Tờ biên lai giao nhận tiền ghi ngày 31-5-1975 có chữ ký của ông Trần Đức Vượng.

Hồi bấy giờ, tôi viết tờ giấy giao nhận tiền của đơn vị trong cuốn sổ cá nhân, sau gần nửa thế kỷ đọc lại mới thấy hết ý nghĩa. Các hoạt động của người lính thời kháng chiến chống Mỹ luôn thể hiện sự gắn bó máu thịt với hậu phương miền Bắc. Trong đó phải kể đến nguồn tài chính cho các sinh hoạt hằng ngày của bộ đội ta. Tôi đã từng trực tiếp quản lý công việc nói trên mới thấy hết sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của hậu phương dành cho người chiến sĩ ở nơi tiền tuyến

Một lần, thu dọn các loại giấy tờ trong tủ của gia đình, tình cờ tôi thấy cuốn sổ cũ; trước đây tôi thường ghi chép những việc cá nhân, đã sứt chỉ, các trang bong tróc, ố vàng. Tôi lật xem, bất chợt có trang được ghi làm tờ biên lai giao, nhận tiền cách đây đã trên 48 năm. Lý do có tờ giấy đặc biệt đó là sau ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2-4-1975) Tiểu đoàn 470, thuộc Tỉnh đội Khánh Hòa, chúng tôi về tiếp quản quận Ninh Hòa. Đơn vị được bố trí đứng chân tại hai xã Ninh Bình, Ninh Hà. Thời điểm đó, tôi đang đảm nhiệm công tác tài vụ, nhưng do sức khỏe yếu, tôi phải đi điều trị tại Bệnh viện quân đội 211 (nay là Viện 87). Trước khi đi, tôi bàn giao lại công việc cho đồng chí Trần Đức Vượng - phụ trách công tác hậu cần - tài chính của tiểu đoàn (sau này có thời gian là Thượng tá, Chủ nhiệm Hậu cần Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa). Mọi con số kế toán, tôi đã thể hiện trên sổ sách, kể cả quỹ cuối ngày. Tuy nhiên, tôi còn làm thêm một động tác: Viết vào sổ tay cá nhân thêm một tờ Biên nhận để dự phòng có thể xảy ra trường hợp ngoài ý muốn, nên nó mới lưu lại được đến hôm nay.

Nguồn gốc của khoản tiền trên

Vào khoảng giữa năm 1974, Cơ quan Kinh tài bắc Khánh Hòa cấp cho đơn vị chúng tôi một khoản tiền khá lớn. Đây được coi là kinh phí thường xuyên cho toàn Tiểu đoàn. Nguồn tài chính mà Cơ quan Kinh tài có được là số ngoại tệ từ hậu phương miền Bắc chuyển vào cho chiến trường, trong đó có tỉnh Khánh Hòa. Số ngoại tệ đó đã được cơ sở tại đia phương đổi ra tiền ngân hàng Sài Gòn để hợp pháp hóa trong việc sử dụng hồi bấy giờ. Đề phòng địch có thể càn vào căn cứ, gây tổn thất tài sản của cách mạng, đơn vị nhanh chóng chuyển sổ tiền đã chuyển đổi xuống các đầu mối trên địa bàn để quản lý, sử dụng. Đến nay, tôi không thể nhớ chính xác nhưng số tiền đó đều có mệnh giá lớn. Để cất giữ, chúng tôi phải dùng một thùng sắt chứa đạn đại liên, dung tích 5 lít nước, bao gói để chôn trong rừng. Rất may, là không có người dân nào đi hái rau, tìm nấm phát hiện. Sau này, mỗi khi nghĩ lại, tôi thấy giật mình.

Nguồn kinh phí đó, đơn vị chúng tôi đã chi tiêu cho đến ngày 31-5-1975 còn lại 1.425.000 đồng tiền ngân hàng Sài Gòn. Thử lấy đơn vị vàng để so sánh 1 chỉ vàng, thời điểm đó là trên 10.000 đồng. Số tiền trên quy ra vàng là không dưới 10 lượng; đây là một khoản kinh phí khá lớn.

Các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy của tiểu đoàn chúng tôi không thấy ai đưa ra ý kiến: Trích một phần ngân quỹ đó để mở tiệc, mừng công? Việc chấp hành kỷ luật tài chính của đơn vị chúng tôi ngày đó  hết sức nghiêm túc. Sau khi ở viện về, tôi vẫn tiếp tục công việc cũ. Là đơn vị chiến đấu, quân số đông, nhưng chủ yếu là hạ sĩ quan, chiến sĩ, việc chi phụ cấp - tiền ăn ở mức khiêm tốn; bản thân tôi đã có mặt tại chiến trường trên 6 năm, nhưng cũng chỉ đeo quân hàm Trung sĩ, phải gánh vác một trách nhiệm khá nhạy cảm, liên quan đến một tài sản lớn của cấp trên giao.

Nghĩ về lòng trung thực

Gần đây, qua phương tiện truyền thông, người dân mới biết có những vị được Đảng và Nhà nước tin tưởng trao cho trọng trách lớn, nhưng bị đồng tiền làm lóa mắt, để rồi sa vào vòng lao lý, khi bị đưa ra ánh sáng mới nói lời ân hận, thì đã quá muộn. Tôi luôn nghiêm khắc với người thân và con cháu trong nhà: hãy cố gắng để hưởng thành quả do mình tạo ra, không giả dối, dù biết rằng nó sẽ có lợi cho chính mình. Khi về già, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc, bởi tôi luôn giữ được mình: Sống trung thực!

Phan Trọng Hùng