Xem - Nghe - Đọc

Và nơi The Beatles mãi mãi thuộc về

- Chủ Nhật, 28/03/2021, 04:46 - Chia sẻ
Cuối cùng thì The Beatles vẫn nổi tiếng. Nhưng Liverpool có bao giờ mất The Beatles không? Với Liverpool, The Beatles mãi mãi chỉ là những cậu bé. Với The Beatles, Liverpool mãi mãi là nhà.

1. Một đêm nọ, Carl Gustav Jung, nhà phân tâm học chuyên giải mã những giấc mơ, nằm mơ. Ông mơ thấy mình ở trong một thành phố tối thẫm, nhọ nhem, một đêm mùa đông mưa móc. Năm 1962, trong cuốn “Ký ức, Giấc mơ, Hồi tưởng”, Jung viết: “Tôi đã ở Liverpool. Cùng với một vài người Thụy Sĩ - gọi là khoảng nửa tá người - tôi rảo bước xuyên qua những con đường tối tăm. Những khu phố của đô thành được quy hoạch đối xứng quanh quảng trường. Ở chính giữa là một hồ nước hình tròn, và chính giữa hồ nước, một hòn đảo nhỏ. Mặc dù mọi thứ bị che khuất bởi mưa, sương, khói và bóng tối chỉ được thắp sáng leo lét, hòn đảo bé tẹo ấy rực rỡ ánh dương. Trên đảo là một cái cây, một cây mộc lan, trong một biển hoa màu đỏ. Cứ như thể cái cây đứng trong ánh dương và cùng lúc, là nguồn sáng”. 

Jung chưa từng đến Liverpool, nhưng ông mơ về nó, và dù chỉ là mơ, ông vẫn liêu xiêu trước vẻ đẹp của cái cây, của hòn đảo ánh sáng, và bất chấp quang cảnh tối mù, mờ mịt, như chính cuộc đời ông khi đó, bất chấp những chiếc áo mưa màu vàng xám thấm đẫm nước, ông vẫn thấy ở đó một vẻ đẹp không thuộc về mặt đất này. “Và đó là lý do tôi có thể sống. Liverpool là bể sống”.

Cuốn bán tự truyện “Ký ức, Giấc mơ, Hồi tưởng” ra mắt năm 1962, một năm sau khi Jung mất. Cũng vào năm đó, tháng 9.1962, ở một góc khác của Liverpool, The Beatles khởi hành đi London đến Abbey Road để thu âm đĩa đơn đầu tiên của họ, "Love me do".

Đó cũng là lần đầu tiên The Beatles thực sự là The Beatles như hôm nay ta biết, bởi tay trống Ringo Starr vừa được mời vào nhóm để thay thế cho anh chàng Pete Best bị cả nhóm nhất trí “sa thải”. Pete giận dỗi bảo chỉ vì tôi… quá bảnh trai mà mấy cậu chàng kia đố kỵ, chẳng biết thực hư ra sao, chỉ biết Ringo vui hơn, chơi trống giỏi hơn, không ngại làm kiểu đầu chổi xể, là mảnh ghép cuối cùng của ban nhạc. 

Sẽ có một câu chuyện vui thế này trong quá trình ghi âm, là vì John Lennon không thể vừa thổi harmonica vừa hát câu chủ đề "Love me do", anh bảo Paul McCartney hãy hát. Paul rụt rè ngần ngại, nói rằng mình không thể, đây là câu quan trọng nhất trong ca khúc đấy, làm sao mình dám hát. John trấn an Paul, hãy cứ hát đi, cậu làm được. Paul lấy hết can đảm, và anh làm được. Paul còn kể mãi câu chuyện đó cho đến hôm nay.

Liverpool trước đó chỉ là một thành phố cảng nhuộm đầy bồ hóng, với những hải cảng, những xưởng đóng tàu, tiếng búa rèn vang vọng, thành phố bắt đầu công nghiệp hóa, mới kiến thiết lại từ những trận mưa bom của quân Đức Quốc Xã, không có một văn nhân hay một nghệ sĩ xuất chúng nào đến từ đây. Nước Anh có Shakespeare, nhưng Shakespeare không đến từ chốn này, và nếu có gì đặc biệt hơn về Liverpool, chỉ là khiếu hài hước kỳ quặc của người bản địa. Nhưng Jung đã mơ về nó, gọi nó là “lý do tôi có thể sống”, gọi nó là “bể sống”. Ai biết đâu rằng, đó có lẽ không chỉ là một giấc mơ, mà còn là một mặc khải? Bởi từ "Love me do", Liverpool sẽ bắt đầu một huyền thoại của riêng mình, với bốn cậu bé đã được thành phố này chở che và nuôi dưỡng, nó sẽ là cội nguồn của tất cả những gì đẹp nhất của thập niên 60: tình yêu, tự do, giấc mơ, tuổi trẻ, hy vọng, cuộc sống, và hơn tất cả, âm nhạc.

2. Người Liverpool ngày nay có hai thứ để tự hào: một là âm nhạc và hai là bóng đá. Có một thước phim đen trắng vẫn còn được lưu lại từ năm 1964. Tại sân vận động Anfield, thánh địa của câu lạc bộ Liverpool, trước một trận đấu của đội nhà, hàng chục ngàn người ở khu The Kop, gần như tất cả đều để kiểu đầu lòa xòa của các Beatle, chen chúc trên khán đài cùng gào lên một sáng tác của Lennon - McCartney, với đúng thổ ngữ của vùng Merseyside: "She loves you yeah yeah yeah. With a love like that, you know you should be glad" (Nàng yêu bạn, yeah yeah yeah. Với một tình yêu như thế, bạn biết rằng mình phải thấy mừng). 1964 là thời đỉnh cao của cơn sốt Beatles, đi đâu người ta cũng nghe họ, yêu họ, thần tượng họ, phát cuồng vì họ. Một bình luận viên trên sân đứng đó nhận xét: “Tôi chưa từng thấy thứ gì như đám đông này ở Liverpool. Trên sân đấu lúc này là sự hung hãn đầy phóng khoáng và sáng tạo. Màn trình diễn của họ thật kinh ngạc. Công tước xứ Wellington trước trận chiến Waterloo từng nói về chính đội quân của mình rằng, tôi không biết họ sẽ làm gì với kẻ thù, nhưng Chúa ơi, họ làm tôi hoảng sợ. Và tôi nghĩ một vài cầu thủ trong trận cầu chiều nay nhất định cũng sẽ cảm thấy điều tương tự.”

Một thước phim cũ kỹ, mờ ảo, kỹ thuật quay còn rung lắc, và thước phim chỉ kéo dài hơn một phút. Tất cả những khoảnh khắc sáng ngời ấy chỉ gói gọn lại như vậy, cả một chiều mùa hè đã thu ngắn lại còn vỏn vẻn vài chục giây, và trong một thước phim đen trắng thì dường như rất nhiều thứ đã mất đi: mặt trời mất đi màu vàng, cỏ mất đi màu xanh, khán đài mất đi màu đỏ quen thuộc của Liverpool FC, và không chỉ màu sắc mất mà những đường nét rắn chắc cũng mất. Thế nhưng ngay cả như thế, sự thiếu thốn thiết bị cũng không thể làm mất đi bầu không khí hừng hực cuồng nhiệt và những hồi ức như vẫn còn bỏng rẫy, như kim đồng hồ đã ngưng đọng lại, khi những thiếu niên và những ông già cùng hát và quên đi mọi thứ khác, thế giới bên ngoài đã biến mất và họ chỉ biết họ đang ở đây tận hưởng một chiều hạnh phúc, và chỉ cần có vậy nghĩa là không có gì đã mất đi.

3. Có những nơi trong đời giống như là ốc đảo, nơi bạn luôn hướng mắt về phía đó, trong những ngày bạn đóng cửa sổ và không nhìn vào con đường bên dưới, không nhìn vào ai, không nhìn vào sách, cũng không nhìn vào một cái cây nào trồng ở trước nhà.

Năm tám tuổi, tôi học thêm tiếng Anh ở Cung Thiếu nhi và được một cô giáo nước ngoài cho xem bản đồ nước Anh. Khi ấy, tôi đã nghe The Beatles, tôi đã nghe The Beatles từ rất lâu, đến mức tôi không còn nhớ mình đã thuộc "Yesterday" từ bao giờ nữa, họ như một ký ức dành cho cả những kẻ không có một chút ký ức nào. Nhưng ở tuổi đó, tôi nghêu ngao hát nhạc của họ mà không biết là mình say mê họ, tôi cũng không biết họ có bốn người, mà ai là John là Paul là Ringo là George tôi đều không biết, tôi càng không biết họ đến từ Liverpool. Đó đơn giản là một danh từ tiếng Anh xa lạ mà tôi chưa biết cách phát âm, và khi chép nó vào tập, tôi sẽ chỉ đọc thành “Li-ve-r-po-on”. Nhưng tôi vẫn nhớ cách cô giáo đánh một dấu sao vào đó, sát cạnh bờ biển, một hố lõm vào bên trong một dài đất hình chữ V, cô đánh dấu nó bằng ký hiệu trùng với ký hiệu đánh dấu London, “Luân-đôn” thì tôi rất biết, và tôi không hiểu, tại sao “Li-ve-r-po-on” kia quan trọng đến thế, quan trọng đến mức cô để nó ngang với Luân-đôn?

Tôi đã không hỏi. Hoặc có lẽ cô đã giải thích mà tôi đã quên. Đến một lúc nào đó, những ký ức đều nhuyễn vào nhau như món súp đậu. 

Mãi sau tôi mới biết cái chấm đỏ hình sao ấy là quê hương của The Beatles, và cả cách phát âm đúng đắn của nó. Liverpool. Với một số người có thể chỉ là một từ ba âm tiết hay một thành phố cảng; với một số người khác là một ốc đảo bí ẩn rực sáng xuất hiện trong những giấc mơ, như Jung đã mơ. 

4. Strawberry Fields Forever là một ca khúc John viết năm 1967, luôn luôn đi kèm cùng Penny Lane, một sáng tác của Paul cùng thời điểm đó. Chúng đều là những bài hát hay nhất, đột phá nhất của The Beatles, chúng đều nhớ về Liverpool thời thơ ấu, nhưng là những Liverpool khác nhau. Liverpool của John ẩn hiện trong một màn sương huyền ảo tựa một bài thơ bằng âm nhạc của Debussy, Liverpool của Paul là những hoạt cảnh sống động nối tiếp, một “bể sống” ngùn ngụt thực thụ: người thợ cạo với những tấm hình về từng chiếc đầu mà anh đã cạo, một nhân viên ngân hàng không mặc áo mưa dưới cơn mưa tầm tã, một người lính cứu hỏa với chiếc đồng hồ cát cùng tấm ảnh Nữ hoàng, một nữ y tá bán những chú cún con, còn chính cậu bé Paul ngồi ngắm nhìn cuộc sống dưới bầu trời ngoại ô xanh ngắt.

 Một ngày nào đó, khi tôi tới Liverpool, tôi sẽ vừa nghe "Strawberry Fields Forever" và "Penny Lane", vừa ghé thăm ngôi nhà nơi John lớn lên ở số 251 đại lộ Menlove, rồi sẽ qua ngôi nhà của gia đình Paul mà John thường ghé tập đàn guitar ở số 20 đường Forthlin, cả căn nhà liền kề màu đỏ ở số 12 Arnold Grove của cậu bé George “giao thịt lợn”, và cả số 10 Admiral Grove nơi Ringo Starr đã sống thời thơ bé. Tôi sẽ rón rén bước vào nhà thờ Thánh Peter, tưởng tượng lại lần đầu tiên John gặp Paul trong một buổi hội làng, và cuối cùng, sẽ gọi một chai pale ale, chọn một bàn gần sân khấu nhất trong hộp đêm Cavern ở số 10 phố Mathew với tấm biển đỏ màu neon mời gọi, nơi từng không cho chơi nhạc rock ‘n’ roll nhưng John đã bất chấp lời cảnh báo sẽ bị “ăn tươi nuốt sống” để chơi một ca khúc của Elvis Presley. 

Tôi ghi chép những địa chỉ ấy kỹ càng như một nhân vật của Patrick Modiano ghi chép những địa chỉ Paris trong sổ vàng. Nói cho cùng, những con người luôn dịch chuyển, dịch chuyển từ thành phố này đến thành phố khác, dịch chuyển từ trạng thái sống đến trạng thái chết, chỉ những nơi chốn là được đóng ghim, được neo lại, được cố định, chỉ có Liverpool cùng những chốn xưa của họ sẽ mãi được gia cố, chứ có ai gia cố được cuộc đời một con người?

5. Trong số những tấm ảnh về cơn sốt Beatlemania, tôi vẫn thích tấm ảnh ngày ban nhạc trở về Liverpool sau chuyến đi lịch sử tới Mỹ năm 1964. Ở sân bay hôm ấy, hàng ngàn người hâm mộ đã chờ sẵn, chăng tấm băng rôn lớn: “Chào mừng các cậu bé về nhà”. Không điên loạn, không rồ dại, không ngất xỉu, những người hâm mộ ở Liverpool ngọt ngào, bình yên và ấm cúng. 

Cư dân Liverpool đã yêu The Beatles từ rất lâu trước khi thế giới biết đến The Beatles. Họ tự hào về The Beatles, nhưng trong số họ, có những người chưa bao giờ mong The Beatles đi Mỹ. Họ thậm chí mong Beatles đừng bao giờ nổi tiếng, bởi họ không muốn mất The Beatles. Tình yêu với The Beatles đôi khi rất kỳ quặc như thế, nó không giống như  bạn yêu một thần tượng nào đó và muốn họ ngày càng thành công, ngày càng vĩ đại, nó giống như tình yêu với một người thân, một người bạn, một người tình mà ta muốn chỉ dành cho riêng ta.

Cuối cùng thì The Beatles vẫn nổi tiếng. Nhưng Liverpool có bao giờ mất The Beatles không? Nói có cũng được, New York đã cướp đi John, Paul giờ đây không còn phát âm thổ ngữ Scouse, George suốt nhiều năm sau chìm đắm với Ấn Độ; Ringo Starr cũng định cư ở Los Angeles. Nhưng cũng có thể là Liverpool chẳng bao giờ mất đi ban nhạc ấy. The Beatles thuộc về tất cả mọi người nhưng hơn tất cả, họ vẫn thuộc về Liverpool, chỉ Liverpool là “ký ức, giấc mơ, hồi tưởng”, như Ringo đã kể về đời mình trong Liverpool 8: "Liverpool, tôi rời khỏi nàng, nói lời tạm biệt với phố Madryn/Tôi luôn đi theo tiếng gọi con tim, không bao giờ lỡ nhịp/Định mệnh cất tiếng gọi, tôi không quẩn quanh được nữa/Liverpool, tôi rời khỏi nàng, nhưng sẽ không bao giờ làm nàng thất vọng..."

Ringo đeo cặp kính râm, nhún nhảy hát với vẻ tưng tửng trẻ con và giọng ca ngang như cua bò quen thuộc, gọi ban nhạc vĩ đại nhất mọi thời đơn giản là “bốn chàng trai tới từ Liverpool”. 

Với Liverpool, The Beatles mãi mãi chỉ là những cậu bé. Với The Beatles, Liverpool mãi mãi là nhà.

Hiền Trang