Ruộng bậc thang - kỳ tích của sáng tạo

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/2/2011 | 3:18:52 PM

YBĐT - Việc canh tác ruộng bậc thang của đồng bào Mông ở phía Tây tỉnh Yên Bái mới chỉ được bắt đầu phát triển mạnh vào đầu những năm 60 thế kỷ trước.

Ruộng bậc thang La Pán Tẩn.
(Ảnh: Thu Trang)
Ruộng bậc thang La Pán Tẩn. (Ảnh: Thu Trang)

Quãng hơn 50 năm kể từ ngày phong trào khai phá và canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang ở miền Tây tỉnh Yên Bái bắt đầu phát triển cho đến nay quả là một khoảng thời gian không dài trong một tiến trình lịch sử. Nhưng quãng thời gian ấy đã biến khắp vùng núi cao này ở đâu cũng có ruộng bậc thang không chỉ mang lại sự no ấm mà có nơi đã trở thành di tích danh thắng thì đó thực sự là một kỳ tích của tinh thần lao động cần cù và sáng tạo của người Mông.

Người tiên phong làm ruộng bậc thang ở Yên Bái

Việc canh tác ruộng bậc thang của đồng bào Mông ở phía Tây tỉnh Yên Bái mới chỉ được bắt đầu phát triển mạnh vào đầu những năm 60 thế kỷ trước. Chính bởi vậy, việc vận động người Mông cấy lúa nước ở ruộng bậc thang là vô cùng khó khăn, vì hệ thống thuỷ lợi không có, khí hậu khắc nghiệt, kinh nghiệm sản xuất hạn chế… nên ít ai tin là sẽ được ăn. Tuy nhiên, cũng vào thời điểm này, có một cán bộ người Mông lại rất vững tin là trồng được lúa nước trên ruộng bậc thang. Và chính ông đã được phong Anh hùng lao động. Ông là Giàng A Thào quê ở xã Sùng Đô (huyện Văn Chấn).

Ông Thào không biết chữ nhưng rất nhanh nhẹn, tháo vát, quyết đoán. Những lần đi xuống huyện, ông thấy người vùng thấp cấy lúa nước rất tốt, thóc đủ ăn quanh năm, trong khi đó người Mông làm lúa, ngô trên nương vừa khổ vừa hay mất mùa hoặc thú rừng tàn phá nên cứ đói mãi. Đỉnh Sùng Đô có đất bằng và có nguồn nước để làm ruộng, Nhà nước lại đang vận động nhân dân khai phá ruộng bậc thang để trồng lúa nước, cấp giống và đưa cán bộ lên giúp đỡ về kỹ thuật, vậy tại sao mình lại không làm thử? Giàng A Thào rất trăn trở về điều này rồi ông quyết định vận động người nhà cùng đi khai phá ruộng bậc thang cấy lúa.

Xã Sùng Đô 100% dân số là người Mông nên khi ấy việc khai phá ruộng nước cấy lúa trong suy nghĩ của mọi người quả là chuyện phiêu lưu lắm. Có kẻ xấu còn tung tin thất thiệt. Song, được cán bộ động viên, mọi trở ngại đã không ngăn được quyết tâm của Giàng A Thào. Ban đầu do kỹ thuật và kinh nghiệm chưa có nên kết quả còn rất hạn chế, nhưng rồi thành công cũng dần đến với cánh đồng cả chục ha trên đỉnh Sùng Đô. Tin Sùng Đô làm lúa nước thành công trên ruộng bậc thang bay đi khắp nơi, nhiều người Mông đã tìm về để nhìn tận mắt.

Giàng A Thào được Khu tự trị Tây Bắc mời đi làm chuyên gia mở ruộng bậc thang ở khắp các vùng người Mông sinh sống. Nhiều người còn nhớ đến câu nói rất hài hước của ông là: “Cấy lúa nước thì mình phải nghe Chính phủ, còn làm được ruộng bậc thang thì Chính phủ phải nghe mình”.

Kỳ tích của sự sáng tạo

Cách làm ruộng bậc thang của người Mông thật tài tình và đầy tính sáng tạo. Nơi nào địa hình tương đối bằng phẳng, ít đá, dễ tập kết đá thì vỡ ruộng từ dưới lên. Ngược lại, nơi nào đất dốc, nhiều đá thì vỡ ruộng từ trên xuống. Sở dĩ làm từ trên xuống vì khi đào phải đá to thì còn có chỗ để lăn xuống chân núi. Người Mông trước đây phần lớn không biết chữ nhưng khả năng quan sát địa thế để cắm cây, đặt mốc lấy mặt bằng và tạo hình cho những thửa ruộng thì rất giỏi. Bởi vậy cùng một sườn núi thường có rất nhiều đám to, nhỏ, cao, thấp, hình dạng khác nhau.

Trước đây, người Mông chỉ làm một vụ lúa mùa thì nay nhiều nơi đã làm thêm vụ lúa xuân hoặc trồng ngô, rau màu vụ đông. Làm một vụ là do tập quán để cho đất nghỉ nhằm tái tạo lại độ phì, nhưng nó cũng có nguyên nhân do sự khắc nghiệt của khí hậu vụ đông xuân. Tuy nhiên, dù làm một vụ hay tăng vụ thì việc giữ cho ruộng ở bên sườn núi có nền đất yếu đã canh tác qua nhiều năm mà không bị lở lại là “bí quyết” riêng của người Mông.

 Để làm được điều này, ngoài việc giữ cho bờ kênh của ruộng luôn có độ nghiêng, chân bờ không bị hoắm sâu thì việc điều tiết nước là vô cùng quan trọng. Khi thu hoạch xong, bao giờ người Mông cũng để cho ruộng khô để ngăn nước ngấm sâu vào lòng đất, đồng thời để cho cỏ bờ mọc lên giữ cho bờ khỏi lở. B

ắt đầu vào vụ canh tác, đồng bào cày ải,  bừa ngấu, cấy ngay và sau khi cấy người ta sẽ không tác động mạnh lên nền ruộng nên không lo ruộng bị lở. Nước dưỡng cho lúa cũng luôn được đồng bào kê đạng để cho nước ở mức phù hợp chứ không để quá nhiều nước như ở vùng thấp. Khi có mưa lớn, nguồn nước đổ về theo mương, rãnh, ống dẫn đều được bà con cho thoát đi nơi khác để không phá hỏng bờ ruộng…

Bằng những cách làm sáng tạo như vậy nên bất kỳ ở đâu có địa thế,  địa chất và nguồn nước phù hợp là người Mông có thể tạo thành những thửa ruộng bậc thang. Và chỉ có người Mông mới có nhiều ruộng bậc thang và ruộng của họ cứ tít tắp từ hết triền núi nọ sang núi kia như vùng di tích Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Mùa làm đất thì ruộng như những bậc thang bắc lên tận ngang trời và mùa lúa chín thì mênh mang rừng núi như được dát vàng. Những thang bậc ấm no ấy không chỉ mang lại sự no đủ cho người dân bản địa mà giờ đây nó còn là cảnh quan làm mê đắm du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, nó cũng được đánh giá là một tiềm năng rất lớn về du lịch cảnh quan, du lịch cộng đồng mang đặc thù riêng có của Yên Bái.  

Dự báo diện tích ruộng bậc thang vẫn sẽ tăng lên rất nhiều trong tương lai ở vùng phía Tây tỉnh Yên Bái. Như vậy, ruộng bậc thang tiếp tục khẳng định năng lực canh tác bền vững trên đất dốc của người Mông. Đời sống của đồng bào vùng cao nhờ đó sẽ tiếp tục được cải thiện về lương thực, hứa hẹn Yên Bái sẽ có thêm những khu danh thắng mới về ruộng bậc thang.

Hoàng Nhâm        

Các tin khác
Tổ chức điều tra tài nguyên du lịch nhằm hướng đến hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1177/QĐ-BVHTTDL về Kế hoạch tổng thể tổ chức điều tra tài nguyên du lịch.

Tuyến đường đi bộ dài nhất thế giới bắt đầu từ thị trấn L'Agulhas (Nam Phi) đến thành phố Magadan (Nga)

Cung đường có thể đi bộ dài nhất thế giới xuất phát từ điểm cực nam của châu Phi đến vùng cực bắc nước Nga với tổng chiều dài 22.387km.

Du khách trải nghiệm tắm khoáng nóng tại huyện Trạm Tấu.

Tuy là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn nhưng với thế mạnh trên 94% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều nét văn hóa truyền thống phong phú, đặc sắc riêng có, Trạm Tấu đã chú trọng phát triển văn hóa bản địa góp phần giúp huyện hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

Đẩm sen Vân Hội, Trấn Yên.

Với tiềm năng phát triển du lịch cùng sự hỗ trợ từ các chính sách của tỉnh, thời gian gần đây, Trấn Yên đã dần trở điểm đến để trải nghiệm các hoạt động vui chơi, giải trí cho du khách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục