1
22:14 +07 Thứ hai, 06/05/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 86

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 85


Hôm nayHôm nay : 27146

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 227177

Tổng cộngTổng cộng : 28346425

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Chúa nhật IV Phục Sinh – năm A (Chúa nhật Chúa Chiên Lành): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Thứ bảy - 10/05/2014 18:55-Đã xem: 2629
Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên. Muốn đi vào đoàn chiên và phục vụ đoàn chiên thì người ta sẽ đi qua cửa chính mà vào, tất cả mọi lối đi vào khác đều là lối đi của quân trộm cướp. Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, chỉ có một cung cách phục vụ duy nhất đó là phục vụ như Ngài đã phục vụ, nghĩa là sẵn sàng hiến thân cho và vì tha nhân mà thôi. Ai sống và phục vụ như Chúa Giêsu thì kẻ ấy thuộc về Ngài, còn ai sống ngược lại cung cách phục vụ của Ngài thì kẻ ấy chỉ là quân trộm cướp mà thôi… Cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin cho Giáo hội tại Việt Nam luôn được sống theo cung cách phục vụ của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu xin cho các giáo xứ và các gia đình Việt Nam biết sống tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu, ngõ hầu trở thành mảnh đất phì nhiêu trổ sinh nhiều ơn gọi phục vụ đích thực trong Giáo hội.
Chúa nhật IV Phục Sinh – năm A (Chúa nhật Chúa Chiên Lành): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Chúa nhật IV Phục Sinh – năm A (Chúa nhật Chúa Chiên Lành): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – NĂM A

CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH

Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ

Lời Chúa: Cv 2,14a.36-41; 1Pr 20b-25; Ga 10,1-10
--------------
►DOWNLOAD các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa Chúa nhật IV Phục Sinh, năm A 
 
 

1. Cửa chuồng chiên

Ngày nọ, có một du khách viếng thánh địa, nhìn thấy một chuồng chiên ngoài đồng, anh ta bèn hỏi người mục tử đang ngồi cạnh đó rằng: Cửa chuồng của anh ở đâu? Người mục tử trả lời: Tôi chính là cửa chuồng. Đoạn người mục tử kể cho du khách nghe anh ta lùa bầy chiên vào chuồng mỗi khi chiều xuống như thế nào. Sau đó anh ta nằm chặn ngang lối vào chật hẹp đó. Không một chú chiên nào có thể bỏ chuồng mà đi ra, cũng chẳng thú rừng nào có thể đi vào mà không bước qua anh ta.
Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay, qua đó Chúa Giêsu tự sánh ví mình như cửa chuồng chiên và như người mục tử nhân lành. Cả hai hình ảnh này đều nói lên sự hiểu biết, sự chăm sóc và sự bảo vệ Ngài dành cho chúng ta, là những con chiên được Ngài hướng dẫn.
Thực vậy, người mục tử thường phải hiện diện với bầy chiên của mình 365 ngày trong một năm, và 24 giờ trong một ngày. Người mục tử ấy phải biết rõ chiên mình: con nào đau, con nào mạnh, con nào có móng mềm, con nào bỏ bầy đi lạc.
Thế nhưng, hiểu biết về con chiên mà thôi chưa đủ, người mục tử ấy còn phải dám hiến thân cho bầy chiên của mình, thậm chí dám hy sinh cả mạng sống của mình nữa, trong những trường hợp hiểm nguy. Chính trong bối cảnh này mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn lời xác quyết của Chúa, khi Ngài nói: Ta là mục tử nhân lành. Thực vậy, Ngài muốn cho chúng ta hay: mối tương giao và sự hiến thân của Ngài cho chúng ta cũng giống như mối tương giao và sự hiến thân của người mục tử cho bầy chiên của mình.
Giống như người mục tử, Chúa Giêsu luôn hiện diện giữa chúng ta 365 ngày trong một năm và 24 giờ trong một ngày. Ngài đã từng nói với chúng ta: Này, Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.
Giống như người mục tử, Chúa Giêsu cũng biết rõ mỗi người chúng ta một cách vừa thân mật lại vừa sâu xa. Ngài biết ai trong chúng ta đang yếu kém về đức tin, ai trong chúng ta thường ngã lòng, ai trong chúng ta hay bỏ bầy để đi hoang. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Trái lại, Ngài luôn ở cạnh chúng ta để nâng đỡ, phù trợ. Và nếu như chúng ta có lầm đường lạc lối, thì chính Ngài sẽ tìm kiếm chúng ta.
Điều Thiên Chúa nói với dân riêng của Ngài qua môi miệng tiên tri Isaia, cũng chính là điều Chúa Giêsu muốn nói riêng với mỗi người chúng ta, đó là: Đừng sợ, Ta đã gọi ngươi bằng tên riêng của ngươi. Đừng sợ, ngươi rất quý báu đối với Ta. Và đừng sợ, vì này đây Ta ở với ngươi luôn mãi. 


 

2. Mục tử và Cửa chuồng chiên

Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu hai hình ảnh. Hình ảnh thứ nhất đó là người mục tử.
Trong Cựu Ước, dân Do Thái thường dành tước hiêu này cho Thiên Chúa. Ngài chính là người mục tử, đã dẫn dắt họ qua sa mạc, qua biển Đỏ để tiến vào miền đất hứa. Ngài đã chăm sóc, dưỡng nuôi họ bằng manna, bằng chim cút, bằng suối nước vọt lên từ tảng đá. Như người mục tử gắn liền số mạng với đoàn chiên, thì Thiên Chúa cũng và đã luôn ở giữa dân Ngài để chia sẻ những buồn vui gian khổ với họ dưới sương sớm và nắng chiều.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng đã tự sánh ví mình như người mục tử nhân lành. Khác với những kẻ chăn thuê và giữ mướn, những kẻ trộm cướp và lợi dụng, người mục tử đích thực chỉ biết phục vụ đoàn chiên và giải thoát đoàn chiên khỏi mọi sự dữ. Đổi lại, con chiên nghe tiếng người mục tử, hăm hở đi theo và tỏ lòng yêu mến quyến luyến với người mục tử. Người ấy sẽ đi trước để bảo vệ đoàn chiên. Còn đoàn chiên thì theo sau một cách ngoan ngoãn, để rồi cuối cùng sẽ đến được nơi đồng cỏ xanh và nơi dòng suối mát. Chính Ngài đã phán: Ta đến để chúng được sống và được sống một cách dồi dào. Thực hiện mục đích ấy, Ngài đã phải trả bằng một giá rất đắt, bằng chính mạng sống của mình.
Hình ảnh thứ hai, đó là hình ảnh của chuồng chiên. Mỗi khi tổ chức Năm Thánh, thì trong ngày khai mạc và bế mạc, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ sự một nghi lễ đặc biệt, đó là đóng và mở một cánh cửa lớn nằm bên phải đền thờ thánh Phêrô. Nghi lễ ấy có nền tảng trong Kinh Thánh tượng trưng cho ơn thánh đổ xuống nhân loại, cho cuộc trở về toàn thắng của đức vua, cho nơi gặp gỡ của sự bình an và hiệp nhất.
Với lời khẳng định: Ta là cửa chuồng chiên, ai qua Ta mà vào thì được cứu rỗi, người ấy sẽ tìm thấy của nuôi thân, Chúa Giêsu muốn nói lên rằng: Nơi Ngài, chúng ta sẽ gặp gỡ Thiên Chúa và anh em. Nơi Ngài, chúng ta được cứu rỗi và tìm thấy niềm hạnh phúc Nước Trời.
Còn chúng ta thì sao? Hãy đến với Đức Kitô và bước đi theo sự dẫn dắt của Ngài, như lời Thánh Phaolô đã diễn tả: xưa kia anh em là những con chiên lạc, giờ đây anh em đã trở về cùng vị mục tử Đấng canh giữ linh hồn anh em.
Để kết luận, tôi xin kể lại mẩu chuyện sau đây: Trời mùa đông giá rét, một đêm nọ, vua thánh Venceslaô đi đến nhà thờ để viếng Thánh Thể. Viên thị vệ theo hầu xuýt xoa vì giá lạnh, nhưng thánh nhân bảo: Cứ chịu khó đi theo và đặt bàn chân ngươi lên vết chân ta. Viên thị vệ làm như vậy và cảm thấy ấm hẳn lên.
Với chúng ta cũng vậy. Theo dấu chân của vị mục tử nhân lành, chúng ta sẽ được bình an và hạnh phúc bởi vì Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.



 

3. Cửa chuồng chiên – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Cửa có hai công dụng. Để đóng vào và để mở ra. Có những cánh cửa như cửa tù ngục để giam kín phạm nhân. Có những cánh cửa giam hãm, bưng bít con người không cho thông giao với thế giới bên ngoài. Có những cánh cửa lò sát sinh nhốt thú vật để giết chết. Đó là những cánh cửa đóng kín chết chóc, huỷ hoại. Có những cánh cửa mở ra đón gió mát, đón khí trong lành, đón ánh sáng mặt trời tươi vui. Có những cánh cửa mở ra những chân trời xa tắp, khơi lên trong tâm hồn mơ ước cao xa. Có những cánh cửa mở ra đón nhận anh em trong tình huynh đệ thân mến. Đó là những cánh cửa mở ra sự sống.
Hôm nay, Chúa Kitô nói: “Ta là cửa chuồng chiên”, Người đã tự nhận mình là cánh cửa. Chúa Giêsu là cánh cửa không phải để đóng kín giam hãm đàn chiên. Nhưng là cánh cửa mở ra.
Chúa Giêsu là cánh cửa mở ra những chân trời vô tận.
Thỉnh thoảng ta nghe có dư luân xôn xao về ngày tận thế. Tất nhiên đó là một tin đồn thất thiệt, nhảm nhí, đượm mầu sắc mê tín dị đoan. Nhưng tin đồn đó cũng nói lên một sự thực là: Thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới hạn hẹp, sinh mạng con người là bèo bọt, kiếp sống con người là monh manh. Thật đáng buồn nếu con người chỉ có thế, bị kết án chung thân vào một thân xác mau tan rã, bị giam hãm trong một thế giới vật chất mau tàn tạ.
Chúa Giêsu Phục sinh đã phá vỡ vòng vây giam hãm đó. Khi tảng đá lấp cửa mộ lăn ra, Chúa Giêsu đã mở ra cho nhân loại một cánh cửa. Cánh cửa đó dẫn vào một không gian vô tận. Từ nay con người không còn bị kết án chung thân vào thân xác mau tan rã nữa, vì Chúa Giêsu phục sinh đã mặc lấy thân xác vinh hiển không bao giờ chết. Từ nay con người không còn bị giam hãm trong thế giới vật chất mau tàn tạ nữa, vì Chúa Giêsu Phục sinh đã mở lối ra thế giới thần linh, trong đó con người sống trong tự do, không còn bị ràng buộc trong không gian. Đó là một thế giới mới, thế giới vĩnh hằng, không bao giờ tàn tạ, thế giới vô biên chẳng có giới hạn.
Khi mở cánh cửa vào thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã đẩy lùi ranh giới của thế giới vật chất đến vô hạn. Khi mở cánh cửa vào thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã chắp cánh cho ước mơ của con người. Ước mơ ấy chẳng còn hạn hẹp trong những hạn chế của vòng vây thế giới, nhưng bay lên ngang tầm trăng sao để mơ những giấc mơ thần thánh. Khi mở cửa và thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã giải phóng con người khỏi cảnh ngộ nô lệ vật chất hư hèn, nâng con người lên cuộc sống tự do của con Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là cánh cửa mở ra suối nguồn sự sống
Thật là vô lý nếu con người sống chỉ để chết. Thật là vô lý nếu chết là hết. Nếu định mệnh con người là như thế, thà không sống còn hơn. Mỗi khi vào bệnh viện, ta không khỏi suy nghĩ khi nhìn những bệnh nhân rên xiết, quằn quại đau đớn hoặc thấy những tấm thân gầy còm, những khuôn mặt hốc hác. Đó là cái chết đang sống hay là một sự sống đang chết? Đời sống như thế còn có ý nghĩa gì không?
Chúa Giêsu đã bước vào thế giới kẻ chết để chiến đấu chống lại thần chết. Người đã chiến thắng. Và khi Người mở cửa mộ bước ra, Người đã mở cánh cửa dẫn vào một cuộc sống mới. Cuộc sống mới là một cuộc sống trọn vẹn bởi vì không còn bóng dáng Thần chết. Cuộc sống mới là một cuộc sống sung mãn bởi vì chẳng còn vết tích của đau khổ, bệnh tật, đói khát. Cuộc sống mới là một cuộc sống siêu nhiên trong đó con người được nâng lên làm con Thiên Chúa, được tham dự vào chính sự sống của chúa. Cuộc sống mới là một cuộc sống hạnh phúc vì được kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong một tình yêu trọn hảo.
Như thế cuộc sống con người vẫn có một hướng đi lên, để được nâng cao, để được phong phú, để được hoàn hảo. Chính vì thế mà dù biết cuộc sống khổ đau, người ta vẫn vui mừng khi một em bé chào đời. Chính vì thế người ta vẫn ăn mừng sinh nhật, coi đó là ngày trọng đại trong đời người.
Chính Chúa Giêsu đã biến đổi thân phận con người. Con người sinh ra không phải để chết, nhưng để sống, sống sung mãn, sống trọn vẹn, sống vĩnh viễn trong suối nguồn sự sống.
Nhưng để mở ra cho ta những chân trời vô tận của con Thiên Chúa, chúa Giêsu đã chịu nhận lấy kiếp sống mong manh, phù du, bèo bọt của con người. Để mở ra cho suối nguồn sự sống, Người đã phải đón nhận cái chết đau đớn. Người chính là vị Mục tử chân chính đã thí mạng vì đàn chiên.
Chúa Giêsu quả thật là cánh cửa mở ra cho đàn chiên đi đến những chân trời xa rộng, đi đến những đồng cỏ xanh tươi, đi đến những dòng suối trong lành.
Chúa Giêsu quả là vị mục tử tốt lành luôn chăm sóc đoàn chiên, luôn nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực bổ dưỡng. Chúa Giêsu đã đến cho ta được sống và được sống dồi dào.
Đó là cánh cửa duy nhất dẫn đến sự sống, ta hãy theo sát gót Người. Đó là người mục tử duy nhất, ta hãy nghe tiếng Người. Hãy đến với Người để Người đưa ta đến những chân trời xa rộng. Hãy đến với Người để Người băng bó vết thương, xoa dịu nỗi đau và phục hồi sự sống. Hãy đến với Người để Người đổ tràn tình yêu và sự sống vào tâm hồn ta.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên. Tôi có theo vào cửa Người hay tôi đã chọn nhầm cửa khác?
2) Chúa Giêsu là cánh cửa mở. Tôi có thường đóng cửa, ngăn không cho người khác vào?
3) Chúa Giêsu đã hiến mạng sống để mở cửa cho tôi. Tôi có sẵn sàng hi sinh để mở cửa thêm rộng không?


 

4. Chúa Chiên Lành – R. Veritas.

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)
Hôm nay là ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Từ hơn ba mươi năm nay, cứ đến mỗi Chúa Nhật thứ tư Mùa Phục Sinh, Giáo Hội dành riêng một ngày để kêu gọi tất cả các tín hữu cầu nguyện cho ơn kêu gọi. Nói đến việc cầu nguyện cho ơn kêu gọi linh mục và tu sĩ, thì có lẽ chúng ta nghĩ đến tình trạng hiện nay tại hầu hết các nước Tây Phương càng lúc càng có nhiều chủng viện phải đóng cửa, nhiều Dòng tu trống vắng, số linh mục và tu sĩ già nua thì càng gia tăng. Thế nhưng nói đến cầu nguyện cho ơn kêu gọi linh mục và tu sĩ tại Việt Nam của chúng ta, thì chắc chắn ai trong chúng ta cũng nghĩ ngay đến không biết bao nhiêu chủng sinh phải chờ đợi có khi từ hơn hai mươi năm qua mà vẫn chưa được chịu chức. Không biết bao nhiêu người vì lý lịch mà không được nhận vào danh sách chủng sinh, không biết bao nhiêu người phải tu chui tu nhủi.
Giáo Hội tại Việt Nam của chúng ta quả thật không thiếu ơn gọi, Giáo Hội chỉ thiếu tự do để cho các sinh hoạt tôn giáo được bình thường, để cho cánh cửa các chủng viện và Dòng tu được mở rộng, để cho sự phục vụ không bị giới hạn. Như vậy đối với chúng ta ngày hôm nay, cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ thiết yếu là cầu nguyện cho tự do tôn giáo được nhìn nhận và tôn trọng một cách đầy đủ, để Giáo Hội qua các linh mục và tu sĩ được quyền phục vụ theo cung cách của Chúa Giêsu.
Chiếm độc quyền phục vụ là một điều bất công, phục vụ mà không theo Chúa Giêsu thì cũng chỉ là trò lừa bịp mà thôi. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gọi cách phục vụ đó là trộm cướp. Chúng ta hiểu được giọng điệu gay gắt của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay, nếu đặt vào trong bối cảnh toàn bộ bài diễn văn, thánh Gioan tác giả của bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu đã lên tiếng trước đám đông nhân ngày Lễ Cung Hiến Đền Thờ của người Do Thái, đây là Lễ tưởng niệm cuộc kháng chiến và chiến thắng vẻ vang của anh em nhà Macabê chống lại đế quốc Hy-Lạp vào thế kỷ II trước Công nguyên. Nhiều người lợi dụng dịp này để hô hào dân chúng đứng lên chống lại sự cai trị của đế quốc La-Mã, nhưng những người biệt phái lại bắt lấy cơ hội để xúi giục dân chúng chống lại Chúa Giêsu.
Chính trong bối cảnh này mà Chúa Giêsu đã đọc bài diễn văn về người mục tử nhân lành và đồng thời tố cáo các hành động mà Ngài gọi là trộm cướp của những người biệt phái. Quả thực, những người biệt phái cũng hô hào phục vụ và canh tân, nhưng như Chúa Giêsu đã điểm mặt là họ chỉ chất lên vai người dân không biết bao nhiêu là gánh nặng còn chính họ thì không lay đến ngón tay.
Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên. Muốn đi vào đoàn chiên và phục vụ đoàn chiên thì người ta sẽ đi qua cửa chính mà vào, tất cả mọi lối đi vào khác đều là lối đi của quân trộm cướp. Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, chỉ có một cung cách phục vụ duy nhất đó là phục vụ như Ngài đã phục vụ, nghĩa là sẵn sàng hiến thân cho và vì tha nhân mà thôi. Ai sống và phục vụ như Chúa Giêsu thì kẻ ấy thuộc về Ngài, còn ai sống ngược lại cung cách phục vụ của Ngài thì kẻ ấy chỉ là quân trộm cướp mà thôi.
Cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin cho Giáo Hội tại Việt Nam luôn được sống theo cung cách phục vụ của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu xin cho các Giáo Xứ và các gia đình Việt Nam biết sống tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu, ngõ hầu trở thành mảnh đất phì nhiêu trổ sinh nhiều ơn gọi phục vụ đích thực trong Giáo Hội. Amen.

 

5. Mục tử thật – mục tử giả

Xã hội hôm nay thật lắm chuyện thị phi! Cuộc đời cứ như: “Vàng thau lẫn lộn”. Hàng thật – hàng già đã khó phân biệt mà người tốt, người xấu càng khó phân biệt hơn. Có những mặt hàng giả mà như thật. Có người phải ngậm đắng nuốt cay khi bỏ tiền mua hàng thật nhưng lại phải lấy đồ giả. Có người vì cả tin nghe người nên bị lừa đến thân bại danh liệt. Kẻ bị lừa tình mà ôm hận suốt đời. Kẻ bị lừa tiền mà tan hoang cửa nhà. Có kẻ giả nhân giả nghĩa để đánh lừa đồng loại và vun quén cho bản thân. Kẻ thất đức lại sống trên nhung lụa. Người công chính phải tù tội lầm than vẫn còn đó trong kiếp người hôm nay. Đó là kết quả tất yếu của chủ nghĩa thực dụng. Đặt quyền lợi cá nhân lên trên lợi ích tập thể. Con người lấy mình làm trung tâm nên mọi sự đều quy về mình. Tìm hạnh phúc cho mình. Tìm vinh danh cho mình. Vì hạnh phúc của mình nên sẵn sàng bỏ rơi đồng loại, cho dù đó là cha, là mẹ, cho dù đó là vợ chồng hay con cái. Sự thật phũ phàng đó đang là căn bệnh trầm kha của xã hội hôm nay.
Có biết bao cha mẹ đã đang tâm giết các thai nhi vì sợ đứa con sinh ra sẽ thêm phần ăn, thêm gánh nặng cho gia đình. Có biết bao vợ chồng đã đứt gánh giữa đường chỉ vì một mối tình riêng, một quan hệ bất chính. Có biết bao người con đã bỏ rơi cha mẹ trong đói khổ, già yếu, bệnh tật vì còn phải lo cho chính bản thân mình.
Xem ra thế giới hôm nay đang thiếu dần hai chữ hy sinh. Không có hy sinh làm sao có ân nghĩa. Không có ân tình, ân nghĩa nên người ta đâu cần hy sinh và đối xử tốt với nhau. Câu chuyện “Anh phải sống” của Khái Hưng không còn là văn học phản ánh hiện thực xã hội hôm nay nữa! Nó chỉ còn là huyền thoại, một dĩ vãng đã qua.
Chuyện kể rằng: có hai vợ chồng trẻ đi đốn củi vào mùa nước lũ. Chiều tối, khi trở về họ đặt củi trên chiếc thuyền lan mong manh, nhỏ bé để xuôi theo dòng nước trở về. Thình lình một dòng lũ từ những sườn núi ồ ạt tuôn xuống dòng sông, tạo thành một dòng xoáy mỗi lúc một mạnh khiến chiếc thuyền lan nhỏ bé của họ bể vỡ tan tành. Người chồng cố níu kéo vợ khỏi bị nước lũ cuốn trôi. Nhưng dòng nước xoáy mỗi phút giây trôi qua lại ồ ạt và mạnh mẽ. Sức lực của chồng xem ra càng đuối dần khi phải gồng mình để thoát thân và cứu vợ. Người vợ thấy sức chịu đựng của chồng đã cạn kiệt, nên đành buông tay ra để mặc cho dòng nước lũ cuốn trôi, chỉ kịp gào thét trong mưa giông và nước lũ: “anh phải sống để nuôi dạy đàn con”.
Tác phẩm “Anh phải sống” đã một thời đi vào lòng người, vì nó phản ánh quá trung thực về tình yêu của những con người dám hy sinh cho gia đình, cho xóm ngõ, cho dân tộc. Nhưng xem ra, tác phẩm này không còn chỗ đứng trong xã hội hôm nay. Vì giá trị con người hôm qua được đo bằng tấm lòng biết xả thân vì đồng loại, biết quên mình vì gia đình, vì dân tộc, còn giá trị của con người hôm nay được cân nhắc bằng tiền bạc và địa vị. Người càng có lắm tiền nhiều của càng được kính trọng, nể vì. Người càng có địa vị cao càng có nhiều kẻ hầu người hạ. Có mấy ai dùng quyền để phục vụ vô vị lợi cho tha nhân? Có mấy ai dùng tiền để mua lấy tình bạn? Thế giới đã đổi thay! Cách sống cũng đổi thay. Con người chạy theo lợi nhuận. Mọi quan hệ, mọi việc làm đều được cân nhắc thiệt hơn. Vì quyền lợi của mình mà bỏ rơi đồng loại. Vì lợi ích của mình mà chà đạp lên danh dự, nhân phẩm người khác. Lòng đại nghĩa hy sinh đã bị chôn vùi khi đặt quyền lợi mình trên lợi ích của anh em.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta cái nhìn tương phản của hai loại mục tử. Mục tử thật và mục tử giả. Mục tử thật luôn hết mình vì đàn chiên. Mục tử giả chỉ lo vun quén cho bản thân. Mục tử thật thì hy sinh cho đàn chiên. Mục tử giả chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử thật luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Mục tử giả chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình. Họ sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên. Chúa Giêsu đưa ra khuôn mẫu mục tử nhân lành là chính Chúa. Cả cuộc đời không tìm an nhàn cho bản thân. Ngài dong duổi gió bụi để tìm từng con chiên lạc đưa về ràn. Vì sự sống của đàn chiên, Ngài sẵn sàng đối phó với sự dữ để bảo vệ đàn chiên. Ngài đã chấp nhận cái chết để đàn chiên được sống.
Đó cũng là mẫu gương cho mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta đều là mục tử của Chúa khi chúng ta có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ anh em mình. Mỗi người chúng ta đều phải có trách nhiệm trước sự an nguy của đồng loại. Mỗi người chúng ta đều có bổn phận đẩy lùi sự dữ đang hoành hành trong môi trường sống của chúng ta. Không ai được phép bàng quan trước sự dữ đang bủa vây gia đình, xóm làng của mình. Không ai được phép vô trách nhiệm trước bữa no bữa đói của cha mẹ, con cái hay hàng xóm láng giềng. Nếu mỗi người chúng ta đều biết sống có trách nhiệm với anh em thì dòng đời này sẽ bớt đi những trái ngang, sẽ vơi đi những giọt nước mắt buồn đau, tủi hờn. Nếu mỗi người chúng ta đều biết đưa vai gánh đỡ gánh nặng cho anh em, và biết dùng đôi vai làm điểm tựa nâng đỡ anh em, thì cuộc đời này sẽ là một thiên đàng mà con người đang hưởng nếm những giây phút ngọt ngào nhất của tình người, của hạnh phúc yêu thương.
Đây cũng là điều kiện để có được sự sống trường sinh. Vì “ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sống muôn đời.
Nguyện xin Chúa Giêsu mục tử luôn phù hộ nâng đỡ và giúp chúng ta biết sống hiến thân mạng sống vì anh em. Amen



 

6. Người Chăn Chiên Lành – Lm. Hồng Phúc

Chúa nhật hôm nay thường được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên lành. Gioan Thánh sử mời gọi chúng ta một vòng qua các ngọn đồi Galilê để chứng kiến một cảnh thanh bình: các mục tử dẫn bầy chiên ra đồng cỏ xanh tươi bên giòng suối mát.
Trong lịch sử trước kỷ nguyên, các vì vua chúa và đại tư tế thường được gọi là mục tử. Pharaon được gọi là người chăn chiên nhân lành. Danh xưng ấy, dân du mục người Israel thường dành cho Thiên Chúa. Ngài dẫn đưa họ qua Biển Đỏ, qua sa mạc đến Đất Hứa, như người mục tử gắn liền số mạng với đoàn chiên, vui buồn gian khổ dưới sương sớm với nắng chiều. Đó là viễn ảnh của một vị mục tử mà Thiên Chúa sẽ gởi đến là Chúa Giêsu. Hôm nay, khi nhìn thấy cảnh bầy chiên trên đồi Galilê, Chúa đã tự mô tả mình như một người chăn chiên lành phúc hậu.
Nhiều lần, Chúa Giêsu tự ví mình là Người Mục tử, nhưng lần này Ngài đã nói tất cả ý nghĩ.
Khác với những người chăn thuê giữ mướn, những người lợi dụng và trộm cướp, người chăn chiên lành chỉ biết phục vụ đoàn chiên và cứu thoát đoàn chiên khỏi mọi sự dữ. Đối lại, con chiên nghe tiếng người chăn, hăm hở đi theo và tỏ tình yêu mến. Người mục tử đi trước để bảo vệ đoàn chiên, đoàn chiên theo sau ngoan ngoãn và tín nhiệm. Chúa phán: “Ta đến để mọi người được sống và được sống dồi dào”, cho dầu phải trả một giá rất cao, bằng chính mạng sống mình.
Sau khi đã tự mô tả là một người mục tử, Chúa Giêsu lại tự ví mình với cửa chuồng chiên.
Mỗi một khi Giáo hội tổ chức Năm Thánh, ngày khai mạc và bế mạc, Đức Giáo hoàng đã chủ sự nghi lễ và đóng một cánh cửa lớn nằm bên phải đền thờ Thánh Phêrô. Nghi lễ ấy có một quá trình trong Thánh Kinh tượng trưng cho Ơn Thánh Chúa đổ xuống trên nhân loại (Tv 78, 23; Ml 3, 10); cho cuộc trở về toàn thắng của đức vua (Tv 24, 7-10); cho nơi gặp gỡ của sự bình an và hiệp nhất (Tv 122).
Hôm nay Chúa Giêsu tuyên bố: “Ta là cửa chuồng chiên… Ai qua Ta mà vào thì được cứu rỗi, người ấy ra vào và tìm thấy của nuôi thân”. Nơi Chúa Giêsu, loài người gặp gỡ Thiên Chúa và loài người cũng gặp gỡ anh em mình. Nhưng con người ta có kẻ tốt và người xấu, kẻ thánh thiện và người gian hiểm. Đối với đoàn chiên hiền lành, có kẻ không qua cửa mà đột nhập vào, họ là kẻ trộm cướp, đến để ăn cướp, để sát hại và phá hủy. Xưa nay, trong Giáo hội cũng có những tên ăn trộm, những sói dữ đột nhập vào giữa đoàn chiên, nhất là khi họ là sói dữ đội lốt chiên lành.
Thánh Phaolô kết luận: “Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử là Đấng canh giữ linh hồn anh em”.
Và Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Là con chiên tôi đi theo vết chân Chúa, tôi chẳng lo sợ gì. Vua Thánh Venceslaô xứ Tiệp Khắc (907-929) một đêm nọ trời đông giá rét đi đến nhà thờ viếng Thánh Thể. Viên thị vệ theo hầu xuýt xoa kêu giá lạnh. Thánh nhân bảo: Cứ chịu khó theo và đặt bàn chân ngươi lên vết chân ta. Viên thị vệ tuân theo và bỗng nhiên cảm thấy ấm áp lạ thường.
Theo vết chân của vị Mục tử ta sẽ thấy đời ấm áp.



 

7. “Tôi là cửa cho chiên”

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)
Suy niệm:
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống tươi mới.
Đức Giêsu là người mục tử chăn chiên.
Khác với kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy, Ngài đến để chiên có sự sống, và có một cách dồi dào (c. 10).
Hãy nhìn những nét đặc trưng của người mục tử đích thực.
Anh đi vào ràn chiên hay chuồng chiên bằng cửa, đường đường chính chính, chứ không lén lút trèo qua tường rào (cc. 1-2). Người giữ cửa quen anh và mở cửa cho anh. Chiên cũng quen anh và quen tiếng của anh. Tiếng của anh là dấu hiệu quan trọng để chiên nhận ra và phân biệt anh với người lạ hay kẻ trộm (cc. 3-5).
Chiên nghe tiếng của anh (c. 3). nhưng không nghe tiếng người khác (c. 8). Anh trìu mến gọi tên từng con, vì anh biết rõ chiên của mình.
Khi dẫn chúng ra ngoài chuồng, anh đi trước dẫn đường, chúng yên tâm theo sau chứ không chạy trốn, vì chúng biết mình đang đi theo ai và sẽ được dẫn đến đâu. Rõ ràng có sự hiểu nhau, gần gũi giữa chiên và mục tử.
Nhưng Đức Giêsu không chỉ là Mục tử chăn chiên.
Ngài còn tự nhận mình là Cửa cho chiên ra vào (c. 7. 9).
Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Khi Ngài đưa ta đến với Cha, Ngài nhận mình là Cửa. Khi Ngài săn sóc ta, Ngài nhận mình là Mục Tử.”
Cửa chuồng chiên nhằm để chiên đi vào và tìm được sự an toàn. Cửa cũng nhằm để chiên đi ra và tìm được đồng cỏ nuôi sống.
Chỉ ai qua Cửa Giêsu mà vào mới được cứu độ.
Ai ra vào Cửa Giêsu mới tìm thấy đồng cỏ xanh tươi (c. 9). Cửa Giêsu cũng giúp phân biệt mục tử giả và thật.
Mục tử giả sẽ không dám đến với chiên qua Cửa Giêsu.
Mong sao cho Giáo Hội có nhiều mục tử gần gũi với chiên, biết gọi tên từng con chiên và đem lại cho chiên hạnh phúc. Và mong sao chiên có khả năng nhận ra tiếng nói của người mục tử.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa nhận mình là Tấm Bánh, vì Chúa muốn nuôi tâm linh chúng con.
Chúa nhận mình là Cây Nho, vì Chúa muốn trao cho chúng con dòng nhựa sống.
Chúa nhận mình là Mục tử nhân lành, vì Chúa muốn dẫn chúng con đến nơi đồng cỏ.
Chúa nhận mình là Cửa, vì Chúa mở cho chúng con sự phong phú của Nước Trời.
Chúa nhận mình là Con Đường, vì Chúa là Đấng duy nhất dẫn chúng con đến với Chúa Cha.
Chúa nhận mình là Ánh sáng, vì Chúa có khả năng khuất phục bóng tối trong thế gian này.
Chúa nhận mình là Sự Thật, vì Chúa vén mở cho chúng con khuôn mặt của Thiên Chúa.
Chúa nhận mình là Sự Sống và là Sự Sống Lại, vì Chúa không để cho chúng con bị cái chết chôn vùi.
Lạy Chúa Giêsu,
tạ ơn Chúa vì mọi điều Chúa định nghĩa về mình đều hướng đến hạnh phúc cho chúng con, và đều cho chúng con sự sống thâm sâu của Chúa. Xin cho chúng con chấp nhận Chúa là Anpha và Ômêga, là Khởi Nguyên và là Tận Cùng của cuộc đời mỗi người chúng con. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn