Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Kim anh: Loại cây có nhiều tác dụng chữa bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Kim anh là một loài dược thảo đã được sử dụng làm thuốc từ rất lâu trong dân gian, ngoài dùng làm thuốc Kim anh còn là một loài cây cảnh được nhiều người chơi ưa thích, thường trồng trong các vườn hoa cây cảnh quanh nhà.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Kim anh có tên khoa học là Rosa laevigata Michx., thuộc họ Rosaceae (họ Hoa hồng).

Kim Anh 1
Cây Kim anh - Rosa laevigata Michx.

Đặc điểm tự nhiên

Mô tả cây Kim anh

Cây Kim anh là một loại cây mềm, mọc thành bụi, xen lẫn với những cây khác như sim, tre… Cây có thể mọc cao tới 10m. Đường kính thân cây Kim anh khoảng 2cm, có nhiều gai mọc cúp xuống trên thân và cành như cây hoa hồng. Trên mỗi mấu thân thường mọc 1 - 2 cành, các cành này vươn ra rất dài và có thể lên đến 2 - 3m. Lá Kim anh có lá kèm, gồm 3 lá chét hình trứng, 2 đầu nhọn, mép có răng cưa. Lá chét giữa dài và rộng hơn hai lá còn lại.

Hoa Kim anh màu trắng, mọc đơn độc ở đầu cành, đường kính hoa khi nở rộng tới 5 - 8cm, có nhiều nhị màu vàng, lá đài 5 và tràng cũng 5 cánh. Đế hoa lớn, hình chén với nhiều gai nhọn nhỏ, cuống hoa dài 1,53cm. Hoa nở vào cuối xuân sang hạ, khoảng tháng 2 - 3. 

Quả giả (do đế hoa phình ra) cứng, mặt ngoài nhiều gai, hình dạng giống cái chén, dài 1,52cm; cuống quả dài 2 - 3cm, phía trên có 3 - 5 lá đài bao quanh nhị và vòi hơi phồng lên. Lúc còn tươi, quả có màu vàng đỏ bóng, đến khi khô thì chuyển sang màu nâu đỏ nhạt hoặc sẫm. Bên trong “quả giả” có rất nhiều lông và “hạt” (thực ra đây mới là quả) có cuống hoặc không.

Hạt Kim anh màu vàng nâu nhạt có góc rất cứng, thon dẹt và dài 6 - 7mm, màu. Mùa quả chín vào các tháng 8, 9, 10.

kim anh 2
Hoa Kim anh

Mô tả dược liệu Kim anh

Quả già bổ dọc, hình bầu dục,  rộng 0,3 - 1,2cm, dài 2 - 4cm. Mép của phần quả bổ dọc thường quăn gập lại. Mặt ngoài hơi nhăn nheo, màu nâu đỏ, nâu sẫm bóng hoặc da cam, có nhiều dấu vết của gai đã rụng. Đầu dưới của quả sót lại đoạn cuống ngắn, còn đầu trên mang vết tích của nhị và lá đài. Quả đóng màu vàng nâu nhạt, có góc và nhiều lông tơ, rất cứng, phần lớn đã được nạo sạch hạt và lông. Quả Kim anh có vị chát và hơi ngọt.

Kim anh 3
Kim anh tử

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Kim anh mọc hoang trên các đồi tại một số tỉnh miền núi biên giới ở nước ta như Lạng Sơn, Cao Bằng. Người dân ở đây cũng trồng Kim anh làm hàng rào vì cây có nhiều gai. Ngoài ra, còn thấy ở các tỉnh của Trung Quốc (Hà Nam, Hồ Nam, Hồ Bắc,  Phúc Kiến, Giang Tô, Quảng Đông, Quảng Tây, Triết Giang, Tứ Xuyên…).

Trồng cây Kim anh bằng các cây con có sẵn trên đồi hoặc giâm cành.

Thu hái 

Thu hái vào tháng 10 đến 11, khi "quả" chín tới biến thành màu đỏ. 

Chế biến

Kim anh tử: Hái quả về, phơi khô rồi cho vào thùng và đảo bằng gậy cho quả rơi hết gai rồi phơi khô thêm lần nữa.

Kim anh nhục (Kim anh phiến): Làm sạch quả Kim anh, ngâm cho mềm, bổ làm đôi, nạo bỏ hết ‘hạt’ và lông ở bên trong, rồi sấy hoặc phơi khô.

Bảo quản

Để nơi khô, thoáng, tránh mốc, mọt.

Bộ phận sử dụng

Quả già đã sấy hoặc phơi khô của cây Kim anh. 

Thành phần hoá học

Quả Kim anh chứa nhiều saponin (17%), vitamin C (1,5%), các acid hữu cơ (như citric, malic), đường (sucrose, fructose), nhựa (resin), tannin; các khoáng chất như kali (1,3 %), calcium (0,8%), magnesium (0,3%), mangan (59 ppm), sắt (40ppm), kẽm (15ppm)... Các sắc tố vàng và đỏ loại carotenoid thuộc nhóm lycopene và rubixanthin.

Khi dùng phải loại bỏ hạt vì có chứa heterosid rất độc.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Kim anh có vị chua, ngọt, mặn, tính bình, quy vào các kinh phế, thận, bàng quang.

Tác dụng: Cố tinh sáp niệu, chỉ tả, sáp trường.

Công dụng: Chủ trị hoạt tinh, di tinh, di niệu, niệu tần (tiểu nhiều lần); rong huyết, băng kinh, tiêu chảy, lỵ lâu ngày.

Cả Đông Y và Tây y đều sử dụng quả Kim anh trong điều trị bệnh.

Tây y coi Kim anh là một nguồn vitamin C quan trọng, thường chế biến thành mứt có vị ngọt, chua và chát, dùng làm thuốc cầm máu và thuốc bổ. 

Cồn thuốc hoặc thuốc pha chế từ toàn bộ quả (cả cùi và hạt) được dùng chữa bệnh thần kinh có những triệu chứng như thần kinh bất định, lo âu, trằn trọc thâu đêm. Tuy nhiên, phải cẩn thận khi dùng để tránh ngộ độc.

Quả Kim anh còn được bào chế thành dạng siro (hàm lượng vitamin C 5mg/ml), hoặc dạng bột (hàm lượng vitamin C 3%).

Theo Đông y, Kim anh có tác dụng mạnh ruột, kiện tinh; dùng để chữa di tinh, tiểu tiện nhiều lần, đái són, khí hư, bạch đới ở phụ nữ, tỳ hư, tiêu chảy thường xuyên. 

Theo y học hiện đại

Leclerc (1939) nghiên cứu độc tính của cồn chế từ toàn quả giả (Rosa canina L.) (cả quả giả và quả thực) thì thấy rằng với liều 60 - 70 giọt có thể gây đờ đẫn, với khuynh hướng chóng mặt và giảm hoạt động của thần, kinh cơ.

Năm 1934 A. Garello - Cantoni nhận xét thấy nước sắc 5% cũng có độc tính, tiêm 1ml dưới da một con ếch, rồi một con chuột thì thấy con vật chết sau 3 giờ, sau một thời kỳ kích thích ngắn, xuất hiện hiện tượng đờ đẫn, giật run, run, liệt toàn thân và chết tim ngừng ở thể tâm trương. Nếu dùng liều nhỏ hơn, các triệu chứng cũng trở nên yếu hơn và con vật sẽ trở lại bình thường sau 8 giờ. Tóm lại, chất glycosid có tác dụng trên hệ thống thần kinh, tuỷ sống và tim.

Liều dùng & cách dùng

Mỗi ngày dùng Kim anh với liều 6 - 12g dạng thuốc sắc, hoàn tán, bột hoặc cao mềm; thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc kinh nghiệm

Thủy lục nhị tiên đơn, chữa phụ nữ khí hư, bạch đới, di mộng tinh

Tán nhỏ Kim anh, Khiếm thực với khối lượng bằng nhau, làm thành viên hoàn bằng hạt ngô. Uống 10 - 20 viên mỗi ngày. Lục là đất, thủy là nước vì bài thuốc gồm một vị mọc trên đất (Kim anh) và một vị mọc dưới nước (Khiếm thực).

Trị lỵ lâu ngày

Tán nhỏ hoa Kim anh, lá Kim anh, quả Kim anh (đã bỏ hạt) với Anh túc xác với lượng bằng nhau, viên thành hoàn bằng hạt ngô. Mỗi ngày dùng 7 viên cùng với nước sắc vỏ quýt.

Trị suy nhược thần kinh tự ra mồ hôi, phụ nữ bạch đới, trẻ em đái dầm, nam giới di mộng tinh

Sắc 60g Kim anh, chia thành 3 ngày và uống mỗi ngày.

Trị di mộng hoạt tinh, tiểu són, lưng gối đau mỏi

Sắc 20g quả Kim anh, Cẩu tích và Củ súng mỗi vị 16g rồi uống (theo Lê Trần Đức).

Trị suy nhược thần kinh, di mộng tinh, hoạt tinh, viêm ruột

Thái mỏng 500g Kim anh, 250g Ba kích, sao vàng, tán nhỏ, cho vào một túi nhỏ cùng với 50g Tua sen 50g, rồi nấu với 3 lít nước đến khi còn chừng 1 lít. Lọc kỹ và để riêng phần nước. Tiếp tục thêm 2 lít nước nữa và nấu đến khi còn 0,5 lít, lọc bỏ bã. Trộn hai nước lại, cho thêm 1kg đường, khuấy cho tan và cô đặc lại còn khoảng còn 1 lít, để nguội, thêm vài giọt tinh dầu cam. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần uống 1 thìa canh.

Trị tiểu són, tiểu rắt

Phơi khô các vị thuốc: Kim anh 10g, Tua sen 10g, Tang phiêu tiêu 10g, Sơn dược 12g, sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml. Mỗi ngày uống hai lần.

Bổ huyết và ích tinh khí

Tán nhỏ 160g quả Kim anh (bỏ gai, hạt) và 80g Sa nhân, làm thành viên cỡ bằng hạt ngô với mật. Uống lúc đói cùng với rượu nóng, mỗi lần dùng 50 viên (theo Dược liệu Việt Nam).

Chữa tỳ hư, tiêu chảy lâu dài

Kim anh 10g, Phục linh 10g, Đảng sâm 10g, Bạch truật 10g, Hạt sen 15g. Sắc uống trong ngày.

Chữa ra mồ hôi trộm, chân tay tê mỏi, ù tai

Tán bột các vị thuốc: Cao quả Kim anh 184g; Khiếm thực, Hoàng bá mỗi vị 180g; Sơn dược, Sa sâm nam mỗi vị 120g; Hạt sen, Hên tu, Long cốt, Mẫu lệ, Mạch môn, Tỏa dương, Táo nhân, Tri mẫu mỗi vị 75g. Trộn đều rồi làm thành viên hoàn khoảng 0,1g. Mỗi ngày uống 6g.

Trị sa tử cung, sa trực tràng

Sắc 30g Kim anh tử và 6g Ngũ vị tử với nước rồi uống. Nếu bệnh nhân bị sa tử cung lâu ngày, có thể uống kết hợp với bài thuốc Bổ trung ích khí.

Trị trẻ em đái dầm, đái nhiều lần do thận hư

Nấu quả Kim anh với lượng vừa đủ thành cao thuốc rồi uống.

Lưu ý

  • Có thấp nhiệt, tiểu tiện bí dắt không nên dùng.

Kim anh là vị thuốc đã được sử dụng trong dân gian từ lâu đời. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Kim anh có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.

Nguồn tham khảo
  1. Dược điển Việt Nam V

  2. Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi)

  3. Tra cứu dược liệu

  4. Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Tập 2

  5. Báo Sức khoẻ và đời sống.