câu” và giật lia lịa. Bỗng nhiên, có một chiếc ghe (làm bằng tre nan giống như thật) được 30 ngư dân mạnh khỏe di chuyển chạy vòng quanh đàn “cá”. Các ngư dân khác đứng trên ghe bủa lưới vây lấy đàn “cá”. Người ta chọn bắt con “cá” lớn nhất đem vào đình để cúng tượng trưng cho các vị tiền bối. Số “cá” biết nói biết cười còn lại người ta bắt “ban” cho các bà hàng cá gọi là “rỗi”. Các “rỗi” ăn mặc đẹp, đầu chít khăn màu sặc sỡ, hồ hởi bỏ tiền ra “mua cá” và bỏ vào quang gánh chạy đi bán. Diễn trên sân xong, các trò lại được lặp lại dưới nước, ở đoạn phá Tam Giang ngay trước sân đình. Hàng chục chiếc tàu cá thật tham gia trò diễn. Tất cả các loại hình đánh bắt cá đều được trình bày. Cuộc thao diễn hết sức ngoạn mục. Trò diễn càng hào hứng, người tham gia càng đông và niềm tin “được mùa” càng cao. Tiếp sau các trò diễn cầu ngư là cuộc đua trải. Người đứng xem chật cả bờ phá, trên cầu Thuận An và trên hàng trăm chiếc ghe thuyền đậu chung quanh khu vực đua. Trống giục, cờ giong, vui nhộn hết sức. Các địa phương đua trải nổi tiếng ở Thừa Thiên như Phú Bài, Phú Mĩ, Dương Nỗ, Hương Phong… đều gửi ghe đến dự. Theo lệ, cuộc đua có mười tráo (đợt) gồm tráo cúng (mở đầu), tám tráo tiền và một tráo phá (giành chức vô địch). Cuộc đua trải xong là chấm dứt lễ hội23. Lễ hội cầu ngư ở Thuận An ngoài ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, đánh bắt được nhiều hải sản, còn là dịp để hội tụ con dân Thuận An ở khắp nơi: “Vò vo chấm với muối rang Đi mô cũng nhớ Thuận An mà về” 2.2.3. Hội vật truyền thống làng Sình “Làng Lại Ân (hay còn gọi là làng Sình), vốn là một làng nông nghiệp có nghề phụ là làm hàng mã và in tranh dân gian. Dân hàng mã ngày xưa quy tụ trong Hội Bồi. Hội vật Sình là một nghi tiết cũng là một lễ hội do Hội Bồi chủ trương để dâng cúng thần linh và tạo không khí vui chơi cho dân làng nhân lễ cúng xuân tế của làng”24. Mỗi năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch, làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) lại tưng bừng hội vật truyền thống25. Hội vật truyền thống của làng đã có lịch sử hơn 200 năm và phát triển liên tục cho đến nay. Đây không chỉ là ngày hội của làng mà còn là dịp quy tụ các đô vật khắp tỉnh về tranh tài. Ngoài các đô vật thanh niên, thiếu niên, nhiều đô vật nhí cũng hăng hái lên sới vật và trình diễn nhiều thế vật đẹp mắt trong tiếng reo hò, cổ vũ của hàng trăm khán giả. Hội vật làng Sình ngoài yếu tố tâm linh như mong cho dân khỏe, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người, còn là hoạt động đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với thế hệ trẻ. 23. Trần Đại Vinh (Cb) (2020), Địa chí Thừa Thiên Huế, phần Văn Hoá, tập 2; Nxb Thuận Hoá, Huế; tr. 836. 24. Trần Đại Vinh (Cb) (2020), Địa chí Thừa Thiên Huế, phần Văn Hoá, tập 1; Nxb Thuận Hoá, Huế; tr.495. 25. Ở Thừa Thiên Huế chỉ có 2 làng tổ chức hội vật, đều diễn ra vào mùa xuân. Đó là làng Sình (Phú Vang) và làng Thủ Lễ (Quảng Điền). 120
  8. NGUYỄN TẤT THẮNG - LÊ CÔNG LẬP 2.3. Làng nghề truyền thống Theo Thông tư 116/2006/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, “Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự trên địa bàn một xã, thị trấn, có các hoạt động ngành nghề nông thôn, sản xuất ra một hoặc nhiều loại sản phẩm khác nhau”. “Nghề truyền thống là nghề đã được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền”26. Làng nghề truyền thống được khái quát dựa trên hai khái niệm làng nghề và nghề truyền thống nêu trên: Làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời. Căn cứ theo các khái niệm trên, huyện Phú Vang hiện nổi tiếng với một số làng nghề truyền thống như Làng nghề làm hoa giấy Thanh Tiên, Làng nghề làm tranh dân gian Làng Sình, Liễn Làng Chuồn. 2.3.1. Làng nghề làm hoa giấy Thanh Tiên Nằm ở phía hạ lưu sông Hương, làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế nổi tiếng về nghề truyền thống làm hoa giấy. Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Tục xưa, hoa giấy được trang trọng tôn trí ở những nơi như: Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và Ông táo. Hàng năm thay thế một lần vào Tết nguyên Đán, hoa mới được thay thế, hoa cũ hạ xuống “Duống” và đốt đi gọi là “Tẩu”. Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng cũng như những nơi có người Huế cư ngụ mỗi khi Tết đến, xuân về27. Trải qua hơn 300 năm tồn tại, hoa giấy Thanh Tiên đã trở thành một nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và các tỉnh lân cận. Hoa giấy được đặt trên bàn thờ gia tiên, tế lễ đình chùa, thờ phụng trong những ngày Tết. Hiện, ở làng Thanh Tiên có trên 30 hộ dân làm nghề hoa giấy. Dịp Tết, bình quân mỗi gia đình ở Thanh Tiên làm từ hai nghìn đến ba nghìn cặp hoa, mỗi cặp hoa có giá từ 7 đến 10 nghìn đồng. Ngày công thu nhập từ làm hoa giấy truyền thống không cao nhưng là để giữ gìn nghề truyền thống, đồng thời cũng tôn vinh nét đẹp truyền thống của làng quê. Làng nghề Hoa giấy Thanh Tiên được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống (Quyết định số 725/QĐ-UBND ngày 16/4/2013).  2.3.2. Làng nghề làm tranh dân gian làng Sình Làng Sình có tên chữ là Lại Ân thuộc xã Phú Mậu, thành phố Huế. Dân làng Sình sống cơ bản về nông nghiệp, nhưng do vị trí sát kề kinh đô lại thuận tiện giao thông, có nhiều người buôn bán và làm thủ công, trong đó có nghề làm tranh thờ in ván khắc gỗ 26. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (2006), Thông tư 116/2006/TTBNN hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, Hà Nội. 27. Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên và nghề làm hoa giấy https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/Thong-tin- du-dia-chi/tid/Lang-hoa-giay-Thanh-Tien-va-nghe-lam-hoa-giay/newsid. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2023. 121
  9. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VĂN HOÁ TẠI HUYỆN PHÚ VANG, ... còn màu tô tay. Trước kia, hầu hết tranh thờ in ván bày bán ở hàng mã là do dân Sình làm, nên quen gọi là “tranh Sình”28. Gần 500 năm tồn tại, tranh dân gian làng Sình chủ yếu phục vụ tín ngưỡng thờ cúng vào ngày rằm, mồng một và Tết cổ truyền. Tranh cúng rất đa dạng, từ tranh nhân vật đến tranh đồ vật. Tranh dân gian làng Sình chủ yếu được in theo các khuôn bằng gỗ đã khắc sẵn rồi tô màu. Từ xưa đến nay, tới thời vụ thì cung không đủ cầu. Năm nào cũng vậy, nhu cầu rất lớn. Không chỉ ở địa phương mà khắp Quảng Bình, Quảng Trị rồi tới Quảng Nam, Quảng Ngãi đều có tranh làng Sình29. Theo Quyết định số 971/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh kí ngày 12/5/2016, Làng nghề Tranh dân gian Làng Sình được công nhận là làng nghề truyền thống. 2.3.3. Liễn làng Chuồn Chuồn là tên nôm của làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang. Chuồn là làng nông nghiệp nhưng có nhiều người học cao đỗ đạt làm quan to trong triều. Tính hiếu học đã ảnh hưởng đến nghề làm liễn: Viết chữ đẹp, biết cái đẹp của nghệ thuật viết chữ, và phát huy một lối chơi sang treo liễn ngày Tết hay để tặng mừng nhau. Giấy in liễn là loại giấy để in báo, mua về phải nhuộm các màu đỏ, vàng hoặc xanh. Còn màu là các phẩm bột mua ở chợ về hòa với hồ cho dính, cũng có dùng bột điệp nhưng không để nguyên màu trắng ánh mà pha thêm màu xanh dương theo tỉ lệ 10 điệp cộng 1 dương để có màu sáng dịu. Do có hai đoạn liễn với kích thước khác nhau nên có hai lối in ngửa hay úp ván. Liễn bông (hoa) mỗi bộ gồm có bốn con (bức) toàn cảnh họa tiết dài như bộ tranh tứ quý. Liễn chữ gồm một đại tự và câu đối. Đại tự là chữ to cần ván lớn. Liễn được treo trên tường hay trên cột, chạy dọc như theo câu đối hay theo tranh tứ quý. Riêng đại tự có thể treo riêng hoặc giữa hai liễn câu đối như bức hoành cầu phúc. Đấy là lối chơi đẹp, giàu tính văn hoá. Rất nhiều gia đình ở làng Chuồn biết in liễn Tết, họ tập trung làm từ tháng mười đến giáp Tết, mỗi gia đình trong vụ liễn in từ vài trăm đến vài nghìn bộ. Cho đến nay, liễn Chuồn vẫn phát triển và cần khuyến khích30. 2.4. Phát huy tài nguyên văn hóa trong phát triển du lịch văn hoá ở huyện Phú Vang Trong bối cảnh du lịch văn hóa đang ngày càng được chú trọng phát triển, các tài nguyên văn hóa như di tích, lễ hội và làng nghề truyền thống với nét đặc trưng nêu trên ở huyện Phú Vang có vai trò lớn trong phát triển kinh tế du lịch, đặc biệt là du lịch văn hoá ở địa phương. Theo đó, lễ hội, di tích, làng nghề truyền thống được xác định là một 28. Làng nghề tranh dân gian làng Sình, https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/Thong-tin-du-dia-chi/tid/Lang- nghe-Tranh-dan-gian-Lang-Sinh/newsid/. Truy cập ngày 2/3/2023. 29. Đỗ Bang (cb) (2000), Từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế, NXB Thuận Hoá, Huế; tr 350. 30. Liễn làng Chuồn, https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/Thong-tin-du-dia-chi/tid/Lien-lang-Chuon/ newsid. Truy cập ngày 3/3/2023. 122
  10. NGUYỄN TẤT THẮNG - LÊ CÔNG LẬP trong những tài nguyên du lịch nhân văn, góp phần phát triển, làm phong phú tài nguyên du lịch. Chính sự phong phú và đa dạng của tài nguyên du lịch đã tạo nên sự phong phú và đa dạng của sản phẩm du lịch. Một địa phương như huyện Phú Vang có nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, độc đáo, hấp dẫn sẽ thu hút đông đảo khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm… Thực tế cho thấy, huyện Phú Vang đã có nhiều cố gắng trong việc tìm kiếm, nghiên cứu và khai thác các nguồn tài nguyên du lịch như: Đã khai thác tài nguyên sinh thái (như biển Vinh Thanh, biển Phú Diên); Khai thác các tài nguyên về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa như chùa Cổ Hà Trung, Di tích tháp Champa của Phú Diên…Cụ thể, Tháp Champa nằm trên địa bàn, là di tích lịch sử cấp tỉnh, điểm đến, không gian “kết nối” trong hoạt động tham quan, du lịch biển tại Phú Diên của du khách. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có kế hoạch tu sửa Tháp Champa nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động khai thác du lịch liên quan tới di tích lịch sử này. Lễ hội dân gian vật làng Sình là một trong những lễ hội rất hấp dẫn và thu hút sự tham gia của khách du lịch và người dân địa phương. Hàng năm vào mùng 10 Tết Nguyên đán đều diễn ra Lễ hội vật làng Sình thu hút hàng ngàn người dân, du khách đến theo dõi, cổ vũ. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống giàu tinh thần thượng võ, khích lệ việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí của lớp trẻ. Đối với người dân địa phương, hội vật còn mang ý nghĩa tâm linh là cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đây là một trong những tài nguyên du lịch văn hóa có tiềm năng khai thác lớn, tuy nhiên thực tế vẫn còn một số khó khăn, thách thức làm hạn chế tiềm năng khai thác nguồn tài nguyên văn hóa này31. Để có thể phát huy được tiềm năng phát triển du lịch văn hóa dựa trên các tài nguyên văn hóa hiện có, huyện Phú Vang cần chú trọng đầu tư các nội dung sau: Thứ nhất, về lượng khách du lịch, với những đặc trưng của nguồn tài nguyên văn hóa, du lịch văn hoá ở Phú Vang có thể có thu hút 02 nguồn du khách tiềm năng. Một là, khách ngoại quốc. Họ thuộc đối tượng khách thích tìm hiểu văn hóa lịch sử, thích khám phá các khu vực còn bảo tồn được tương đối nguyên vẹn các giá trị văn hoá, tự nhiên. Đây là thế mạnh mà du lịch Phú Vang cần quan tâm. Hai là, khách nội địa (nguồn khách trong nước): rất đa dạng thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau. Đối với loại hình lễ hội thì đối tượng có thể là những người lớn tuổi, trẻ tuổi, những người buôn bán kinh doanh đến từ khắp nơi trên cả nước, nhưng nguồn chính vẫn đến từ hai vùng Nam, Bắc và các tỉnh Trung Trung bộ. Để tạo ra sự phong phú, đa dạng, độc đáo về các sản phẩm du lịch, qua đó hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với Phú Vang thì địa phương cần quan tâm, khai thác rộng hơn về các tài nguyên nhân văn tiềm năng khác của huyện Phú Vang như: Các lễ hội cầu an 31. Bạch Thị Thu Hà và Trương Thị Thu Hà (2020), “Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng lễ hội dân gian vật làng Sình tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn, Tập 6, Số 6, tr. 676-690. 123
  11. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VĂN HOÁ TẠI HUYỆN PHÚ VANG, ... đầu năm tại các chùa cổ xưa, di sản văn hóa Phật giáo, làng nghề truyền thống... Lễ hội, di tích, làng nghề truyền thống với vai trò là một sản phẩm du lịch, sẽ là nền tảng để mở rộng các dịch vụ du lịch, tăng nguồn thu cho địa phương. Khi khách du lịch đến thưởng ngoạn ở các di tích, trải nghiệm cũng như tham dự các lễ hội, làng nghề truyền thống sẽ kéo theo các nhu cầu thiết yếu như đi lại, lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, mua sắm, giải trí… Đó cũng là nền tảng để phát triển ngành dịch vụ: dịch vụ tour, dịch vụ di chuyển, lưu trú, ẩm thực mua sắm...Sự mở rộng các lĩnh vực dịch vụ sẽ tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống về mọi mặt cho người dân địa phương trên địa bàn. Bên cạnh các yếu tố trên, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch, đội ngũ cán bộ công nhân viên và tổ chức điều hành, quản lí du lịch... lễ hội, di tích, làng nghề truyền thống là những tài nguyên du lịch, bộ phận quan trọng để hình thành nên các điểm du lịch. Xây dựng các điểm, tuyến hợp lí sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong việc khai thác các tài nguyên du lịch nói riêng cũng như trong mọi hoạt động du lịch nói chung. Về phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch sẽ tập trung quy hoạch và rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các trục đường kết nối giữa các vùng, địa phương cho phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng quản lí quy hoạch hình thành khu đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng theo hướng xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản quốc gia trên nền tảng bảo tồn, phát huy di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư các trục giao thông kết nối, liên kết vùng, khu công nghiệp như mở rộng Quốc lộ 49B, đường Tỉnh lộ 10A, đầu tư tuyến đường bộ ven biển, cầu qua phá Tam Giang. Căn cứ vào các điểm du lịch, khu du lịch, các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, gắn liền với hệ thống giao thông và nhu cầu khách du lịch, có thể xây dựng thành các tuyến du lịch hợp lí, ví dụ như tuyến du lịch du thuyền trên sông Hương đến các điểm như làng hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, chùa cổ Sùng Hóa, Di tích Khu Miếu và Lăng mộ ngài Quốc công Đặng Tất tại làng Thế Vinh, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, di tích Đình làng Qui Lai xã Phú Thanh, đến cảng Thuận An, lên chợ Thuận An qua bãi tắm vui chơi, tắm biển… 4. Kết luận Tựu trung lại, các lễ hội, di tích, làng nghề truyền thống là những yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng của mảnh đất và con người huyện Phú Vang và có vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy, phát triển du lịch văn hoá hiện nay ở địa phương. Vì vậy, để khai thác tốt hơn nữa lợi thế đó, cần chọn lọc để giữ gìn, phát huy những lễ hội, di tích, làng nghề truyền thống ý nghĩa, phù hợp với đời sống, bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì mới; Tích cực liên kết các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh kể cả nước ngoài xây dựng tour tuyến, điểm du lịch nhất là du lịch lễ hội - hoạt động diễn ra trong dịp mùa xuân hàng năm của tỉnh nhà. Chính quyền và nhân dân địa phương cần cần quan tâm hơn đối với việc xây dựng hình ảnh du lịch của Phú Vang từ nguồn tài nguyên này. 124
  12. NGUYỄN TẤT THẮNG - LÊ CÔNG LẬP TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đỗ Bang (chủ biên) (2000), Từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế, NXB Thuận Hoá, Huế. [2] Đoàn Văn Chúc (1998), Xã hội học văn hóa, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội. [3] Nguyễn Phạm Hùng (2013), Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa vùng Đồng Bằng Sông Hồng, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. [4] Vũ Ngọc Khánh (2007), Văn hóa dân gian người Việt (Lễ hội và trò chơi dân gian), NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội [5] Khái niệm khách du lịch theo Tổ chức Du lịch Thế giới, https://vntoworld.com/khai- niem-khach-du-lich-theo-to-chuc-du-lich-the-gioi/, đăng ngày 15/7/2021, truy cập ngày 18/7/2021. [6] Ngô Đức Thịnh (2001), “Những giá trị của lễ hội cổ truyền trong đời sống xã hội hiện nay”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, (số 3). [7] Tổng cục Du lịch (2009), Luật du lịch và các văn bản hướng dẫn thực hiện, Cục xuất bản Hà Nội. [8] Văn phòng Chính phủ (2010), Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Hà Nội. [9] Trần Đại Vinh (Cb) (2020), Địa chí Thừa Thiên Huế, phần Văn Hoá, tập 2. NXB Thuận Hoá, Huế. [10] Nguyễn Như Ý (1998), Đại từ điển tiếng Việt, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội. THE DEVELOPMENT POTENTIAL OF CULTURAL TOURISM IN PHU VANG DISTRICT, THUA THIEN HUE PROVINCE NGUYEN TAT THANG LE CONG LAP Hue University of Education Abstract: Phu Vang is a coastal plain and lagoon district of Thua Thien Hue province. Besides the great potential for fishing and aquaculture, Phu Vang district also has diverse cultural resources such as relics, festivals and traditional craft villages that contribute to the development of local cultural tourism. The article clarifies the potential for cultural tourism development in Phu Vang district through (i) describing the system of local relics, festivals and traditional craft villages; (ii) promoting the potentials of the relics, festivals and traditional craft villages in the development of cultural tourism in the locality. Keywords: Cultural tourism, relics, traditional craft villages, festivals, Phu Vang. 125
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2