Lý do kế hoạch tái cấu trúc Thủy quân lục chiến Mỹ khiến các cựu tướng lĩnh bất bình

Cam kết quân sự của Mỹ đối với Thái Bình Dương đã được nhấn mạnh trong cuộc họp tại Nhà Trắng giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản. Nhưng sự tập trung vào châu Á này đã gây ra tranh luận trong nội bộ của Thủy quân lục chiến Mỹ.

Chú thích ảnh
Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia cuộc tập trận chung với lực lượng Phòng vệ trên bộ (GSDF) của Nhật Bản ngày 23/3/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo nhà phân tích quốc phòng Jonathan Marcus tại Đại học Exeter (Anh), một loạt các cựu chỉ huy cấp cao của Thủy quân lục chiến Mỹ đang chỉ trích ban lãnh đạo hiện tại về kế hoạch tái cấu trúc lực lượng này.

Trọng tâm của lục đục nội bộ là kế hoạch điều chỉnh lực lượng cho nguy cơ xung đột với Trung Quốc có tên Force Design 2030. Hầu như ngay từ khi bắt đầu, kế hoạch này đã vấp phải chỉ trích từ nhóm các tướng lĩnh đã nghỉ hưu. Họ đã bày tỏ thất vọng trên báo chí. Các sĩ quan cao cấp đã nghỉ hưu thường xuyên nhóm họp, phát biểu tại các hội thảo và viện nghiên cứu, coi Force Design 2030 là thảm họa cho tương lai của Thủy quân lục chiến Mỹ. Trong số các nhà phê bình nổi bật có cựu Bộ trưởng Hải quân Mỹ, cựu Thượng nghị sĩ bang Virginia Jim Webb.

Ông Jim Webb đã viết trên tờ Wall Street Journal, miêu tả Design 2030 là "không được kiểm tra đầy đủ" và "thiếu sót từ bên trong".

Chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ, Tướng David Berger đã đề xuất Force Design 2030 vào năm 2020. Kế hoạch này nhằm trang bị cho Thủy quân lục chiến trước cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thay vì các cuộc chiến chống nổi dậy như tại Iraq và Afghanistan.

Kế hoạch mới hướng đến hoạt động phân tán trên các chuỗi đảo. Các đơn vị sẽ chia nhỏ hơn, trải rộng hơn, nhưng mang lại sức mạnh lớn hơn nhiều thông qua các hệ thống vũ khí mới. Khoảng 3/4 khẩu đội pháo kéo được thay thế bằng các hệ thống tên lửa tầm xa. Bên cạnh đó còn có nội dung cắt giảm lính bộ binh và từ bỏ tất cả xe tăng, “chia tay” với một số loại trực thăng. Chi phí dành cho số vũ khí mới sẽ rơi vào khoảng 15,8 tỷ USD trong khi số vũ khí bị cắt giảm tương đương 18,2 tỷ USD.

Yếu tố định hướng chính của Force Design 2030 là các hoạt động phân tán, chia nhỏ lực lượng lớn thành các đơn vị nhỏ hơn được phân bổ rộng rãi nhưng đảm bảo rằng họ có đủ sức mạnh quân sự để tạo ra khác biệt thực sự.

Chú thích ảnh
Lính thủy đánh bộ Mỹ và binh sĩ Đức tại sân bay Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan năm 2021. Ảnh: Reuters

Một số nhà bình luận lại cho rằng thay đổi là điều cần thiết nếu Thủy quân lục chiến phải đối mặt với những thách thức của chiến trường hiện đại. Tiến sĩ Frank Hoffman tại Đại học Quốc phòng Mỹ, bản thân ông là một cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến, phân tích: “Tôi cho rằng những người chỉ trích đang nhìn ngược về quá khứ vinh quang và không nhìn thấy bức tranh chiến lược về Trung Quốc và công nghệ”.

Mặc dù có quan hệ chặt chẽ với Hải quân Mỹ, nhưng Thủy quân lục chiến là lực lượng riêng biệt đã phát triển mạnh mẽ trong Thế chiến thứ hai và đóng một vai trò nổi bật trong các chiến dịch gần đây ở Iraq và Afghanistan. Cái nhìn của công chúng về Thủy quân lục chiến bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Thế chiến thứ hai.

Đề xuất rút xe tăng của Force Design 2030 đã vấp phải chỉ trích đặc biệt, nhưng ông Hoffman tin rằng đó là hướng đi đúng đắn. Ông lập luận rằng sẽ vẫn còn rất nhiều xe bọc thép, chỉ là không có "xe tăng hạng nặng và hệ thống hỗ trợ tiếp nhiên liệu chúng".

Theo đài BBC (Anh), Force Design 2030 là một chương trình đang phát triển. Đã có những thay đổi và dự kiến sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa.

Hà Linh/ Báo Tin tức (Theo BBC)
NATO tìm cách mở rộng vòng tay bạn bè khi Nga - Trung xích lại gần nhau
NATO tìm cách mở rộng vòng tay bạn bè khi Nga - Trung xích lại gần nhau

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (TTK NATO) Jens Stoltenberg ngày 1/2 cho biết ông đang tìm kiếm sự hợp tác mạnh mẽ hơn và nhiều bạn bè hơn cho NATO ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN