Bánh phu thê nổi tiếng đất Kinh Bắc

24/08/2021 01:40

(DTTG) Từ những nguyên liệu dân dã, người dân Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh đã tạo nên chiếc bánh phu thê mang đậm hương vị truyền thống, giàu ý nghĩa, là lễ vật không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi.

Bánh phu thê còn có tên gọi khác là bánh xu xuê. (Ảnh: Internet)
Bánh phu thê còn có tên gọi khác là bánh xu xuê. (Ảnh: Internet)

Bánh phu thê hay còn gọi là bánh xu xuê là một món bánh nổi tiếng của làng Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh không chỉ có hương vị thơm ngon, cuốn hút mà món bánh này còn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa đặc biệt.

Theo người dân địa phương, chiếc bánh này ra đời từ thời Lý. Khi vua Lý Anh Tông xuất binh chinh phạt giặc ngoại xâm, hoàng hậu đã ở nhà làm món bánh này gửi ra trận.

Vua ăn thấy ngon nên đặt tên là bánh phu thê để gợi nhớ đến tình cảm vợ chồng. Từ đó, làng Đình Bảng truyền tai nhau cách làm món bánh này và trở thành một làng nghề truyền thống của bánh phu thê.

Chính vì vậy, bánh phu thê thường hay có mặt trong các tiệc cưới nhằm nhắn nhủ lời thuỷ chung đến các đôi vợ chồng trẻ.

Bánh phu thê - đặc sản của người dân Đình Bảng, Từ Sơn. (Ảnh: Internet)
Bánh phu thê - đặc sản của người dân Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. (Ảnh: Internet)

Tuy có vẻ ngoài không quá nổi bật nhưng bánh phu thê được chế biến rất kỳ công, từ khâu chọn lọc nguyên liệu cho đến khi thành phẩm.

Bột để làm bánh phải là loại bột gạo được làm ra từ những hạt gạo nếp cái hoa vàng hạt mẩy, đều, thơm ngon. Sau đó, gạo được ngâm và đem ra xay, lọc thật kỹ. Để có được 500gram bột làm bánh phải cần đến 1kg gạo. Một số nơi còn trộn thêm bột năng vào để tăng độ dẻo dai cho bánh. Có bột xong, người làm bánh sẽ đem phơi khô bột trong khoảng 15 ngày mới tiến hành làm bánh. Bột phơi được nắng sẽ có màu sắc và mùi vị thơm ngon hơn hẳn so với bột phơi thiếu nắng hoặc được sấy trên bếp.

Bánh phu thê được làm từ các nguyên liệu tự nhiên. (Ảnh: Internet)
Bánh phu thê được làm từ các nguyên liệu tự nhiên. (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, để làm vỏ bánh phu thê, người làm bánh còn chuẩn bị thêm đu đủ xanh nạo sợi và quả dành dành khô. Đây đều là những loại cây dễ tìm, có ngay tại địa phương. Đu đủ giúp tạo độ dai, giòn, còn quả dành dành tạo màu đẹp mắt cho vỏ bánh.

Đu đủ sau khi nạo sợi được trộn với nước dành dành, tiếp đó thêm bột nếp lọc, nhào đều tay đến khi bột quánh, dẻo, nhuyễn và vàng.

Nhân bánh được làm từ đỗ xanh, dừa nạo. (Ảnh: Internet)
Nhân bánh được làm từ đỗ xanh, dừa nạo. (Ảnh: Internet)

Công đoạn làm vỏ bánh cầu kỳ là vậy nhưng khâu làm nhân bánh cũng rất tốn công. Nhân bánh phu thê là sự kết hợp giữa đậu xanh, đường trắng và cơm dừa.

Nhân bánh muốn ngon thì tất cả các nguyên liệu làm nhân bánh cũng phải được chọn lọc kỹ càng. Đậu xanh phải là loại đỗ hạt nhỏ, ruột có màu vàng óng. Đậu xanh sau khi được ngâm, đãi kỹ càng sẽ được đem đồ chín cho đến khi hạt đỗ nở ra, căng bóng nhưng vẫn không bị nát và hạt đỗ bở vụn giữa hai đầu ngón tay là đạt. Sau đó, đậu sẽ được giã nhỏ ra cho thật mịn, rồi đem quấy thật dẻo với đường trắng tạo ra một thứ chè kho ngon tuyệt. Để nhân bánh có mùi thơm có thể cho thêm một chút dầu chuối hay hạt sen giã nhỏ.

Sau đó, người làm nặn nhân thành từng viên tròn, đặt vào lớp vỏ bột rồi gói lại bằng lá chuối tây dẻo đã làm sạch hoặc luộc chín.

Bánh phu thê truyền thống được gói bằng hai thứ lá, bên trong là lớp lá dong hoặc lá chuối, bên ngoài là lớp lá dứa. Khi làm bánh, người làm còn quét lên lá một lớp mỡ hoặc dầu để khi bóc bánh không bị dính, lại làm cho bánh có độ ngậy và béo rất đặc trưng.

Ở nhiều nơi, người ta không còn thấy màu vàng của vỏ bánh phu thê nữa, mà thay vào đấy là màu đỏ, màu trắng nhưng vẫn vuông tròn, mềm dẻo, thơm ngon. (Ảnh: Internet)
Ở nhiều nơi, người ta không còn thấy màu vàng của vỏ bánh phu thê nữa, mà thay vào đấy là màu đỏ, màu trắng nhưng vẫn vuông tròn, mềm dẻo, thơm ngon. (Ảnh: Internet)

Bánh được hấp chín tỏa mùi thơm ngon hấp dẫn, làm nao lòng những vị khách phương xa. Bánh phu thê là loại bánh phải ăn khi nguội ta mới cảm nhận hết được độ dẻo, dai và giòn của vỏ bánh. Tiếp đến là mùi vị thơm ngon béo ngậy của đậu xanh, hạt sen và dừa tươi trong nhân bánh.

Bên trong chiếc bánh trong suốt ấy còn được rắc lẫn những sợi đu đủ nạo nhỏ nữa thế nên khi ăn, ta sẽ có cảm giác giòn giòn, sần sật xen lẫn trong cái dẻo dai của vỏ bánh, vị ngọt nhẹ của đường, vị béo bùi của đậu xanh, dừa hòa quyện vào với nhau tạo nên một hương vị rất riêng của bánh phu thê, hương vị ngọt ngào của tình nghĩa vợ chồng.

Bánh phu thê Đình Bảng - đặc sản của vùng quê quan họ. (Ảnh: Internet)
Bánh phu thê Đình Bảng - đặc sản của vùng quê quan họ. (Ảnh: Internet)
(0) Bình luận
Nổi bật
Làm theo lời Bác Hồ dạy, đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thi đua lao động sản xuất
Sinh thời, trong nhiều điện, thư, bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS): “Phải thi đua tăng gia sản xuất” (Thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo, ngày 7/5/1955)... để “cho mọi người được no ấm” (Thư gửi đồng bào Hòa Bình, ngày 27/11/1950).
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO