Chuyện ít biết về sự kiện Hoàng Sa năm 1974 - Kỳ cuối: Không từ bỏ chủ quyền

LƯU ANH RÔ 21/01/2014 09:10

“Chừng nào còn một hòn đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực, thì chừng ấy chính phủ và nhân dân Việt Nam còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình”.

  • Chuyện ít biết về sự kiện Hoàng Sa năm 1974 - Kỳ 1: Ngư phủ và cờ lạ trên Hoàng Sa
  • Chuyện ít biết về sự kiện Hoàng Sa năm 1974 - Kỳ 2: Âm mưu từ một cuộc "tiểu chiến tranh"
  • Quảng Nam với Hoàng Sa
  • Trưng bày tư liệu, bằng chứng lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa
Xuống đường phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa tại Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Xuống đường phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa tại Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Nhân dân trong nước phản đối

Ngay sau khi Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa, nhân dân khắp miền Nam sục sôi xuống đường, phản đối hành động xâm chiếm này. Người dân đồng loạt tự nguyện tổ chức mít tinh, đưa thư, kiến nghị lên Liên hiệp quốc.

Tại Đà Nẵng, hàng chục nghìn người biểu tình phản đối Trung Quốc và ra tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi, Hội đồng thị xã Đà Nẵng, các đoàn thể chính trị, nghiệp đoàn, hiệp hội, thanh niên, học sinh đại diện cho gần 500.000 dân chúng thị xã Đà Nẵng, phản đối hành động mạo nhận chủ quyền và xua quân trắng trợn cưỡng đoạt quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ VNCH trong những ngày 19 và 20.1.1974 của Trung Cộng. Đây là hành động đe dọa trầm trọng nền hòa bình tại Đông Nam Á và cả thế giới”. Tại tỉnh Quảng Tín (nay là Quảng Nam), một báo cáo được gửi về Sài Gòn cho hay: “Hôm nay là ngày 27.1.1974 vào lúc 10 giờ, tại Hội trường Hòa Bình, thị xã Tam Kỳ, chúng tôi, toàn thể nghị viên Hội đồng tỉnh cùng đại diện các tôn giáo, đoàn thể, hiệp hội, thân hào nhân sĩ tỉnh Quảng Tín đã cùng nhau hội họp để kiểm điểm hiện tình đất nước sau biến cố quân sự trên quần đảo Hoàng Sa ngày 19 và 20.1.1974 và cực lực phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc”.

Ở Biên Hòa, nhân dân tổ chức mít tinh tại công trường Sông Phố vào ngày 29.1.1974, để lên án Trung Quốc trắng trợn chà đạp lên Hiến chương Liên hiệp quốc, bằng hành động xâm lăng vào lãnh thổ VNCH tại Hoàng Sa. Tại An Giang, bản kiến nghị của nhân dân có đoạn: “Chúng tôi - 15.000 người gồm đại diện Hội đồng dân cử địa phương, đoàn thể chính trị và tôn giáo, đảng phái, hiệp hội, thân hào nhân sĩ, quân nhân, công chức, cán bộ, sinh viên, học sinh thuộc tỉnh An Giang tham dự mít tinh tại Công trường Trưng Vương, tỉnh lỵ vào lúc 9 giờ ngày 7.2.1974, để phản đối và lên án Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã công khai xâm lăng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”...

Bài học về ý thức chủ quyền

Theo chúng tôi, có một bài học lớn về trách nhiệm của VNCH trong việc để mất Hoàng Sa vào năm 1974 mà đến nay vẫn còn tính thời sự đó là: không được để đất nước rơi vào tình trạng bất ổn; cần hết sức cảnh giác sự thỏa hiệp ngấm ngầm giữa các cường quốc. Dù sao, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ vẫn còn diễn ra hết sức gay go, phức tạp, nhất là khi Hoàng Sa vẫn còn do Trung Quốc chiếm đóng. Cho nên, bài học lịch sử về nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia; đẩy mạnh phát triển kinh tế kết hợp với bảo đảm an ninh - quốc phòng trên biển; giáo dục, nâng cao hiểu biết về chủ quyền quốc gia… vẫn luôn tươi mới. Bởi, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia là lâu dài, muôn đời, toàn diện, bao gồm tất cả các biện pháp chính trị, kinh tế, pháp lý, đối ngoại và trên thực địa, cần xử lý tỉnh táo, khéo léo những tình huống mới nảy sinh trong vấn đề tranh chấp biển đảo hiện nay. Nhất là, phải làm sao để mọi thế hệ công dân Việt Nam đều nhớ nằm lòng rằng “Hoàng Sa là của Việt Nam”.

Ngay tại Sài Gòn, Đại hội đồng Tối cao Pháp viện của VNCH nhóm họp lúc 9 giờ sáng 29.1.1974 ở Dinh Gia Long đã cứu xét trường hợp Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa. Sau khi nghiên cứu các tài liệu lịch sử và hành chính liên hệ đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vào hồi 11 giờ 30, Đại hội đồng Tối cao Pháp Viện ra Tuyên cáo lên án Trung Quốc xâm lăng đảo Hoàng Sa, văn bản này có đoạn: “Xét vì, theo các tài liệu lịch sử và hành chính, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc lãnh thổ Việt Nam và được quốc gia Việt Nam cai trị liên tục từ hơn 100 năm nay. Xét vì, do đó quốc gia Việt Nam có chủ quyền trên hai quần đảo nói trên theo Quốc tế công pháp; Đại hội đồng Tối cao Pháp Viện long trọng tuyên cáo: Xác nhận chủ quyền của quốc gia Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cực lực tố cáo trước dư luận quốc tế hành vi xâm lăng của Trung Cộng vi phạm trầm trọng chủ quyền lãnh thổ của VNCH. Khẩn thiết kêu gọi các đoàn thể luật gia trên thế giới, tích cực trợ giúp VNCH trong việc tái lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa”…

Dư luận thế giới lên án

Dư luận thế giới lúc đó cũng cực lực phản đối việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa. Ngày 27.1.1974, tờ Sự Thật (Pravda), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Xô Viết cho rằng: “Hành động quân sự của Trung Cộng tại Hoàng Sa như một chủ trương bành trướng lãnh thổ và là một mối đe dọa cho các quốc gia Á châu, việc sử dụng vũ khí để giải quyết tranh chấp đất đai không thể nào tha thứ được”. Tờ này bình luận thêm: “Người ta có thể tin chắc rằng Mao chủ tâm rắc mầm móng xáo trộn trong đời sống quốc tế, với thâm ý phá hỏng chính sách hòa hoãn và che đậy cảnh tranh quyền và khó khăn ngày càng tăng trong nội bộ Trung Quốc”.

Hàng trăm nước có quan hệ ngoại giao với VNCH cũng đã có công hàm, điện, thư tỏ thái độ phản đối Trung Quốc và ủng hộ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Thư của Tổng thống Hy Lạp phúc đáp vụ Hoàng Sa, có đoạn: “Hy Lạp là một quốc gia rất mực tha thiết với những nguyên tắc của Liên hiệp quốc nên đương nhiên ủng hộ quan điểm rằng, những vụ tranh chấp giữa các quốc gia nên được giải quyết bằng những phương cách hòa bình. Hy Lạp chống lại bất cứ việc sử dụng võ lực hoặc đe dọa dùng võ lực nào như là một phương cách giải quyết những tranh chấp hoặc tình trạng quốc tế khả dĩ phương hại đến hòa bình, như trường hợp những vụ việc xảy ra cuối tháng giêng vừa qua, tại quần đảo Hoàng Sa”. Văn thư đề ngày 16.4.1974 của Tổng thống Cộng hòa Equateur phúc đáp Tổng thống Thiệu về vụ Hoàng Sa, có đoạn: “Tôi xin mạn phép trình bày cùng Ngài là chính sách của Ecuador (Cộng hòa Equateur) xem việc giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp như là một quy tắc căn bản, do đó bác khước sự thủ đắc đất đai bằng võ lực, bằng đe dọa hay bằng cách sử dụng sức mạnh cùng mọi biện pháp cưỡng hành trong bang giao quốc tế. Vì vậy chúng tôi lên án mọi thái độ bất cứ từ đâu đến, mà không phù hợp với những nguyên tắc chuẩn đích của luật pháp quốc tế”.

Chỉ mất đảo khi từ bỏ tranh đấu

Vụ Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa đã làm dấy lên tinh thần dân tộc với nhiều sắc độ khác nhau, đối với người Việt Nam ở trong nước và khắp thế giới. Nhắc đến chủ quyền của Việt Nam, ta hay nhắc đến tuyên bố của ông Trần Văn Hữu. Mới đây, tôi được tiếp cận một mật thư của Tổng trưởng Dân vận - Chiêu hồi gửi Tổng thống Thiệu, đề ngày 22.3.1974, cho biết: Văn phòng thông tin của chính quyền Sài Gòn tại Paris, đã có cuộc phỏng vấn cựu Thủ tướng Trần Văn Hữu phát biểu về vấn đề Hoàng Sa, tại tư thất của ông, ngay sau khi Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm. Ông Hữu nói: “Được tin quân đội Trung Hoa đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, tôi vừa ngạc nhiên và vừa bi ai. Ngạc nhiên là vì việc bất ngờ, bi ai vì cuộc đổ máu rất tiếc giữa hai quân đội. Bất ngờ vì chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa đã được tôi công khai tuyên bố nơi Hội nghị Hòa bình với Nhật năm 1951, vào tháng 9 dương lịch tại San Francisco. Lúc ấy, là lần đầu tiên Việt Nam vào hàng 50 cường quốc có quyền định đoạt vấn đề quốc tế. Trong một bài diễn văn đọc ngày bế mạc hội nghị, tôi long trọng tuyên bố xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên cả Trường Sa và Hoàng Sa. Năm mươi phái đoàn cường quốc im lặng nghe lời tuyên bố của Phái đoàn Việt Nam, tức là họ hoàn toàn công nhận, không gặp một quốc gia nào phản đối”.

Chúng tôi cũng vừa có được một tài liệu quý của ông Moshine Mohamedhay, một công dân Ấn kiều sinh trưởng tại Đà Nẵng, là cựu công chức của Pháp theo ngạch Gardeidochinoise phục vụ tại Hoàng Sa từ ngày 18.5.1939 đến 13.3.1942 đã cung cấp nhiều nghị định, quyết định, phúc trình về Hoàng Sa mà chính phủ thuộc địa tại Đông Dương và Đà Nẵng đã trao đổi qua lại với ông. Đặc biệt là bức tâm thư của ông Deloge (72 tuổi), cựu Thị trưởng Đà Nẵng (1938-1939), đề ngày 1.2.1974, với lời tuyên bố mạnh mẽ: “Tôi sẵn sàng làm nhân chứng cho việc tranh tụng chủ quyền của Việt Nam trước tòa án Quốc tế đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Ngay sau sự kiện Hoàng Sa, nhiều báo chí, hãng thông tấn đã tìm gặp và đăng tin về những người từng công tác trên đảo. Hãng AFP của Pháp đã bình luận: “VNCH vẫn chưa mất đảo Hoàng Sa và chỉ mất khi nào chịu từ bỏ tranh đấu về chủ quyền của quần đảo này”. Điều đó, hoàn toàn đúng với Tuyên cáo ngày 14.2.1974 của VNCH, rằng: “Chừng nào còn một hòn đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực, thì chừng ấy chính phủ và nhân dân Việt Nam còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình”.

LƯU ANH RÔ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện ít biết về sự kiện Hoàng Sa năm 1974 - Kỳ cuối: Không từ bỏ chủ quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO