Thượng tướng Nguyễn Chơn với “nghề” bảo vệ Tổ quốc

Thứ sáu, 01/01/2016 13:42

(Cadn.com.vn) - Nếu ai coi bảo vệ Tổ quốc là một “nghề” thì đó là Thượng tướng Nguyễn Chơn, quê Đà Nẵng, Anh hùng LLVTND, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, VII, đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu 5.

Ở tuổi 88, căn bệnh huyết áp cao và hen suyễn không cho phép ông ngồi xe lăn được lâu. Vậy mà hôm Bộ Tư lệnh Quân khu 5 vào thăm, ông nói chuyện cả giờ đồng hồ. Mái tóc bạc trắng trên gương mặt hồng hào, vị tướng “thét ra lửa” năm nào giờ trông hiền hậu như một ông tiên. Khi Bộ Tư lệnh thông báo đã cho trồng cây sao gắn tên Thượng tướng tại Khu di tích căn cứ Nước Oa mới được sửa chữa, ông vui lắm, bởi các thế hệ kế thừa đã luôn nhớ đến ông, dành cho ông những tình cảm ấm áp...

 Thượng tướng Nguyễn Chơn với CBCS Sư đoàn 2 (10-2014).

Tuổi già thường sống bằng ký ức. Ngày Pháp tái chiếm Đà Nẵng là ngày ông xin cha cho đi tòng quân. Để chứng minh cho sự khôn cùng của khát vọng, ông chặt đứt ngón chân út! Chia tay gia đình với ngón chân cụt còn rỉ máu, ông được phân công về Tiểu đoàn 19 Quảng Nam. Từ đó, ông bước vào con đường chuyên nghiệp như ông nói: “Nghề bảo vệ Tổ quốc!”. Bản lĩnh của người chỉ huy Nguyễn Chơn đã sớm bộc lộ từ khi còn là cán bộ cấp cơ sở. Các trận đánh của ông luôn diễn ra gọn gàng, ít thương vong. Ông và đơn vị luôn được Tư lệnh Liên khu 5 tuyên dương công trạng. Tập kết ra Bắc, ông may mắn được học trường Sĩ quan Lục quân, nơi tập trung những trí tuệ quân sự tiêu biểu của cả nước. Ông được chọn tham gia duyệt binh và được gặp Bác Hồ. Sau này, trước khi về Nam chiến đấu năm 1959, ông lại được gặp Người. Những giây phút thiêng liêng và lời dặn ân cần của Bác đã theo ông suốt cuộc đời để ông thêm nghị lực cống hiến cho đất nước. Là lớp cán bộ trở về Nam đầu tiên xây dựng cơ sở cách mạng và sau này làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 nổi tiếng với hai lần được phong Anh hùng LLVTND, rồi Tư lệnh Quân đoàn 2, Tư lệnh Quân khu 5 đến Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng -chỉ huy hàng trăm trận đánh Pháp, Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia; đồng đội thường nghĩ, Thượng tướng Nguyễn Chơn sinh ra để mà chiến đấu, để mà tiến công, như những vần thơ họ đã yêu mến viết về ông: “Dùng người như Thần toán. Quyết đoán như Thái sơn. Kỷ cương như sắt thép. Mưu trí thật phi thường. Uy danh trùm bờ cõi. Ngàn thu tỏa ánh dương”.

Hai lần làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 nổi tiếng, hai lần được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND, trong đó Trung đoàn 1 đã 3 lần được tuyên dương Anh hùng, có công lao vô cùng to lớn của ông. Ông từng nói, sở dĩ Sư đoàn 2 thành tích vẻ vang là bởi vì nắm chắc địch, không chủ quan, đặc biệt là biết dùng quân; lúc nào thì 2 kèm 1, lúc nào thì 1 kèm 1, không để chiến sĩ không được huấn luyện, thao tác lóng ngóng khi ra chiến trường. Phải rèn luyện nghiêm ý chí kỷ luật, đây là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi. Ông kể kinh nghiệm một số trận tiêu biểu đánh Mỹ, ngụy mà ông tham gia và chỉ huy, như các trận: Ba Gia, Vạn Tường, Đường 9-Nam Lào, Đắc Tô, Tân Cảnh... Ông nhớ về các Sư đoàn trưởng Lê Hữu Trữ, Dương Bá Lợi, Nguyễn Việt Sơn, Trương Hồng Anh đã hy sinh với bao cảm xúc bồi hồi và niềm thương mến.

Nhiều người không tin khi nghe trong một trận đánh, tướng Nguyễn Chơn có thể lường trước bao nhiêu thương vong của đơn vị. Hỏi  điều này, ông khẳng định, đúng như vậy, chiến đấu nhiều thì ắt tiên liệu được. Lường trước thương vong, một phần để trang bị đủ dụng cụ y tế cứu chữa thương binh kịp thời và chôn cất liệt sĩ chu đáo. Ông kể trong chiến tranh, bộ đội ta có lúc khá đơn giản, như đánh dấu mộ đồng đội, không dùng hòn đá khắc tên mà dùng khúc gỗ. Qua thời gian, mối mọt, mưa gió, khúc gỗ hư hỏng, mộ trở thành vô danh, thật đau xót. Ông hóm hỉnh cho rằng sở dĩ ông sống thọ vì là “người mạng lớn”- súng đạn của địch đã “chừa” ông. Chuyện thoát chết của ông đã được lan truyền như giai thoại.

 Giây phút bình dị của vị tướng từng “thét ra lửa”.

Năm 1972, khi cả Sư đoàn 2 tập trung quân ra khu vực Sê Pôn- Nam Lào để nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức lực, bổ sung quân số, vũ khí, đạn dược đồng thời chuẩn bị đối phó với âm mưu đánh phá hành lang của địch thì Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn và Đoàn cán bộ Sư đoàn hơn 70 người được lệnh vào Tây Nguyên chuẩn bị chiến trường. Máy bay C.130  và B.52 đánh phá dọc đường. Chiếc com-măng-ca của Sư trưởng Nguyễn Chơn bị trúng đạn. Rất nhanh, khi địch bắt đầu bắn thì ông đã ôm cặp bản đồ nhảy khỏi ca-bin, lao xuống cái hố bên đường. Nhớ lần đi kiểm tra trinh sát ở cứ điểm Hà Thành, Quảng Ngãi mấy năm trước, cứ điểm bố trí dày đặc những lớp rào kẽm gai các loại, lại có nhiều lon bơ treo để phát ra tiếng động. Nếu động tác chui rúc không khéo âm thanh sẽ phát vang ra ngay. Vậy mà Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chơn đã bò sát đến tận hàng rào thứ 6. Vừa lúc ánh đèn của địch chiếu tới, ông nhanh chóng nép vào lớp thùng phuy giữa các hàng rào để tránh đạn. Nhiều lần đi chiến đấu, bằng sự phán đoán, nhanh nhẹn và xử trí thông minh, ông đều thoát chết ngoạn mục như thế...

Chiến đấu và trưởng thành ở Sư đoàn 2 và Khu 5 gần suốt cuộc đời binh nghiệp, trưởng thành từ tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng và 2 lần làm sư đoàn trưởng, tiếp đến là Tư lệnh Quân khu 5, nên Thượng tướng Nguyễn Chơn là linh hồn của “sư đoàn thép”. Ông từng mổ vết thương mà không cần dùng thuốc gây tê, bởi ông muốn để dành thuốc đó cho thương binh nặng hơn, việc làm của ông làm bao người thán phục. Kể lại chuyện này, ông giơ cánh tay bị thương: “Vẫn còn một mảnh nằm trong cánh tay này, nhưng hồi đó nếu đi viện thì làm sao đánh giặc. Thôi cứ kệ, lâu ngày thành quen, coi như không có”. Tuổi già hay hoài niệm. Đồng đội làm tặng cuốn phim tư liệu về ông, ngồi xem mà ông rớm lệ. Đó là khi phim nhắc về người vợ hiền của ông đã mất, về Anh hùng LLVTND Trần Thị Lý; đồng bào đã cưu mang ông trong chiến tranh; là các đồng chí lãnh đạo ở Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 đã sát cánh với ông qua những trận đánh, nay không còn nữa; là những cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2, gương mặt trẻ măng, ngời sáng trong buổi lễ ra quân huấn luyện...

Trực tiếp cầm quân đánh Mỹ, khi đánh Pôn Pốt, ông lại cầm quân cho trận cuối cùng đánh cao điểm 547 ở Preah Vihear. Đó là đầu năm 1984, sau khi nhận chức Tư lệnh Quân khu 5, Trung tướng Nguyễn Chơn đã cùng chỉ huy Mặt trận 579 đi thị sát thực địa. Quân khu 5 tập trung lớn lực lượng quyết tâm tiêu diệt căn cứ 547 mở màn cho chiến dịch tiêu diệt toàn bộ tập đoàn quân Pôn Pốt ở vùng biên giới Đông Bắc Campuchia. Lực lượng Quân khu sử dụng bao gồm: Sư đoàn 307, Sư đoàn 2 thiếu (gồm Trung đoàn 1 và Trung đoàn 143 của Sư đoàn 315), một trung đoàn pháo, một trung đoàn cao xạ, một tiểu đoàn xe tăng, một tiểu đoàn xe bọc thép, cùng một số đơn vị kỹ thuật khác do Trung tướng Nguyễn Chơn, Tư lệnh Quân khu trực tiếp chỉ huy.

Ông chỉ đạo bộ phận hậu cần chuẩn bị đầy đủ nước cho bộ đội, cụ thể như tổ chức một đội xe chở nước gồm 30 chiếc, trong đó có 10 xe bọc thép hộ tống chuyển nước đến các trạm tiếp nước của các trung đoàn sát với trận địa để phục vụ bộ đội. Ngoài bình tông cá nhân, bộ phận hậu cần còn mua hàng ngàn chiếc can nhựa, bao ni lông có sức chứa 20-30 lít trang bị cho các tiểu đội, trung đội. Nhờ bảo đảm đầy đủ nước nên cán bộ, chiến sĩ rất yên tâm bước vào trận đánh và kết thúc thắng lợi vào ngày 27-4. Toàn bộ sở chỉ huy căn cứ 547 của địch bị xóa sổ. Nhiều người nói rằng, không dứt điểm cao điểm 547, máu xương chiến sĩ còn đổ. Và Tư lệnh Nguyễn Chơn là người thấy điều đó hơn ai hết...

Vị tướng tài năng, đức độ Nguyễn Chơn đã đi xa. Nhưng ông vẫn sống mãi trong trái tim người lính Quân khu 5 và cả nước.

Hồng Vân