Thứ Sáu, 03/05/2024 19:41 CH
Danh tướng mưu lược và nhân văn Trần Văn Trà
Thứ Ba, 24/09/2019 12:22 CH

Thượng tướng Trần Văn Trà, một trong những danh tướng hàng đầu thế kỷ XX, nguyên Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, đóng góp nhiều công lao to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ông còn là vị tướng có tâm hồn nghệ sĩ, say mê nhiếp ảnh và nghiên cứu lịch sử chiến tranh giữ nước.

 

Tôi vốn yêu lịch sử và thích đọc sách viết về những danh tướng cùng chiến công của họ. Từ nhỏ khi được nghe người lớn trò chuyện nhắc đến tên những chiến tướng như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, Hoàng Văn Thái, Trần Đại Nghĩa, Trần Nam Trung, Tô Ký, Đồng Văn Cống, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Minh Châu… tôi thích thú vô cùng. Tuy nhiên bấy giờ sách vở ít viết về những con người cụ thể, các vị tướng thì càng ít được nhắc tới hơn. Điều đó càng gây cho tôi sự tò mò muốn tìm hiểu kỹ về họ.

 

Tốt nghiệp đại học, đi làm báo, các vị chiến tướng là những nhân vật mà ngòi bút của tôi hướng đến đầu tiên. Biết bao câu hỏi về họ luôn ấp ủ trong tôi. Chẳng hạn, các danh tướng có gì khác với người lính, người dân bình thường? Cuộc sống trên chiến trường và trong đời thường của họ có gì đặc biệt? Làm sao để trở thành một vị tướng được mọi người thực sự kính trọng?

 

Và khi có cơ hội tôi liền thực hiện mong ước của mình. Tất nhiên, ở miền Nam và TP Hồ Chí Minh, vị tướng mà ai cũng mong muốn được gặp là Thượng tướng Trần Văn Trà. Không chỉ có tài thao lược trên chiến trường, ứng xử thông minh khéo léo trên bàn đàm phán ngoại giao, ngay cả đối phương cũng phải nể trọng, mà danh tướng Trần Văn Trà còn “sống” trong lòng nhân dân, đồng đội với nhiều huyền thoại về đức độ, nhân cách, nghĩa tình sâu nặng…

 

 

Thượng tướng Trần Văn Trà (1919-1996). Ảnh: TL

Người con của miền Trung

 

Giống như Bình Tây đại nguyên soái Trương Định năm xưa quê Quảng Ngãi nhưng sự nghiệp hiển hách chống giặc ngoại xâm gắn liền với Nam Bộ, Thượng tướng Trần Văn Trà cũng có hành trình cuộc đời và sự nghiệp tương tự bậc tiền bối. Và nếu anh hùng Trương Định từng lập căn cứ Đám Lá Tối Trời ở Gò Công để đặt đại bản doanh kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất, thì gần 85 năm sau Trần Văn Trà đã về Đồng Tháp Mười xây dựng căn cứ địa, chỉ huy bộ đội lập nhiều chiến công vang dội trong chín năm chống Pháp xâm lược lần thứ hai.

 

Cùng với Chiến khu Đ, Chiến khu Đồng Tháp Mười trở thành một trong những biểu tượng tinh thần bất khuất của Nam Bộ, lưu giữ nhiều dấu tích của Khu trưởng Trần Văn Trà. Ông đã tổ chức xây dựng ở đây đơn vị bộ đội chủ lực đầu tiên cấp tiểu đoàn là Tiểu đoàn 307, tiến hành nhiều trận đánh tập trung gây tiếng vang như Giồng Dứa, Mộc Hóa… Nhiều văn nghệ sĩ cũng hội tụ về đây để sáng tác, phục vụ kháng chiến mà sau này trở thành những tên tuổi nổi tiếng.

 

Nhờ sự chuyển biến của chiến trường Khu 8 và Nam Bộ mà Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh đề nghị cử phái đoàn ra Việt Bắc báo cáo tình hình do Trần Văn Trà làm trưởng đoàn. Sau gần nửa năm hành quân vượt qua muôn vàn gian nan, cuối cùng ông đã đưa được đoàn đại biểu quân dân chính Nam Bộ tới Trung ương. Chuyến đi này ông cùng đoàn đã đi qua vùng tự do Phú Yên và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền, nhân dân trước khi lên tàu lửa ra Bắc.

 

Những ngày ở Việt Bắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và các nhà lãnh đạo cơ quan Trung ương đã đem lại cho Trần Văn Trà sự vững tin hơn ở tương lai, dù cuộc chiến đấu trường kỳ phía trước đầy cam go thử thách. Đặc biệt trước khi trở về Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cho mở tiệc tiễn đoàn và đích thân trao cho vị tư lệnh chiến trường một thanh gươm báu...

 

Cuối năm 1951, Trung tướng Tư lệnh Nam Bộ Nguyễn Bình trên đường ra Bắc đã bị hy sinh ở Campuchia. Tình hình chiến trường thay đổi, Nam Bộ chia làm hai phân liên khu: miền Đông gồm các tỉnh tả ngạn và miền Tây gồm các tỉnh hữu ngạn sông Tiền. Trần Văn Trà được cử làm Phó Tư lệnh Nam Bộ kiêm Tư lệnh Phân liên khu miền Đông, còn Phạm Hùng làm chính ủy. Ông tiếp tục chỉ huy các lực lượng vũ trang chiến đấu trên địa bàn trọng điểm rộng lớn của Nam Bộ trong thời kỳ khó khăn ác liệt cuối cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp.

 

Tầm nhìn chiến lược và tinh thần nhân văn

 

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, Trần Văn Trà ra Bắc được cử làm Phó tổng tham mưu trưởng, kiêm Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Quân huấn, Giám đốc Học viện Quân chính và Chánh án Tòa án quân sự Trung ương. Ngày 31/8/1959, theo Sắc lệnh 036/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Văn Trà được phong thẳng quân hàm trung tướng, cùng lúc với các ông Nguyễn Văn Vịnh, Hoàng Văn Thái, Song Hào.

 

Từ năm 1959, Trần Văn Trà cùng Nguyễn Văn Vịnh đề xuất và tổ chức lựa chọn, huấn luyện đưa lực lượng cán bộ tập kết từ miền Bắc trở về miền Nam chiến đấu. Cùng thời gian làm đường 559 trên Trường Sơn, ông cũng cho tổ chức vận tải đường biển cho Khu 5 lấy tên đường 759, chuyển nhiều vũ khí và quân trang cho chiến trường, trong đó có Phú Yên.

 

Năm 1963, theo yêu cầu của chiến trường, tướng Trần Văn Trà được cử vào làm Phó Bí thư Quân ủy, Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam. Vào lại chiến trường, ông đề xuất và thực thi việc xây dựng các đơn vị chủ lực tập trung để tiến hành những trận đánh lớn, tiêu hao sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng. Ông cũng trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy hầu hết các chiến dịch ở Mặt trận B2.

 

Với tầm nhìn chiến lược, Tư lệnh Trần Văn Trà đã cho xây dựng và bố trí 16 trung đoàn đặc công “lót ổ” vùng ven Sài Gòn, một lực lượng quan trọng chờ thời cơ tổng công kích và bảo vệ thành phố khi giải phóng. Ông cũng đã kiên trì thuyết phục những nhà lãnh đạo cao cấp ở Hà Nội chấp nhận kế hoạch Chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài mà mình cùng Trung ương Cục - Bộ Tư lệnh Miền đề ra cuối năm 1974, trở thành đòn trinh sát chiến lược then chốt để Bộ Thống soái tối cao đưa ra quyết sách kịp thời giải phóng miền Nam.

 

Bản lĩnh Trần Văn Trà còn thể hiện khi tin tức TX Phước Long bị đối phương chiếm lại đưa đến giữa cuộc họp Bộ Chính trị Trung ương Đảng mở rộng. Vị tư lệnh chiến trường vẫn cho rằng điều đó không đúng và sự thật cuối cùng không khác tiên đoán của ông. Tầm nhìn của ông còn thể hiện ở việc chuẩn bị chu đáo cho chiến trường, sớm tổ chức xây dựng cánh quân chủ lực Đoàn 232 và lực lượng vũ trang Quân khu 8 ở phía tây nam, tạo thế hợp vây cùng các cánh quân khác làm thành 5 mũi tiến vào phối hợp với lực lượng nổi dậy tại chỗ giải phóng Sài Gòn - Gia Định vào mùa xuân 1975.

 

Ngày 8/4/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập, do đại tướng Văn Tiến Dũng làm tư lệnh, Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng làm chính ủy, còn thượng tướng Trần Văn Trà làm phó tư lệnh thường trực. Trong trận quyết chiến cuối cùng mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc, khi quân giải phóng gặp nhiều khó khăn tổn thất trước sự phản kích ác liệt bằng pháo binh và không quân hủy diệt của đối phương, tướng Trần Văn Trà đã đích thân vượt sông Đồng Nai đến tận Sở Chỉ huy Quân đoàn 4 bên bờ sông La Ngà, trực tiếp gỡ rối cho mặt trận, bàn bạc xoay chuyển tình thế. Ông đề xuất phương án không đánh trực diện, mà chỉ để lại một đơn vị vừa đủ sức kiềm chế địch ở Xuân Lộc, còn lại phân bổ lực lượng đánh Dầu Giây và các cứ điểm khác nhằm phong tỏa, chia cắt cứ điểm Xuân Lộc khỏi hậu phương Biên Hòa, Bà Rịa, Vũng Tàu, từ đó Xuân Lộc sẽ bị vô hiệu hóa và nhanh chóng tan rã…

 

Sài Gòn giải phóng. Thượng tướng Trần Văn Trà nhận nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, ông lập tức cho tuyên bố thả tất cả những nhân vật chủ chốt của chính quyền Sài Gòn đang bị bộ đội giam giữ. Chủ tịch Trần Văn Trà cũng trực tiếp gặp gỡ trò chuyện với Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ông nhấn mạnh việc xếp lại quá khứ, hướng tới tương lai và khẳng định thắng lợi vừa qua là của toàn dân tộc mà mỗi người Việt Nam đều có quyền tự hào…

 

Trần Văn Trà không quên ai đã cùng mình trải qua những ngày gian khổ. Ông là vị tướng trân trọng từng giọt máu của chiến sĩ trên chiến trường và chăm lo cho những đồng đội, đồng bào còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hòa bình. Sau khi về hưu, ông còn được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh. Ngoài việc nghiên cứu lịch sử chiến tranh, viết sách ông dành nhiều thời gian thăm lại chiến trường xưa, thăm những người lính thuộc quyền và người dân đã từng gắn bó, che chở mình thời vào sinh ra tử và tìm cách giúp đỡ họ giữa hoàn cảnh nghèo khốn. Cũng chính vì sự lo lắng ấy mà ông đã bất ngờ ngã xuống khi qua Singapore tìm nguồn hỗ trợ xây dựng bệnh viện cho cựu chiến binh vào ngày 20/4/1996.

 

Trần Văn Trà còn là nhà ngoại giao vừa cương quyết vừa khôn khéo trên bàn đàm phán khi dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào Sài Gòn tham gia phái đoàn bốn bên thực thi Hiệp định Paris.

 

Tấm lòng, tinh thần nhân ái của danh tướng Trần Văn Trà đã được gia đình ông tiếp nối, xây dựng hàng trăm căn nhà Tình nghĩa và giúp đỡ cho người nghèo ở vùng sâu vùng xa. Những việc làm thiết thực và nhân văn theo di nguyện của ông. Đó cũng là một di sản văn hóa quý báu của danh tướng Trần Văn Trà, bên cạnh những chiến công lẫy lừng đi vào sử sách của ông!

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Choáng ngợp trước thành phố đá ngàn tuổi
Thứ Bảy, 14/09/2019 13:00 CH
Tô màu cho cuộc sống
Thứ Bảy, 10/08/2019 13:03 CH
Đường về Cà Lúi còn xa
Thứ Bảy, 03/08/2019 10:04 SA
Chuyện một nàng nông dân online
Thứ Hai, 08/07/2019 16:43 CH
Ra Hòn Chùa...
Thứ Bảy, 06/07/2019 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek