Bánh phu thê - triết lý âm dương của dân tộc

16:35, 28/03/2011

Bánh phu thê không chỉ là một trong những loại bánh truyền thống của Việt Nam mà còn hàm chứa trong đó triết lí âm dương của cả dân tộc. Từ một đặc sản của vùng quê Đình Bảng - Bắc Ninh, bánh phu thê nhanh chóng nổi tiếng gần xa và ngày nay đã trở thành một loại bánh được ưa chuộng trong các dịp lễ tết, cưới hỏi.

 

Chuyện kể rằng khi vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng đã đặt tên bánh là bánh phu thê (sau này còn có tên gọi là bánh xu xuê). Kể từ đó làng Đình Bảng có thêm nghề làm bánh.

 

Ngay từ cái tên phu thê theo tiếng Hán có nghĩa là “vợ chồng”. Bánh phu thê có hai phần tượng trưng cho âm và dương. Phần nhân bánh hình tròn nằm trong vỏ bánh với khuôn hình vuông, như biểu tượng cho vuông tròn của triết lý âm dương thể hiện sự ôm ấp che trở của tình phu thê. Triết lí ngũ hành cũng được thể hiện một cách tinh tế qua năm màu của bánh, đó là màu trắng của bọt lọc và cùi dừa, màu vàng của dành dành và nhân đỗ, màu đen của hạt vừng, màu xanh của lá và màu đỏ của lạt buộc.

 

Bánh phu thê được tạo nên bởi sự pha trộn tổng hợp giữa những nguyên liệu truyền thống hết sức quen thuộc đối với mỗi người dân Việt ta như: gạo nếp cái hoa vàng, quả dành dành, hạt vừng, hạt sen, đu đủ…Những thứ tưởng chừng như dung dị, nhưng khi qua bàn tay khéo léo của người thợ, chúng trở thành những sản vật mang hương vị rất riêng và chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

 

Tuy nhiên nếu làm được một cặp bánh phu thê ưng ý, người làm bánh phải trải qua nhiều công đoạn mà ở bất cứ công đoạn nào cũng cần có sự cẩn thận và tỉ mỉ. Gạo làm bánh phải là nếp cái hoa vàng, đem say và ngâm qua đêm rồi chắt lấy nước, lọc qua túi thấu, bỏ bã và lấy tinh bột nếp. Mang tinh bột thái nhỏ rồi phơi khô để làm dần.

 

Một điều khá quan trọng là khi làm bột phải được làm vào mùa hanh khô (ngày nắng, đêm lạnh), bột sẽ thơm ngon, không bị chua và không bị chảy bánh. Đem bột hòa vào nước có ngâm quả dành dành cho có màu, nhào kỹ với đu đủ nạo nhỏ và đường kính sao cho thật dẻo, thật mịn. Nhân bánh đỗ xanh ngâm kĩ, đãi vỏ, sau đó hấp chín, nghiền mịn, thắng với đường và trộn lẫn với dừa đã nạo nhỏ. Điều lưu ý là khi gói bánh phải quết dầu ăn vào lá chuối để khi bóc không bị dính. Gói một lớp lá chuối bên trong và lướp lá dong bên ngoài rồi đem vào hấp khoảng 30- 40phút, thấy bánh phồng căng là chín.

 

Bánh phu thê được gói trong những tấm lá dong giản dị, không màu sắc sặc sỡ, không cầu kỳ trong kiểu dáng nhưng khi bóc bánh đặt trên đĩa sứ màu trắng thì người thưởng thức sẽ không khỏi ngỡ ngàng. Những hạt vừng đen như những chấm nhỏ lấm tấm dưới lớp vỏ bánh sắc vàng trong suốt, nhân bánh thơm ngon hình tròn nằm trong vỏ bánh bẻ khuôn hình vuông bằng lá dừa như biểu hiện cho sự vuông tròn của triết lý âm dương.

 

Điều này còn thể hiện trong hình thức của hộp bánh làm bằng lá dừa có hai phần: phần hộp trong, còn gọi là hộp âm - nhỏ, thấp dùng để đựng bánh và phần hộp ngoài, hay còn gọi là hộp dương, lớn hơn một chút úp lên trên hộp âm, làm nắp. Ngoài ra, triết lý âm dương còn được thể hiện khá rõ trong cách làm bánh.

 

Để tạo ra một chiếc bánh phu thê, người ta dàn mỏng bột lên khuôn, đặt nhân vào một đầu rồi đắp phần bột còn lại lên nhân như thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình nghĩa phu thê. Không những vậy, bánh phu thê còn bao hàm trong nó triết lí ngũ hành một cách tinh tế qua năm màu của bánh: màu trắng của bột lọc và cơm dừa, màu vàng của dành dành dùng làm màu cho vỏ bánh và nhân đỗ xanh xay nhuyễn, màu đen của hạt vừng, màu xanh của lá và màu đỏ của lạt buộc.

 

Giữa không khí tươi vui hân hoan trong ngày cưới, mùi vị ngọt ngào, thơm ngon của bánh và ý nghĩa “vuông tròn” như trời đất giao hòa, trăm năm mãi mãi vững bền luôn là quà tặng đầy ý nghĩa mà bánh phu thê mang đến cho tân nương, tân lang vào ngày vui quan trọng nhất của một đời người...