Văn bia chùa Hương Nghiêm: Một An Khang rực rỡ

- Tại chùa Hương Nghiêm, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang có bài văn bia từ thế kỷ 16, là một trong những tư liệu thành văn quý hiếm. Nội dung văn bia cho thấy một vùng quê An Khang thời kỳ ấy rất sầm uất, rực rỡ.

Chùa Hương Nghiêm.

Theo các tài liệu lịch sử, Văn bia chùa Hương Nghiêm được tạc vào ngày 27 tháng 2 niên hiệu Đại Chính thứ 8 đời Thái Tông Mạc Đăng Doanh (năm 1537). Bài Văn bia do 2 vị đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1535), chức Tu thân doãn, Hiến sát sứ Thanh hình, Hiến sát các sứ Tuyên Quang, Triều liệt Đại phu Ngô Hoằng Trinh hiệu là Trinh Túc soạn và vị Thông chương đại phu, Tri phủ Yên Bình, hàng Công khanh là Đỗ Bá Chiêu hiệu là Huỳnh Phủ viết chữ. Chùa Hương Nghiêm lúc đó nằm trên địa bàn huyện Cảo Sùng, trấn Tuyên Quang.

Nội dung bài văn bia như sau:

“Cả huyện Cảo Sùng đều là núi, giữa huyện có một gò núi hơi thấp, nhưng là trung tâm gọi là núi Hương Nham. Trong núi có hang nhũ, đã lâu đời rồi, đó là động Hương Nham. Trước động, có dòng nước uốn quanh như rồng cuộn gọi là Vị giang. Sau động, xe ngựa tấp nập trên đường, đó là đường cái quan. Phía tây động nhà xây san sát, đó là nha môn Đô đường; phía bắc động, tường vây trùng điệp, đó là trụ sở Hiến ty vậy. Giữa động, hương bay ngút trời, ấy là cung Phật vậy.

Sửa cũ làm mới, ngói son lớp lớp. Trước cung phật là nhà thiêu hương 3 gian. Ngày rằm, mồng một, các sãi vãi tấp nập đổ về, các tăng ni cúi đầu tụng niệm. Gặp khi trời đất bất thường, cần cầu tạnh, thì trời trong khí mát; cần xin mưa, thì mưa móc rộng ban. Sự linh ứng của chùa thật khôn lường vậy. Người khai sáng ra chùa là ai? Đó là Hiến sát sứ Ngô Nghiêm Khê và Hiến sát sứ phó Vũ Trạch Xuyên vậy”.

Còn bài minh trên tấm bia có nội dung:

Động u nhi cổ, nham sấu nhi hương,
Sáng tự khắc thạch, địa cửu thiên trường.

Dịch nghĩa:

Động sâu mà (có vẻ) cổ kính
Trái núi dáng nhỏ mà lại có hương thơm bay
(Nơi đó) xây dựng chùa và tạc bia đá
(Để cho) muôn thuở (cùng với) trời đất

Bài minh được PGS. TS Trần Mạnh Tiến - nhà nghiên cứu văn học sử xứ Tuyên dịch thành thơ rất uyển chuyển:

Động sâu in dấu tích xưa
Núi thanh thanh dáng, hương đưa ngạt ngào
Dựng chùa bia tạc năm nào
Đất trời bền vững biết bao tháng ngày.

Đại đức Thích Thanh Tân, trụ trì chùa Hương Nghiêm giới thiệu văn bia.

Nội dung cả bài ký và bài minh trên bia chùa Hương Nghiêm đều cho thấy chùa rất linh thiêng, khiến các quan lại trị nhậm vùng Tuyên Quang và muôn dân trong vùng muốn mưa thuận gió hòa, được mùa no ấm thường đến chùa cầu đảo.

Đặc biệt, nội dung bài ký cho thấy vùng An Khang khi ấy rất sầm uất. Nhà nghiên cứu, nhà báo Phí Văn Chiến, dẫn sách Kiến Văn Tiểu lục - Tuyên Quang trang 405 - NXB Văn hóa - Thông tin xb năm 2007 cho thấy, năm 1537 thời kỳ Nam - Bắc triều, lỵ sở của trấn Tuyên Quang đã đặt ở Thúc Thủy nay là xã An Khang thành phố Tuyên Quang. Tài liệu cổ này cũng cho thấy, giữa năm 1721 đời vua Lê Dụ Tông hiệu Bảo Thái, thì xã Thúc Thủy (nay thuộc địa bàn xã An Khang) là lỵ sở của trấn Tuyên Quang. Như vậy, lỵ sở này tồn tại ở xã Thúc Thủy tới 185 năm.

Chính vì vậy, văn bia chùa Hương Nghiêm cho thấy An Khang khi ấy chính là một trung tâm kinhtế -  chính trị - xã hội với “ngựa xe tấp nập”, “nha môn Đô đường”,  “nhà xây san sát”, “tường vây trùng điệp”, “trụ sở Hiến ty”. Sự phồn hoa đông vui ấy có phần hơn nhiều giai đoạn sau này.

Văn bia tả rõ khung cảnh chùa “Giữa động, hương bay ngút trời”, “sãi vãi tấp nập đổ về, các tăng ni cúi đầu tụng niệm” cũng chứng tỏ ngôi chùa luôn đông đúc. Còn “cần cầu tạnh, thì trời trong khí mát; cần xin mưa, thì mưa móc rộng ban” là bằng chứng về sự linh ứng của ngôi chùa.

Ngày nay, Chùa Hương Nghiêm đã được tu bổ, tôn tạo to đẹp, với tượng Niết bàn nằm dài 27 mét, chuông đồng 1.400 kg, hồ tịnh tâm, bảo tháp, lầu vọng cảnh… nguy nga, phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân.

Cùng với thời gian, tấm bia chùa vẫn còn đó với bài ký, bài minh cùng phần ghi họ, tên, quê quán các vị viên chức (đề lại) trong vùng và tên các tín thí cúng tiền xây chùa.

Tiến sỹ lịch sử Triệu Quỳnh Châu, giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số - Đại học Khoa học Thái Nguyên khẳng định, Bia chùa Hương Nghiêm là tài liệu lịch sử quý hiếm trên đất Tuyên Quang, rất cần được các nhà khoa học nghiên cứu để thế hệ hôm nay và mai sau đang say sưa với các ngoại ngữ và kiến thức mới có thể hiểu được kho thư tịch đồ sộ viết bằng “chữ thánh hiền” xưa, từ đó mà đi sâu khai thác, tìm hiểu lịch sử và văn hóa dân tộc.

Đại đức Thích Thanh Tân, trụ trì chùa Hương Nghiêm - một nghiên cứu sinh ngành Hán Nôm cho biết, đã có nhiều nhà nghiên cứu đến chùa tìm hiểu tấm bia đá cổ. Nhà chùa đang dự định tạc lại bài văn bia cùng danh sách tín thí trên một tấm bia đá mới, có cả phần dịch tiếng Việt, đặt tại nơi dễ thấy để du khách thập phương được biết. Còn tấm bia cổ vẫn sừng sững trên vách đá gần cửa hang, sẽ được làm đường lên dễ dàng cho người muốn nghiên cứu nguyên bản tìm hiểu.

Đó cũng là sự tiếp nối lịch sử, làm chứng tích về việc xây dựng ngôi chùa đẹp đẽ và linh thiêng tại một vùng đất xứ Tuyên từ xa xưa đã vô cùng rực rỡ.

Hà Linh

Tin cùng chuyên mục