Chuyên án TN25 và cuộc đấu trí hơn 2.000 ngày:

Chuyên án TN25 và cuộc đấu trí hơn 2.000 ngày

Chủ Nhật, 13/04/2014, 10:23
Đêm đầu mùa hạ ở ATK tĩnh mịch, yên tĩnh. Trong một lán bí mật ở khu rừng thuộc thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), Thứ trưởng Thứ bộ Công an Trần Quốc Hoàn triệu tập cuộc họp khẩn để nghe các trinh sát thuộc Vụ Bảo vệ chính trị báo cáo về vụ bắt giữ 3 nữ gián điệp Chu Thị Lan, Chu Thị Hương và Lê Thị Tân trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sau khi nghe ý kiến của các ban nghiệp vụ, đồng chí Trần Quốc Hoàn chỉ đạo cần xây dựng ngay phương án để đánh lại địch. Chuyên án mang bí số TN25 do Vụ Bảo vệ chính trị, Thứ bộ Công an chủ trì đã ra đời sau cuộc họp khẩn đêm hôm đó…


Bài 2: Nghệ thuật "trò chơi nghiệp vụ

Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tìm đến nhiều “đầu mối” và nhân chứng một thời tham gia Chuyên án TN25 cách đây hơn 60 năm nhưng rất tiếc là hầu hết các nhân chứng trực tiếp đều đã mất hoặc không còn nhớ được nhiều. Nhưng chắp nối lại những tư liệu và từ những câu chuyện kể trước đây của các trinh sát từng tham gia, đặc biệt là qua lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Tổng cục phó Tổng cục An ninh nhân dân, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu địch tình, Thứ bộ Công an thời điểm đó cùng tư liệu khai thác từ Bảo tàng CAND, chúng ta có thể hình dung được cuộc đấu trí căng thẳng kéo dài hơn 2.000 ngày của Chuyên án TN25.

TN25 là viết tắt của 2 từ “Thái Nguyên”, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng cho biết. Tiếng là chuyên án do Vụ Bảo vệ chính trị xác lập nhưng chỉ đạo trực tiếp vẫn là đồng chí Trần Quốc Hoàn. Theo chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ban chuyên án đã cử một trinh sát giỏi của ta lúc đó là Tạ Khắc Diu xâm nhập vùng tạm chiếm để điều tra làm rõ các quan hệ, đầu mối gián điệp Pháp đã cài cắm. Tạ Khắc Diu sinh năm 1920, quê ở Diễn Châu, Nghệ An. Ông nguyên là bí thư chi bộ đầu tiên của xã Diễn Bình, gia nhập lực lượng Công an từ những ngày đầu thành lập. Sau khi hóa trang xâm nhập vùng tạm chiếm, trinh sát Tạ Khắc Diu đã điều tra, xác minh thêm nhiều mối quan hệ liên quan đến 3 nữ điệp viên Chu Thị Lan, Chu Thị Hương, Lê Thị Tân, cũng như âm mưu, thủ đoạn của cơ quan Tình báo Pháp. Ban chuyên án đã cử nữ trinh sát Trần Thị Nhất trực tiếp sinh hoạt và giám sát 3 nữ gián điệp. Bằng tình cảm, trinh sát Trần Thị Nhất đã gần gũi, động viên và cảm hóa được 3 nữ điệp viên hợp tác, lập công chuộc tội.

Máy phát động quay tay nhóm gián điệp TN25 sử dụng dưới sự khống chế của ta. (Ảnh: Bảo tàng CAND).

Theo chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn, để lấy lòng tin của cơ quan Tình báo Pháp và quan thầy Bô-ca, Ban chuyên án thực hiện kế hoạch câu nhử. Biết phía địch đang “khát” thông tin, ta cung cấp nhiều tài liệu giả cho nhóm gián điệp này gửi về cho quan thầy. Tình báo Pháp cũng sử dụng nhiều biện pháp để thử thách độ tin cậy với các điệp viên, nhưng Ban chuyên án đều chỉ đạo điệp viên ngụy trang, tạo vỏ bọc và tình huống hợp lý. Sau khi thua đau sau Chiến dịch biên giới, quân Pháp đang rất “đói” những phi vụ có thể ghi điểm giành thế chủ động trên chiến trường. Ban chuyên án lại yêu cầu nhóm gián điệp chỉ điểm giả mạo nhiều địa điểm đóng quân của đại đoàn chủ lực và kho tàng của ta ở Thái Nguyên và Bắc Giang.

Từ tháng 3 đến tháng 5/1953, Pháp điều nhiều máy bay ném bom vô tội vạ vào các địa điểm được mật báo. Tất nhiên các địa điểm địch ném bom chủ yếu là các khu rừng, khe suối được ta ngụy trang dựng lên vài cái lán trại và công sự giả. Để địch không nghi ngờ, ta lại cho đăng những thông tin giả bị thiệt hại, cho người phao tin đồn về Việt Minh bị thiệt hại nặng.

Để tiếp tục lấy thêm vũ khí, phương tiện phục vụ cho kháng chiến và đánh địch, Ban chuyên án lại yêu cầu nhóm gián điệp “kêu ca” đề nghị gửi thêm lực lượng và cung cấp thêm điện đài để hoạt động. Ngày 27/7/1953, mật thám Pháp đã điều nhân viên truyền tin Lê Thị Ngôn ra vùng tự do để tăng cường cho toán gián điệp Chu Thị Lan. Tuy nhiên, ngay tối 27/7, vừa đặt chân đến vùng Ba Giăng để móc nối với nhóm Chu Thị Lan, Lê Thị Ngôn đã bị lực lượng Công an bắt giữ, sau đó khống chế toàn bộ đường thông tin liên lạc. Cơ quan Tình báo Pháp vẫn hoàn toàn tin tưởng nhóm gián điệp do Chu Thị Lan cầm đầu đang hoạt động có hiệu quả nên tiếp tục thả dù máy truyền tin, phương tiện hoạt động cho nhóm này và bị ta thu giữ toàn bộ. Cũng trong thời gian này, 3 nữ gián điệp cũng giúp lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ tên Nguyễn Kiên (còn gọi là Hưng) là cơ sở gián điệp Pháp đang cài cắm ở vùng tự do.

Từ Chuyên án TN25, lực lượng Công an khai quật kho vũ khí, điện đài gián điệp Pháp chôn giấu tại phố Đội Cấn, Hà Nội. (Ảnh: Bảo tàng CAND)

Chuyên án này thành công ngoài mong đợi - như Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng đúc kết. Qua chuyên án, ta đã tìm hiểu được âm mưu, kế hoạch quân sự của chúng, góp phần quan trọng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ngay cả sau thất bại ở Điện Biên Phủ, tình báo Pháp vẫn không hay biết gì mà tin tưởng tuyệt đối và quyết định tặng thưởng “Huân chương thập tự sắt” cho các nữ điệp viên. Sau năm 1954, trước khi Pháp rút khỏi Hà Nội, chúng lại điều cả 4 tên với 2 bộ vô tuyến điện đài, tiền bạc về Thủ đô, đồng thời bàn giao hàng chục đầu mối gián điệp đã được cài cắm tại Hà Nội. Từ đó, lực lượng Công an đã phát hiện và bóc gỡ nhiều tổ chức gián điệp tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng và Quảng Ninh hoạt động chống phá ta trong thời kỳ khôi phục kinh tế; thu giữ hàng chục tấn vũ khí, phương tiện mà GCMA cất giấu tại các địa phương.

Một trong những thắng lợi của Chuyên án TN25 sau năm 1954 là ta phát hiện, bóc gỡ một tổ chức gián điệp hoạt động tại Quảng Ninh do tên Nguyễn Công Năm cầm đầu. Năm nguyên là công nhân Xí nghiệp gạch Giếng Đáy, được GCMA Pháp tuyển dụng, huấn luyện. Sau này, Năm câu kết, lôi kéo được Nguyễn Đăng Nhiên, Dương Công Chỉnh và Nguyễn Văn Điều. Nhóm gián điệp trực tiếp do quan ba Phòng Nhì Camille Gouvernec chỉ huy đã cài mìn, âm mưu làm nổ phá hoại nhà máy gạch. Tuy nhiên, âm mưu hoạt động của chúng đã bị ta phá ngay từ trong trứng nước. 

Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Tổng cục phó Tổng cục An ninh nhân dân.

Tháng 1/1958, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình cách mạng mới, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (Thứ bộ Công an được đổi thành Bộ Công an tháng 8-1953) chỉ đạo chủ động kết thúc Chuyên án TN25. 6 năm với 2.190 ngày đấu trí căng thẳng giữa một bên là Phòng Nhì - cơ quan Tình báo quốc phòng hải ngoại của Pháp (Deuxième Bureau de l'État-major général, Deuxième Bureau) có lịch sử hoạt động từ năm 1871 với một bên là lực lượng CAND non trẻ ra đời trong bão táp Cách mạng Tháng 8/1945. Trong cuộc đối đầu này, phần thắng đã thuộc về chúng ta. Chiến thuật “dùng người của địch, phương tiện của địch để đánh lại địch” cùng những mưu mẹo trong “trò chơi nghiệp vụ” đã nâng tầm thành nghệ thuật đánh địch, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý trong công tác đấu tranh chống GĐBK Mỹ những năm sau này…

Tháng 1/1958, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa công khai xét xử vụ án gián điệp trong Chuyên án TN25. Tòa đã tuyên phạt Nguyễn Công Năm và Nguyễn Văn Điều 10 năm tù, Dương Công Chỉnh 3 năm tù… Riêng Chu Thị Lan và các thành viên trong nhóm, do đã ăn năn hối cải, lập công chuộc tội nên Tòa án miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, giao cho chính quyền địa phương tạo công ăn việc làm để họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng…

Vũ Mạnh Hà
.
.