Cội nguồn Thờ Mẫu

- Tuyên Quang là một vùng đất có nhiều người đẹp và phong cảnh đẹp, nơi có sông núi linh thiêng và thơ mộng. Trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu đã góp phần tạo nên bản sắc của xứ Tuyên. Từ thuở xa xưa Mẫu đã trở thành biểu tượng về người Mẹ, cội nguồn sự sống, sinh tạo giống nòi, giúp nước trợ dân. Mẫu trong tiềm thức dân gian như Mẫu Âu Cơ; Mẫu Thoải; Mẫu Phương Dung và Ngọc Lân; Mẫu Quế Hoa... Đó là những nữ Thần tiêu biểu nhất đã sống bền bỉ trong tâm trí nhân dân xứ Tuyên bao đời nay.

Tục thờ Mẫu ở Tuyên Quang đều liên quan tới truyền thuyết thời đại Hùng Vương. Các danh thần được thờ phụng ở đền Thác Cái, đền Bắc Mục, đình Thác Cấm (Hàm Yên); đền Đầm Hồng (Chiêm Hóa); đền Pác Tạ (Na Hang); đền Hiệp Thuận, đền Thượng, đền Thánh Mẫu Ỷ La, đền Thiềm Cung (thành phố Tuyên Quang)... tạo nên dòng chảy văn hóa tâm linh độc đáo ở một xứ lâm tuyền. Tục thờ Mẫu Thoải (Mẫu thủy) là tín ngưỡng cổ sơ nhất của cư dân Bách Việt, coi nước như người Mẹ ban phát nguồn sống cho muôn loài. Các đền, đình thờ Mẫu đều được xây dựng ở những nơi có cảnh quan tươi đẹp. Xưa, ngày giáp Tết đồng bào Tày, Nùng vùng Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, có tục dán giấy đỏ vào các gốc cây rừng đầu nguồn, thắp hương tế lễ để tỏ lòng biết ơn “Mẹ nước”. Đồng bào Tày có câu: “Khuổi bố mì nặm bẳng lườn bố mì me”. Nghĩa: Nguồn mất nước như nhà mất mẹ, để đề cao sức sống tự thiên nhiên. Tục thờ Mẫu Thoải còn liên quan đến truyền thuyết: Hoàng tử Kim Xuyên lấy con gái Long Vương, cuộc đời nàng tuy trắc trở nhưng sau được hiển linh. Người đời sau tôn nàng là Mẫu Thoải và lập miếu thờ (Đầm Hồng) bên bờ sông Gâm, để cầu mưa, cầu nắng, cầu tự, cầu an…

Tục thờ Mẫu sinh tạo giống nòi, nguồn nước như Bà Thánh Long Mẫu ở đền Thác Cái, tương truyền là người sinh Lạc Long Quân. Trong lời phụng dân gian xưng là: Long Mẫu (Mẹ Rồng). Đền Bắc Mục, ngoài thờ chính thần Trần Hưng Đạo còn thờ Mẫu Âu Cơ (giống Tiên), người vợ của Lạc Long Quân (giống Rồng). Thần phả Đền có ghi: “Đồng phụng Thánh Mẫu nguyên tạo Tiên tông”. Nghĩa: Cùng thờ Thánh Mẫu sinh tạo giống nòi. Theo truyền thuyết bà sinh một bọc trăm trứng nở thành 100 con, 50 con theo mẹ lên rừng, 50 con theo cha xuống bể. Thủy tổ người Việt là con Rồng cháu Tiên.

Rước Mẫu tại Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La năm 2019.

Lệ thờ Mẫu “giúp nước trợ dân” ở đền Hiệp Thuận, đền Ỷ La, đền Thượng. Theo truyền thuyết: hai nàng công chúa con vua Hùng hóa trên sông Lô, được nhân dân tôn làm Thánh Mẫu. Từ xa xưa, trước các thiên tai địch họa, người dân xứ sở đều bái vọng ở các ngôi đền này. Đền Cấm, Tràng Đà thờ bà chúa Thượng ngàn. Trong bài văn tế thời Tự Đức nguyên niên có lời thỉnh công sức của Mẫu “ban phát nguồn nước, thuốc quý, sơn hào”. Trước 1945 có lệ người mắc bệnh hiểm nghèo đến đền Cấm cầu xin để gặp thày gặp thuốc. Những năm hạn hán dân địa phương cũng cầu mưa ở đền này. Đình Thác Cấm (Hàm Yên) thờ Bà chúa Thượng Ngàn, cũng có lời thỉnh Mẹ nước thượng nguồn, nơi có lệ cầu mùa, lễ cây thuốc, hạt giống quý... Đền Pác Tạ (Na Hang) thờ người thiếp của tướng quân Trần Nhật Duật, được hình thành sau các đền thờ Mẫu khác.

Tục thờ Mẫu ở xứ Tuyên là một tín ngưỡng lâu đời của cộng đồng các dân tộc với ý thức hướng tới cội nguồn và khát vọng hòa bình hạnh phúc được hình thành từ môi trường địa lý, lịch sử và tập quán dân gian. Đó là hình thái ý thức cổ xưa nhất đồng hành với quan niệm vạn vật hữu linh trong đời sống của đồng bào. Đó là những thuần phong mỹ tục, có ý nghĩa giáo dục truyền thống và bảo vệ môi trường. Chúng tôi xin lược trình tục thờ Mẫu ở xứ Tuyên vào dịp đầu xuân hàng năm qua một số danh thắng tiêu biểu nhất để bạn đọc hình dung ra cuộc hành trình về nguồn cội trên mảnh đất sơn kỳ thủy tú.

Đền Thác Cái (Đại than thủy khẩu linh từ)

Trên trục Quốc lộ số 2 tại đỉnh dốc Km 64 từ Tuyên Quang đi Hà Giang, phía sườn núi bên trái có một ngôi đền, mặt hướng về phía sông Lô, nơi có một khu đá thác lớn chắn ngang sông. Địa danh có tên nôm: Thác Cái, cho thấy một bức tranh về nơi thờ vọng được hình thành từ tín ngưỡng dân gian. Trong sách Dư địa chí (Nguyễn Trãi) Thác Cái còn có tên là “Tiên thiềm mẫu tử” (Cóc mẹ cóc con), ám chỉ đá thác mấp mô hiểm trở liên kết với nhau. Thác nước chảy mạnh tạo âm thanh lớn nên còn có tên là “Tẩu mã cảng” (Thác ngựa phi). Tấm văn bia cổ trong điện thờ có dòng chữ Hán:“Đại Than thủy khẩu, cảm ứng Long Mẫu nương nương thần vị. Nghĩa: Thác Cái cảm ứng bà Thánh Long Mẫu.

Đền Thác Cái được hình thành từ ý niệm “Mẹ Rồng” nhưng địa danh có liên quan với một hiện tượng thiên nhiên kỳ vĩ. Người xưa sùng bái thủy thần với truyền thuyết về Long Mẫu đồng hành cùng quan niệm vạn vật hữu linh tạo nên biểu tượng Thần linh ngự thác trong tiềm thức nhân dân suốt chiều dài lịch sử. Đây là điểm du lịch đầu nguồn hấp dẫn ở xứ Tuyên.

Đền Hạ - đền Thượng - đền Ỷ La

Du khách khi đặt chân tới trung tâm thành phố Tuyên Quang là tới mảnh đất có ngôi đền Hạ nằm phía bờ hữu sông Lô, trên mái điện có hàng đại tự: Hiệp Thuận linh từ tức đền Hiệp Thuận, nhân dân quen gọi là đền Hạ. Theo Đại Nam nhất thống chí: Xưa có hai nàng công chúa con vua Hùng là Phương Dung và Ngọc Lân một hôm theo xa giá đến bên bờ sông Lô (thôn Hiệp Thuận) đỗ thuyền, nửa đêm giông tố, hai nàng đều hóa bay lên trời. Nhân dân trong vùng lấy làm linh dị bèn lập đền thờ. Đến triều vua Cảnh Hưng, ngày 29 tháng 6 năm Mậu Ngọ (1738) đền được xây dựng chính thức. Sau đó, năm Đinh Hợi (1767) nhân dân lại dựng thêm ngôi đền nữa về phía thượng nguồn bên bờ tả sông Lô thuộc chân núi Dùm thờ công chúa Ngọc Lân, đặt tên là đền Thượng (Thượng tự linh từ), để trấn giữ thủy tai. Truyền thuyết cho hay hai ngôi đền có nhiều linh ứng, nên từ xa xưa hai nàng được tôn làm Thánh Mẫu.

Vào thời Minh Mệnh (1833), sau gặp họa đao binh, dân chúng xã Ỷ La xây thêm một ngôi đền nữa để “tỵ Thần tượng”, tức lánh nạn cho Tượng Thần. Từ đó lại thêm nơi bái vọng gọi là đền Thần Ỷ La (nay là đền Thánh Mẫu Ỷ La) thờ Đệ nhất Phương Dung. Hàng năm xuân thu nhị kỳ vào trung tuần tháng 2 và tháng 7 (Âm lịch). Lễ rước Kiệu Mẫu Đệ nhất Phương Dung bắt đầu từ đền Ỷ La ra đền Hạ, rồi từ đền Thượng cũng đồng hành lễ rước Đệ nhị Ngọc Lân qua sông về đền Hạ để hợp tế, nghi thức uy nghi, có đầy đủ thành phần già trẻ gái trai và khách thập phương tham gia lễ hội. Trong các di sản còn lại hiện nay, gồm 1 chuông cổ thời Cảnh Hưng và 1 khánh lớn thời Duy Tân cùng một số bức tượng thời Lê, nhưng đáng chú ý là 20 bản sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn phong cho đền Thượng và đền Hạ với những mĩ tự cao quý nhất. Di sản của đền Thượng đến nay còn lưu giữ được 12 bản sắc phong từ triều Lê đến Triều Nguyễn. Hiếm thấy một di tích trong gần 200 năm có nhiều sắc phong Thần như vậy! Mỗi lần cấp sắc phong là mỗi lần vua ban những lời hay ý đẹp cho vị Thần nơi thờ phụng. Các đền miếu trên mảnh đất này được các vương triều đặc biệt quan tâm cũng không ngoài mục tiêu quốc thái dân an.

Đền Thánh Mẫu Ỷ La còn lưu giữ được 6 bản sắc phong của 4 ông vua Triều Nguyễn như Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định. Các sắc phong đều đề cao công đức của Mẫu Thần đã giúp nước, trợ dân an lành hạnh phúc bằng những Mỹ tự cao quý.

Đền Hạ, đền Thượng, đền Thánh Mẫu Ỷ La đến nay đều là Di sản lịch sử văn hóa Quốc gia. Điều làm nên vị thế của ba ngôi đền trên là những di sản văn bia, thần phả, sắc phong.

Giá trị nhân văn của tục thờ Mẫu không chỉ ở nghi thức lễ hội hay sinh hoạt miếu đường mà còn phản ánh trong những bài văn tế ở các đình Miếu trên mảnh đất này. Thờ Mẫu là một sinh hoạt văn hóa tâm linh gắn bó mật thiết với người dân xứ Tuyên. Ngoài những ngôi đền thờ Mẫu là chính thần, nhiều ngôi đền, chùa khác vẫn có ban thờ Mẫu, phản ánh ý thức sâu sắc của nhân dân về cội nguồn và ước vọng hạnh phúc. Đó là một thứ đức tin bền bỉ, mang đậm đà bản sắc dân tộc. Ở đâu cũng “một lòng thờ mẹ kính cha” đó là lẽ sống muôn đời của người dân xứ Tuyên và người dân đất Việt.

PGS. TS. Trần Mạnh Tiến