11/04/2009 - 20:46

Chol Chnam Thmay - của người Khmer ở Nam bộ

Hằng năm, cứ đến trung tuần tháng tư dương lịch, đồng bào Khmer ở Nam bộ tổ chức lễ Chol Chnam Thmay, còn gọi là Lễ vào năm mới. Lễ vào năm mới còn gọi là “Lễ chịu tuổi”, tức là ngày Tết của người Khmer. Theo quan niệm của đồng bào Khmer thì đây là lúc giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa. Giai đoạn này, cây cỏ trở nên tươi tốt và thiên nhiên đầy sức sống. Chính sự đâm chồi nẩy lộc của cây cối mà người Khmer quan niệm là sự khởi đầu của một năm mới, gọi là Chol Chnam Thmay.

Ngày Tết cổ truyền của đồng bào Khmer ở Nam bộ gắn với một sự tích được lưu truyền từ rất xa xưa. Truyện kể rằng:

Ngày xưa, có một cậu bé tên là Thom Ma Bal rất thông minh, lúc bảy tuổi đã biết đem sự hiểu biết của mình truyền bá cho mọi người, dân chúng rất thán phục và thích nghe cậu thuyết giảng.

 Trong lễ hội Chol Chnam Thmay ở các chùa Khmer Trà Vinh. Ảnh: BÁ THI

Tiếng đồn về tài trí của Thom Ma Bal ngày càng lan rộng, chẳng mấy chốc đã vang đến thượng giới. Các vị thiên thần cũng xuống trần gian xin nghe Thom Ma Bal thuyết giảng. Do vậy, những buổi thuyết giảng của thần Ka Bưl Ma Ha Prum trên thượng giới ngày càng vắng vẻ.

Thần Ka Bưl Ma Ha Prum vốn rất có uy trên thượng giới. Nay thần nghe ở trần gian có kẻ hơn mình, lấy làm tức giận. Thần cho gọi hết các vị thiên thần trở về, cấm không cho xuống trần gian nghe thuyết giảng. Đồng thời thần tìm cách hãm hại Thom Ma Bal. Một hôm, lúc Thom Ma Bal đang thuyết giảng cho dân chúng nghe, Ka Bưl Ma Ha Prum xuất hiện và phán rằng:

- Ta nghe đồn nhà ngươi thông minh xuất chúng, nhưng ta chưa tin điều ấy. Nay ta đặt cho ngươi ba câu hỏi, nếu ngươi giải đáp đúng, ta sẽ cắt đầu mình trước mặt ngươi. Còn nếu không giải đáp được, thì ngươi phải dâng mạng sống của ngươi cho ta.

Không thể từ chối, Thom Ma Bal đành phải chấp nhận trả lời câu hỏi. Thần Ka Bưl Ma Ha Prum liền đặt câu hỏi:

- Ngươi hãy cho biết: buổi sáng, duyên của con người ở đâu? Buổi trưa, duyên của con người ở đâu? Buổi tối, duyên của con người ở đâu?

Hỏi xong, thần Ka Bưl Ma Ha Prum hẹn bảy ngày sẽ trở lại nghe Thom Ma Bal giải đáp, rồi bay trở về trời. Thom Ma Bal suy nghĩ suốt ngày, đêm mà vẫn không tìm được câu giải đáp. Đến ngày thứ sáu, Thom Ma Bal đi lang thang từ sáng đến trưa. Quá mệt mỏi và thất vọng, Thom Ma Bal ngồi nghỉ dưới cây thốt nốt.

Lúc ấy, trên đọt cây thốt nốt có hai con chim đại bàng đang nói chuyện với nhau. Con chim mái hỏi chim trống:

- Ngày mai, ta sẽ đi ăn ở đâu?

- Ngày mai, ta sẽ ăn thịt Thom Ma Bal, chim trống đáp.

Chim mái ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao ăn thịt Thom Ma Bal?

- Chim trống thuật lại chuyện thần Ka Bưl Ma Ha Prum yêu cầu Thom Ma Bal phải trả lời câu hỏi. Nghe xong, chim mái hỏi:

- Vậy có giải đáp được không?

Chim trống tự đắc đáp:

- Thế này, sáng, duyên của con người ở trên mặt, nên ngủ dậy người ta phải rửa mặt cho tươi tỉnh. Trưa, duyên của con người ở trên ngực, nên người ta phải tắm cho mát. Tối, duyên của con người ở dưới chân, nên người ta rửa chân cho sạch trước khi đi ngủ.

Thom Ma Bal ngồi dưới gốc cây, nghe được chuyện của đôi chim, rất mừng rỡ và trở về nhà.

Hôm sau đúng hẹn, thần Ka Bưl Ma Ha Prum tay cầm gươm vàng, đáp xuống gặp Thom Ma Bal. Y lời chim trống nói hôm qua, Thom Ma Bal trả lời ba câu hỏi đó của thần Ka Bưl Ma Ha Prum.

Thần Ka Bưl Ma Ha Prum thua cuộc ngửa mặt lên trời, gọi bảy người con gái yêu xuống trần gian bảo:

- Cha đã thua trí Thom Ma Bal rồi. Theo lời hứa, cha phải chết. Các con hãy cất giữ đầu của cha trong tháp trên đỉnh núi Kay lás - nơi người trần không chạm đến được.

Các con hãy cẩn thận, nếu để đầu cha rơi xuống biển, biển sẽ cạn, nếu tung đầu lên không trung thì trời không có mưa và nếu để đầu cha trên mặt đất thì đất sẽ khô cằn, cỏ cây không mọc được.

Dặn các con xong, thần Ka Bưl Ma Ha Prum tự cắt cổ, trao đầu mình cho con gái lớn và thân của thần biến thành một luồng ánh sáng bay vút lên không. Người con gái lớn đặt đầu của cha trên chiếc mâm vàng, cùng sáu người em đem về đặt trong ngôi tháp trên đỉnh núi Kay lás.

Từ đó, hằng năm đúng ngày thần Ka Bưl Ma Ha Prum tự sát, bảy cô gái đến núi Kay lás luân phiên nhau vào tháp làm lễ rước đầu của cha mình, đi quanh núi Pres sô me ba lần để tưởng nhớ đến người cha đã quá cố.

Tết Chol Chnam Thmay được cử hành trong vòng ba, bốn ngày. Cứ ba năm tết ba ngày là một năm nhuần tết bốn ngày. Hiện nay, ngày đầu của năm bình thường được tính chính xác hơn là ngày 13 tháng 4 dương lịch, còn năm nhuần vào ngày 14 tháng 4 dương lịch.

Người Khmer đón năm mới với ý nghĩa cũng như các dân tộc khác. Ai ai cũng lo để dành tiền nong, gạo nếp, thức ăn, bánh trái, quần áo mới... để dùng trong những ngày tết. Trong những ngày cận tết, người Khmer đều lo trang hoàng nhà cửa, nhất là bàn thờ Phật. Họ làm bánh trái hoa quả đem vào chùa và đem biếu cho những người thân thích.

Ngày lễ chính thức được tiến hành như sau:

- Ngày thứ nhất:

vào 5 giờ chiều, đồng bào Khmer tắm gội, mặc quần áo đẹp, đem theo nhang đèn, lễ vật đi chùa để làm lễ rước Maha Sâng Kran1 mới. Nơi đây, dưới sự điều khiển của một vị Achar(2), mọi người đứng xếp hàng đi quanh chính điện ba vòng để làm lễ chào mừng năm mới.

Sau lễ rước Maha Sâng Kran, mọi người vào lễ Phật, tụng kinh mừng năm mới. Trong đêm, nhiều người ở lại nghe nhà sư thuyết pháp, còn thanh niên nam nữ thì ra sân chùa tham gia các cuộc chơi, múa hát.

- Ngày thứ nhì:

Mọi người làm lễ dâng cơm sớm và trưa cho các vị sư sãi. Theo tục lệ nhà chùa, vào ngày Sóc, ngày Vọng hay ngày lễ, tín đồ đi chùa lạy Phật để tỏ lòng kính Phật, trọng Tăng, góp phần nuôi sống Tăng bằng cách mang cơm và thức ăn đến chùa để mời sư sãi. Trước khi ăn, các sư sãi tụng kinh làm lễ tạ ơn những người đã làm ra vật thực, và cũng để đưa vật thực đến những linh hồn thiếu đói. Sau khi ăn, các nhà sư lại tụng kinh chúc phúc cho thí chủ. Tất cả những vật thực do lòng từ thiện của thí chủ dù ngon, dù dở, các nhà sư cũng phải ăn một chút gọi là nhận lễ, nếu không dùng tới là chê, là có tội.

Buổi chiều, người ta cùng nhau đắp núi cát. Mọi người tìm cát sạch đem về đổ thành đống chung quanh đền thờ Phật, bên ngoài hành lang xung quanh chính điện. Những núi này tượng trưng cho vũ trụ. Sau đó họ làm lễ quy y cho núi và đến sáng hôm sau thì làm lễ xuất thế. Tập tục đắp núi cát bắt nguồn từ một sự tích có từ rất lâu đời của người Khmer ở Nam bộ. Truyện kể rằng, ngày xưa có một người làm nghề săn bắn, từ trẻ đến già giết rất nhiều loài thú. Nhưng nhờ dâng cơm cho các vị sư đi khất thực nên ông được một nhà sư hướng dẫn tích phước bằng cách đắp núi cát trong một ngôi chùa gần nơi ông ở.

Về già, ông đau yếu luôn. Ông luôn bị ám ảnh bởi nghề nghiệp, thấy các bầy thú hung hăng đến đòi nợ oan nghiệt. Nhờ phước đức đã từng đắp núi cát, ông tỉnh táo bảo với bầy thú rằng: cứ đi đếm hết những hạt cát mà ông đã đắp rồi hãy đến đòi nợ ông.

Bọn thú đồng ý, cùng nhau đi đếm cát nhưng không tài nào đếm hết. Chán ngán, chúng kéo nhau đi và người thợ săn cũng hết bệnh. Từ đó, ông cố gắng tích đức làm việc thiện cho đến khi chết. Sau khi chết, ông được lên cõi Tiên.

Do sự tích này mà người Khmer ở Nam bộ vẫn giữ tục đắp núi cát như hiện nay.

- Ngày thứ ba:

Sau khi đem cơm dâng sáng và trưa cho các vị sư, mọi người đem nước ướp vật có hương thơm cùng nhang đèn đến đền thờ Phật làm lễ tắm tượng Phật, kế tiếp là tắm cho các vị sư sãi cao niên. Xong lễ tại chùa, người ta mời các nhà sư đến các ngôi tháp đựng hài cốt, hoặc đến các nghĩa trang, mộ lẻ làm lễ cầu siêu cho vong linh những người quá cố.

Cuối cùng, họ về nhà, làm lễ tắm tượng Phật thờ tại nhà, xong họ mời ông bà, cha mẹ đến để tạ lỗi, xin tha thứ những lỗi lầm thiếu sót trong năm cũ. Sau cùng, họ đem bánh trái, quà dâng cho ông bà, cha mẹ.

Đêm đến, họ tiếp tục cúng bái làm lễ Têvađa - một vị thần chăm lo đời sống cho dân chúng trong năm - mới và tổ chức các cuộc vui chơi cho đến khuya mới chấm dứt.

Trong những ngày tết, không khí ở các phum, sóc, chùa chiền náo nhiệt suốt ngày đêm. Ai cũng tin tưởng rằng năm mới sẽ đem đến thành công, hạnh phúc cho họ hơn năm cũ.

Lễ hội vào năm mới của người Khmer ở Nam bộ không chỉ thể hiện quan niệm của con người về chu kỳ vận chuyển của một năm, lấy mùa mưa làm mốc để đánh dấu thời gian. Mà còn nhằm giáo dục con người về lòng hiếu thảo, về ước mơ hạnh phúc và lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ và những người có công đã qua đời.

TRẦN KIỀU QUANG

(1) Maha Sâng Kran là một quyển lịch, tạm gọi là Đại lịch do các Đại Đức thông khoa thiên văn soạn dùng cho một năm.

(2) Achar: một người tu hành, biết rành các thủ tục lễ bái theo đạo Phật; được nhà chùa giao cho việc hướng dẫn đồng bào làm lễ.

Chia sẻ bài viết