Giải cứu các dòng sông ô nhiễm

Sau nhiều năm Hà Nội lên kế hoạch hồi sinh các sông nội đô Hà Nội nói chung và 4 con sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét nói riêng, song hiện nay các sông này phần lớn vẫn ô nhiễm nặng.
0:00 / 0:00
0:00
Sông Kim Ngưu bị ô nhiễm nặng nề. (Ảnh: ĐẶNG LONG)
Sông Kim Ngưu bị ô nhiễm nặng nề. (Ảnh: ĐẶNG LONG)

Chảy qua nhiều quận nội thành Hà Nội, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy), đổ ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Tô Lịch là một dòng sông quan trọng trong đời sống của người dân và mang đậm tính lịch sử. Tuy nhiên, mỗi ngày dòng sông này nhận trực tiếp hơn 160.000m3 nước thải sinh hoạt của hàng triệu cư dân. Khi trời nắng, khí hậu nóng, dòng sông Tô Lịch đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc. Nguyên nhân ô nhiễm sông Tô Lịch phần lớn là nước thải sinh hoạt chưa qua hệ thống xử lý tập trung mà xả trực tiếp ra sông.

Nhiều dòng sông khác tại Hà Nội như: Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ, Đáy... đã biến thành kênh thoát nước thải, ô nhiễm từ hàng chục năm nay. Từ cuối những năm 1990, sông Tô Lịch bắt đầu được nạo vét, kè bờ. Nhưng sau đó, các ý tưởng dùng nước sông Hồng rửa sông Tô Lịch năm 2009, làm sạch bằng công nghệ nano-bioreactor năm 2019, mới nhất là cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hóa... mới chỉ dừng lại ở mức đề xuất hoặc thí điểm. Hà Nội cũng triển khai xử lý ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Đồ án thiết kế đô thị hai bên sông Lừ, sông Sét của quận Thanh Xuân cũng đang dang dở.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày khu vực Hà Nội có khoảng 350.000-400.000m3 nước thải sinh hoạt và hơn 1.000m3 rác thải, trong đó chỉ có 10% được xử lý, số còn lại đều đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi. Từ nhiều năm trước Hà Nội đã chỉ ra và thực hiện một số giải pháp để giảm ô nhiễm, làm sạch hệ thống sông, hồ nội đô. Nhiều trạm xử lý nước thải đã được xây dựng (từ năm 2013, thành phố Hà Nội đã đưa Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, quận Hoàng Mai có công suất 200.000m3/ngày đêm, với nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải của sông Sét và Kim Ngưu).

Ngoài ra, nhiều dự án với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng cũng được thành phố Hà Nội đặt ra nhằm thu gom và xử lý nước thải như hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và Sơn Tây, dự kiến công suất 45.000m3/ngày đêm và 20.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô với công suất 84.000m3/ngày đêm. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có sáu trạm, nhà máy xử lý nước thải được đưa vào hoạt động. Một số dự án khác đã và đang khẩn trương triển khai. Tuy nhiên, những giải pháp nhằm làm giảm ô nhiễm, phục hồi các sông nội đô, kể cả sông lớn như Nhuệ, Đáy cũng như các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Trước thực tế trên, theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, công tác cải thiện chất lượng nước sông, nhất là các quận nội đô, đang được một số dự án triển khai thực hiện. Trong đó, Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng năm 2022, nêu rõ: Các dòng sông nội đô đều ở mức ô nhiễm từ vừa đến nặng. Chỉ số DO (chỉ số oxy hòa tan trong nước), cho thấy “sức khỏe” dòng sông suy giảm rõ rệt, nhất là đánh giá theo chuỗi thời gian 10 năm trở lại đây của Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các cơ quan trên địa bàn thành phố.

Theo PGS, TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường, Trường đại học Xây dựng Hà Nội, phục hồi chất lượng nước, môi trường và cảnh quan 4 con sông nội đô thuộc khu vực trung tâm TP Hà Nội, gồm: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét là một trong những nhiệm vụ thuộc Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa 17 nhiệm kỳ 2020-2025, về xử lý vấn đề môi trường được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt từ tháng 12/2021. Bà Nga cho biết, vai trò thoát nước của hệ thống 4 sông nội đô luôn rất quan trọng, nhưng thực trạng ô nhiễm đã và đang ở mức báo động. Quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đô thị hóa, sức ép dân số cơ học trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng tăng, dẫn đến các vấn đề và thách thức trong việc quản lý hệ thống sông nội đô.

Rất nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đã góp ý cho dự thảo đề án. GS, TS Trần Đức Hạ - Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam cho biết đặc điểm thoát nước của TP Hà Nội là hệ thống thoát nước chung, cho nên đối tượng xả thải dọc 4 sông không thể thu gom vào hệ thống chung đang chiếm tới 12% tổng lưu lượng nước thải. Do vậy cần phải tạo dòng chảy cho các dòng sông này bằng cách bổ sung nước sạch, đưa chúng về đúng chức năng thoát nước mưa. Bổ cập nguồn nước sạch từ sông Hồng để bảo đảm dòng chảy tự nhiên, làm cân bằng hệ sinh thái đồng thời cấp nước nông nghiệp vào mùa khô cho khu vực phía đông Hà Nội.

GS, TS Dương Thanh Lượng - nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Thủy lợi lại cho rằng, để làm “sống” lại các dòng sông phải có dòng chảy tối thiểu đạt 0,3m3/s mới cho phép xả thải vào, nhưng hiện 4 dòng sông của Hà Nội đều không đạt tốc độ này. Nếu có dòng chảy, sông sẽ có cơ chế tự làm sạch tự nhiên, không làm ô nhiễm cho lưu vực sông.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước tiên cần có cách tiếp cận tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực: Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý nước thải của thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt 4 con sông;... Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, trạm xử lý nước thải khu, cụm công nghiệp, làng nghề bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế... trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.