Gò Đống Đa, nơi ghi dấu chiến công hào hùng của dân tộc

08:57, 10/03/2019

Gò Đống Đa, nay còn được gọi là Công viên Văn hóa Đống Đa nằm ngay giữa trung tâm của quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đây là một khu di tích lịch sử có giá trị nổi bật với điểm đặc biệt không phải là chùa, đình hay miếu mà chỉ là một cái gò nổi lên giữa khu dân cư đông đúc sinh sống.

Gò Đống Đa nằm trên phố Tây Sơn, tên phố được đặt theo tên nghĩa quân Tây Sơn, thuộc phường Quang Trung, Hà Nội. Xưa, nơi đây thuộc đất của làng Khương Thượng, thuộc huyện Quảng Đức, phủ Thuận Thiên. Cả khu vực gò Đống Đa này là một khu chiến trường, nơi diễn ra trận đánh thần tốc của vị vua áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Đây cũng được xem dấu tích một thời oanh liệt của dân tộc trong trận chiến chống quân Thanh xâm lược. Di tích này mãi là minh chứng cho truyền thống của dân ta trong cuộc chiến đấu tranh giữ nước, một di tích có giá trị cao trong lòng Thủ đô Hà Nội.

Rạng sáng ngày mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (tức ngày 30/1/1789), lợi dụng sự chủ quan của quân giặc, vua Quang Trung đã xuất quân tiến thẳng về Thăng Long để giải phóng kinh thành khỏi sự xâm lược của quân Thanh. Một mũi quân của vua Quang Trung do đô đốc Đặng Tiến Đông trực tiếp chỉ huy đã tạo ra trận “Rồng lửa” với hàng ngàn vạn bó rơm tẩm dầu của nhân dân vùng Khương Thượng hưởng ứng. Trận đánh diệt tan quân Thanh đóng tại đồn Khương Thượng mở đường cho đại quân Tây Sơn từ Ngọc Hồi thừa thắng xông lên tiến vào giải phóng Thăng Long giữa mùa hoa đào nở. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ở cây đa núi Ốc (nay gần Chùa Bộc).

Sau chiến thắng như vũ bão của nghĩa quân Tây Sơn, giải phóng được kinh thành Thăng Long, trên đường phố xác giặc chết ngổn ngang khắp nơi. Vua Quang Trung cho thu nhặt lại xác và xếp thành 12 đống, đắp cao lên thành gò gọi là “kình nghê quán” (gò chôn xác giặc dữ như cá kình, cá nghê ngoài biển) nhằm biểu dương chiến công của quân dân ta và cảnh báo với bọn xâm lược cướp nước. 12 gò này nằm rải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng, ở trong khu vực từng có tên là “xứ Đống Đa”. Trên gò các cây đa mọc lên um tùm và tạo thành cái tên gò Đống Đa. Năm 1851, do mở đường, mở chợ, đào xới nhiều nơi, thấy có khá nhiều hài cốt giặc, lại cho thu vào một hố cao lên nối liền với núi Xưa, thành gò thứ 13 tức là gò còn lại đến bây giờ. 12 gò cũ nằm rải rác đã bị san bằng năm 1890 khi Pháp mở rộng Hà Nội và bị chiếm đất để lập ấp Thái Hà.

Nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, năm 1989, công viên văn hóa Đống Đa được thành lập trên cơ sở khu vực gò Đống Đa và cụm di tích. Đây là công trình kiến trúc mang tính lịch sử văn hóa nhằm ghi nhớ công ơn của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Công trình được chia làm 2 khu vực, gồm khu vực tượng đài cùng phù điêu miêu tả trận đánh, khu nhà trưng bày và khu vực gò trông ra phố mang tên Đặng Tiến Đông – người chỉ huy trận đánh đồn Khương Thượng và đóng vai trò quan trọng, cánh tay đắc lực cho vua Quang Trung trong trận chiến đánh quân Thanh xâm lược…

Từ sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ. Hằng năm, đến ngày mùng 5 Tết Âm lịch, người dân Hà Nội đều nô nức dự Hội Gò Đống Đa, làm lễ dâng hương tưởng nhớ lại những chiến công của vị anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và lễ hội đó trở thành một nét du Xuân không thể thiếu của người Hà Nội. Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện rõ tinh thần thượng võ.

Gò Đống Đa được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1962. Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Gò Đống Đa là một trong 11 di tích quốc gia đặc biệt năm 2018.