Sốc với xe đạp điện độ chế cho 'quái xế' học sinh

(PLO)- Nhiều học sinh, thiếu niên đổ hàng chục triệu đồng để nâng cấp xe đạp điện nhưng pháp luật chưa điều chỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện nhiều học sinh, thiếu niên lén tụ tập tại các điểm vắng, ít người để thử sức xe điện độ chế gây lo lắng trong các bậc phụ huynh.

Các học sinh tụ tập thử xe đạp điện. Ảnh: H.DU

Các học sinh tụ tập thử xe đạp điện. Ảnh: H.DU

Có thể chạy cả trăm kilomet/giờ

Em DPT (học sinh Trường THCS Mỹ An, huyện Thủ Thừa, Long An) tiết lộ việc đua xe đạp điện: “Có khi thì rất đông, có khi thì chỉ có đứa đi thử sức, tùy theo ngày đi học và ngày nghỉ mà các em nhắn tin cho nhau qua Facebook hoặc Zalo để chọn địa điểm, chạy đoạn đường ngắn và thời gian cũng không nhiều”.

Cũng theo T, em và các bạn thường vào các kênh YouTube TN Vlogs, NB Vlogs, Xe điện TT… xem các bạn biểu diễn xe độ. Các kênh này có hướng dẫn cách “kích tốc” từ đơn giản đến phức tạp với giá khoảng 10 triệu đồng cho bộ ắcquy, IC, bánh, cổ, đèn là có chiếc xe chạy không thua gì xe máy

Nắm bắt được thị hiếu này, một số cửa hàng chuyên sửa chữa xe máy, bán phụ tùng xe ở huyện Thủ Thừa, TP Tân An và huyện Tân Phước, Tiền Giang chuyển sang làm xe độ.

Lò độ xe và cận cảnh các xe đạp điện đã được độ chế.

Lò độ xe và cận cảnh các xe đạp điện đã được độ chế.

Theo chân các “quái xế” tuổi teen, chúng tôi có dịp tìm hiểu sâu hơn về việc độ xe đạp điện. Tại các cửa hàng, khi tìm các linh kiện nâng cấp với vai trò là phụ huynh học sinh thì hầu hết họ nói không độ xe nhưng khi cần nâng cấp xe đạp điện thì đều có linh kiện.

Tại một cửa hàng xe đạp điện ở xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, Tiền Giang, chủ cửa hàng cho biết: “Tôi chủ yếu bán xe đạp điện bình thường cho nhu cầu đi lại, còn đối với các em học sinh cần nâng cấp theo yêu cầu thì đặt hàng 3-4 ngày sẽ có linh kiện để làm. Sau tết Nguyên đán có rất nhiều em đến nâng cấp vì có tiền lì xì, tùy theo yêu cầu mà tôi làm theo, em nào tiền nhiều thì độ xe cao hơn từ pin đến IC, rồi bánh, có chiếc vài triệu đồng, có chiếc cao nhất thì tầm 10-12 triệu đồng”.

Xe đạp điện độ chế có nhiều chiếc thấp bé, chạy không có tiếng động nhưng công suất có thể đạt đến 60-70 km/giờ, có chiếc được đầu tư có thể đẩy tốc độ lên hơn 100 km/giờ.

Nhắc đến độ xe thì hầu hết “quái xế” tuổi teen đều biết cửa hàng xe điện TT ở huyện Cai Lậy. Đây là một cửa hàng nhỏ, nằm trên đường tỉnh 868, vào bên trong cửa hàng mới thấy được việc cung ứng thiết bị xe điện, xe đạp điện với đầy đủ đồ chơi, có hơn bốn thợ sẵn sàng phục vụ khách hàng từ sửa chữa đến bán thiết kế khi khách hàng yêu cầu.

Theo chủ cửa hàng, tùy theo nhu cầu của khách hàng, muốn nâng cấp thiết bị nào cũng có, đa số linh kiện này từ Trung Quốc, xe độ có thể chạy trên 100 km/giờ.

Cũng theo chủ cửa hàng, phần nhiều khách hàng là người trẻ tuổi, chỉ muốn xe đạp điện đẹp, độc, lạ và chạy nhanh, cũng có một số em rất đam mê, chịu chi hàng chục triệu đồng để xe đẹp và chạy nhanh hơn xe của các bạn khác.

Xe đạp điện là xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không quá 250 W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 25 km/giờ và có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắcquy) không lớn hơn 40 kg.

(Theo Quy chuẩn Việt Nam 68:2013/BGTVT của Bộ GTVT)

Cần siết quy định về xe đạp điện

Nói về nguy hiểm của xe đạp điện độ chế, ThS Trần Minh Đức (giảng viên khoa Cơ khí động lực Trường CĐ nghề Long An, chuyên giảng dạy sửa chữa xe hai bánh đến ô tô) cho biết xe đạp điện độ chế tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm.

Theo ThS Đức, xe đạp điện độ chế có nhiều chiếc thấp bé, chạy không có tiếng động nhưng công suất có thể đạt đến 60-70 km/giờ, có chiếc được đầu tư có thể đẩy tốc độ lên hơn 100 km/giờ.

Do vận hành với vận tốc nhanh nhưng hệ thống phanh không đảm bảo, độ ma sát không có do vận tốc quá nhanh, không an toàn cho người sử dụng khi lưu thông trên đường và các phương tiện khác khó có thể quan sát để tránh né.

Giá xe trên thị trường khoảng 10 triệu đồng/chiếc nhưng chi phí độ một xe 20-30 triệu đồng là do tăng công suất của động cơ pin cho cục IC. Việc độ xe lên không đồng bộ với hệ thống của nhà sản xuất, mua ngoài lắp vào gặp công suất quá lớn sẽ dễ hư hỏng, cháy nổ và tuổi thọ không lâu dài.

Theo ông Đức, việc độ xe này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do đó pháp luật cần điều chỉnh hành vi này và cơ quan chức năng thường xuyên giám sát, xử lý chặt chẽ việc lưu thông của các loại xe đạp điện độ chế nhằm hạn chế tối đa tai nạn giao thông do phương tiện này gây ra.

Những xe đạp điện độ chế tiềm ẩn nhiều hiểm họa cho chính chủ nhân và người đi đường. Bởi lẽ khi các bộ phận bị thay thế không phù hợp với thiết kế sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng vận hành cũng như gây mất an toàn giao thông.

Thực tế, sau thời gian xe đạp điện được đưa vào lưu thông thì có nhiều bất cập nên các chuyên gia đã đề xuất quy định xe đạp điện là phương tiện cơ giới đường bộ, như xe máy điện để quản lý.

Trong khi pháp luật chưa có những sự điều chỉnh cần thiết, các bậc cha mẹ cần quản lý chặt chẽ hơn loại xe này để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc. Đối với các cửa hàng sửa chữa, tiệm sửa xe cũng đừng vì lợi nhuận mà bỏ qua những yếu tố an toàn, kỹ thuật của xe. Có như thế tham gia lưu thông mới đảm bảo an toàn và nhất là đối với những em học sinh.•

Chưa có quy định xử lý

Theo một lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP.HCM, việc độ chế xe đạp điện và xe đạp điện chạy quá tốc độ không có trong các quy định của Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

“Mô tô, xe gắn máy và xe máy điện thì có quy định xử phạt quá tốc độ nhưng xe đạp điện thì không có trong Nghị định 123/2021” - vị lãnh đạo này nói thêm.

Theo quy định hiện nay, người điều khiển xe điện, xe đạp điện không bắt buộc phải có giấy phép lái xe, đồng nghĩa với việc các em có thể chưa được trải qua những khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe an toàn.

“Trong thực tế những loại phương tiện này có trọng lượng khá lớn, vận tốc tối đa có thể đạt đến 60-70 km/giờ, nếu không có kỹ năng lái xe và không biết quy định về an toàn giao thông thì sẽ là nguồn gây nguy hiểm không kém gì các phương tiện khác” - ThS Trần Minh Đức nói.

Cũng theo quy định, xe đạp điện được xếp vào xe thô sơ nên không phải đăng ký như xe máy điện, xe máy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm