Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa huệ

Thứ ba - 20/04/2021 23:00 6.728 0
Hiện nay ở Việt Nam, dựa vào đặc điểm của hoa thì chia thành 2 giống, đó là: Huệ đơn (còn gọi là huệ sẻ, huệ ta): Cây có thân thấp, cánh hoa nhỏ, hoa chỉ có 1 lớp cánh nhưng có hương thơm rất đậm, thường nở hoa trên cây. Huệ kép (còn gọi là huệ tứ diện, huệ trâu, huệ tàu): Cây có thân cao, mọc khỏe, hoa dày, có nhiều lớp cánh và phát hoa dài hơn huệ đơn nhưng hương thơm kém hơn.

1. Chọn giống

Hiện nay ở Việt Nam, dựa vào đặc điểm của hoa thì chia thành 2 giống, đó là:

+ Huệ đơn (còn gọi là huệ sẻ, huệ ta): Cây có thân thấp, cánh hoa nhỏ, hoa chỉ có 1 lớp cánh nhưng có hương thơm rất đậm, thường nở hoa trên cây.

+ Huệ kép (còn gọi là huệ tứ diện, huệ trâu, huệ tàu): Cây có thân cao, mọc khỏe, hoa dày, có nhiều lớp cánh và phát hoa dài hơn huệ đơn nhưng hương thơm kém hơn.

- Dựa vào tiêu chuẩn củ trồng được chia ra các loại như sau:

+ Củ lớn: Có đường kính từ 3 - 4 cm; xuống giống khoảng 2 - 3 tháng cho hoa.

+ Củ trung bình: Có đường kính từ 2 - 3 cm; xuống giống khoảng 4 - 5 tháng cho hoa.

+ Củ nhỏ: Có đường kính nhỏ hơn 2 cm; xuống giống khoảng 6 - 7 tháng cho hoa.

- Cách chọn và tồn trữ củ huệ giống: chọn củ đã trồng từ vụ trước, đào lên tồn trữ vào mùa khô (nếu không đào lên thì khi trồng lại vụ tới sẽ cho hoa nhỏ hơn). Ngoài ra, không nên chọn những củ non vì khả năng sinh trưởng không cao. Khoảng 1 tháng trước khi thu củ giống (tháng 12 âm lịch) phải phòng trừ rệp sáp ở ngoài ruộng bằng cách cắt bớt lá, rải thuốc trừ rệp sáp, sau đó đào củ lên, cắt bỏ bớt rễ và nhúng vào thuốc trừ rầy, rệp sáp. Đặt củ dưới bóng râm mát, nên để củ một lớp cho thoáng thì củ huệ ít bị hỏng.

2. Chuẩn bị đất trồng

Cây huệ trắng cần trồng nơi có nhiều nắng vì thiếu ánh sáng cây cho ít hoa, phát hoa ngắn và cong quẹo, cây dễ bị nhiễm bệnh.

Hoa huệ sinh trưởng và phát triển tốt trên loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, độ ẩm trung bình và đặc biệt là khả năng thoát nước cao để không gây úng ngập thối củ.

Chuẩn bị đất: Cày xới, phơi đất kỹ. Lên liếp cao 0,3 – 0,4 m và rộng 1,2 m; rãnh 0,4 - 0,5 m.

3. Cách trồng

Trước khi trồng cắt bỏ bớt rễ và các tàn dư thực vật trên củ. Tùy theo mục đích thu hoạch hoa đồng loạt hay nhiều đợt mà chọn trồng một loại củ hay nhiều loại củ. Lượng giống khoảng 1.000 – 1.500 kg củ huệ giống cho 1 ha.

Mật độ trồng cây cách cây 0,2 m x hàng cách hàng 0,4 m = 125.000 cây/ha.

Trồng củ huệ sâu từ 2 – 3 cm dưới mặt đất, nếu trồng cạn thì mau cho thu hoạch hoa nhưng hoa ngắn.

4. Chăm sóc

- Tưới nước: trồng xong phải tưới nước ngay, ngày tưới 02 lần (sáng sớm và chiều mát), tưới bằng dây phún. Trồng sau 02 tháng bắt đầu xây ngù (giai đoạn hình thành mầm hoa); từ xây ngù đến cắt hoa khoảng 1 tháng. Thời gian từ xuống giống cho tới thu hoạch khoảng 3 - 5 tháng tùy loại củ.

Cây hoa huệ yêu cầu về nước là rất quan trọng, phải thường xuyên tưới nước đủ ẩm, đồng thời xới đất và làm cỏ.

- Bón phân (cho 1 ha)

+ Bón lót: 10.000 kg phân hữu cơ đã hoai mục + 100 kg DAP. Trước khi trồng nên rải một lớp rơm mỏng (hoặc tro trấu + xơ dừa) để giữ ẩm cho đất.

+ Bón thúc lần 1 (30 ngày sau khi trồng): 100 kg phân DAP + 100 kg phân Urê; rải gốc.

+ Bón thúc lần 2 (20 – 25 ngày sau trồng – gần xây ngù): 50 kg Urê + phun thêm phân KNO3; rải gốc.

+ Bón thúc lần 3 (sau khi thu hoa): 100 kg phân DAP + 100 kg Urê.

Chú ý: trước khi bón phân phải làm sạch cỏ; khi bón phân quan trọng nhất là phải nhìn vào màu sắc của lá mà có thể tăng giảm lượng phân cho phù hợp (bón theo nhu cầu của cây).

5. Phòng trừ sâu bệnh

Một số loài sâu bệnh hại phổ biến trên cây hoa huệ: nhện đỏ (thường tấn công lá huệ vào giai đoạn 01 tháng sau khi trồng); rệp sáp (tấn công các bộ phận của cây ở giai đoạn 3 – 4 tháng sau khi trồng trở đi); bệnh thối bẹ, thối củ (thường tấn công vào khoảng thời gian tháng 9 – 10 mưa dầm)

5.1. Nhện đỏ

- Nhện đỏ là loài đa ký chủ, có vòng đời ngắn (10 – 15 ngày), phát triển mạnh trong điều kiện khô hạn.

            - Hình thái: ấu trùng và thành trùng đều có màu đỏ, kích thước rất nhỏ (thành trùng đực dài khoảng 0,3 mm và thành trùng cái dài khoảng 0,35 mm) nhưng có thể thấy bằng mắt thường.

          - Cách gây hại: nhện chích cạp và hút nhựa lá để lại những chấm nhỏ li ti làm cho lá có màu ánh bạc (mất biểu bì lá). Lá bị gây hại nặng có thể khô, rụng sớm và làm cho hoa huệ sinh trưởng kém, nụ héo, hoa nhỏ.

          - Biện pháp phòng trừ: thường xuyên kiểm tra vườn; giữ ẩm vườn vào mùa nắng, tưới áp lực mạnh lên tán lá giúp hạn chế sự phát triển của nhện; khi nhện phát sinh ở mật số cao, luân phiên sử dụng thuốc BVTV chứa các hoạt chất như Azadirachtin, Lufenuron, Dầu khoáng, Propargite … với thời gian phun thuốc giữa 02 lần liên tiếp cách nhau 7 - 10 ngày và sử dụng đúng nồng độ, liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.

Nên dùng tô, chậu nhỏ múc nước tạt từ dưới rãnh lên trên cây huệ thì ngoài việc cung cấp nước cho cây còn có tác dụng rửa trôi nhện đỏ ở mặt dưới của lá. Không nên tưới huệ bằng máy bơm nước vì hạt nước rơi xuống mạnh dễ làm dập gẫy lá; cũng không nên tưới bằng bình tưới có vòi hoa sen, vì cả 2 phương pháp tưới này chỉ làm ướt mặt trên của lá huệ mà không rửa trôi được nhện đỏ nằm ở mặt dưới của lá.

5.2. Rệp sáp

- Hình thái: cơ thể rệp sáp dài từ 02 – 04 mm, cơ thể có một lớp sáp trắng bao phủ bên ngoài để bảo vệ cơ thể.

- Gây hại: chích hút nhựa trên hầu hết các bộ phận của cây, chất thải của rệp có nhiều chất đường mật thu hút kiến đen, nấm bồ hóng phát triển. Đáng lưu ý nhất là khi gây hại rễ, làm rễ không hút nước dẫn đến cây héo xanh và chết.

- Biện pháp phòng trừ: thăm vườn thường xuyên, tiêu hủy các cành bị bệnh nặng, nếu phát hiện mật số cao thì sử dụng một trong những loại thuốc có hoạt chất sau: dầu khoáng, Buprofezin, Spirotetramat, Abamectin, Imidacloprid, Nitenpyram ... theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.

5.3. Bệnh thối củ

- Tác nhân: do nấm Fusarium sp gây hại

- Triệu chứng, tác hại: nấm xâm nhập vào trong thân, phát triển phá hủy mạch dẫn tạo thành những vết màu nâu gây hạn chế vận chuyển nước và chất dinh dưỡng làm cây sinh trưởng kém, lá vàng và cuối cùng là chết cây. Trong đất, nấm cũng phá hại bộ rễ làm cây suy yếu nhanh. Một số cây bị nhẹ có thể hồi phục nhưng ảnh hưởng chất lượng hoa.

- Điều kiện phát sinh: bào tử nấm có khả năng tồn tại trong đất từ 1 – 2 năm và phát triển mạnh trên chân đất cát, chua, thiếu đạm và lân.

- Biện pháp phòng trừ: ruộng đã nhiễm bệnh thối củ cần luân canh lúa nước. Trong quá trình canh tác, cần làm đất kỹ, bón vôi, bón đủ phân đạm và lân, dùng thuốc gốc đồng tưới xuống gốc cây nhằm hạn chế sự phát triển của nấm bệnh.

5.4. Bệnh thối bẹ

- Tác nhân: do nấm Rhizoctonia solani

- Triệu chứng, tác hại: vết bệnh ban đầu trên bẹ lá là những đốm tròn (hoặc bầu dục) có màu xanh tái và hơi ướt, sau đó vết bệnh lớn dần và thay đổi hình dạng, có màu nâu xám và xung quanh màu nâu đậm. Lá bị nhiễm bệnh sẽ biến vàng và héo rũ, cây nhỏ, số lượng hoa ít và nhỏ. Bệnh ít khi làm chết cây, chỉ giảm chất lượng hoa.

- Điều kiện phát sinh: nấm tồn tại dưới dạng sợi và hạch, phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu nóng, mưa nhiều, ẩm thấp, trồng mật độ dày, bón nhiều phân đạm. Trong đó, sợi nấm có màu trắng (hoặc vàng nhạt) thô, các nhánh vuông góc với nhau. Hạch do sợi nấm liên kết lại, có màu vàng nhạt (hoặc nâu), hình bầu dục dẹt, kích thước thay đổi từ 0,5 – 2,0 mm. Cả 2 dạng sợi nấm và hạch nấm đều có khả năng tồn tại trên cây bệnh và trong đất từ 01 – 02 năm.

- Biện pháp phòng trừ: làm đất kỹ, đất chua cần bón vôi, trồng cây mật độ vừa phải, không bón nhiều phân đạm, loại bỏ lá già và lá bệnh, phun thuốc chứa hoạt chất: Hexaconazole, Pencycuron, Validamycin,…

Ngoài các đối tượng gây hại phổ biến nêu trên, cần lưu ý các loại sâu ăn lá, ăn chồi gây ảnh hưởng đến sức sống của cây và có thể phòng trừ bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật

6. Thu hoạch

Có thể thu hoạch ở 2 thời điểm: lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Thu hoạch lúc trời nắng hoặc để lâu không ngâm nước, hoa huệ sẽ bị hở yếm do đó phải vạt gốc lại và ngâm nước.

Lần đầu tiên dùng dao bén cắt xéo hoa gần sát củ, để nước không đọng trong cọng hoa dễ làm thối củ.

Từ lần 2 trở đi dùng chân đạp giữ gốc huệ, tay nắm cọng hoa huệ ở phía dưới giật mạnh ngang mặt đất hoa sẽ rời ngay khớp. Nếu hoa ngã bị cong thì buộc lại cho thẳng. Nên ngâm hoa vào nước sạch, không nên pha phèn chua vào nước để ngâm sẽ làm hoa huệ bị nhầy gốc và chóng tàn. Nếu để hoa chưng thì cách ngày phải vạt gốc và thay nước thì sẽ chưng được nửa tháng./.

Chi cục Trồng trọt và BVTV

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây