ClockThứ Năm, 09/10/2014 13:12

Một người Huế làm bộ từ điển bách khoa đầu tiên của Việt Nam

TTH - Đó là nhà văn, nhà văn hóa, nhà từ điển học Đào Đăng Vỹ, nổi tiếng ở Huế từ những năm 1940.

Ông sinh ngày 1 tháng 2 năm 1908 tại Huế, có tài liệu nói ông mất ngày 7- 4-1987 tại California - Mỹ. Thuở nhỏ học ở Huế, sau đó học Đại học Y khoa, Luật khoa Hà Nội. Tốt nghiệp, ông trở về Huế làm giáo sư rồi hiệu trưởng Trường Việt Anh, Hồng Đức...

Bộ Việt Nam Bách Khoa Từ Điển có bút tích của Đào Đăng Vỹ

Bộ từ điển được biên soạn dựa theo các chủ đề: lịch sử loài người; lịch sử các dân tộc, các quốc gia, miền tỉnh; địa lý các châu, các nước, các miền, các xứ trên thế giới; các vấn đề về thiên văn học; các vấn đề thuộc về cổ học, địa chất học...; các tôn giáo; các vấn đề văn học; các vấn đề mỹ thuật; khoa học và kỹ thuật; y học, vệ sinh; luật học; những vấn đề thường thức; các quốc gia lớn trên hoàn cầu; các đô thị lớn nhất hoàn cầu; kinh tế hoàn cầu; những điều cần biết về các tỉnh, quận, thị xã của Việt Nam; các nhân vật danh vọng trong lịch sử và hiện đại; các cổ tích; các văn phẩm; các hình ảnh cần ích, các địa đồ quan trọng.

Với kiến thức uyên bác, ông viết rất sung sức và để lại cho đời nhiều công trình, tác phẩm giá trị cả tiếng Việt, tiếng Pháp, bao gồm: Le Culte des Ancêtres (1932), Enquête sur la Jeunesse Vietnamienne (1932 - 1934), Thất thủ Kinh đô (kịch lịch sử 5 hồi - 1945), Thế giới chiến tranh lần thứ ba (1946), Nước Mỹ và nền Hòa bình thế giới (1946), Nước Nga và nền Hòa bình thế giới (1946), Pháp Việt Đại từ điển (1949-52, 1963, 1970), Việt Pháp Đại từ điển (1956, 1963, 1970), Pháp Việt Từ điển Phổ thông (1954-1956, 1960, 1963, 1965, 1967), Pháp Việt Tiểu từ điển (1961, 1963, 1966, 1970), Việt Pháp Tiểu từ điển (1962, 1964, 1966, 1970), Việt Nam Bách khoa từ điển: Cuốn I cuốn II, III... (1959-1963), Thúy Kiều và định mệnh (1966), Nguyễn Trường Tộ và Y đằng Bác Văn (1971), Xã hội Nguyễn Trường Tộ và Xã hội Y đằng Bác Văn (1972), Nguyễn Tri Phương (1974)…

Riêng bộ từ điển có tên “Việt Nam Bách khoa Từ điển”, khổ in 28cm x 22cm, có hình minh hoạ, bản đồ đen trắng và màu, có phụ chú tiếng Hán, tiếng Anh và tiếng Pháp, do Đào Đăng Vỹ biên soạn xuất bản từ những năm 1959-1963, với sự cộng tác của một nhóm văn sĩ, giáo sư, trí thức đủ mọi ngành chuyên môn.

Trong lời tựa, tác giả Đào Đăng Vỹ viết: “Bộ Việt Nam Bách khoa từ điển của chúng tôi không có tham vọng đi sâu vào mọi vấn đề, nhất là những vấn đề hoàn toàn chuyên môn. Chúng tôi chỉ mong người dùng sách này, trong lúc tra cứu một danh từ, có thể có một quan niệm khái quát tối thiểu về mọi vấn đề liên quan đến danh từ ấy: các vấn đề lịch sử, địa lý, cũng như các vấn đề khoa học, toán học, chính trị... Chúng tôi lại muốn trình bày những chỉ dẫn cần thiết về mọi điều thực tế, những điều mà người học thức cũng như người ít học đều có thể cần biết (…), hoặc cần nhớ lại mà khỏi phải tìm lâu lắc trong nhiều sách chuyên khoa hay nhiều tài liệu khó kiếm (như muốn biết Hoà-đa ở đâu, tỉnh An-Giang có bao nhiêu làng, nước Bảo-gia-lợi là gì, thành New York ở đâu...). Cũng có người muốn tìm biết Trạng-Trình là ai, Hồ-Xuân-Hương, Nguyễn-Du là ai..., hoặc Bạch-Cư-Dị, Pasteur, André Gide, Shakespeare, Hemingway, Tolstoï, Maxime Gorki là ai..., Hồn bướm mơ tiên là gì, Bích-câu kỳ-ngộ là gì, Trường-hận-ca là gì, hoặc cũng có người muốn nhớ lại một công thức toán-lý-hoá hay muốn biết nguồn gốc âm nhạc là sao, tên tuổi và hành động của các nhà cách mạng Việt Nam ra sao, văn hoá Ấn-Độ và Trung-Hoa có những gì..., đều có thể chỉ tra tìm trong cuốn sách này cũng đã biết qua, hay để nhớ lại”.

Nhà nghiên cứu Trần Trung Thuần (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) đánh giá, bộ sách là công trình pha trộn giữa 3 thể loại từ điển: từ điển ngữ văn, từ điển đối chiếu, từ điển bách khoa. Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam mang tính chất của loại hình từ điển bách khoa. Ông viết: “Chúng tôi mạnh dạn cho rằng đây chính là bộ từ điển bách khoa đầu tiên của Việt Nam, đồng thời đó cũng chính là giá trị lớn nhất của bộ sách… Công sức bỏ ra của tác giả cùng các cộng sự khi biên soạn bộ sách, trong điều kiện tự trang trải kinh phí, để bộ từ điển này có thể ra mắt được một cách chững chạc như vậy là hết sức lớn và đáng trân trọng. Bộ sách xuất hiện trong thời điểm những năm 60 của thế kỷ 20 đã cho thấy một giá trị hiếm có, nên những hạn chế về mặt này mặt khác có bộc lộ ở bộ sách cũng là điều có thể thông cảm…”

Bối cảnh Việt Nam những năm 1950 phân ly hai miền Nam Bắc, tình hình rất khó khăn, vậy mà Đào Đăng Vỹ vẫn chuyên chú làm cuốn từ điển bách khoa đồ sộ đầu tiên của đất nước, để từ đó có những đóng góp nền tảng to lớn trong lĩnh vực từ điển học và bách khoa thư của nước nhà. 

Hiện tư liệu về các hoạt động của từ điển gia Đào Đăng Vỹ rất ít, chỉ rải rác nơi này nơi kia người ta nhắc đến ông với lòng kính trọng sâu sắc.

Trong lĩnh vực từ điển, ông cũng nhiều khi khuyến khích, động viên đồng nghiệp trong công việc bộn bề gian khó này. Khi viết về cuốn “Từ điển nguồn gốc tiếng Việt” của bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, ông tỏ ra mừng rỡ: “October 1, 1985. Tôi vui mừng vô hạn khi biết công trình khảo cứu về nguồn gốc tiếng Việt của anh sắp thành tựu, thật là một kỳ công. Tôi muốn bày tỏ lòng khâm phục sâu xa của một đàn anh chỉ hơn anh ít tuổi thôi, đó là phúc cho tương lai văn hóa dân tộc vì đúng là một phát minh mới hết sức quan trọng, một “công trình khoa” [travail d’une portée scientifique considérable]”…

 

Võ Sơn Trung
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi mới cho nông thôn từ các mô hình du lịch

Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng để phát triển hiệu quả hơn du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch OCOP. Kinh nghiệm từ mô hình các tỉnh bạn cho thấy, điều cốt lõi là cần có giải pháp thực hiện, phối hợp đồng bộ để cùng lúc tạo được hiệu quả cả về mặt kinh tế, tạo sinh kế cho người dân bền vững hơn cũng như nâng tầm giá trị, quảng bá và lan tỏa hiệu quả về văn hóa.

Đổi mới cho nông thôn từ các mô hình du lịch
Sôi động du lịch biển khu vực phía bắc

Thu hút lượng khách tăng gấp 5 - 6 lần năm ngoái, nhiều bãi biển từ xã Hải Dương (TP. Huế) trở ra xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) đang trở nên sôi động. Tiềm năng du lịch biển nơi đây được đánh giá sẽ còn phát triển hơn nhờ những “điểm cộng” làm hài lòng du khách.

Sôi động du lịch biển khu vực phía bắc
Giải bài toán tăng thời gian lưu trú khách du lịch

Mặc dù du lịch Huế đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 với lượng khách trong nước và quốc tế cùng doanh thu từ du lịch đều tăng, nhưng trăn trở khách lưu trú thấp khi đến Huế vẫn còn là nỗi lo. Làm sao để thu hút và “giữ chân” khách ở lại Huế là bài toán đặt ra trước mắt.

Giải bài toán tăng thời gian lưu trú khách du lịch
Return to top