Lý giải điểm khác nhau giữa Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội

05-12-2022 17:44 | Xã hội

SKĐS - Khái niệm đại học và trường đại học được quy định trong Luật Giáo dục sửa đổi, Luật giáo dục đại học sửa đổi bổ sung năm 2018 và Nghị định 99 của Chính phủ năm 2020 sẽ làm rõ điểm khác biệt giữa "Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội".

Thủ tướng Chính Phủ vừa có quyết định về việc chuyển Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Lý giải điểm khác nhau giữa Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội - Ảnh 1.

Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã được chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội (ảnh Đại học Bách khoa Hà Nội).

Theo đó, Đại học (ĐH) Bách Khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ GD&ĐT, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Như vậy, đây là trường ĐH đầu tiên chuyển từ trường lên đại học sau khi luật Giáo dục đại học 2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật có hiệu lực.

Hiện nay Việt Nam có 2 đại học quốc gia gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM. 4 đại học vùng, tương đương vùng thuộc Bộ GD&ĐT gồm: Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội.

ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ được cơ cấu tổ chức lại và hoạt động trên cơ sở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trước đây theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 cùng quy định pháp luật có liên quan.

Thủ tướng cũng yêu cầu quá trình tổ chức lại phải bảo đảm hoạt động bình thường, không gây thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản.

Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng GD&ĐT quyết định thành lập Hội đồng ĐH, công nhận Chủ tịch Hội đồng và Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội.

Lý giải điểm khác nhau giữa Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội - Ảnh 3.

Việc thay đổi từ Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội khiến nhiều người không khỏi tò mò và thắc mắc liệu đổi tên thì bản chất có gì khác (ảnh Đại học Bách khoa Hà Nội).

Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học, để được chuyển từ trường ĐH lên ĐH, các trường phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Trường ĐH đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;

- Có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;

- Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường ĐH công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Lý giải điểm khác nhau giữa Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội - Ảnh 4.

Đại học Bách khoa Hà Nội là ngôi trường nhiều năm liền lọt top bảng xếp hạng đại học thế giới (ảnh Đại học Bách khoa Hà Nội).

Được thành lập năm 1956, Đại học Bách khoa Hà Nội là trường top đầu cả nước về đào tạo lĩnh vực kỹ thuật. Trường có 65 chuyên ngành trình độ đại học, 47 chuyên ngành thuộc trình độ cao học, 32 chuyên ngành bậc tiến sĩ.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chuẩn bị trong nhiều năm cho việc "chuyển đổi" thành Đại học. Tháng 10 năm ngoái, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập ba trường gồm Trường Cơ khí, Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin và Truyền thông. Theo lộ trình đặt ra, đến cuối năm 2022, cơ sở giáo dục đại học này sẽ thành lập 5-6 trường và 4-5 viện, trung tâm nghiên cứu; chuyển đổi, tái cấu trúc các phòng thành các ban thuộc Đại học; chuyển đổi các viện đào tạo còn lại thành khoa.

Mỗi năm, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển khoảng 7.000 sinh viên chính quy, tổng quy mô đại học và sau đại học khoảng 35.000 sinh viên và học viên, nghiên cứu sinh. Điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp 2022 của trường từ 23,03 đến 28,29. Ngành Kỹ thuật máy tính có đầu vào cao nhất. Hai ngành có điểm chuẩn cao tiếp theo là Kỹ thuật Điều khiển-Tự động hóa 27,61 và Công nghệ thông tin (Việt-Nhật) 27,25.

Theo bảng xếp hạng QS 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 1.201-1.400 tốt nhất thế giới. Xét theo lĩnh vực, trường giữ hạng 360 thế giới về Kỹ thuật và Công nghệ-cao nhất Việt Nam, và góp mặt trong bốn nhóm khác là Kỹ thuật Điện-Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin; Toán học; Khoa học Vật liệu.

Xem thêm video được quan tâm:

Việt Nam có 6 Trường Đại học lọt bảng xếp hạng thế giới năm 2023.



Thành Long
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn