Phố đêm Hoàng thành Huế sẽ chính thức mở cửa từ 22.4

- Thứ Ba, 19/04/2022, 17:48 - Chia sẻ
Ngày 20.4 thông tin từ UBND thành phố Huế và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết Phố đêm Hoàng thành Huế sẽ chính thức mở cửa từ tối ngày 22.4.2022 tại Quảng trường Ngọ Môn.
Đại Nội Huế về đêm rất lung linh, đầy quyến rũ

Sau nhiều lần trì hoãn do dịch bệnh, phố đêm đầu tiên nằm trong khu vực di sản UNESCO tại Huế sẽ hoạt động từ 19 đến 23 giờ các ngày thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần, tạo thành một điểm nhấn trong bức tranh du lịch Huế về đêm.

Được biết, phố đêm Hoàng thành Huế sẽ là sản phẩm kết hợp giữa phố đi bộ và các chương trình nghệ thuật, các khu vực trưng bày, kinh doanh các sản phẩm nghề truyền thống và ẩm thực Huế.

Phố đêm Hoàng thành sẽ có ba sân khấu chính, bốn điểm biểu diễn cộng đồng và 27 gian hàng mua bán, trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống cùng với sự tham gia của cộng đồng dân cư.

Không gian dân gian Huế gồm hoạt động trưng bày, thao diễn và mua bán diều, trống, hoa giấy Thanh Tiên, quạt, nón lá, các sản phẩm làm từ sen, không gian ẩm thực Huế gồm chè Huế, bánh Huế, sản vật Huế, trà, dược liệu, hương liệu cùng với các điểm biểu diễn nghệ thuật cộng đồng gồm nhân tượng, âm nhạc đường phố, biểu diễn sáo trúc, bài chòi…

Theo Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật, phố đêm Hoàng thành Huế trước mắt sẽ triển khai phương án thí điểm phố đêm tại đường 23 tháng 8 và đường Lê Huân, là cơ sở tiến đến hình thành tổng thể phố đêm Hoàng thành Huế. Sau này, phố đêm sẽ kết nối với các khu vực khác trong kinh thành như hồ Tịnh Tâm – Học Hải; Lầu Tàng Thơ; khu vực Trấn Bình Đài – Mang Cá nhỏ; sông Ngự Hà và không gian Thượng Thành – Eo Bầu.

Bên cạnh đó, phố đêm sẽ có các không gian chính như không gian Huế xưa gồm các loại hình thủ công truyền thống, mỹ thuật truyền thống, áo dài truyền thống Huế, không gian cung đình gồm hoạt động trưng bày, biểu diễn nghệ thuật, diễn xướng cung đình tại sân khấu Tây Khuyết Đài và sân khấu Ngọ Môn, với các chương trình nghệ thuật “Hoài niệm Huế xưa”, ca Huế, trích đoạn ca kịch Huế “Trần Bồ lấy vợ lẽ”, “Trò trìa” và “Mặt nạ tuồng”, múa rối, múa “Bát tiên hiến thọ”, hò giã gạo, chầu văn, lễ đổi gác…

PV