Từng bước xóa sổ xe máy độ chế

10/05/2021 06:01

Những năm gần đây, trên địa bàn một số huyện, đặc biệt là các huyện biên giới luôn xuất hiện nhiều chiếc xe máy “độ chế” mà bà con nơi đây thường gọi là “ngựa sắt”. Những chiếc xe này thường xuyên lưu thông trên các đoạn đường giao thông liên thôn, liên xã tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Trước tình trạng này, Công an các huyện biên giới thường xuyên ra quân, tuyên truyền và xử lý xe độ chế nhằm hạn chế tình trạng TNGT đáng tiếc có thể xảy ra.

Trong những chuyến công tác về các xã ở các huyện biên giới trên địa bàn tỉnh, chúng tôi dễ dàng bắt gặp không ít chiếc xe máy độ chế lưu thông với tốc độ cao trên các tuyến đường. Những “con ngựa sắt” này được lược bỏ hầu hết phần nhựa không cần thiết, chỉ còn lại khung xe; phần sườn xe độ dài thêm khoảng 30 cm; yên xe độ thành một khung sắt hoặc yên bằng gỗ dài theo thân xe; phần bánh sau và bánh trước lắp thêm 1 - 2 cặp phụt nhún; bình xăng có khi là chiếc can nhựa loại từ 5 đến 10 lít; xi lanh xe từ 100 cc được “đôn” lên trên 120 cc... Đa số những chiếc xe này đều là xe cũ, đặc biệt trong đó có không ít xe không có giấy tờ đăng ký, không biển kiểm soát.

Để “ngựa sắt” có thể “cõng” được 400 - 500 kg chạy vèo vèo các cung đường đèo dốc, chủ nhân của chúng thường mua lại những chiếc xe máy cũ giá tầm từ 3-5 triệu đồng rồi đưa ra các tiệm sửa xe để thuê độ chế với giá từ 2 - 4 triệu và trang bị thêm một số linh kiện. Mục tiêu của những chiếc xe sau khi độ chế là chỉ cần chạy nhanh, mạnh, thậm chí không cần còi, đèn xi nhanh nên khi tham gia giao thông, các xe này không đảm bảo an toàn, dễ gây tai nạn. Các xe này hầu hết được dùng vào việc vận chuyển nông sản của người dân ở các địa hình hiểm trở từ trên rẫy về. Tuy nhiên, không ít chiếc xe máy độ chế này được sử dụng để vận chuyển lâm sản trái phép và điều khiển chạy với tốc độ rất cao, luồn lách vào những đường mòn lối mở nhằm tránh sự kiểm tra, truy đuổi của các cơ quan chức năng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất an toàn giao thông trên địa bàn các huyện.

Xe độ chế vi phạm bị Công an huyện Ngọc Hồi tịch thu. Ảnh: Đ.V

 

Một người dân ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết: Dù biết đây là những chiếc xe độ chế không đảm bảo an toàn, không được phép lưu thông, song do rẫy của bà con thường nằm trên các sườn đồi, đường đi dốc và sự tiện lợi của xe vì chở được nhiều, leo dốc khỏe nên nhiều người dân đã dùng xe máy cũ để độ chế lại nhằm chở sản phẩm sau thu hoạch được nhanh và nhiều hơn. Mỗi chiếc xe máy, sau khi độ chế, có thể chở được 350 - 400 kg là chuyện bình thường. Còn nếu xe máy không độ chế, chỉ chở gần bằng một nửa của xe độ chế đã leo dốc không nổi.     

Nhằm hạn chế tình trạng mất an toàn giao thông và quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, UBND các huyện biên giới trên địa bàn tỉnh đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo lực lượng công an các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý xe ô tô, mô tô độ chế, xe hết niên hạn trên địa bàn quản lý; kiên quyết xử lý người sử dụng, điều khiển phương tiện ô tô, mô tô độ chế. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân về việc không sử dụng, điều khiển các phương tiện ô tô, mô tô độ chế và yêu cầu các cơ sở sửa chữa xe mô tô, ô tô ký cam kết không tham gia độ chế xe.

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Ngọc Hồi, từ đầu năm đến nay, Công an huyện Ngọc Hồi đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý hàng chục trường hợp vi phạm ATGT, trong đó có không ít trường hợp liên quan đến xe độ chế. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đăk Glei, Ia H’Drai cũng phối hợp với các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho hàng ngàn lượt người dân. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân biết việc mất an toàn khi tham gia giao thông bằng xe độ chế.

Thượng tá Trần Anh Tuấn - Phó trưởng Công an huyện Sa Thầy cho biết: Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, từ đầu năm đến nay lực lượng CSGT Công an huyện thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm xe máy độ chế khi tham gia lưu thông trên các tuyến đường. Chính nhờ kiên quyết xử lý xe độ chế nên thời gian gần đây tình trạng xe độ chế tham gia giao thông trên địa bàn huyện Sa Thầy đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, để cấm việc độ chế và hạn chế lưu thông các loại xe này, lực lượng công an các địa phương cũng cần phải triển khai mời các cơ sở sửa chữa xe máy, xe ô tô trên địa bàn ký cam kết không độ chế xe các loại. Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT các huyện biên giới cũng tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân về không sử dụng, điều khiển các phương tiện ô tô, mô tô độ chế và kiên quyết xử lý đối với các xe vi phạm.

BẢO CHÂU

Chuyên mục khác