Những điều cần biết khi đến Đại nội Huế – Thuận Hóa Hoàng thành

Đại nội Huế Thuận Hóa Hoàng thành

Thú thực là mình đã vào Đại nội Huế hẳn 2 lần rồi, nhưng lần nào cũng đi cùng team siêu quậy nên cứ mải mê chạy lăng xăng khắp nơi mà không chịu lắng nghe Hướng dẫn viên. Hix, vậy nên mình viết bài này để có cơ hội nghiên cứu Đại nội thật kỹ và mình xin hứa lần thứ 3 vào Đại nội Huế mình sẽ tập trung nghe giảng hơn à nhầm nghe thuyết minh hơn T-T.

Đại nội Huế là cách gọi gần gũi của Hoàng thành Huế hay Thuận Hóa Hoàng thành là cụm di tích Hoàng cung phong kiến triều Nguyễn tại Việt Nam. Nếu như Hoàng thành Hà Nội trải qua rất nhiều biến cố nên đã không còn nguyên vẹn thì rất may mắn Hoàng thành Huế gần như chỉ bị xuống cấp qua thời gian, vì vậy, đến nay Đại nội vẫn còn giữ gìn được rất nhiều các di tích để chúng ta có thể thực sự được tận tay chạm vào những ký ức của ông cha.

Đại nội Huế
Đại Nội Huế – Ảnh chụp của Yến Lee (Vi Vu)

Cụm di tích Đại nội và Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế

  • Giá vé vào cửa: 200.000 đồng/vé người lớn, 40.000 đồng/vé trẻ em từ 7-12 tuổi (đã bao gồm vé tham quan Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế)
  • Giờ mở cửa: 7h – 17h
  • Thời gian tham quan: 2-3 tiếng.
Sơ đồ tham quan Đại Nội Huế
Sơ đồ tham quan Đại Nội Huế

Đại nội vô cùng đẹp và lộng lẫy với những công trình được sơn son thiếp vàng, phủ mái ngói hoàng lưu ly dành riêng cho Vua chúa. Công trình vĩ đại nhất lịch sử triều Nguyễn được xây dựng trong vòng 30 năm từ năm 1804 (Vua Gia Long) tới năm 1833 (Vua Minh Mạng)

Đại Nội rất rộng, thật sự rất rộng, rộng tới 36ha với hơn 50 công trình lớn nhỏ chính vì vậy nên nếu không có hướng dẫn viên, bạn rất cần phải có sơ đồ để tránh bị đi lạc. Phía trên là sơ đồ gợi ý tham quan tại Đại Nội, tuy nhiên do một số công trình đang trùng tu sửa chữa (Điện Thái Hòa) và một số công trình đã xuống cấp (Phủ Nội vụ) nên bạn nên đi theo các địa điểm như sau:

  • Từ cổng Ngọ Môn vào đi lên Lầu ngũ phụng là phần lầu bên trên cổng Ngọ Môn để ngắm Đại Nội từ trên cao. Thường mọi người sẽ đi thẳng qua cổng Ngọ Môn vào bên trong mà bỏ qua điểm này. Cách đây 8 năm mình tới Huế cũng là lúc Lầu Ngũ Phụng đang trùng tu, lần này đến nơi mình đã được lên tận nơi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Lầu Ngũ Phụng (à nhưng Điện Thái Hòa lại đang trùng tu huhu)
Lầu Ngũ Phụng - Đại Nội Huế
Lầu Ngũ Phụng – Đại Nội Huế
  • Sân điện Thái Hòa (hay còn gọi là sân Đại triều nghi) là nơi các quan đứng chầu trong các buổi thiết triều
  • Thế Miếu: nơi thờ các vị Vua triều Nguyễn (thời xưa nữ giới trong triều không được vào)
  • Hưng Miếu: nơi thờ cha mẹ của Vua Gia Long ,
  • Điện Phụng Tiên: nơi thờ các vị Vua và Hoàng hậu triều Nguyễn (khác với Thế Miếu, nữ giới trong triều được vào Điện)
  • Cung Diên Thọ: nơi ở của Hoàng thái hậu hoặc Thái hoàng thái hậu
  • Thái Bình lâu: chỗ Vua nghỉ ngơi, đọc sách
  • Duyệt Thị đường: nhà hát dành cho Vua, hoàng thất, quan lại xem biểu diễn. 10h sáng là 15h chiều có biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế
  • Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế
Đại nội Huế - Diên Thọ Cung
Đại nội Huế đẹp đến từng khung cửa – Diên Thọ Cung

Một số hoạt động trong Đại Nội Huế

Đặc biệt từ tháng 3/2022, để phục vụ du khách tới tham quan Cố đô Huế, tại Đại nội còn tổ chức tái hiện lại các hoạt động nghi lễ cung đình Huế trước đây:

  • Lễ đổi gác vào 8h30-9h tại cổng Ngọ Môn
  • Âm sắc cung đình và Huế xưa vào 9h sáng và 16h chiều tại sân Đại triều nghi
  • Ca Huế từ 9h-10h tại Cung Trường Sanh
  • Trình diễn trích đoạn tuồng vào 10h30 sáng và 16h30 chiều tại Nhật Thành Lâu.
lễ đổi gác tại Đại nội Huế
Tái hiện Lễ đổi gác tại Đại nội Huế – Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh/ Visit Hue

Với rất nhiều các hoạt động hay ho như thế này, chắc sắp tới (lần thứ 3) mình sẽ phải dành nguyên cả một ngày khám phá Đại nội luôn hihi.

Một số lưu ý khi tham quan Đại nội

  • Nên tránh đi tham quan vào mùa hè, vì đi bộ trong Đại nội rất nắng và mệt, thời tiết đẹp nhất là vào khoảng tháng 1-2.
  • Nên đi vào buổi sáng cho mát mẻ và chụp ảnh đẹp hơn.
  • Nếu không có HDV thì nhớ lưu ảnh bản đồ tham quan kẻo bị lạc.
  • Vé tham quan Đại nội đã bao gồm vé Bảo tàng cổ vật, tuy nhiên nếu không nhắc thì nhiều khi nhân viên bán vé “quên” luôn không đưa, vậy nên nhớ hỏi.
  • Chỉ nhận tiền mặt, không quẹt thẻ hoặc banking.
  • Có combo vé cho các điểm di tích (Đại Nội, Lăng vua Khải Định, Lăng vua Minh Mạng, Lăng vua Tự Đức,…), nếu xác định đi nhiều thì mua combo luôn cho rẻ.
  • Tuy rằng giá vé có hơi đắt (so với mặt bằng chung các điểm du lịch), nhưng Đại nội vẫn là nơi rất rất đáng đi, hãy nghĩ chúng ta mua vé là góp một phần bảo tồn, trùng tu các di tích nhé. Nhưng vào các dịp lễ như 2/9, 8/3, 30/4-1/5, … và Tết, Đại nội thường miễn phí vé vào cửa đó. Các bạn nhớ tìm hiểu trước khi đi nhé.
Áo tấc Việt phục

Các bạn cũng có thể thuê bộ đồ Việt phục như áo Nhật Bình, áo tấc, áo ngũ thân,… để mặc vào Hoàng cung chụp ảnh rất đẹp nhé, mỗi tội nếu trời nắng thì sẽ hơi nóng một chút. Còn mình thì mình thích lắm, bất chấp nắng nóng luôn haha.

Đây là hình bộ áo tấc giá thuê 300k/ bộ full combo quần áo, mấn, vòng ngọc trai, ngọc bội cho nữ hoặc thẻ bài cho nam, quạt cầm tay. Thuê tại đây

Các điểm di tích xung quanh Đại nội Huế

Cửu vị Thần công

Cửu vị Thần công là 9 khẩu thần công được đúc dưới thời Vua Gia Long để thể hiện sức mạnh của nhà Nguyễn, ghi dấu chiến thắng trước nhà Tây Sơn. Cả 9 khẩu thần công đều được Vua Gia Long sắc phong “Thần oai Vô địch Thượng tướng quân”, nay đều là Bảo vật Quốc gia đã được công nhận.

Cửu vị Thần công
5 khẩu thần công Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ trong Cửu vị Thần công. Ảnh: manhhai

9 khẩu thần công được đặt tên theo bốn mùa và ngũ hành, lần lượt là Xuân – Hạ – Thu – Đông và Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ hiện được đặt ở 2 cửa của Kinh thành Huế, trên đường đi vào Đại nội. Cửu vị Thần công thực tế chưa từng được sử dụng trong chiến trận mà chỉ sử dụng trong các dịp lễ trọng đại của Kinh thành, tuy vậy, chúng có giá trị rất lớn về tâm linh, văn hóa, nghệ thuật.

Kỳ đài

Kỳ đài Huế hay còn gọi là Cột cờ Kinh thành Huế. Giống như Cột cờ Hà Nội, Kỳ đài Huế cũng được xây dựng ngay phía trước Kinh thành, là một công trình bề thế, oai phong để treo Quốc kỳ và cũng để canh gác cho Kinh thành.

Kỳ đài Huế nhìn từ Đại nội Huế
Kỳ đài Huế nhìn từ Đại nội Huế

Ngênh Lương Đình – Phu Văn Lâu

Giữa rất nhiều di tích của Cố đô Huế, Nghênh Lương Đinh và Phu Văn Lâu có điểm đặt biệt nhất đó là công trình được in trên tờ tiền 50.000 polime.

Nghênh Lương Đình nằm sát bên bờ sông Hương là nơi Vua nghỉ ngơi, hóng mát còn Phu Văn Lâu là nơi niêm yết các chỉ dụ, sắc lệnh của Vua và triều đình (tựa như Bảng tin tổ dân phố bây giờ ở mức độ vĩ mô đấy ạ).

Nghênh Lương Đinh và Phu Văn Lâu
Nghênh Lương Đinh và Phu Văn Lâu được in trên tờ polyme 50.000đ

Bài viết xin được tạm dừng tại đây. Mình hứa khi đến Huế lần nữa mình sẽ tìm hiểu thêm nhiều điều hay ho nữa để bổ sung cho bài viết này.

Xem thêm Tổng quan du lịch Cố đô Huế tại đây nhé!

Rosie.A

Viết cho những bài học đã qua, viết cho những hành trình để nhớ, viết cho những nghĩ suy chưa bao giờ dừng.
Fb: www.facebook.com/august.sun.92/
Tiktok: www.tiktok.com/@august_sun92/

Recommended Articles

2 Comments

  1. […] Hướng dẫn chi tiết tham quan Đại nội Huế tại đây […]

  2. […] Cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ là một trong những nghệ nhân cung đình cuối cùng của Việt Nam, nay đã gần 100 tuổi. Bà vốn xuất thân dòng dõi Hoàng tộc, được vào cung học may vá thêu thùa và chính tay may gối cho Vua Bảo Đại, đức Từ Cung (Hoàng Thái hậu Từ Cung) và được sử dụng trong Đại nội Huế. […]

Comments are closed.